Bão số 10 với cường độ gió cấp 12,13, giật cấp 14-15 đã đổ bộ trực diện vào Quảng Bình hơn 3 tiếng đồng hồ. Mặc dù công tác dự báo khá chính xác, chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc nhưng thiệt hại vô cùng lớn. Điện bị cắt hoàn toàn, hệ thống thông tin liên lạc bị tê liệt...
Phóng to |
Cột ăng ten trạm phát sóng VOV tại Đồng Hới bị gãy đổ - Ảnh: Lam Giang |
8 người bị thương, 3 người chết
Thiệt hại ban đầu được ghi nhận là 3 người chết, 8 người bị thương và 1 người mất tích, 80% số nhà dân và công sở bị tốc mái, có khu vực 100% nhà bị tốc mái.
Nhiều tuyến đường trong huyện Minh Hóa bị cây chắn ngang - Ảnh: Minh Đạt |
Hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt mất hoàn toàn, nhiều cột điện, cột ăng ten của hệ thông thông tin liên lạc bị gãy đổ. Trong đó, cột ăngten cao gần 200m cũng bị gãy đổ đè bẹp 2 ô tô.
Cao su gãy đổ trên diện rộng. Trong đó 100% diện tích cao su của công ty Việt Trung bị gãy đổ hoàn toàn. Về giao thông, QL1 hiện đã được thông đường, đường Hồ Chí Minh tắc nghẽn một số điểm. 11 tàu thuyền bị đắm.
Tại TP Đồng Hới - tâm điểm của bão, theo báo cáo của chủ tịch UBND TP Trần Đình Dinh, 50% số cây xanh ở địa bàn trung tâm TP gãy đổ, dọc bờ biển 100% diện tích cây xanh gãy.
Hơn chục tàu bị trôi, 1 chiếc vỡ. Hiện nay TP tập trung lực lượng dọn cây cối với biện pháp dân ở đâu, ngõ phố nào tự dọn ở đó. Hiện mới chỉ dọn cây ở trên một số trục đường lớn, dự kiến khoảng 15 ngày sau mới dọn dẹp được hết toàn bộ.
Về điện, theo ông Thái Hồng Quân giám đốc Điện lực Quảng Bình, hiện tại 6 đường dây cấp điện chính cho Đồng Hới đã bị gãy đổ cột, trong ngày hôm nay (1-10) cố gắng cấp điện cho vùng lõi Đồng Hới từ khu CN Đồng Hới về trung tâm, nhưng công suất sẽ được hạn chế. Ngành điều động lực lượng từ tỉnh Quảng Trị tăng cường ra hỗ trợ Quảng Bình.
Chiều tối 1-10 mới cấp nước sạch trở lại.
Hơn 3.500 nhà dân bị sập, tốc mái
Tính đến 6g sáng 1-10, bão số 10 đã làm tốc mái 3.347 nhà dân, 23 nhà bị sập hoàn toàn, 94 nhà bị ngập nước trên địa bàn huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Ngoài ra, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa bị tốc mái hai dãy nhà, hư hỏng nhiều phòng bệnh, hàng chục bệnh nhân phải di dời trong đêm. Xã Trọng Hóa bị tốc tốc mái 3 điểm trường, nhiều bản làng bị cô lập vì nước dâng cao, 8 bản bị mất liên lạc.
Nhiều phòng bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa bị hư hỏng nặng - Ảnh: Minh Đạt |
Mưa bão đã làm thiệt hại 1.500 ha cây keo tràm của người dân và nhiều ha hoa màu khác. Tổng thiệt hại do cơn bão gây ra ước khoảng 135 tỷ đồng. Các địa phương thiệt hại nặng nhất là thị trấn Quy Đạt, xã Minh Hóa, Quy Hóa, Hồng Hóa...
Hầu hết các tuyến đường trong huyện đều bị cây đổ gãy chắn ngang gây khó khăn cho việc qua đi lại. Nhiều hàng quán, pa nô, áp phích bị gió giất bay. Theo nhiều người cao tuổi cho hay, đây là cơn bão lớn nhất nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Quảng Trị: Chưa hết bàng hoàng
Sáng 1-10, chúng tôi có mặt tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Nơi đây giáp tỉnh Quảng Bình, cũng là nơi bão tàn phá nặng nhất của tỉnh Quảng Trị.
Gần như toàn bộ mái của Trường tiểu học Vĩnh Tú bị bão thổi bay - Ảnh: Quốc Nam |
Từ thôn Mạch Nước đến thôn Thái Lai, mảnh tôn nằm vương vãi khắp đường. Cây cối ngã đổ la liệt. Người dân chưa hết bàng hoàng sau bão.
Ông Trần Văn Lãng, ở thôn Thái Lai nhớ lại: "Gió bão quần qua vùng này ít nhất hơn 2 tiếng đồng hồ. Bên ngoài nước biển dâng, bên trong gió giật bay mái nhà. Không biết chạy đường nào. Toàn bộ mái tôn nhà tôi bay sạch".
Gia đình ông Trần Văn Lãng, ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái bị bay toàn bộ mái nhà - Ảnh: Quốc Nam |
Xóm ông đều chung tình cảnh. Người dân tất bật thu dọn những mãnh vỡ của tôn, mái nhà, người thì thẫn thờ nhìn trời qua mái nhà.
Toàn cảnh thôn Thái Lai. Những ngôi nhà sát nhau đều bị bay mái sau cơn bão - Ảnh: Quốc Nam |
Ông Vũ Văn Phong, chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết xã nằm ngay mép biển nên ít nhất gió bão qua xã phải giật cấp 12. Toàn xã có 736 nhà thì hơn 600 căn tốc mái. Nặng nhất là thôn Mạch Nước, Thái Lai. Nhìn quanh đâu cũng thấy nhà bị tốc mái.
Hai bà cháu bà Nguyễn Thị Hai ngồi thẫn thờ dưới ngôi nhà trống hoác - Ảnh: Quốc Nam |
Khi chúng tôi có mặt tại Vĩnh Thái, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng đã đến chia sẻ khó khăn cùng những gia đình bị thiệt hại nặng.
Thanh Hóa: vỡ ba hồ đập thủy lợi nhỏ
Sáng 1-10, ông Nguyễn Văn Dương - phó chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 10, trên địa bàn huyện có mưa lớn, nước lũ dâng cao làm vỡ ba hồ đập thủy lợi nhỏ.
Đến 10g sáng 1-10, thống kê của UBND huyện Tĩnh Gia cho biết trên địa bàn có ba hồ đập thủy lợi nhỏ bị vỡ là: hồ Ông Già ở xã Trường Lâm; hồ Khe Tuần ở xã Tân Trường; hồ Thung Cối ở xã Phú Lâm.
Ngoài ra, tràn xả lũ hồ Cây Trầu ở xã Trúc Lâm bị sạt lở nặng, bị vỡ cống phía Nam. Hồ Yên Mỹ hiện mực nước đang ở cao trình 20,15m, đã mở ba cửa xả lũ. Hồ Kim Giao II, hồ Đồng Chùa mực nước cao trình hiện đang cao hơn thiết kế đang trong tình trạng mất an toàn. Hồ Nam Sơn ở xã Phú Sơn bị nước tràn qua đê. Đê chắn lũ Cầu Tây ở xã Trúc Lâm bị vỡ dài 20m.
Đến sáng 1-10, tuyến quốc lộ 1A đoạn từ xã Xuân Lâm đến xã Trường Lâm (Tĩnh Gia) nước tràn qua đường, nhiều chỗ sâu từ 0,7- 1m.
Vĩnh Linh: Rừng cao su thành bình địa
Hàng ngàn hecta cao su đang độ tuổi thu hoạch ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã bị cơn bão số 10 san phẳng.
Phóng to |
Một cánh rừng cao su kéo dài qua Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nam gần như bị san bằng.
Ông Dương Văn Thưởng, xã Vĩnh Kim, mếu máo: “Bao nhiêu công sức đổ vào 2 ha cao su, chờ bảy năm trời mới đến ngày khai thác. Chừ thì bão quật ngã hết trụi rồi. Coi như mấy trăm triệu đồng tiêu tan”.
Hàng ngàn hecta cao su khác ở vùng này cũng chung số phận. Nói như một cán bộ xã Vĩnh Hòa thì trận bão như một trận bom, khi quét qua chỉ để lại sự hoang tàn. Những gốc cao su to bằng cả người ôm cũng nứt toác và đổ sụp chứ không riêng gì cây nhỏ. Mủ cao su chảy trắng đầy những thân cây gãy ngổn ngang.
Sau bão, nước mắt người dân cũng chảy vì giọt mủ cao su vốn được ví như vàng trắng.
Không chỉ có cao su, trên tuyến đường dọc biển huyện Vĩnh Linh mà chúng tôi đi qua, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái.
Nặng nhất là xã Vĩnh Thái, nằm giáp mép biển và giáp huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Nhiều nhà đóng cửa sơ tán, đến khi trở về mới thấy nhà trống không, mái tôn đã bay đâu mất…
Nước sông dâng ngập đường ray, hai đoàn tàu mắc kẹt
Sáng 1-10, ông Trần Thanh Tùng - trưởng ga Vinh (Nghệ An) - cho biết đoạn đường sắt nối ga Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đến ga Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nước dâng ngập đường ray, hai đoàn tàu phải dừng tại ga Trường Lâm.
Chị Nguyễn Thị Yến - giám đốc Nhà văn hóa Thiếu nhi Việt Đức (Nghệ An) - cho biết chị đi trên tàu xuất phát tại ga Hà Nội lúc 21g30 ngày 30-9. Đáng lẽ về tới ga Vinh lúc 5g sáng 1-10 nhưng do đường tàu bị ngập nặng nên bị ách lại ga Khoa Trường (cách ga Trường Lâm một ga).
Trưởng tàu cho biết nếu trưa nay chưa thông được tàu thì sẽ phát cho mỗi hành khách một gói mì ăn tạm để chờ.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ cho biết đường tàu bị ngập là do hoàn lưu bão khiến nước sông Mai Giang và nước đồng dâng cao.
Lực lượng CSGT và thanh tra giao thông hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đang phân luồng ngược lên đường Hồ Chí Minh. Riêng đoạn đường sắt bị ngập phải chờ nước rút mới có thể thông tàu.
Huế: tan tành xóm núi Hói Dừa - Hói Mít
Đến 14g chiều 1-10, xóm núi Hói Dừa - Hói Mít (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) ngổn ngang, tan tành sau bão dữ, sự cố đứt dây điện vẫn chưa được khắc phục.
Đây là hai xóm nghèo nằm hút sâu trong hốc núi Hải Vân, sát mép sóng đầm Lập An - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo ông Dương Đăng Trung, phó chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, gió bão từ biển Lăng Cô thổi mạnh, khi gặp dãy núi Hải Vân chặn lại đã tạo ra vùng gió xoáy mạnh, gây thiệt hại nặng nề cho người dân xóm Hói Dừa và Hói Mít.
Căn nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Thái ở xóm Hói Mít đã bị bão đánh sập vào sáng 30-9.
Anh Nguyễn Văn Thái (ở xóm Hói Mít) đứng bần thần trước căn nhà bị gió bão đánh sập - Ảnh: Nguyên Linh |
Trưa 1-10, lực lượng dân quân tự vệ thị trấn Lăng Cô đã đến giúp dọn dẹp và dựng lều để gia đình anh Thái trú tạm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến chiều 1-10, hàng chục hộ dân ở xóm nghèo Hói Dừa-Hói Mít vẫn chưa thể khắc phục được nhà cửa bị sập, tốc mái.
Theo thống kê ban đầu, toàn thị trấn Lăng Cô có đến hơn 150 nhà sập và tốc mái, tập trung chủ yếu ở hai xóm Hói Dừa, Hói Mít; nhiều khách sạn trường học cũng bị tốc mái, hàng chục trụ điện bị gãy ngã, mất điện toàn thị trấn suốt từ đêm 29-9.
Nhà cửa ở xóm núi Hói Dừa - Hói Mít đã bị tốc mái, sụp đổ - Ảnh: Nguyên Linh |
Ông Trung cho biết bước đầu mỗi nhà bị sập được chính quyền hỗ trợ 500 ngàn đồng, giúp dân dựng lại nhà tạm, sửa chữa nhà bị tốc mái.
Được biết, bão số 10 đã làm 2 người bị thương, 6 căn nhà bị sập và gần 400 căn nhà bị tốc mái. Sóng biển đã làm 220 ha ao hồ nuôi trồng thủy bị sạt lở, hơn 10km bờ biển đã bị nước biển ăn sâu vào từ 5-10m.
Hà Tĩnh: hơn 4.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái
Theo Ban Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, bão số 10 gây ra thiệt hại nặng cho Hà Tĩnh, 18 người bị thương, 8 nhà bị sập, 4.025 nhà bị tốc mái.
Huyện Kỳ An (Hà Tĩnh) chịu ảnh hưởng nặng nhất với hơn 1.153 nhà dân, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái, hệ thống điện tê liệt. Mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi, đặc biệt, trên quốc 1 đoạn qua huyện Kỳ Anh có nhiều điểm ngập sâu khiến xe cộ ùn tắc. Riêng Hương Sơn không nằm trong vùng bão nhưng vẫn chịu thiệt hại nặng khi có 6 nhà dân, 1 trường học bị sập.
Hơn 840 ha cao su bị đổ, 12.000 gia cầm bị chết. 243 cột điện đổ gãy, hơn 10.956m dây điện bị đứt…
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Huế: 30 căn nhà bị sập và tốc máiGió bão tại Quảng Bình đã nhẹ hơn, miền Trung mất điện diện rộngSóng biển đánh sập hàng trăm mét bờ kè biển Hội AnBão chưa tan, ngư dân liều mình ra biểnBão số 10: Ba người bị thương, hàng chục ngàn nhà bị sập, tốc máiQuảng Bình: 2 người chết vì bị tháp ăngten đè
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận