26/10/2013 08:33 GMT+7

Muốn thu hồi đất phải đưa ra HĐND

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Đâu là nội dung mới nhất liên quan đến việc thu hồi đất trong dự thảo Luật đất đai được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này? Trả lời Tuổi Trẻ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết:

bJXxutm1.jpg
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải - Ảnh: V.V.Thành

- Ở đây chúng ta phân biệt hai việc khác nhau là Nhà nước đứng ra thu hồi đất và doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân. Cứ để cho doanh nghiệp đi thỏa thuận về đất đai với dân, trường hợp vướng thì Nhà nước vào thu hồi đất, như vậy là không rõ mục tiêu. Bây giờ chúng ta phải làm rõ trường hợp nào là thu hồi, trường hợp nào là thỏa thuận.

Nếu hạn chế hoặc không cho thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có rất nhiều dự án mang lợi ích công cộng không triển khai được. Tuy nhiên, nói thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, phải làm rõ như thế nào là vì lợi ích của người dân, vì lợi ích công cộng. Bây giờ chúng ta sử dụng cơ chế là phải được HĐND ở đó (cấp tỉnh - PV) đồng ý, ví dụ anh định thu hồi một miếng đất, anh nói đây là vì lợi ích công cộng, vậy thì HĐND phải được biết và thông qua.

* Nhiều ý kiến lo ngại nếu cho thu hồi đất cả vì mục đích “phát triển kinh tế - xã hội” thì sẽ xảy ra tình trạng thu hồi tùy tiện rồi giao cho doanh nghiệp?

- Luật đất đai lần này đã rõ ràng ở chỗ nếu là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân thì thuần túy thỏa thuận, nghĩa là mang tính dân sự, không có chuyện Nhà nước vào tham gia thu hồi đất như hàng trăm, hàng ngàn trường hợp lâu nay.

* Có cần thiết phải quy định rõ trong Luật đất đai thế nào là các dự án nằm trong diện phát triển kinh tế - xã hội?

- Nếu mình ghi chi tiết ra trong luật thì dễ lâm vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu, không thể nào chi tiết được hết các loại hình trong xã hội. Chúng ta để HĐND xác định việc này sẽ tốt hơn.

Những dự án nào phải thu hồi đất thì đưa ra HĐND, như vậy sẽ tránh trường hợp cho rằng đây là dự án thương mại sao Nhà nước lại thu hồi đất. Cũng có dự án thương mại nhưng mang yếu tố lợi ích công cộng, ví dụ như dự án cấp nước, có thể là tư nhân làm cấp nước, nhưng nếu không giải phóng mặt bằng cho người ta làm đường ống thì sao cấp nước được... Nghĩa là thực tế muôn hình vạn trạng, ghi vào luật sẽ không đủ. Nếu như trước đây không đưa ra HĐND, bây giờ việc xác định dự án nào là dự án vì lợi ích công cộng thì HĐND đại diện cho người dân sẽ quyết định việc đó.

* Như vậy với các dự án mang tính chất thương mại, vì lợi ích kinh tế của chủ đầu tư thì từ nay Nhà nước sẽ không thu hồi đất mà chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân?

- Chúng ta cứ bàn về thu hồi đất, tập trung vào đó nhiều, nhưng quên mất ngoài xã hội có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất - là một trong những quyền của người có quyền sử dụng đất, vậy thì để người ta thực hiện quyền đó theo quy định của Luật dân sự. Và cái đó mới là nhiều, còn những cái khác không phải phổ biến. Khi đã là dân sự thì anh thỏa thuận mua bán với nhau, được thì anh làm, không được thì thôi. Nhà đầu tư phải tự tính toán với diện tích như thế thì hiệu quả ra sao để làm. Giải quyết được vấn đề này trong Luật đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc của luật hiện hành.

* Với cơ chế thỏa thuận, nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thỏa thuận được 60-90%, nhưng số ít còn lại không đồng ý nên dự án tắc nghẽn. Vì vậy có ý kiến đề nghị với các dự án thỏa thuận mà đa số người dân đã đồng ý, với thiểu số không đồng ý thì Nhà nước sẽ can thiệp bằng biện pháp thu hồi?

- Nếu thỏa thuận chỉ được 60% hay 80%, số người còn lại không chịu thì Nhà nước vào thu hồi, cưỡng chế, cái đó tạo ra bức xúc không cần thiết đối với người dân. Bây giờ không có chuyện lẫn lộn cơ chế. Nếu thu hồi đất phải đưa vào kế hoạch và được HĐND thông qua. Còn dự án thỏa thuận thì chủ đầu tư phải tính toán, không có chuyện làm um xèng rồi kêu không có mặt bằng, kêu lỡ vay vốn ngân hàng rồi...

* Đối với đề nghị việc thu hồi đất cũng phải đền bù theo giá thị trường, Phó thủ tướng nghĩ sao?

- Hiện nay giá đất vẫn theo quy định là giá thị trường, nghĩa là giá theo bảng giá đất được công ty tư vấn hoặc các sở ngành có liên quan xây dựng, người ta cập nhật và đưa lên. Cái đó gọi là gần với giá thị trường. Nhiều người bảo không, giá đó không phải thị trường, giá ở đây khác... Không có nhà nước nào chạy theo giá trôi nổi trên thị trường được. Chẳng hạn với một miếng đất, mọi người nói cho tôi giá đó, hỏi căn cứ ở đâu thì trả lời là cũng chỉ nghe nói thế. Giá kiểu như vậy mình không thể chạy theo được.

Ở đây có vấn đề là chúng ta phải cố gắng theo như các nước tiếp cận sát với thị trường. Khi mà các nước có cơ chế để thị trường hóa sát hơn thì khoảng cách hẹp lại, giá minh bạch hơn, các yếu tố thị trường đầy đủ hơn sẽ rõ ràng hơn.

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên