Làm gì để xe buýt thôi hỗn danh "hung thần"? Xe buýt: khó đủ đườngGiới trẻ với văn minh xe buýt
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trên xe buýt - Ảnh: Tuấn Cường |
Hiện nay Hà Nội có năm đơn vị tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng. Trong đó Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) giữ vai trò chủ lực khi chiếm 80% số tuyến, 83,8% đoàn phương tiện, sản lượng hành khách năm 2013 đạt 413 triệu lượt, chiếm 90,1% tổng sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt của Hà Nội.
Xe buýt Hà Nội đã cải thiện hơn
"Không để xảy ra những sự cố đáng tiếc làm xấu hình ảnh xe buýt thủ đô" ÔngPHẠM QUANG NGHỊ |
Theo lãnh đạo Transerco, khác với những ngày đầu mới hoạt động, thời gian gần đây hình ảnh xe buýt Hà Nội đã được cải thiện nhiều hơn. Người đi đường cũng ít thấy cảnh xe buýt tạt ngang tạt ngửa ra vào bến, bất chấp dòng phương tiện khác. Số vụ tai nạn liên quan đến xe buýt cũng không còn nhiều bức xúc như trước. Hình ảnh xe buýt chạy từ tốn, “thuần” hơn được lãnh đạo Transerco lý giải do kết quả của công tác tổ chức quản lý chặt chẽ, ứng dụng khoa học công nghệ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung - phó tổng giám đốc Transerco, với giao thông hỗn hợp trong đô thị mật độ đông và hạ tầng chưa phát triển kịp như Hà Nội, hoạt động của xe buýt gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể đối với xe buýt còn gặp nhiều bất cập như điểm dừng dành cho xe buýt bị lấn chiếm, gây khó khăn trong việc đón trả khách; một số điểm dừng được bố trí chưa hợp lý hoặc còn thiếu; đầu bến (điểm đầu, điểm cuối) nhiều tuyến chưa được bố trí hạ tầng vị trí tập kết theo tiêu chuẩn, phải đỗ tạm lề đường. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông cũng gây khó khăn không nhỏ trong công tác tổ chức điều hành hoạt động xe buýt cũng như việc đảm bảo thời gian chạy xe và thời gian chuyến đi của hành khách.
Nâng chất lượng dịch vụ
Làm việc với Tổng công ty Vận tải Hà Nội mới đây, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định xe buýt công cộng giờ đã là một phần hình ảnh rất quan trọng của thủ đô, ảnh hưởng lớn đến những cảm nhận về diện mạo, văn minh đô thị. Ông Nghị cũng cho rằng đối với một thủ đô văn minh, hiện đại thì phương tiện công cộng phải là chủ yếu.
“Xe buýt đâu chỉ dành cho những người thu nhập thấp, nhưng để nhiều người cùng sử dụng phương tiện xe buýt phục vụ đi lại thì chất lượng dịch vụ phải tốt hơn. Bản thân người dân cũng rất mong chờ chất lượng dịch vụ xe buýt tăng lên. Do đó, chính đơn vị quản lý xe buýt thủ đô phải nỗ lực, gắng sức để nâng chất lượng dịch vụ lên từng ngày. Đặc biệt không để xảy ra những sự cố đáng tiếc làm xấu hình ảnh xe buýt thủ đô” - ông Nghị lưu ý.
Cũng theo ông Phạm Quang Nghị, với hơn 466 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội mỗi năm, giải pháp tốt nhất trong đổi mới, cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt chính là phải làm sao để người dân yêu phương tiện này. “Có lẽ năm 2014 Tổng công ty Vận tải Hà Nội cần thực hiện đúng khẩu hiệu “Năm chất lượng dịch vụ” như đã xác định. Trong năm này phải có chuyển biến rõ rệt về chất lượng dịch vụ xe buýt, chuyển biến rõ rệt về an ninh trật tự trên xe. Đặc biệt là phải quan tâm cải thiện hình ảnh, thương hiệu xe buýt thủ đô bằng chính ý thức của người lái xe, thái độ phục vụ của phụ xe” - ông Nghị nói.
Giám sát hành trình
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, lưu ý của lãnh đạo TP cũng là trăn trở của những người quản lý, vận hành xe buýt. Vì vậy, để xe buýt trở nên thân thiện, an toàn với hành khách và cộng đồng, ông Trung cho biết một mặt Transerco chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành như thanh tra GTVT, CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự để có các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho hành khách đi xe buýt. Về phía mình, Transerco tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tiêu chí phục vụ của xe buýt như kỷ luật dừng đỗ, an toàn chạy xe, chấp hành Luật giao thông đường bộ...
Ông Trung cũng khẳng định để giám sát tài xế thực hiện đúng các tiêu chí trên, Transerco đã lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát các vi phạm về chạy xe quá tốc độ, về bến sớm so với thời gian quy định. “Việc triển khai lắp đặt camera quản lý trên một số tuyến xe buýt có lượng hành khách lớn nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, thái độ phục vụ, quá trình điều khiển phương tiện của lái xe và nhân viên bán vé; đồng thời kiểm soát doanh thu và an ninh, an toàn cho hành khách. Với các sai phạm, chúng tôi xử lý nghiêm theo quy chế, đặc biệt là các vi phạm về an toàn chạy xe và thời gian chạy xe” - ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, hiện nay Transerco đang áp dụng thưởng chất lượng phục vụ đối với đội ngũ lái xe và đội ngũ bán vé để kịp thời động viên, khuyến khích người lao động có trách nhiệm hơn với dịch vụ. “Với vị trí lãnh đạo thì áp dụng cơ chế thưởng phạt trách nhiệm của giám đốc các đơn vị xe buýt về chất lượng phục vụ, đặc biệt là gắn trách nhiệm cá nhân của giám đốc các đơn vị đối với các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vì vậy số vụ tai nạn giảm dần hằng năm trên cả ba tiêu chí” - ông Trung cho biết.
Cần hỗ trợ lãi suất để đổi mới phương tiện Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, để xe buýt phát triển và hoạt động hiệu quả, rất cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay để doanh nghiệp khai thác xe buýt đầu tư đổi mới phương tiện, ứng dụng công nghệ quản lý điều hành tiên tiến và đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất của doanh nghiệp xe buýt. Đồng thời cần có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu CKD để lắp ráp xe buýt, đặc biệt là xe buýt sàn thấp khách dễ tiếp cận và loại xe thân thiện với môi trường. Ngoài ra, theo ông Trung, về cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt, có thể tổ chức thí điểm làn ưu tiên cho xe buýt bên phải đường và tách với dòng ôtô, xe máy (nếu chiều rộng đường cho phép). Cho xe buýt có thể chạy phía bên phải và trong làn xe máy, xe thô sơ để khi vào đón trả khách không cắt dòng với các phương tiện khác. Đồng thời bố trí lại các vị trí điểm dừng xe buýt cho phù hợp với phân làn giao thông. Nghiên cứu áp dụng đèn tín hiệu ưu tiên cho xe buýt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận