Đó là 7 trong số 97 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) trong chuyến tham quan du lịch.
Phóng to |
Một phụ huynh học sinh ngất khi đến bãi biển Cần Giờ chờ tin con - Ảnh: Đ.Thanh |
Suốt đêm qua, bãi biển 30-4 của huyện Cần Giờ (TP.HCM) chìm trong nỗi đau.
Chiều 29-12, đại tá Đặng Tiến Dũng - trưởng Phòng cứu hộ cứu nạn thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM - cho biết đã cử toàn bộ lực lượng người nhái đến bãi biển Cần Giờ để cùng phối hợp với lực lượng công an và bộ đội của đồn biên phòng Long Hòa (huyện Cần Giờ) tìm kiếm bảy học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) đang bị mất tích tại khu vực bãi biển 30-4 (xã Long Hòa).
Chuyến du lịch định mệnh
Tối qua, anh Võ Thanh Tuấn - phụ huynh của Võ Tấn Tài (học sinh lớp 7A6) - thất thần, đứng ngồi không yên trông về hướng bãi biển 30-4 để chờ tin con trai của mình.
Anh Tuấn kể Tài là đứa bé ngoan, học giỏi. Cách đây mấy năm anh đích thân dạy cho Tài bơi lội. Khoảng một tuần trước Tài có về nhà xin phép anh được đi du lịch cùng các bạn cùng trường. Anh Tuấn thấy con học giỏi nên cho phép con đi, ai ngờ hiện không rõ con sống chết ra sao, anh Tuấn nghẹn ngào nhìn về phía biển đen kịt.
Một mình lặn lội đến bãi biển 30-4 khi nghe tin nhà trường báo em Võ Thành Luân mất tích, chị Trần Thị Tuyết Thanh - mẹ của Luân - tức tốc chạy xe đến Cần Giờ. Chị Thanh kể một tuần trước Luân về xin mẹ đi du lịch cùng các bạn, khi đó chị Thanh không đồng ý để con đi.
“Nhưng sau nghe Luân năn nỉ quá, thấy con cả năm đã học hành chăm chỉ vất vả để đạt học sinh giỏi nên tôi gật đầu cho cháu đi”. Khoảng 3g sáng 29-12, cha Luân đích thân chở con đến điểm tập kết để khởi hành chuyến du lịch. “Nhưng nào ngờ đến giờ gia đình tôi nhận được tin cháu mất tích” - chị Thanh rưng rưng không thể tiếp lời.
Ngồi thẫn thờ trong góc phòng cho thân nhân những học sinh xấu số tá túc, Lê Nguyễn Thanh Thúy, chị gái của em Lê Công Hậu - một trong bảy nạn nhân mất tích, không ngừng khóc: “Em ơi! Cha nói lần này em đừng có đi chơi với lớp. Để Tết dương lịch này cha dẫn hai chị em mình đi chơi. Có cha, có chị, có em đi chơi có phải vui lắm không? Thế mà em nỡ bỏ chị em đi một mình” - Thúy nghẹn giọng khóc ngất.
Thúy cho biết nhà nghèo, cha đi cạo mủ cao su thuê, mẹ làm công nhân. Trước đây, Hậu cũng từng đến bãi biển Cần Giờ để chơi một lần với gia đình. “Thường ngày Hậu bơi lặn tốt. Đợt đi biển Cần Giờ lần trước, chính mắt em thấy Hậu bơi khá xa bờ. Thế mà lần này lại xảy ra chuyện đau lòng như vậy”.
Anh Lê Nguyễn Khoa Hiền, cha của Hậu, nói: “Như có một linh cảm từ trước, khi con xin đi chơi tôi cố khuyên nó đừng đi. Nó cũng đồng ý. Nhưng không hiểu sao nó lại đổi ý. Suốt cả ngày hôm nay, trong lòng cảm thấy bồn chồn. Đến khoảng 15g30, cô giáo chủ nhiệm gọi điện báo tin Hậu bị mất tích, tôi như chết điếng”.
Bà Nguyễn Hồng Ngát - một người dân địa phương - kể trưa nay khi thấy các học sinh la lên có người bị sóng cuốn, nhiều người dân Cần Giờ lập tức tham gia tìm các em nhưng không thành, tất cả đều tuyệt vọng trước biển cả mênh mông.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết ở khu biển này rất hiếm xảy ra chết đuối. “Tôi ở đây nhiều năm rồi nhưng mấy năm nay chỉ xảy ra một vụ chết đuối. Khi biết tin, tôi chạy đến thì được biết nhóm các em học sinh trên tắm ở khu vực bãi đá nên đã bị sóng cuốn ngược ra ngoài” - ông Quang nói.
Theo chị Trần Tuyết Sương - một người bán hàng ở bãi biển 30-4: “Bãi biển này hôm nay có sóng rất lớn nhưng tôi thấy các em học sinh vẫn ùa ra biển để tắm. Khi nghe tiếng la của các em học sinh từ biển chạy lên thì tôi cũng thấy những đợt sóng rất to đánh vào bãi đá cuồn cuộn”.
Ông Trần Út (ngụ xã Long Hòa) thì nói gần đây trên bãi biển 30-4 có nhiều khu vực được đổ đá xanh rất dày, khi sóng đánh vào bãi đá gặp vật chắn, tạo lực cuốn mạnh khiến các em học sinh bị cuốn ngược ra biển. Ông Út còn nói những năm trước bãi biển này hiếm khi có người chết đuối là vì không có những ghềnh đá xanh vừa được tạo ra.
Ảnh: Khoa Định |
Hi vọng mong manh
17g30, ông Lê Văn Thơm - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - thông báo đội cứu hộ đã vớt được thi thể của em Nguyễn Hoàng Long (lớp 8A6, một trong bảy em học sinh đang mất tích).
Theo anh Nguyễn Văn Phương (40 tuổi, ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Hòa), khi lực lượng cứu hộ đưa em Long lên bờ thì anh Phương đo mạch ở tay em Long vẫn còn nhảy, anh Phương đã xốc nước thì thấy Long ói ra nước và mở mắt.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Thơm lại nói ngay khi đưa lên canô, lực lượng cứu hộ của huyện Cần Giờ có tiến hành kiểm tra thì em Long đã chết.
“Trên đường đến Bệnh viện huyện Cần Giờ, lực lượng y bác sĩ vẫn tiếp tục hô hấp, sơ cứu cho em Long với hi vọng “còn nước còn tát” nhưng em Long chết từ lâu” - ông Thơm khẳng định. Theo ông Thơm, bước đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 5 triệu đồng.
Đến 19g, đại tá Đặng Tiến Dũng cho biết ngoài khơi cách bờ khoảng 3km canô của đội cứu hộ vớt thêm được một thi thể nhưng chưa thể xác định được danh tính. Công tác cứu hộ hiện gặp rất nhiều khó khăn do trời tối, sóng đánh rất mạnh. Lực lượng người nhái không thể nhìn rõ khi lặn sâu xuống biển.
Thượng tá Lê Quang Chương - chính trị viên đồn biên phòng Long Hòa (Bộ đội biên phòng TP.HCM) - nói ngay khi nhận được tin báo có bảy học sinh mất tích trên biển 30-4, đồn biên phòng Long Hòa cử lực lượng cứu hộ đến để cùng tham gia tìm.
Ông Chương đánh giá tình hình: “Sóng biển lớn, trời thì tối đen. Cộng với việc các em mới mất tích lúc trưa nay nên thi thể sẽ chìm sâu, rất khó tìm”. Hiện có tổng cộng 50 canô, ghe... các loại đang tham gia tìm các em. Theo ông Chương, hi vọng các em còn lại sống sót là rất mong manh.
19g42 đội cứu hộ cứu nạn của tỉnh Bình Dương cử một đội người nhái xuống bãi biển 30-4 để cùng phối hợp với các lực lượng cùng tìm kiếm năm em học sinh còn mất tích.
21g30, đại tá Đặng Tiến Dũng cho biết thi thể thứ hai được tìm thấy lúc 19g cùng ngày là em Võ Thành Luân.
Theo cô Phạm Thị Tâm - hiệu trưởng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, các em được trường tổ chức đi tour chủ yếu là để tham quan khu di tích Rừng Sác.
Trước khi đi nhà trường có thông báo chương trình tham quan của tour du lịch, trong đó có việc tắm bãi biển 30-4. Đi cùng đoàn có 15 giáo viên của trường, năm hướng dẫn viên của Công ty du lịch Hưng Phát (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Sau khi tham quan khu di tích Rừng Sác, đoàn đến nhà hàng Phi Lao để ăn trưa, khi đó có khoảng 50 học sinh đã ra bãi biển 30-4 để tắm và vui chơi. Đến khoảng 13g cùng ngày, có 3-4 học sinh bơi được vào bãi đá tri hô có một nhóm khoảng bảy học sinh trong khi bơi bị sóng cuốn ra ngoài.
Một thầy giáo của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm kể: “Các em học sinh bơi ngoài bãi đa số đều biết bơi, lúc các em đang tắm thì sóng biển bình thường nhưng thời điểm bảy em học sinh bị sóng cuốn ra xa là lúc bất ngờ nước dâng cao, sóng biển đột nhiên lớn bất thường. Khi có bốn em học sinh bơi vào được bãi tri hô nhưng không có canô ra cứu hộ kịp thời, khoảng một lúc sau mới có người kéo canô ra biển để tìm”.
Ông Lê Văn Thơm cho biết khoảng 13g30 ngày 29-12, UBND huyện Cần Giờ nhận được tin báo tai nạn tại bãi biển 30-4, UBND huyện lập tức triển khai lực lượng cứu hộ nhưng không có kết quả.
Phía UBND huyện Cần Giờ phải báo vụ việc cho đội cứu hộ chuyên nghiệp của Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đến hiện trường để tiến hành tìm kiếm.
Thị trấn Dầu Tiếng chìm trong nỗi lo Tin bảy học sinh tử vong tại Cần Giờ làm xôn xao thị trấn Dầu Tiếng. Suốt từ khi hay tin tới tối 29-12, hàng chục phụ huynh tập trung trước cổng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (khu phố 5, thị trấn Dầu Tiếng) trong tâm trạng thấp thỏm và bất an, nhiều bà mẹ bật khóc và nhịn đói chờ con về. Có mặt trước cổng trường, một phụ huynh có con học lớp 6 tham gia trong đoàn tham quan cho biết khoảng 16g30, khi có người gọi điện báo tin có học sinh bị nạn, chị bỏ ăn và tức tốc tới trường chờ hàng tiếng đồng hồ. “Khi nghe được tiếng nó qua điện thoại nói “Có gì không mẹ?”, tôi bật khóc” - phụ huynh này nói. Tại nhà em Võ Thành Luân (lớp 9A6, nạn nhân thứ hai được tìm thấy thi thể), không khí tang thương bao trùm gia đình, người thân đã dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bắc rạp, thuê bàn ghế để làm đám ma. Bà Đỗ Thị Lan (65 tuổi, bà ngoại của Luân) run run nghe điện thoại mẹ của Luân từ Cần Giờ báo về, rồi nói: “Cả bố mẹ cháu đều đang ở Cần Giờ. Đêm nay thi thể cháu sẽ được đưa về nhà. Thương quá chú ơi, cháu Luân là đứa con duy nhất trong gia đình...”. Lụi cụi dọn bàn học của Luân, bà Lan đưa cho chúng tôi xem giấy khen “học sinh tiên tiến” Luân vừa đạt được ở học kỳ vừa rồi. “Sáu cuốn tập là phần thưởng Luân cũng còn để trên bàn chưa kịp sử dụng” - một cô hàng xóm nói trong nước mắt. Rất đông hàng xóm tới căn nhà nhỏ của gia đình Luân để động viên và giúp đỡ gia đình chuẩn bị hậu sự. Các phụ huynh cho biết để đi tham quan, mỗi em phải đóng 400.000 đồng và đăng ký với nhà trường. Nhiều em kết thúc học kỳ I học tốt nên phụ huynh đồng ý cho các em tham gia như một phần thưởng để động viên. “Các cháu học tốt mới được đi chơi” - một phụ huynh tâm sự. Một đoàn công tác khẩn cấp của Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Bình Dương đã trên đường xuống nơi bị nạn. Trao đổi trong tâm trạng gấp gáp khi đang trên đường tới hiện trường, thầy Nguyễn Văn Sê, trưởng Phòng giáo dục - đào tạo huyện Dầu Tiếng, cho biết một số thầy cô sẽ ở lại hiện trường để tiếp tục giải quyết vụ việc. Trong khi đó, các giáo viên khác sẽ đưa các em còn lại về Bình Dương ngay trong đêm qua. Đến 23g30 tối qua, 90 học sinh trong tổng số 97 em đi tham quan đã về đến nhà. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Đưa thi thể 2 học sinh chết đuối cuối cùng về nhàTrắng đêm tìm thi thể học sinh chết đuối giữa Cần Giờ 18 độ CRáo riết tìm kiếm 7 HS tắm biển Cần Giờ chết đuốiVụ 7 HS chết đuối: Bạn là người trong cuộc, chứng kiến?Khóc lả thương con trong đêm lạnh Cần GiờĐoàn công tác khẩn cấp Sở GD - ĐT Bình Dương đi Cần Giờ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận