* Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới * 1 người chết, 11 người mất tích
Miền Trung, Tây Nguyên căng người phòng chống bão số 8 Bão số 8 hoành hành Hoàng Sa trên đường vào miền TrungBão số 8 hướng vào Quảng Trị - Quảng NamÁp thấp đã mạnh lên thành bão, gió giật cấp 9, 10
![]() |
Ngư dân Đà Nẵng cố neo tàu vào bờ tránh bão - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mặc dù bão tan nhưng đợt mưa ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và bắc Tây nguyên sẽ còn kéo dài đến ngày 20-9, đặc biệt các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai có mưa to đến rất to. Mưa liên tục đã làm nước sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum lên nhanh.
20g tối 18-9, 52 hộ dân xóm Ghềnh, xóm Cồn Đâu (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà), vùng sạt lở phía bắc cửa biển Thuận An, Thừa Thiên - Huế phải sơ tán trong đêm vì mưa lớn tiếp tục đổ xuống, gió mạnh dần lên cấp 6-7. Điện bị cắt trên diện rộng. Từ chiều, chính quyền thị xã Hương Trà đã huy động lực lượng công an, bộ đội và thanh niên trong xã đến vận động và giúp người dân sơ tán, tuy nhiên chỉ một số ít người già và trẻ em di dời, phần lớn người dân vẫn bám trụ trong nhà đến khi gió bão thổi mạnh mới sơ tán. Ông Đỗ Khắc Lộc, phó chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết công tác di dời triển khai chậm bởi người dân cố ở lại canh giữ tài sản. Lực lượng công an, bộ đội đã được tăng cường, túc trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng cứu người dân tại vùng cửa biển Thuận An. Tại xã Hương Phong, 17 hộ dân vạn đò đã được sơ tán lên bờ trú ẩn từ cuối giờ chiều. Trong khi đó, 14 hộ dân ở chân đèo Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) đã được di dời khẩn cấp tối 18-9 vì nguy cơ lở núi.
Đến cuối giờ chiều 18-9, nước sông dâng cao làm tuyến đường độc đạo vào vùng Lìa (gồm bảy xã vùng cao) thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị chia cắt hoàn toàn. Theo tin từ UBND huyện Hướng Hóa, các xã vùng Lìa báo về cho hay rất nhiều nhà dân sát các sông suối đã ngập lụt. Chính quyền các xã này đã huy động dân quân đưa khoảng 1.300 dân đến nơi an toàn.
![]() |
Gia đình anh Trần Cường (trú xóm Cồn Đâu, xã Hải Dương, Thừa Thiên - Huế) sơ tán lên nhà người thân tránh bão số 8 trong đêm 18-9 - Ảnh: Nguyên Linh |
Cũng đến chiều 18-9, phần lớn trong tổng số 29 ngôi nhà bị lốc xoáy làm tốc mái vào rạng sáng ở xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) và xã Triệu Đại (huyện Triệu Phong) đã được chính quyền địa phương và người dân hỗ trợ khắc phục. Cũng trong ngày 18-9, nhiều nơi tại Quảng Trị có mưa rất to làm ngập nặng một số tuyến đường ở TP Đông Hà. Tại thành cổ Quảng Trị, sau đợt mưa lớn sáng cùng ngày, một dãy tường bao quanh bờ thành gần 30m đã bị sập.
Tại Quảng Nam, đến chiều tối 18-9 mực nước trong lòng hồ thủy điện A Vương tiếp tục dâng cao với lưu lượng nước về lòng hồ cao điểm lên đến hơn 1.000 m3/giây. Đến 19g, mực nước hồ A Vương đã ở cao trình 363m, xấp xỉ cao trình xả tràn. Công ty thủy điện A Vương đã phát đi thông tin cảnh báo lũ qua hệ thống 16 cụm loa dọc sông Vu Gia để người dân vùng hạ lưu đập biết tình hình cũng như để người dân ven sông này chuẩn bị các phương án di dời, sơ tán khi có lệnh. Dự báo nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì trong sáng hôm nay (19-9), phía thủy điện A Vương buộc phải xả lũ.
Chiều 18-9, ông Pơloong Hon, chủ tịch UBND xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, xác nhận anh Alăng Mốp (trú thôn Pà Rồng, xã Tà Bhing) đã bị nước lũ cuốn trôi khi đang băng qua sông Thanh trở về nhà tối 17-9. Hiện chính quyền và người dân đang tích cực tìm kiếm nạn nhân.
Tại Đà Nẵng, mưa lớn trong chiều tối 18-9 khiến rất nhiều con đường nội thành bị ngập nặng, giao thông ách tắc. Tại nhiều khu dân cư chưa kịp giải tỏa như ở Hòa Xuân rơi vào tình cảnh ngập úng cục bộ. Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đã có công văn khẩn thông báo về việc học sinh được nghỉ học trong ngày 19-9.
Trong khi đó, diễn biến mới nhất cho thấy bão Usagi (ngoài khơi Philippines) di chuyển chủ yếu theo hướng tây về phía bắc biển Đông, có xu hướng phát triển ngày càng mạnh thêm. Theo trang dự báo Nhật Bản, có khả năng ngày 21-9 bão sẽ vào phía đông bắc biển Đông.
![]() |
Cầu Ri Cư Mốt nối huyện Ea Súp với huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) bị lũ quét cuốn mất đường dẫn vào cầu - Ảnh: T.B.DŨNG |
Đắk Lắk: 10 người mất tích, 1 người chết
* Van hồ thủy lợi gặp sự cố khi điều tiết lũ
Chiều tối 18-9, UBND huyện Ea Súp cho biết thông tin ban đầu được xác định có hàng chục người dân xã Cư Kbang đi làm rẫy khu vực giáp ranh xã Ia Lơi bị mắc kẹt vì mưa lũ đột ngột làm nước suối dâng cao. 11 người trong số những người dân này (chưa rõ danh tính) không may đã bị nước cuốn trôi, hiện huyện mới chỉ tìm được thi thể một nạn nhân và đang tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân còn lại.
Một ngày sau trận lũ bất ngờ vào sáng 17-9, nhiều hộ dân tại huyện Ea H’leo dựng lại nhà cửa và vớt vát những tài sản bị ngập trong nước. Nhiều hộ dân bị thiệt hại ở thị trấn Ea Đrăng cho biết khoảng 10g sáng 17-9, khi các hộ dân đang lo lắng bên dòng nước chảy từ con suối đi qua thị trấn thì bất ngờ nước ào ào đổ về, nước lên nhanh khiến hầu hết các hộ dân không kịp trở tay. “Chỉ trong vòng vài phút nhà tôi đã bị ngập lên nửa tường, toàn bộ đồ dùng gia đình, quần áo, tài sản bị ngập hết” - bà Lê Thị Nga (tổ dân phố 6, thị trấn Ea Đrăng) nói. Tại công trình thủy điện Ea Đrăng 2, nhiều công nhân sau một ngày đêm chống chọi với lũ đã thở phào khi nước bắt đầu rút.
Ông Lê Văn Tập - chủ tịch UBND huyện Ea H’leo - cho biết do mực nước ở thượng nguồn đổ về nhanh nên khoảng 7g sáng 17-9 mực nước tại hồ trung tâm thị trấn Ea Đrăng bắt đầu lên nhanh. Khoảng hai giờ sau thì lũ vượt tràn, lúc này nhiều cán bộ trực tại hồ này đã mở van xả nước nhưng hệ thống van gặp sự cố khiến nước không qua cống xả được. Để giữ an toàn đập, nhiều người dân được huy động kéo van xả nước lên. “Lúc đầu chúng tôi dùng đập để hạn chế bớt nước đổ về hạ nguồn, đập này nằm cạnh thị trấn nên nếu xả lớn rất nguy hiểm. Tuy nhiên khi nước quá lớn, vượt qua tràn làm đứt một đoạn lan can thì phải tiến hành xả, nhưng lúc này lại gặp sự cố” - ông Tập nói. Ông Tập cho biết sau khi huy động nhiều người kéo hệ thống van xả thì nước thoát được qua cống. “Lượng nước đổ về hạ nguồn có tăng nhưng không quá lớn, không phải là nguyên nhân chính gây ra lũ quét, mà là do lượng nước cộng dồn từ phía thượng nguồn đổ về” - ông Tập cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận