Công an huyện làm việc với chủ xe cá
Phóng to |
CSGT dừng ôtô trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo quan điểm của CSGT Tiền Giang, khi tài xế dừng xe là đã chấp hành hiệu lệnh của CSGT. Việc dừng xe cách CSGT bao nhiêu mét không quan trọng vì khi dừng phải đảm bảo an toàn cho phương tiện khác lưu thông cùng chiều - Ảnh: V.Tr. |
* Đại tá Trần Hoài Bảo (trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Tiền Giang):
Tài xế dừng xe là đã chấp hành hiệu lệnh
Về câu hỏi “Căn cứ nào để CSGT xác định người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe?”, đại tá Trần Hoài Bảo nói: “Khi người điều khiển phương tiện nhìn thấy hiệu lệnh dừng xe của CSGT nhưng tăng tốc bỏ chạy, CSGT phải truy đuổi”.
Ông Bảo cho biết thêm quy định hiện hành không nói rõ người điều khiển phương tiện phải dừng xe cách cán bộ CSGT ra hiệu lệnh bao nhiêu mét thì gọi là chấp hành, còn bao nhiêu mét là không chấp hành. Tuy nhiên quan điểm chung của CSGT Tiền Giang là nếu tài xế dừng xe sau khi có hiệu lệnh của CSGT dù cách nơi CSGT đứng 100m thì cũng xem là đã chấp hành. Vấn đề được CSGT đặt lên hàng đầu là sự an toàn của người đi đường. Không thể bắt ép tài xế phải dừng cách CSGT bao nhiêu mét, mà cần làm sao dừng xe nhưng đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác. Trường hợp đường có nhiều xe, nhất là xe máy, tài xế ôtô không thể tấp vào lề để dừng ngay được, phải chạy chậm một đoạn dài hơn 100m mới dừng cũng là bình thường. Thậm chí nhiều trường hợp CSGT không thể chặn dừng phương tiện khi xác định nếu chặn sẽ gây nguy hiểm cho phương tiện khác. Chỉ khi nào tài xế tăng tốc bỏ chạy buộc CSGT truy đuổi, chặn dừng thì mới xem là không chấp hành hiệu lệnh của CSGT.
“Ông nói gì về trường hợp xe tải chở cá ở tỉnh Kiên Giang dừng cách CSGT 15m mà bị coi là không chấp hành hiệu lệnh?” - chúng tôi hỏi. Ông Bảo nói: “Tôi cũng có theo dõi thông tin này. Tôi không kết luận CSGT Kiên Giang đúng hay sai, chỉ nói rằng CSGT Tiền Giang chưa bao giờ coi việc tài xế dừng xe là không chấp hành hiệu lệnh. Họ chấp hành nên mới dừng. Còn không thì đã bỏ chạy luôn rồi”.
Tùy tình tiết thực tế mà xử lý
Một CSGT nhiều năm kinh nghiệm ở Khánh Hòa cho biết: Luật không có quy định khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe thì xe đỗ cách người ra tín hiệu bao nhiêu là không vi phạm. Hiện nay CSGT xử lý theo cách hiểu là khi đã giơ gậy ra tín hiệu dừng xe đúng quy trình, nhưng người điều khiển phương tiện không dừng mà vẫn cho xe chạy vượt qua khỏi vị trí ra tín hiệu dừng trong khi CSGT không có chỉ dẫn nào khác thì là trường hợp vi phạm.
Để ra tín hiệu dừng xe kiểm tra, người CSGT phải phát tín hiệu cho tài xế biết khi phương tiện còn cách khoảng 50m, nếu ban đêm thì xe CSGT phải bật đèn quay báo hiệu có CSGT, người ra tín hiệu phải mặc áo phản quang, dùng dùi cui phản quang, dùi cui có đèn điện, đèn tín hiệu...
Nói thêm là trường hợp phương tiện vượt qua chốt hoặc người ra hiệu lệnh dừng xe theo hướng dẫn của CSGT nhằm đảm bảo nơi đỗ xe an toàn để kiểm tra thì không phải là vi phạm.
Có nhiều tài xế thấy CSGT ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, nhưng họ vẫn cố tình hoặc giả vờ không thấy để vượt qua. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng một số tài xế không thấy tín hiệu dừng xe, hoặc tài xế chỉ phát hiện hiệu lệnh dừng xe của CSGT khi đã đến quá gần, không giảm tốc độ kịp... nên có thể vượt qua vị trí CSGT ra hiệu lệnh một khoảng cách ngắn. Do vậy, tùy theo tình tiết thực tế mà CSGT xử lý phù hợp, không quá cứng nhắc.
Chúng tôi hi vọng sắp tới sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ về “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, thì nội dung xử lý vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra của CSGT sẽ được quy định rõ ràng hơn.
Tài xế nhận quyết định xử phạt để khởi kiện
Ngày 3-3, tài xế Lương Hoàng Mỹ cho biết đã đến làm việc với đội CSGT Công an huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) và nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính lỗi “không chấp hành hiệu lệnh dừng xe” với mức phạt 1 triệu đồng, tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày. Anh Mỹ cho biết mình không có lỗi nhưng vẫn phải nhận quyết định xử phạt để có cơ sở khởi kiện quyết định hành chính của phía công an. Hiện anh đang nhờ luật sư tư vấn chuẩn bị thủ tục khởi kiện.
Chiều cùng ngày, ông Ngô Công Tước - chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng - cho biết huyện đang chuẩn bị văn bản báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Huỳnh. Ông Tước cho hay huyện cũng chỉ báo cáo vụ việc, còn kết quả xử lý ra sao phải chờ, vì hiện công an huyện vẫn đang tiếp tục thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Bắt lỗi không thuyết phục
Tôi cho rằng việc CSGT huyện U Minh Thượng bắt lỗi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe là không thuyết phục khi xe cá dừng cách chỗ đứng của tổ cảnh sát chỉ khoảng 15m.
Tại điều 13 thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30-10-2012 của Bộ Công an (quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ) quy định tại ngoài khu vực nội thành, nội thị thì sau khi có tín hiệu dừng xe và người điều khiển xe nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, CSGT dùng gậy chỉ huy giao thông chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, kết hợp với âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí phù hợp để kiểm soát. Bên cạnh đó, tại điều 14 thông tư này cũng quy định việc dừng phương tiện phải bảo đảm an toàn, đúng quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Do đó, trên thực tế hiếm có trường hợp nào phương tiện giao thông dừng xe đúng ngay vị trí CSGT đứng mà thường dừng ở một vị trí phù hợp, cách vị trí của CSGT đứng một khoảng cách thích hợp. Trong vụ việc tại Kiên Giang, tài xế xe cá dừng cách 15m so với vị trí đứng của tổ cảnh sát là phù hợp. Do đó, việc CSGT cho rằng trong trường hợp này tài xế không chấp hành hiệu lệnh dừng xe là khó thuyết phục.
Trong trường hợp này, chủ xe có thể thực hiện việc khiếu nại tới trưởng Công an huyện U Minh Thượng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tới Tòa án nhân dân huyện U Minh Thượng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Sai quy định của ngành
Một cán bộ CSGT làm việc lâu năm tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết: Qua những gì thông tin trên báo chí, tôi có thể khẳng định CSGT thuộc Công an huyện U Minh Thượng đã làm sai quy định của ngành.
Thứ nhất, không thể có một lỗi vi phạm là không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Vì theo quy định tại thông tư 66, ban hành năm 2012 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của CSGT quy định: Trong quá trình tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT, phải phát hiện lỗi vi phạm ban đầu mới được ra tín hiệu dừng xe. Trong trường hợp của CSGT huyện U Minh Thượng là tuần tra kiểm soát, do đó nếu không chứng minh được lỗi vi phạm ban đầu mà ra tín hiệu dừng xe là sai. CSGT chỉ được dừng phương tiện không có lỗi để kiểm tra hành chính khi có quyết định của giám đốc công an cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Thứ hai, việc CSGT huyện U Minh Thượng lập biên bản lỗi không chấp hành hiệu lệnh với người điều khiển phương tiện giao thông do họ dừng xe cách vị trí đứng của CSGT 15m cũng là sai. Hiện nay, không có quy định nào về việc người điều khiển phương tiện phải dừng xe trước, sau hay cách vị trí của tổ tuần tra kiểm soát giao thông bao xa. Quy định để nhận biết, lập biên bản xử lý hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông là khi phát hiện hành vi vi phạm, CSGT ra tín hiệu dừng xe mà người điều khiển phương tiện cố ý không dừng, bỏ chạy khiến CSGT phải sử dụng phương tiện để truy đuổi, hoặc liên lạc thông báo cho tổ tuần tra kiểm soát trên tuyến chặn bắt mới lập biên bản lỗi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Quan trọng nhất là người lái xe có ý thức dừng xe, mang giấy tờ trình báo với CSGT thì có thể khẳng định là họ đã chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, không phụ thuộc việc dừng xe cách vị trí đứng của tổ tuần tra kiểm soát bao xa.
Thứ ba, về việc người vi phạm không đồng ý ký vào biên bản thì có được giữ giấy tờ hay không? Theo quy định, người điều khiển phương tiện có quyền không đồng ý với biên bản do CSGT lập ra. Trong trường hợp này, người vi phạm có thể ghi ý kiến của mình vào biên bản, ký tên, nhận biên bản và sau đó có quyền khiếu nại về biên bản này. Nếu người vi phạm không đồng ý nội dung biên bản do CSGT lập, không chịu ký tên, nhận biên bản thì CSGT có trách nhiệm mời nhân chứng ký tên, nếu không có nhân chứng thì có thể mời chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc lập biên bản về vụ việc, sau đó giao biên bản cho người điều khiển phương tiện. Việc CSGT lập biên bản, sau đó giữ luôn cả giấy tờ liên quan tới phương tiện và bằng lái của người điều khiển phương tiện mà không có đủ các yếu tố trên cũng là sai.
Ý kiến của hai phía về việc dừng xe Chiều 18-2-2014, khi trả lời câu hỏi của phóng viên: “Sao không dùng tín hiệu đèn để dừng xe trong đêm tối?”, trung úy Đàm Minh Thái - tổ trưởng tổ tuần tra giao thông - trả lời cho dù ra hiệu bằng gậy thì tài xế vẫn phải nhìn thấy vì xe của tài xế phải... có đèn. Tài xế Lương Hoàng Mỹ khẳng định tổ tuần tra không hề ra hiệu bằng đèn mà chỉ dùng dùi cui nhựa. Anh Mỹ cũng nói do có một chiếc xe tải đậu ở chiều ngược lại chiếu đèn pha, nên khi tới rất gần vị trí CSGT đang đứng ra hiệu, anh mới nhìn thấy và ngay lập tức đã bật xinhan, tấp xe vào lề chỉ cách đó chưa tới 15m. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Neo xe cá, đòi CSGT đền bù hàng ươn thối Neo xe cá ươn 9 ngày, không ai giải quyết Không thể bắt dừng xe ngay lập tức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận