23/11/2013 08:18 GMT+7

Quy định về giá đất vẫn mơ hồ

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Quốc hội quyết định dành thêm nửa ngày (chiều 22-11) để thảo luận dự án Luật đất đai trước khi xem xét thông qua vào ngày 29-11. Các đại biểu tập trung thảo luận vào điểm còn băn khoăn nhất: việc thu hồi và định giá đất.

lIEyzyvN.jpgPhóng to
Đại biểu Huỳnh Nghĩa: Thực tế nhiều nơi khung giá đất do Nhà nước quy định không đúng với thị trường, giá đền bù chưa sát với giá “tiền tươi thóc thật” mà người dân bán đất - Ảnh: Việt Dũng

“Định giá đất là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, phức tạp, trực tiếp liên quan đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và hàng triệu người dân. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm xảy ra những vụ khiếu kiện kéo dài, dai dẳng, gay gắt và vô cùng phức tạp” - đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận định.

Đền bù phải đúng “tiền tươi thóc thật”

Bình luận về nguyên tắc được quy định trong dự luật là giá đất do Nhà nước quy định, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, ông Nghĩa nói: “Tôi nghĩ quy định như vậy chưa đảm bảo tính rõ ràng bởi giá đất trên thị trường khó ổn định mà luôn thay đổi, thậm chí có thời điểm giá đất thay đổi từng ngày. Do đó việc xác định thế nào là phù hợp với giá thị trường hoàn toàn mang tính chủ quan. Khái niệm giá đất phổ biến cũng hoàn toàn mơ hồ”. Theo ông, “trong thực tế nhiều nơi khung giá đất do Nhà nước quy định không đúng với thị trường, giá đền bù chưa sát với giá “tiền tươi thóc thật” mà người dân bán đất. Chính vì vậy cần quy định về tư vấn định giá đất độc lập rất cụ thể, chặt chẽ. Không nên quy định như dự thảo là giá đất do tư vấn xác định trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu chỉ có giá trị tham khảo”.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận):

Sử dụng cụm từ “thu hồi đất” là không thận trọng

Để giành chính quyền, ngay từ năm 1930 Đảng đã đưa ra khẩu hiệu ruộng đất cho dân cày. Bây giờ cách mạng thành công thì chúng ta lại nói thu hồi đất. Thu hồi đất chỉ phù hợp với các trường hợp sử dụng đất trái pháp luật, còn các trường hợp khác như hiến đất, tự nguyện giao đất thì Nhà nước nhận đất chứ đâu phải là thu hồi đất. Tôi cho rằng không thể đồng nhất thu hồi đất với thu hồi quyền sử dụng đất được. Cần sử dụng cụm từ “thay đổi quyền sử dụng đất” và bổ sung cụm từ “vì lợi ích của nhân dân” vào dự luật. Như vậy, dự luật cần quy định Nhà nước thay đổi quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức vì lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân.

Cụ thể hơn, đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cho rằng có các cơ quan tư vấn độc lập trong định giá đất là rất cần thiết, nhưng phải quy định rõ nếu muốn khả thi và tránh sự tùy tiện theo ý muốn chủ quan. “Cần quy định bắt buộc phải có tư vấn độc lập về giá đất khi xây dựng khung giá đất và trong trường hợp có khiếu nại. Tôi đề nghị bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, định giá đất trong luật” - ông Thoáng nói.

Đồng tình với nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị phải làm rõ quyền đại diện chủ sở hữu. Ông nói: “Theo tôi, Chính phủ sẽ làm đại diện chủ sở hữu, quản lý hành chính về đất đai, còn quyền quyết định các vấn đề quan trọng về đất đai phải giao Quốc hội và HĐND xem xét, quyết định. Có như vậy quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân mới có ý nghĩa thực tiễn và thiết thực hơn. Hơn nữa, khi xem xét các quyết định thu hồi đất, Quốc hội và HĐND phải xem xét các phương án thu hồi, phương án đền bù, phương án hỗ trợ, tái định canh, tái định cư để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất”.

Cưỡng chế dẫn đến khiếu kiện phức tạp: xử lý trách nhiệm thế nào?

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị “về trình tự, thủ tục thu hồi đất, cần quy định rõ thẩm quyền của cấp quyết định chủ trương đầu tư để thu hồi đất. Cần bổ sung quy định rõ về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác thu hồi đất”. Trong thực tiễn, khối lượng thu hồi đất là rất lớn, nếu không có quy định rõ thẩm quyền sẽ gây áp lực lớn cho UBND các địa phương. Hơn nữa, khi quy định rõ trách nhiệm cá nhân sẽ khắc phục được bốn sai phạm phổ biến hiện nay là sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng, sai trình tự thủ tục và sai thẩm quyền. Đồng thời đây cũng là vấn đề quan trọng để phòng chống tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện trong quản lý đất đai” - ông Vở phân tích.

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đề nghị đưa vào dự luật quy định rõ trình tự, thủ tục thu hồi đất trong những trường hợp phức tạp mà UBND và MTTQ cấp xã không thể thuyết phục được mà phải do UBND cấp huyện phối hợp với MTTQ cấp huyện vận động, thuyết phục. Đặc biệt, có những trường hợp phức tạp do cùng lúc phải thu hồi đất của nhiều hộ, nhiều cá nhân mà vận động, thuyết phục không thành thì UBND cấp tỉnh phải phối hợp với MTTQ cấp tỉnh đối thoại, vận động, qua đó mới có thể giải quyết được những khúc mắc do người có đất bị thu hồi đưa ra. “Người ra quyết định cưỡng chế, người phê duyệt phương án cưỡng chế nếu vi phạm luật, để xảy ra những phức tạp trong quá trình cưỡng chế dẫn đến nhiều người khiếu kiện phức tạp thì phải xử lý trách nhiệm thế nào? Tôi đề nghị trong luật quy định rõ vấn đề này” - ông Dân nói.

Đại biểu Dân đề nghị: “Đối với các trường hợp phải cưỡng chế, cần quy định phải đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, bảo đảm an ninh trật tự, không để tình hình phức tạp xảy ra, không cưỡng chế ở những thời điểm nhạy cảm ảnh hưởng đến xã hội, chính trị như không cưỡng chế trong dịp lễ tết, trong lúc gia đình người có đất bị thu hồi có tang ma, giỗ chạp, cưới xin, tai nạn rủi ro”.

Nhiều văn bản luật có biểu hiện lợi ích nhóm

Ngày 22-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIII thông qua. Nhiều đại biểu lo ngại về tình trạng tồn tại lợi ích nhóm trong các văn bản luật trình Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nói: “Qua tiếp xúc cử tri, cử tri cho rằng thời gian gần đây nhiều văn bản luật khi trình Quốc hội có biểu hiện của lợi ích ngành, ít phân cấp cho địa phương, ví dụ như pháp luật liên quan đến quản lý kinh tế, quản lý tài nguyên... Ngoài ra, một số luật còn để cho Chính phủ và các bộ ngành hướng dẫn quá nhiều đã dẫn đến việc lách luật, lạm quyền”.

Có cùng lo ngại này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định: “Nhiều luật vẫn chứa đựng lợi ích ngành, lợi ích nhóm, thậm chí có nguy cơ làm tăng bộ máy, tăng biên chế, tăng kinh phí và điều đáng buồn là hiện nay chúng ta đang xuất hiện tình trạng các luật hình thành nhiều loại quỹ cá biệt và riêng biệt, sẽ gây khó khăn cho Luật ngân sách”.

Trong khi đó theo các đại biểu, chất lượng thẩm tra luật cũng còn nhiều vấn đề. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phân tích: “Ban soạn thảo có rất ít các lãnh đạo tham gia, giao khoán cho cán bộ, chuyên viên và chủ yếu là do cơ quan chủ trì báo cáo với cơ quan thẩm tra. Vẫn còn hiện tượng dễ dãi thỏa hiệp, thiếu cương quyết giữa cơ quan thẩm tra”. Tình trạng thẩm tra luật “chay” mà thiếu thực tế, thiếu khảo sát vẫn còn phổ biến. “Thời gian qua chúng tôi thấy một số ủy ban thường là thẩm tra “chay”. Báo cáo với các đại biểu Quốc hội ăn chay rất tốt cho sức khỏe, nhưng ngược lại thẩm tra “chay” không tốt cho việc thẩm tra các dự án luật” - đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) lo lắng. Ông Hà đề nghị quá trình thẩm tra phải có khảo sát, đánh giá, từ đó có thực tiễn để thẩm tra các dự án luật chất lượng hơn. Còn đại biểu Nguyễn Thanh Thụy cho rằng cần sớm chấm dứt tình trạng “có những dự án luật sáng đưa thì chiều thảo luận. Do đó không có điều kiện để lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức ở địa phương”.

Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy với tỉ lệ tán thành 85,74%.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên