20/09/2013 19:55 GMT+7

Bệnh nhi tử vong sau tiêm kháng sinh, người nhà bức xúc

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Ngày 20-9, tại bệnh viện trẻ em Hải Phòng - Nhi Đức, quận Kiến An, TP Hải Phòng, cháu bé Phạm Khánh Nhi (5 tuổi, P. Đông Khê, Q.Ngô Quyền) đã tử vong sau một ngày nhập viện để điều trị viêm phổi.

WrPfzNBR.jpgPhóng to
Người nhà bệnh nhân bức xúc yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong - Ảnh: Thân Hoàng

Chị Bùi Thị Thanh Hương (31 tuổi, mẹ cháu bé), cho biết gia đình đưa cháu Nhi vào bệnh viện trẻ em Hải Phòng - Nhi Đức từ sáng 19-9.

Các bác sĩ chẩn đoán cháu Nhi bị viêm phổi kéo dài, theo dõi viêm phổi tùy.

Khoảng 11g trưa, y tá tiêm một mũi kháng sinh vào mông cháu Nhi.

Đến khoảng hơn 15g, y tá tiếp tục tiêm một mũi kháng sinh vào mông của cháu.

Sau hơn 10 phút, y tá tiếp tục tiêm một mũi kháng sinh Cefo taxim vào ven cháu bé.

Khi bác sĩ vừa rút kim tiêm ra thì cháu Nhi bỗng tím tái người và lịm dần.

Cũng theo chị Hương, sau khi có biểu hiện sốc thuốc, cháu Nhi đã được đưa xuống khoa hồi sức cấp cứu. Đến buổi đêm thấy con có biểu hiện sốc trở lại, chị Hương gọi bác sĩ nhưng không được.

Chị Hương kể: “Nửa đêm thấy cháu dậy kêu đau đầu liên tục, người cháu sốt hầm hập, huyết áp thì lúc cao lúc thấp. Tôi có gọi bác sĩ vào xem thì một bác sĩ trả lời là cứ yên tâm, cháu bé không sao, cháu chỉ làm nũng mẹ thôi”.

Đến khoảng 7g30 sáng 20-9 chị Hương gọi nhưng không thấy con mình tỉnh lại.

Một lúc sau các bác sĩ vào kiểm tra và thông báo cháu Nhi tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh điều trị viêm phổi.

Vì không đồng ý với nguyên nhân tử vong mà bệnh viện đưa ra nên người nhà chị Hương đã tập trung phản đối và không chịu đưa thi thể cháu Nhi về nhà.

Giải thích với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Tú, phó giám đốc bệnh viện trẻ em Hải Phòng - Nhi Đức, cho biết dựa vào triệu chứng lâm sàng, diễn biến bệnh án, bước đầu kết luận sơ bộ cháu Nhi tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh Cefo taxim.

Trước khi tiêm, y tá đã thử phản ứng của thuốc và có kết quả an toàn nhưng khi tiêm xong thì bệnh nhân đã bị phản ứng có hại của thuốc theo hướng phản ứng dị ứng quá mức.

Sau khi bệnh nhân có biểu hiện sốc, bệnh viện đã tiến hành các biện pháp điều trị theo phác đồ chống sốc. Ban đầu tình trạng sức khỏe của cháu bé tiến triển tốt nhưng đến đêm lại có biểu hiện sốc trở lại và sốc nặng hơn.

Theo bác sĩ Tú tỷ lệ sốc phản vệ này nhỏ hơn 1/1.000, tại bệnh viện đã có một số trường hợp bị sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh Cefo taxim. Tuy nhiên đây là trường hợp đầu tiên tử vong tại bệnh viện.

Về việc người nhà phản ánh bác sĩ tắc trách trong quá trình xử lý sốc phản vệ cho bệnh nhân, bác sĩ Tú khẳng định: “Chúng tôi ghi nhận ý kiến này và sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ quá trình, nếu đúng có việc bác sĩ tắc trách thì chúng tôi sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể có liên quan”.

Đồng thời bác sĩ Tú cho biết bệnh viện sẽ hỗ trợ bước đầu cho gia đình nạn nhân 20 triệu đồng.

Trong thời gian nửa tháng, hội đồng y khoa của bệnh viện sẽ có kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ việc.

Đến khoảng gần 18g cùng ngày, người nhà bệnh nhân đã đồng ý đưa thi thể cháu Nhi về mai táng.

____________

Tin bài liên quan:

Kết luận vụ trẻ tử vong sau tiêm văcxin3 trẻ tử vong sau tiêm văcxin viêm gan B do sốc phản vệSẽ xem xét lại lịch tiêm văcxin viêm gan BGia đình 3 trẻ chết sau tiêm văcxin kêu cứu

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên