09/11/2013 19:05 GMT+7

Việt - Nhật 40 năm - bản lĩnh một mối quan hệ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhiều vấn đề thiết thực trong quan hệ ngoại giao VN - Nhật Bản được nêu ra tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản diễn ra trong hai ngày 8 và 9-11 tại TP.HCM.

5pF4Otc6.jpgPhóng to
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Hida Harumitsu phát biểu tại hội thảo - Ảnh: L.Điền

Ngài Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Hida Harumitsu nhắc lại trang sử của mối quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam đã bắt đầu từ 40 năm về trước (1973). TS Trần Thị Thu Lương cho rằng cả Việt Nam và Nhật Bản khi đó đã có nhãn quan chính trị nhạy bén về tình hình, xu thế vận động của thế giới và của khu vực nên xác lập được quan hệ ngoại giao.

PGS.TS Nguyễn Tiến Lực nhắc lại hàng loạt sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước và hiện đang trong giai đoạn “làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh châu Á”. Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ môi trường… và các lĩnh vực mới như: năng lượng nguyên tử, năng lượng mới, công nghệ vũ trụ, máy bay thân thiện với môi trường...

Hội thảo cũng đề cập thẳng thắn đến những yếu tố quốc tế và khu vực đang có ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Trong đó có các diễn biến trên biển Đông và biển Hoa Đông.

ThS Nguyễn Tăng Nghị cho biết có 70% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản đi qua biển Đông và chính tầm quan trọng của biển Đông đã khiến Việt Nam và Nhật Bản xích lại gần nhau. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại của mình. Việt Nam và Nhật Bản cũng sẽ có đối thoại an ninh quốc phòng cấp bộ trưởng vào năm 2014.

XGMjX4sb.jpgPhóng to
Sinh viên ngành Nhật Bản học biểu diễn văn nghệ mừng hội thảo - Ảnh: L.Điền

Kinh nghiệm từ nguồn nhân lực

Một nội dung quan trọng của hội thảo lần này là “Đào tạo nguồn nhân lực Nhật Bản – bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. ThS Hồ Thị Lệ Thủy nhắc lại định hướng quan trọng của VN: “Đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa VN cơ bản trở thành một nước công nghiệp”. Mục tiêu này được thực hiện trong tình trạng nguồn nhân lực Việt Nam xếp hạng 101/161 quốc gia là điều rất đáng suy ngẫm.

Có một thông tin về giáo dục nghề tư nhân của Nhật Bản rất có giá trị tham chiếu cho Việt Nam, đó là có đến 80-90% các trường dạy nghề tư nhân trong tổng số trường dạy nghề trong cả nước và được trang bị máy móc hiện đại, đắt tiền từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Tác giả, nghiên cứu sinh Võ Minh Tập đưa ra phân tích về biến đổi dân số và chất lượng dân số để dự báo về tình trạng già hóa dân số sẽ dẫn đến thiếu hụt lao động tri thức, lành nghề, nhất là nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao.

Giáo sư Wanatabe Hiroyuki cũng đưa ra dự báo về tình trạng già hóa của xã hội Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Ở đó, có một số vấn đề cần đương đầu, như chuẩn bị các phương án cần thiết cho xã hội già hóa Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ xã hội già hóa.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên