04/04/2014 09:15 GMT+7

Né trạm cân, xe tải nằm hàng loạt trên quốc lộ

TẤN VŨ - M.VINH - C.THÀNH - HOÀI TRUNG - NGUYÊN LINH
TẤN VŨ - M.VINH - C.THÀNH - HOÀI TRUNG - NGUYÊN LINH

TT - Ngày 3-4, hàng loạt xe tải nằm trên quốc lộ đoạn giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng vì đội liên ngành gồm thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và cảnh sát trật tự đã đưa trạm cân di động vào hoạt động tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Thấy trạm cân, cả đoàn xe tải "đứng nhìn"Lập 8 đoàn kiểm tra quá tảiĐồng loạt cân xe trên các quốc lộ trọng điểm từ ngày 1-4

mHqMtJ83.jpgPhóng to
Xe quá khổ quá tải bị xử phạt, đang chờ hạ tải tại trạm cân số 15 ở Nghệ An - Ảnh: V.Toàn

Từ hơn 10g sáng, lúc trạm cân này hoạt động, trên quốc lộ 1 từ xã Điện Thắng Bắc (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) kéo dài đến trạm thu phí cửa ô phía nam của TP Đà Nẵng đã có rất nhiều xe tải xếp hàng.

Những chiếc xe khác chất đầy hàng hóa nặng nề cũng tấp vội vào lề đường hoặc cây xăng, quán cơm hay quán cà phê để tìm nơi trú ẩn.

Nhiều tài xế dừng xe mắc võng dưới gầm xe tải đánh giấc ngay trên quốc lộ. Tình hình xe tải xếp hàng càng dài thêm khi các tài xế chạy trên quốc lộ ra dấu cho các tài xế biết phía trước có trạm cân đang hoạt động.

Neo xe đợi vượt trạm cân

Mới ra quân, cân đã bị đâm hỏng

Ngay trong ngày đầu ra quân 1-4, trạm cân xe quá tải ở Hải Phòng đã gặp phải sự cố xe container không chấp hành hiệu lệnh, chạy tốc độ cao đâm vào làm hỏng đường dẫn lên cân. Sau khi sự cố xảy ra, Thanh tra giao thông, Sở GTVT Hải Phòng đã báo cáo vụ việc lên Tổng cục đường bộ VN, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) và đề nghị bổ sung đường dẫn trạm cân mới. Các thiết bị đã được lắp đặt và trạm cân sẽ tiếp tục kiểm tra lại từ hôm nay (4-4).

Theo biên bản vụ việc, chiều 1-4 lực lượng chức năng kiểm tra một xe container chạy từ cảng Đình Vũ ra đường 356. Tuy nhiên lái xe đã không chấp hành hiệu lệnh mà tự ý đưa phương tiện giữ nguyên tốc độ trèo qua trạm cân làm đường dẫn đến trạm cân bị cuộn lại, hư hỏng và việc kiểm tra xe quá tải phải tạm dừng.

THÂN HOÀNG - VŨ TOÀN

Tài xế Huỳnh Văn Triều với xe khách chở đầy hàng từ Đồng Nai ra Bắc cho biết trước mắt anh phải dừng xe chờ trạm cân này nghỉ thì cho xe qua.

Anh Triều không giấu giếm: “Xe đang quá tải. Qua trạm chắc chắn bị phạt nặng nên dừng cho chắc ăn. Tiền lãi không bằng tiền phạt, dại gì qua”.

Trong khi đó tại phía bắc của trạm cân này từ Hòa Châu đến ngã ba Huế, xe tải vắng lặng trên quốc lộ nhưng ở các bãi giữ xe có hàng loạt xe tải phủ bạt ken kín nằm chờ.

Ông Nguyễn Hồng Năm, phó chánh thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết trong hơn một giờ trạm cân di động này chỉ cân được 4 chiếc xe nhưng không có xe nào vượt tải.

Các xe tải đi qua đây đa số biết chắc xe họ không quá tải hoặc trong tình trạng không tải. “Nếu có tải chắc họ trốn hết rồi!” - ông Năm nói.

Cũng trên quốc lộ 1 tại đoạn qua xã An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên), sáng qua nhiều xe tải nặng dừng dọc đường chờ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại trạm cân lưu động nghỉ để qua trạm.

Đây là ngày thứ ba liên tiếp diễn ra tình trạng này. Các xe tải xếp thành hàng dài nối đuôi nhau trên quốc lộ hoặc núp trong các cây xăng, quán cơm, đậu thành từng nhóm cả chục xe trong các bãi đất trống gần trạm cân để “canh me” cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nghỉ giữa ca hoặc nghỉ hẳn là cho xe vọt qua trạm cân xe lưu động của tỉnh được bố trí tại trạm cảnh sát giao thông An Mỹ.

“Đợi mưa” qua trạm

Còn trên quốc lộ 20 đoạn qua thị trấn Đạ Mri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, chiều 3-4 hàng loạt xe chở đá từ mỏ đá Đạ Mri tranh thủ lúc trạm cân số 10 tạm dừng hoạt động do trời mưa hoặc giao ca đã ùa qua vị trí đặt trạm cân.

Có mặt tại thời điểm xe vượt trạm, ông Lê Văn Trường, phó trạm trưởng trạm cân số 10, quan sát và cho rằng tất cả các xe này đều quá tải từ 30-40% tải trọng cho phép.

“Rất khó để phạt được các xe này do tài xế đã canh thời điểm nhằm lúc không có lực lượng làm nhiệm vụ là qua trạm”, ông Trường nói.

Tương tự, dưới chân đèo Bảo Lộc cũng có năm xe chở alumin chuẩn bị qua trạm. Khi được biết trạm cân tạm ngưng hoạt động, lập tức đội xe chở alumin nhanh chóng lui xe ra khỏi bãi đậu chuẩn bị xuất phát.

Hầu hết các thời điểm đội kiểm tra tải trọng giao ca thì 20-40 chiếc xe tải đã đợi sẵn ở hai đầu trạm cân ùa qua khiến nhân viên trạm cân trở tay không kịp.

Theo số liệu thống kê của trạm cân số 10, đa số xe chở alumin đều vượt tải trọng cho phép (48 tấn) nhưng không quá 10% tổng trọng lượng xe nên chỉ bị nhắc nhở.

Thống kê tại trạm cân sau một tháng hoạt động, có 213 trường hợp xe chở quá trọng tải (chiếm 12,5%), chủ yếu là xe chở vật liệu xây dựng, xe chở alumin từ Tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai).

Tổ công tác đã tước giấy phép lái xe tất cả các trường hợp vi phạm trong thời hạn 1-2 tháng. Trong hơn 1.700 xe bị kiểm tra tải trọng, đa số vượt tải trọng từ 5-40%.

Có trường hợp xe vượt tải trọng từ 30% trở lên buộc phải hạ tải ngay trạm cân. Tạm thời trạm cân số 10 áp dụng biện pháp thay ca không ấn định trước thời điểm để hạn chế tài xế neo xe đợi vượt trạm.

5D6NPmnt.jpgPhóng to
Xe tải dừng dọc quốc lộ 1 ở Quảng Nam vì phía trước có trạm cân - Ảnh: T.Vũ

Kiểm tra 63 xe, phát hiện 59 xe quá tải

Trong khi đó, ông Phan Huy Chương, phó chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An phụ trách trạm kiểm tra tải trọng lưu động số 15 tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu, cho biết: “Trong hai ngày 1 và 2-4 trạm kiểm tra 63 xe thì phát hiện 59 xe quá tải.

Hầu hết các xe quá khổ quá tải chở vật liệu xây dựng như sắt thép, ximăng, hoa quả. Tất cả xe quá tải đều phải lưu lại để xử phạt và hạ tải. Mức phạt trung bình 6 triệu đồng/xe. Có trường hợp bị phạt 8 triệu đồng (phạt cả tài xế lẫn doanh nghiệp vận tải)”.

63 xe thuộc diện kiểm tra này là do đội cơ động của trạm đi tuần tra trên quốc lộ 1 nhận định có dấu hiệu quá khổ quá tải rồi đưa về trạm cân.

Do lực lượng tại trạm cân quá mỏng (12 người, trong khi quy định của UBND tỉnh là 16 người) nên trạm cân làm việc cật lực cũng không kiểm tra xuể.

Ông Chương cho biết ca một từ 6-12g, ca hai từ 12-18g. Từ 18g đến sáng hôm sau trạm bỏ trống nên xe quá khổ, quá tải thường chọn thời điểm này để “lách” qua. Vì thế, trạm phải huy động anh em thay nhau làm thêm ca ba để có thể kiểm tra liên tục 24/24 giờ.

Khi biết trạm cân này hoạt động, đa số lái xe quá khổ quá tải thường đối phó bằng cách dừng xa trạm khoảng 2km, có xe lách vào ngõ hẻm nằm chờ cơ hội để qua. Tình trạng này dẫn đến cảnh hàng trăm xe ùn tắc cục bộ (nhất là đoạn đường đang mở rộng). Lực lượng CSGT phải giải tỏa mới thông đường được.

mIFdKDvw.jpg
Xe chở alumin từ tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) neo xe ngay dưới chân đèo Bảo Lộc để né trạm cân - Ảnh: Mai Vinh

Cần làm đồng bộ cả nước

Lúc 14g ngày 3-4, bất ngờ có 15 xe không chở hàng mang biển kiểm soát Nghệ An dừng trước trạm kiểm tra tải trọng lưu động số 15 tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu căng khẩu hiệu “Nhiệt liệt hưởng ứng chính sách giảm quá khổ, quá tải của Chính phủ và Bộ GTVT”.

Đại diện đoàn xe này còn đưa ra yêu cầu: “Đã làm thì phải làm kiên quyết và đồng loạt 63 tỉnh thành trong cả nước và yêu cầu phải làm 24/24 giờ”.

Ông Chương nói: “Mới hai ngày trạm cân hoạt động mà 70% doanh nghiệp vận tải ở Nghệ An đóng cửa vì không chở quá tải trọng thì không có lãi”.

Theo ông Nguyễn Hồng Năm, việc đưa trạm cân vào sử dụng là tích cực, nhưng nạn dừng xe, sang tải qua đoạn TP Đà Nẵng rất nhiều.

Ông kiến nghị để giải quyết triệt để thì cần làm đồng bộ trên toàn quốc. Các tài xế khi qua đây phàn nàn nếu làm đồng bộ ngay từ đầu thì họ chở ít hơn và thỏa thuận giá cả với khách hàng khác đi. Đã lỡ chở hàng đến đây không thể quay đầu hay bỏ hàng được.

“Đây là lần ra quân quyết liệt. Chúng tôi chuẩn bị cả kho bãi rộng rãi gần trạm để hạ tải hàng trên xe. Các xe ở TP Đà Nẵng chúng tôi linh động cho quay đầu để về kho tự hạ tải. Xe nào không chấp hành, chúng tôi có sẵn người bốc xếp hàng xuống xe. Đội hình tại trạm cân này sẽ chia làm ba ca túc trực 24/24 giờ để làm nhiệm vụ” - ông Năm nói.

Đề nghị phê bình địa phương chưa triển khai

Ông Nguyễn Đức Thắng - quyền tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết đến ngày 3-4, sau ba ngày đồng loạt ra quân kiểm soát tải trọng xe trên toàn hệ thống quốc lộ, đã có 36/63 địa phương triển khai bộ cân lưu động do Tổng cục Đường bộ cấp để giám sát xe quá tải (tăng hai địa phương so với ngày 1-4). Đến cuối ngày 3-4 có 17 địa phương duy trì hoạt động kiểm soát tải trọng xe liên tục 24/24 giờ.

Trong ba ngày đầu ra quân đã kiểm tra 1.952 xe, trong đó vi phạm 437 xe, chiếm tỉ lệ 22,3%. Tuy nhiên, trong ngày 3-4 số xe vi phạm bị phát hiện giảm, chỉ có 81 xe vi phạm trong số 335 xe được kiểm tra.

Theo Tổng cục Đường bộ, các tỉnh phía Bắc và miền Trung thực hiện tương đối tốt, các tỉnh Đông và Tây Nam bộ triển khai chậm (mới có một số tỉnh thành như Lâm Đồng, TP. HCM, Bến Tre... triển khai, các tỉnh còn lại hầu như chưa triển khai). Bên cạnh đó, do biết cơ quan chức năng sẽ triển khai đồng loạt kiểm soát tải trọng xe từ ngày 1-4 nên đa số các xe tải dừng hoạt động, “án binh” để theo dõi thái độ của cơ quan chức năng những ngày tiếp theo; các xe khác lưu thông trên đường phần lớn chở đúng tải.

Báo cáo lên lãnh đạo Bộ GTVT vào cuối ngày 3-4, Tổng cục Đường bộ cho biết với 37 địa phương chưa đưa bộ cân di động vào hoạt động, các sở GTVT cho biết lý do là: UBND tỉnh chưa thành lập trạm, chưa bố trí biên chế, kinh phí hoạt động, sở tài chính chưa làm thủ tục để chuyển giao bộ cân cho sở GTVT quản lý, sử dụng...

Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ biểu dương kịp thời các địa phương đã triển khai quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe ngay từ ngày 1-4; phê bình, nhắc nhở các địa phương chưa triển khai quyết liệt hoặc chưa triển khai.

T.PHÙNG - VŨ ĐỒNG

TẤN VŨ - M.VINH - C.THÀNH - HOÀI TRUNG - NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên