17/06/2014 08:46 GMT+7

Không đồng tình tăng tuổi hưu

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và lộ trình thực hiện đã không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 16-6 về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đừng trở thành “gánh nặng” cho các đồng nghiệp trẻĐừng để học sinh gọi cô giáo bằng bàCó nên tăng tuổi hưu?

pVs0a207.jpgPhóng to
"Không nên vì không quản lý được quỹ bảo hiểm mà phải bắt thay đổi Luật lao động" - Đại biểu, thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh)

Phiên thảo luận “nóng” nhưng còn đến 22 đại biểu đăng ký và không đủ thời gian phát biểu. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết cần thiết sẽ tổ chức một hội nghị chuyên trách để tiếp tục thảo luận.

Tăng tuổi hưu: hạ sách

Với lý do để cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động (tức tăng tuổi nghỉ hưu). Theo đó, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ (hiện là 55 tuổi) và 62 tuổi đối với nam (hiện là 60 tuổi). Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại (trừ lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu), cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt mức tuổi nói trên đối với nam và nữ. Theo đề xuất trên, sau 15 năm (năm 2031) thì tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ đạt 60 tuổi và sau sáu năm (năm 2022) thì tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) bình luận: đề xuất nâng tuổi đời hưởng lương hưu theo dự thảo luật sửa đổi lần này cũng là một sáng kiến pháp luật. Tuy nhiên, Luật bảo hiểm xã hội thuộc ngành luật lao động, nhưng trong Luật lao động thì chưa đặt ra vấn đề này, vậy thì liệu bước đi như vậy đã thích hợp chưa? Theo đại biểu Hạnh, để cứu vãn nguy cơ mất cân đối của quỹ hưu trí trong tương lai bằng cách nâng tuổi đời nghỉ hưu như dự thảo, “tôi cho rằng là hạ sách, lợi bất cập hại”.

Đại biểu, thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị thực hiện đúng quy định người lao động được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, “không nên vì không quản lý được quỹ bảo hiểm mà phải bắt thay đổi Luật lao động” - đại biểu Thanh Quyết nói. Tương tự, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): “Không đồng tình với quy định về nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2016 trở đi”. Theo đại biểu Cương, nếu bộ máy tốt và quản lý tốt thì không cần phải tăng độ tuổi nghỉ hưu.

Giải trình thêm tại thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định của Bộ luật lao động một cách cụ thể hơn, mở rộng đối tượng hơn (nâng tuổi hưu với những nhóm người lao động, lĩnh vực vừa nêu) với hướng làm thế nào để góp phần tăng thu cho quỹ. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, về tăng tuổi nghỉ hưu cũng tính trên nguyên tắc đảm bảo ổn định và trách nhiệm lâu dài đối với quỹ bảo hiểm xã hội, nên có dự kiến phương án như lộ trình trong dự thảo mà các đại biểu đã phân tích.

u0wmMMUM.jpg
"Tiếp tục nghiên cứu quy định của Luật lao động một cách cụ thể hơn, mở rộng đối tượng hơn làm thế nào để góp phần tăng thu cho quỹ" - Bà Phạm Thị Hải Chuyền (bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội)

Băn khoăn lấy tiền BHXH chi cho quản lý

Trong khi đó, nhiều ý kiến của đại biểu không đồng tình với quy định trong dự thảo luật là mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội dựa trên tổng số thu, tối đa không quá 3%. Đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) cho rằng việc định mức chi tối đa không quá 3% là không có cơ sở khoa học và không thuyết phục được người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Ông Phụng cho biết qua nghiên cứu số liệu cho thấy mức chi tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức ngành bảo hiểm xã hội từ năm 2012 bằng 1,8 lần chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. “Bảo hiểm xã hội cũng là một tổ chức hoạt động mang tính chất hành chính sự nghiệp, vì thế tôi đề nghị chi phí quản lý cho bảo hiểm xã hội nên tính như chi phí của đơn vị hành chính sự nghiệp là phù hợp hơn” - ông Phụng nói.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn theo con số thực tế thì chi phí quản lý bộ máy của bảo hiểm xã hội tăng khá nhanh, từ năm 2007 đến năm 2012 bình quân tăng 1,25-1,44%/năm. Chỉ tính riêng năm 2013 chi phí quản lý tương đương gần 3,5% tổng số thực thu bảo hiểm xã hội. “Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng chi phí quản lý của bộ máy bảo hiểm xã hội phải lấy từ ngân sách nhà nước chứ không thể lấy tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, vì tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động phải được chi trả cho người lao động”. Đại biểu Cương đề nghị bỏ quy định sửa đổi, bổ sung về chi phí của bảo hiểm xã hội không quá 3% lấy từ tổng số thu bảo hiểm xã hội hằng năm. Đại biểu Cương cũng cho rằng ngay cả quy định lấy từ khoản tiền sinh lời để đỡ gánh nặng cho ngân sách cũng cần phải cân nhắc và cần phải khống chế mức phần trăm nhất định.

Xin ý kiến đại biểu Quốc hội 2 hay 3 mức tín nhiệm

Trước khi kết thúc phiên họp chiều 16-6, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thông báo đến các đại biểu Quốc hội với nội dung các bộ phận chức năng đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

* Chiều 16-6, Quốc hội đã thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN. Trước khi thông qua toàn văn, Quốc hội đã thông qua riêng hai điều, gồm: điều 4 về nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và điều 44 về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên