07/11/2013 00:41 GMT+7

Giá đất thị trường phải để thị trường quyết định

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 6-11, thảo luận phiên cuối cùng trước khi xem xét, thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi) vào cuối kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh nếu không quy định được cơ chế bồi thường, hỗ trợ hợp lý cho người có đất bị thu hồi thì sẽ không giảm được tình trạng tranh chấp, khiếu kiện phức tạp trong lĩnh vực đất đai.

6twKlR9g.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - Ảnh: Việt Dũng

“Luật đất đai có ý nghĩa quan trọng chỉ sau Hiến pháp. Đất đai có nguồn gốc tự nhiên nhưng đất đai cũng là kết quả vô giá của bao đời cha ông ta tạo lập và bảo vệ bằng mồ hôi, trí tuệ và xương máu của mình” - đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) mở đầu bài phát biểu và cho rằng “việc xác định giá đất đã và đang được sự quan tâm lớn của đông đảo cử tri”.

Giá thị trường là giá nào?

Dự án Luật đất đai (sửa đổi) vẫn quy định nguyên tắc giá thị trường đối với đất đai nhưng chưa đủ rõ để nhận được sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội. “Thế nào là giá thị trường? Giá thị trường được xác định như thế nào?” - đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) lên tiếng. Ông nói: “Theo tôi, thị trường là phải để thị trường quyết định. Giá hình thành qua đấu giá chính là giá thị trường chứ không phải giá đất Nhà nước công bố hằng năm là giá thị trường. Khi đó giá đất rất minh bạch, ngay trong một xã, một thôn, một ấp có thể có giá đất khác nhau và người dân được đền bù khác nhau, bởi thôn, ấp bị thu hồi có vị trí thuận lợi khác nhau, vị thế khác nhau. Ngoài ra thời điểm thu hồi đấu giá đất khác nhau thì giá đất cũng khác nhau, khi đó sẽ không có chuyện so đo, tị nạnh giữa người dân, các vùng giáp ranh về giá đền bù”.

“Quy định giá thị trường chung chung là không ăn thua” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bình luận. Bà Hương đề nghị: “Việc xác định giá đất khi Nhà nước thu hồi thì phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai khi quyền sử dụng đất của người dân bị thu hồi. Bồi thường đất cho người dân phải đảm bảo cho họ có cuộc sống bình thường, hoặc bằng hoặc tốt hơn so với trước đó”.

Ủng hộ quy định UBND cấp tỉnh hỗ trợ để người dân thuộc diện phải di dời đủ mua suất tái định cư tối thiểu, nhưng đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đặt vấn đề: “Tiêu chí quy định suất tái định cư tối thiểu như thế nào? Mỗi tỉnh sẽ có quy định khác nhau? Nên bổ sung giải thích từ ngữ suất tái định cư tối thiểu. Không thể để vấn đề này giống như lương tối thiểu hoặc mức sống tối thiểu, chúng ta nói nhiều nhưng khi làm lại không rõ”. Ông Phong cũng đề nghị bổ sung quy định điều tiết khoản sinh lợi giá đất từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. “Nhờ quy hoạch mà giá đất tăng do chuyển mục đích hoặc đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, giá trị tăng lên này Nhà nước bổ sung vào ngân sách địa phương là hợp lý, song cần ưu tiên sử dụng hỗ trợ cho những trường hợp người có đất bị thu hồi nhưng sinh kế bất lợi hơn chỗ cũ. Đồng thời nên nghiên cứu điều tiết các trường hợp nhà ở trong hốc, trong hẻm nhưng nhờ quy hoạch của Nhà nước mà ra được mặt tiền sinh lợi cao thì Nhà nước nên điều tiết một phần để hỗ trợ công tác đền bù, tái định cư dự án tại chỗ”.

PS8EgqW8.jpgPhóng to
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng - Ảnh: Việt Dũng

Phải có cơ quan định giá độc lập

Theo bà Hồng Hà, thế nào là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường là một câu hỏi khó cho các cơ quan nhà nước trong việc xác định giá đất, tính bồi thường cũng như đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. “Chính quyền dựa vào đâu để nói với người dân là giá bồi thường đã được tính đúng, tính đủ? Người dân căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của mình đã được đảm bảo? Đối với nơi không có các giao dịch thì căn cứ vào đâu để tính? Tôi đề nghị dự thảo cần thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất, đồng thời Nhà nước cũng cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và công bố giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu trong xác định giá đất” - bà Hà đề nghị.

Còn ông Minh Hoàng thì “kiến nghị Nhà nước cần thành lập cơ quan định giá đất, người dân bị thu hồi đất có quyền giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập, tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi hoàn, hỗ trợ và tái định cư sao cho có lợi cho người bị thu hồi đất, bỏ hẳn cơ chế giao đất xin cho”. Theo ông, trong quá trình đấu giá, đại diện người dân được tham gia, giám sát hội đồng đấu giá. Minh bạch như vậy sẽ giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, đền bù giải phóng mặt bằng mà phần lớn do chưa hài lòng về giá đền bù. “Nếu theo cơ chế thị trường thì thông thường người bán phải là người có quyền quyết định giá bán, tuy nhiên trong thực tế không phải như vậy. Vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào? Không thể để cho người bị thu hồi đất bị xem là người đứng ngoài cuộc” - ông Hoàng nhấn mạnh. Ông bình luận rằng hiện nay mỗi khi thu hồi đất thì đều họp dân để thỏa thuận nhưng thực chất chính quyền đã quyết cả rồi.

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Băn khoăn lớn nhất của các đại biểu vẫn là cơ chế thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội. “Theo tôi, nếu Luật đất đai (sửa đổi) lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải” - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) quả quyết. Ông Vinh “đề nghị làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội. Phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể, tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất, nhằm tránh lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội”.

Hiến kế giải pháp, ông Huỳnh Minh Hoàng kiến nghị: “Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư thì Nhà nước không áp dụng thu hồi đất mà phải áp dụng cơ chế góp đất, điều chỉnh lại đất đai. Có nghĩa là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án. Đây là một phương thức cho quản lý và giải quyết tài chính trong phát triển đô thị đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước phát triển, các nước công nghiệp mới và hiện nay đã được áp dụng ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Năm vấn đề cần làm để quản lý giá đấtCần quy định rõ việc bố trí tái định cưQuốc hội thảo luận dự thảo Luật đất đai sửa đổiMuốn thu hồi đất phải đưa ra HĐND

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên