24/10/2006 13:30 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 7: Chàng ký giả "nhiều tít"

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - Tuổi thanh xuân của ông vật lộn với những cam go, với sống còn, với lòng can đảm hy sinh, sự lựa chọn con đường. Gay go khủng khiếp, cần sự quật cường...

Những năm 60, khi ông Phạm Xuân Ẩn bắt đầu trở thành phóng viên của Việt Nam Press Reuters; 1964-1965 là phóng viên của the New York Herald Tribune, rồi tuần báo Time từ 1965-1976; xã hội miền Nam đầy những biến cố. Hàng chục vạn lính Mỹ và chư hầu đổ vào. Nạn đĩ điếm “bùng phát” đến nỗi thượng nghị sĩ Mỹ J. William Fulbright, trưởng ban đối ngoại Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ đi Nam Việt Nam năm 1966 về nước đã nói rằng: Mỹ đã biến Sài Gòn thành một nhà chứa khổng lồ.

Trên tờ Le Monde của Pháp có bài viết về một Sài Gòn ngập ngụa trong ba làn sóng: bán dâm, tham ô và nạn chợ đen. Người ta nói rằng chính phủ thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ thành lập một công ty kinh doanh nghề mại dâm. Còn tổng trưởng Bộ Xã hội thì khoe: Nghề gái điếm phát triển tới mức trở thành một trong những nghề có tổ chức tốt nhất.

Sài Gòn, nơi lương tâm và lòng yêu nước không bao giờ lắng, đã có cả một phong trào đấu tranh chống văn hóa đồi trụy và nô dịch của Mỹ, bảo vệ thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Trong tình hình ấy, riêng chỉ là một nhà báo, ông Ẩn phải “lặn sâu” vào mọi giới trong xã hội. Ông không chỉ quen với đám xì ke ma túy tới độ qua xem họ chích trên đường Lê Lai, chơi với cả ông trùm. Ông tận mắt quan sát họ trong tình trạng ngà ngà hoặc thiếu thuốc, vật vã. Lâu lâu ông cũng viết những bài điều tra xã hội, mặc dù công việc chính của ông là một chuyên gia về phân tích chính trị, quân sự và chuyên viết chiến tranh.

“Tôi có nhiều tên lắm. Họ gọi tôi là chuyên viên đảo chính vì luôn viết về quân sự, về biến cố chính trị và các cuộc đảo chính. Là “tiến sĩ Cách mạng” cũng vì chuyên viết về các đổi thay thời cuộc”. Ông cũng có cái tên giảng viên sinh lý cho các cô “tứ thời” thường đến ngồi bàn với ông Ẩn tại “đại học Continental” (nhà hàng) chờ khách. Tên là “bác sĩ chó” vì Ẩn biết chữa bệnh cho chó của các bà bạn đầm. “Tôi nhiều tít lắm” - Ông Ẩn còn kể ra thêm một cái tên lạ người ta đặt cho là “giáo sư Sexology”: Lúc chiến sự tạm yên, để đổi đề tài, ông hay viết về các cô gái điếm, vũ nữ. Thời đó, nhân viên bảo vệ thuần phong mỹ tục hay bắt các cô vũ nữ lố lăng và họ thường biết ơn vô cùng “ông nhà báo” hào hiệp, có uy đã quen cò mà xin tha cho các cô. Không chỉ dân xì ke ma túy có thể nói dóc với ông ngay bên bàn đèn, khi ông ngồi coi người ta tiêm thuốc, Ẩn còn được các cô vũ nữ giúp kể nhiều chuyện về cuộc sống đưa đón khách để làm tài liệu viết bài. Ông có thể kể cho bạn đọc cuộc sống các cô ra sao khi lấy Mỹ, nếu rủi có con không nuôi được thì cho ở đâu. Cũng có khi ông đi cùng ký giả Mỹ làm các cuộc phỏng vấn tận Quy Nhơn.

“Những ký giả kiểu đó, an ninh bám theo ngay”, ông Ẩn nhớ lại chuyến đi cùng một nữ ký giả Mỹ vào đúng thời gian quân Mỹ bị tấn công lẻ ở bất cứ chỗ nào. Phong trào diệt Mỹ của quân dân ta đang lên cao. Những ổ gái điếm cũng có lúc gặp khó khăn, ế hàng vì lính Mỹ được lệnh cấm vào những chỗ đó nguy hiểm. Việt Cộng thường tận dụng diệt Mỹ trong các sào huyệt ăn chơi, lơ là mất cảnh giác. Trong chuyến công tác đó, ký giả Ẩn ở tại nhà tỉnh trưởng còn nữ ký giả Mỹ ở nhà một tướng Mỹ. Khi thâm nhập thực tế, họ đi dọc theo các Snack-bar, tiệm nước dọc bờ biển, hỏi chuyện các cô nàng đang ế khách. Ngồi trong tiệm, lâu lâu thấy bóng lính Mỹ, một cô mời gọi: “Come on, boy, no vi-xi, no vi-đi (V.C - Việt Cộng; V.D - Venereal Diseases). V.D là tên của bệnh giang mai khó chữa. Lúc đó thuờng được gọi là bệnh Okinawa do lính Mỹ bên đó mắc phải và đã nhờn với kháng sinh thường dùng. Kháng sinh chữa không ăn thua. Vì sao ký giả đi kiểu đó bị an ninh “bám?”

“An ninh rất sợ ký giả phản ánh thực trạng tồi bại của xã hội. Họ đi theo giải thích cho ký giả hiểu là đừng có viết những mặt trái đó”. Chẳng qua là chuyện xã hội bình thường, đừng viết nhá! Đời sống khó khăn. Nông thôn ra. Bị gạt. Nhưng đâu phải vậy. Làm sao lừa được người ký giả đã biết rõ mọi điều. Ăn chơi của đám có tiền đã lên đến đỉnh cao: họ phải hoán đổi cả gái nhảy từ Hồng Kông, đổi món. Ở Sài Gòn, trong các nhà hàng Mỹ Cảnh, Tự Do, Chợ Lớn… dân chơi không còn thích nhảy với vũ nữ quen. Chuyện này một ông bạn của Ẩn đã gặp trong một chuyến đi Hồng Kông. Người bạn đó không biết nhảy đầm nhưng được mời vào phòng khiêu vũ. Đụng một cô vũ nữ không nhớ là ai, vậy mà cô ta reo lên “Hà, anh Hải ở Xây Cung (tức Sài Gòn) mới qua hả?” Hỏi cô ta làm gì ở đây, cô nói “Đổi qua. Mai mốt chuyển về Xây Cung lớ”.

Ông Ẩn hay kể chuyện trào phúng về cái nghề làm báo của mình. Câu chuyện vui ông nói là của Mỹ hẳn hoi khỏi ai chê trách. Con của ký giả nọ một hôm đi học, cô giáo hỏi ba làm nghề gì? Nhà báo. Báo nào con không biết. Con về hỏi ba, cô hỏi ba bạn, bạn nào trả lời cô cũng hiểu. Bác sĩ, biết khám bệnh. Luật sư, giáo sư, lái xe cô đều hiểu cả, chỉ có nhà báo là con cũng không biết giải thích thế nào. Mẹ nói: giải thích dễ lắm. Con mẹ nào đó, thằng cha nào đó không làm được nghề gì hết vì không có bằng cấp. Luật sư, bác sĩ, lái xe phải có bằng. Thằng này không có bằng cấp nào nên nó không làm được gì hết đành đi làm báo. Viết sao cho người ta đọc được thì viết. Nó làm mấy nghề khác không được.

Những chuyện kiểu “tiếu lâm” ấy ông Ẩn nói về nghề mình vừa có chất tinh nghịch lại như có một chút gì đó giải thích cho những gì “kỳ cục” mà ông đã sống qua. Nói như chế giễu vậy nhưng ông yêu nghề báo lắm, hết lòng với nghề. Rồi như nó “vận” vào ông thật, đứa con gái của ông đi học lớp hai, cũng được hỏi rằng ba làm gì. Nó giải thích nghề ký giả của ba như sau: Thấy ba toàn ra tiệm ngồi ăn, tán dóc, tới tháng mấy ông Mỹ trả lương cho ba đem về cho má đi chợ!

Ông giải thích thêm: đã là ký giả hồi đó thì thấy biểu tình, có chém chết nó cũng chụp ảnh viết bài. Thượng vàng hạ cám cái gì đám báo chí cũng tìm biết. Vì thế an ninh nó theo là phải: ký giả tụi tôi có “mùi hôi tanh” ngửi thấy từ xa. Phải chăng ông đang nhớ lại những tháng năm lăn lộn với nghề, vừa làm một nhà báo giỏi thực sự cho tòa báo của mình, vừa có thể từ vị trí nhà báo được tin cậy mà có nhiều nguồn trung gian quan trọng lấy được tin tức cho cuộc chiến đấu của dân tộc mau thắng lợi.

Ngày nay, chúng ta sống ở một thời đại mà thông tin, báo chí phát triển đến mức con người lại phải đối mặt với sự loạn tin tức, chắc hẳn có người sẽ mỉm cười khi nhìn về thời gian làm báo của quá khứ. Nó có vẻ đơn giản? Hay là mọi sự đã tiến lên nhanh quá? Khi các nhà báo phương Tây đã từng hành nghề ở Sài Gòn nay trở lại chốn xưa, họ cũng đã phải kinh ngạc miêu tả sự biến đổi của đất nước này. Chi tiết cỏn con về người con trai một chủ tiệm café chìa cuốn bài tập Oxford nhờ chỉ cách dùng điều kiện cách, một thanh niên dọn cây đổ cũng biết đài VOA đêm qua giảng đến bài số mấy - chi tiết cỏn con đó khác xa với hình ảnh đất nước này khi xưa họ biết.

Tác giả Edith Lederer lái xe từ Sài Gòn ra Đà Nẵng cố tìm các đài kỷ niệm chiến tranh xưa và ông đã nhận ra rằng căn cứ quân sự Đà Nẵng của thủy quân lục chiến năm 1965 đã biến mất trước vẻ nhộn nhịp của một trung tâm thương mại lớn của thành phố đang mọc lên. “Căn cứ Mỹ tại Biên Hòa nay trở thành một đống xà bần to quá xá và The Brinks, căn cứ Mỹ cuối cùng tại Sài Gòn, nay sắp bị san bằng”.

Họ có thể trở lại đất nước này, ngửi lại không khí sặc mùi xăng không phải của chiến trận, mà là cái bệnh ô nhiễm của xứ sở phát triển biến đổi nhanh. Họ có thể thấy sân thượng của Continental, nơi ngày xưa những phóng viên nước ngoài viết chiến tranh lui tới, nay ở đó có bán Pizza. Khách sạn Hoàng Gia chốn tiêu hoang của dân nhà báo xưa, nay là nơi bán kem Ý. Khá nhiều người Mỹ và phương Tây giờ đây lái xe, du khảo, chạy vì hòa bình trên con đường quốc lộ, mà “adrenalin trong cơ thể không còn phải lên từng cơn qua mỗi khúc quẹo như thời chiến tranh không có Việt Cộng phục kích thì cũng có Mỹ ném bom”. Thậm chí Peter Arnett còn nhận xét rằng để kinh doanh du lịch, người Việt Nam không thờ ơ với cảm giác của du khách và đã “thương mại hóa cả các chiến trường” - đó là các tour đi Khe Sanh…

Thì nói làm gì, khi thời đại đã thay đổi lớn lao con người cũng gặp cả những thảm họa mới. Từ trước đến nay các chuyên gia nghĩ rằng các bệnh mới, gay cấn, thách đố nhân loại, do virus gây ra, đều bắt nguồn từ đột biến gen. Nhưng bây giờ điều đó không đáng sợ bằng ảnh hưởng của việc xã hội loài người biến đổi. Người ta lấy thí dụ một con HIV đã có từ lâu ở Châu Phi. Nó không lộng hành như những năm 70, 80, mà hàng thế kỷ nó không vượt biên giới để đi đâu cả. Những năm 60 được gọi là những năm “không vượt qua lũy tre làng”. Chỉ đến khi giao thông vận tải và du lịch phát triển, nó đã đưa mọi thứ đến.

Trước đó thì chiến tranh, sau này là mậu dịch và du lịch khiến con người từ lũy tre làng đi đến tận cùng cuối đất, nhìn thấy mọi nền văn hóa. Chỉ không đầy một thế kỷ, nhiều thứ đã thay đổi, và tốc độ của đô thị hóa, của lối sống con người, của khai thác đất đai, của du hành bằng máy bay đã thu nhanh bước của virus. Bao nhiêu là vấn nạn, bao nhiêu là lãng quên!

Thì chàng ký giả trẻ ngày ấy, nay đã ngoài 70 tuổi rồi còn gì. Tuổi thanh xuân của ông vật lộn với những cam go, với sống còn, với lòng can đảm hy sinh, sự lựa chọn con đường. Nó cũng gay go khủng khiếp, cần sự quật cường. Có thể nhìn thấy cái bối cảnh mà thế hệ ông đã sống, qua vài con số. Bức tranh còn lại là 15 triệu tấn bom đã ném xuống nay vẫn còn 300 ngàn tấn chưa nổ. 3 triệu người chết, 4 triệu người bị thương, 2 triệu người nhiễm chất độc hóa học, 170 ngàn người già mất người thân phải sống nhờ xã hội…

Nếu đứng lùi để nhìn lại bức tranh ấy, với hình ảnh một con người không mang súng đạn phải đương đầu. Ông đã như mọi người khác ở Việt Nam phải nếm trải. Nhưng cũng có thể nhìn từ một vị trí khác, góc độ khác sẽ thấy một hình ảnh của cuộc đời lạ lùng.

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên