Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Lập trên con tàu của gia đình bị bão đánh tan nát dưới chân cầu Roòn ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình - Ảnh: Tấn Vũ |
Bão dữ đi qua, tan hoang ở lạiGượng dậy từ rốn bãoTâm lũ Hoàng Mai đau thương
Cách TP Đồng Hới hơn 40km, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) được xem là tâm điểm của cơn bão số 10. Sáng 1-10, hàng chục ngư dân dưới chân cầu Roòn (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) chỉ biết ôm nhau nhìn dòng sông chứa chan nước mắt.
Cái nắng hanh hao sau bão dữ vừa đủ để người dân ở vùng bão phơi phóng áo quần, mùng mền, giường chõng bị ướt sũng nước mưa đêm trước. Dọc tuyến quốc lộ 1 từ Đồng Hới ra Bố Trạch đến Quảng Trạch của Quảng Bình không một mái nhà lành lặn. Người dân tất bật sửa sang lại mọi thứ vừa bị bão tàn phá. Ngược lại với cư dân trên bờ, hàng chục ngư dân dưới chân cầu Roòn tiếc nuối ghe thuyền bì bõm dưới dòng nước, cố gắng vớt các vật dụng còn sót lại trên con thuyền của mình và thả phao đánh dấu chờ nước cạn để trục vớt.
Cả gia tài trôi theo bão
Trên bờ hàng chục chiếc tàu cá bị bão đánh tả tơi nằm ngổn ngang. Những chiếc tàu bị đánh nát bể làm đôi, gỗ văng tứ tung, có chiếc bị nhấn chìm toàn bộ, chiếc đưa hẳn bánh lái lên bờ, có chiếc cắm phần mũi xuống lòng sông. Có những chiếc tàu chỉ còn là đống gỗ bục trong khoang chứa đầy nước.
Bất chấp cái nắng trưa, nhiều phụ nữ và cả những đứa trẻ là người thân của các ngư dân nhóm bếp ngay bên bờ sông khi những con tàu cũng là nhà của họ đã chìm sâu nơi đáy nước. Có cơm nhưng chẳng ai còn muốn ăn khi tất cả gia tài của họ đã bị nhấn chìm khi cơn bão càn qua.
Ngư dân Bùi Xuân Hùng mắt đỏ hoe lặng lẽ nhìn con tàu rồi nấc nghẹn. Chiếc tàu của anh không những là tài sản, là căn nhà mà là kỷ vật theo anh đi khắp các vùng biển cùng gia đình bé nhỏ của mình. Cưới vợ, ra riêng, bố mẹ tích cóp mua cho vợ chồng anh con tàu này để hai vợ chồng mưu sinh. Nhưng bây giờ bão gió đã không buông tha. “Tôi đã cẩn thận neo nó vào sát bờ. Nhưng sóng lớn quá, những con sóng cao 3-4m liên tục đánh con tàu thẳng vào bờ. Bây giờ thì nó đã tan nát. Người trên cạn còn có chỗ trú, nhưng chúng tôi thì...” - anh Hùng nghèn nghẹn nói không hết lời.
Đã hơn 30 mùa ra khơi, vẫy vùng từ biển Bắc bộ đến Hoàng Sa xuống tận Trường Sa nhưng con tàu của ông Nguyễn Văn Lập vẫn hiên ngang lướt sóng. Ông Lập cũng không ngờ số phận con tàu chinh chiến của mình lại gục ngã ngay cửa biển quê nhà trong cơn bão dữ. Đúng 30 năm trước, cũng chính cửa biển này, trong trận bão kinh hoàng năm 1983 tàu của cha ông cũng đổ gục nơi bến sông Roòn và bây giờ đến lượt con tàu của ông, sự trùng hợp như một định mệnh mà không ai lý giải được. Cố gắng vớt máy tàu lên khỏi đống bùn dưới đáy sông, ông Lập nói như mếu: “Vớt cho đỡ tiếc vậy chứ còn gì. Máy ngâm nước hỏng hết rồi. Tàu chìm, đồ đạc mất sạch, đống nợ gần 200 triệu đồng khi đóng con tàu chưa trả hết. Bây giờ nợ chồng nợ, đường mưu sinh coi như bị cắt”.
Nhìn nước tràn vào tàu mà nuốt nước mắt
Cùng cảnh ngộ với ông Lập, tàu của ông Ngô Bá Lục cũng bị sóng đánh làm nát phần đầu. Toàn bộ chiếc tàu chứa đầy nước trôi dật dờ trên sông. Ông Lục kể khi đó khoảng 16g, lúc bão tấn công mạnh nhất, cả cửa biển tối mù vì mưa gió. Chiếc tàu của ông đã neo kỹ nhưng sóng quá mạnh, con tàu bị sóng cao 4m nâng lên đập xuống làm phần đầu nát vụn. “Nhìn nước tràn vào tàu mà nuốt nước mắt. Tài sản một đời tích cóp, vay nợ 600 triệu đồng, đóng con tàu hơn 1 tỉ đồng mới đi có ba mùa cá thì bị bão phá tan tành. Bây giờ sổ đỏ của con tàu nằm ở ngân hàng, tiền ăn còn không có, nói gì chuyện sửa tàu, ra khơi” - ông Lục thều thào, buồn rũ.
Hàng trăm phụ nữ là vợ, là mẹ các ngư dân mà chúng tôi gặp ở cửa biển dưới chân cầu Roòn chiều 1-10 không ai nói với nhau lời nào. Người che nón lá giấu nước mắt mặn chát dưới làn môi tím tái. Người thở dài âu lo khi nhìn dòng nước chảy xuôi qua cầu trong cảnh nợ nần, túng quẫn. Anh Nguyễn Hoài Nam, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng tỉnh Quảng Bình, buồn rười rượi cho biết có gần 70 tàu thuyền của ngư dân Quảng Trạch bị bão làm hỏng hóc, sóng đánh chìm và rách nát.
Bà Nguyễn Thị Dựng ở Quảng Ninh, Quảng Bình khóc ròng nhìn ngôi nhà trống huơ trống hoác sau cơn bão - Ảnh: Tiến Long |
Màn trời chiếu đất
Sáng sớm 1-10, chúng tôi có mặt tại thôn Hiếu Trung, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Bà Trương Thị Loan khuôn mặt phờ phạc, hai mắt bạc phếch vì cả đêm chống chọi với mưa bão để cứu lấy một ít tài sản. Nói là cứu nhưng trong hơn bốn giờ chống chọi với mưa to gió lớn, tài sản của nhà bà không còn gì ngoài một đống đổ nát. Lẫn lộn giữa quần áo, đồ đạc là gạch đá. Chồng mất hơn 10 năm nay, bà sống với ba đứa con nhỏ. Bà được anh trai cho một khoảnh nhỏ trên thửa đất trồng khoai lang để làm căn nhà tạm bợ, mẹ con qua ngày đoạn tháng. Hằng ngày bà đi làm đủ thứ nghề, ai thuê đâu làm đấy. Một phần nuôi con, phần còn lại gom góp mua dăm bảy viên gạch, ngói về đặt quanh nhà. Chờ đến khi có đủ gạch thì vay mượn thêm ít tiền xây nhà kiên cố. Gom góp số gạch cũng gần xây được nhà thì giờ chỉ còn đống gạch ngói vỡ vụn.
Bà Loan cho hay nghe tin vùng biển xã Hải Ninh là vùng tâm bão đổ bộ, bà thu gom đồ đạc cho hết xuống giường, nhờ hàng xóm giằng néo nhà cửa, rồi cả mấy mẹ con lên nhà anh trai ở gần đó tránh bão. Nằm trong nhà anh trai nhưng lòng bà thấp thỏm cứ nghĩ về ngôi nhà lẻ loi giữa mưa gió quăng quật như “bom càn”. Bà mong cho nhà đừng đổ sập, không thì mẹ con bà không biết ở đâu. Nhưng những trận gió đầu tiên quật mạnh chưa đầy 20 phút đã xô đổ nhà bà.
Trời vừa tạnh gió, bà vội vã chạy ra lục tung đống đồ nhưng mọi thứ chỉ còn lại một đống lộn xộn. Chiếc tivi là tài sản quý nhất cũng bị gạch đè vỡ nát. Sách vở đi học của con bà ướt sũng, rách nát. Giờ mấy mẹ con đang cố gắng thu gom lại đồ đạc. Rồi bà nhờ hàng xóm tiếp tục chống đỡ nhà ở tạm, “dự án” xây nhà kiên cố chắc phải tạm quên đi. Bà Loan kể thằng anh thì không sao, chứ đứa em gái đang học lớp 6 từ tối qua đến giờ cứ khóc lên nhìn đống sách vở nhàu nát. Bà không biết mai mốt lấy đâu sách vở cho con đi học. Giờ bà cố gắng đem phơi, “cứu được quyển nào hay quyển đó. Còn thiếu một vài quyển thì mượn bạn bè cho con học tạm”.
Cũng cảnh mẹ góa con côi, sau đợt càn quét của cơn bão, căn nhà của bà Nguyễn Thị Dựng (thôn Nam Hải, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) bị sập mái hoàn toàn. Ngôi nhà hai gian của bà giờ chỉ còn lại bộ khung trống trơn. Nước mưa xối vào ướt lênh láng. Gặp chúng tôi, bà Dựng khóc ròng vì trong nhà còn dăm ba lon gạo cũng bị nước mưa làm ướt sũng. Quần áo của cả nhà chỉ còn lại bộ mặc trên người là khô. Xung quanh không có anh em để xin ở tạm. Bà Dựng đang tính vay mượn mua vài tấm bạt về che đậy làm mái ba mẹ con ở tạm, chờ khi nào có tiền thì lợp ngói. Nhưng ít nhất một vài ngày tới ba mẹ con bà cũng phải ở trong căn nhà trống huơ trống hoác. “Mong cho mấy ngày tới trời đừng mưa kẻo mấy mẹ con tui không biết trú vào mô” - bà Dựng nói.
Báo Tuổi Trẻ hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại Ngày 1-10, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ miền Trung đã tỏa về các khu vực được xác định là “rốn bão” và đã ghi nhận một khung cảnh hoang tàn ở khắp các làng quê Quảng Bình, trong đó nặng nề nhất phải kể đến là các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch. Tại đây hầu hết nhà cửa, trường học, bệnh viện đều bị tốc mái, thậm chí có nơi bị tốc mái đến hơn 85% số hộ như ở thôn Tân Lý (xã Hải Trạch, Bố Trạch). Nhìn cảnh những đứa trẻ chưa đầy 4 tuổi đang lầm lũi theo chân cha mẹ dọn dẹp những mảnh ngói vỡ mà không khỏi nhói lòng. Với thông tin khảo sát đầy đủ, báo Tuổi Trẻ sẽ nhanh chóng trực tiếp hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nặng bằng các hình thức cụ thể và thiết thực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận