Trong khi đó, Hà Nội có bảy cơ sở giết mổ được xem là đảm bảo an toàn thực phẩm thì chỉ có... hai trong số này đang hoạt động.
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội trong buổi làm việc hôm 16-1 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thừa nhận hai tồn tại trong quản lý an toàn thực phẩm ở Hà Nội hiện nay là quản lý cơ sở giết mổ và kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc. .
Theo UBND thành phố Hà Nội, năm 2013 thành phố có 711 đoàn thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm, tại 132 ngàn lượt cơ sở, tỷ lệ đạt yêu cầu là 83% (năm 2012 là 82%), tuy nhiên tỷ lệ mẫu thực phẩm đạt các chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh lại giảm so với 2012 (lấy 405 mẫu, 85% đạt yêu cầu, trong khi năm 2012 có tới 93% mẫu đạt yêu cầu).
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần sớm giải quyết các khúc mắc về cơ chế pháp lý, ví dụ như quy định rượu nội cũng phải dán tem mới được lưu hành có hiệu lực từ 1-1-2014, nhưng đến nay hầu như chưa thực hiện được, rượu nội không vào siêu thị được gây khó khăn cho người sản xuất.
* Chiều ngày 17-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp đi giám sát an toàn thực phẩm tại làng nghề sản xuất bánh kẹo La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Bà Tiến đánh giá điều kiện vệ sinh của cơ sở sản xuất đã được cải thiện, nhưng người sản xuất phải chú ý về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia.
“Ngộ độc thực phẩm cấp tính chỉ là phần nổi của tảng băng, người dân lo lắng nhất là ngộ độc trường diễn do hóa chất độc, phụ gia độc trong thực phẩm, ảnh hưởng đến nòi giống, tuổi thọ của người dân”, bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ còn tiếp tục trực tiếp giám sát vấn đề an toàn thực phẩm tại các làng nghề, nơi cung cấp thực phẩm cho đại bộ phận người dân nhưng điều kiện sản xuất và vệ sinh của cơ sở chưa được đầu tư nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận