Bão số 8 hoành hành Hoàng Sa trên đường vào miền TrungBão số 8 hướng vào Quảng Trị - Quảng NamÁp thấp đã mạnh lên thành bão, gió giật cấp 9, 10
Dù sáng nay, bão số 8 còn ở trên khu vực quần đảo Hoàng Sa nhưng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hoàn lưu phía Tây bão nên trong 2 ngày qua ở khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh bắc Tây Nguyên đã gây mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: Thạch Hãn (Quảng Trị) 265mm; Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) 310mm; Lý Sơn (Quảng Ngãi) 343mm; EaHleo (Đắk Lắk) 459mm…
Ở đảo Cồn Cỏ đã có gió mạnh 10m/s (cấp 5), giật 17m/s (cấp 7); đảo Lý Sơn gió giật 17m/s (cấp 7); đảo Phú Quý gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 19m/s (cấp 8)…
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, hiện các hồ thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang vận hành bình thường. Riêng hồ thủy điện Sông Tranh đang mở hoàn toàn các cửa xả tràn. Mức nước của hồ hiện tại 141,11m, cao trình ngưỡng tràn 161m, dung tích từ mực nước hiện tại đến ngưỡng tràn xấp xỉ 215 triệu m3.
* Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng, đến sáng 18-9, Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, chủ tàu, thuyền trưởng tiếp tục thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 43.184 tàu thuyền, lồng bè và 188.450 người biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến sáng 18-9, Bộ Quốc phòng đã huy động 179.704 người và 1.405 phương tiện các loại (trong đó có 4 máy bay) của quân khu 4 và 5, Bộ đội Biên phòng, Quân chủng hải quân, Cục Cảnh sát biển và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tham gia ứng trực phòng chống bão số 8.
Đà Nẵng: nghỉ học tránh bão
Sáng 18-9, văn phòng Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã có công văn khẩn gửi các phòng, trường học, trung tâm giáo dục trực thuộc sở về việc phòng chống lụt bão. Theo đó, tất cả học sinh các trường, trung tâm thuộc huyện Hòa Vang được nghỉ học chiều 18-9. Đối với học sinh các trường, trung tâm trên toàn thành phố Đà Nẵng được nghỉ học ngày 19-9. Thời gian học lại tùy thuộc vào tình hình bão lụt.
Sáng 18-9, trên nhiều tuyến phố của Đà Nẵng cây cối đổ rạp, trốc gốc do bị gió quật.
Phóng to |
Trên nhiều tuyến phố của Đà Nẵng, cây cối đổ rạp sau những trận gió đầu tiên - Ảnh: Đoàn Cường |
Phóng to |
Ngư dân Đà Nẵng neo tàu vào bờ tránh bão - Ảnh: Đoàn Cường |
Phóng to |
Di chuyển các ngư cụ để chống bão - Ảnh: Đoàn Cường |
Phóng to |
Tháo thiết bị tại các trạm phát thanh dọc bờ biển tránh bão - Ảnh: Đoàn Cường |
Phóng to |
Người dân Đà Nẵng cập rập chuẩn bị đón bão - Ảnh: Đoàn Cường |
Ngay trong sáng 18-9, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã tiến hành tháo dỡ các biển báo, thiết bị ở bãi biển để tránh tổn thất do bão gây ra. Trên các tuyến biển, ngư dân Đà Nẵng cũng khẩn trương di chuyển tàu cá vào nơi trú ẩn an toàn, một số ngư dân còn cẩn thẩn dùng xe để chở thúng chai đưa về nhà.
Thừa Thiên-Huế: Tắc đường lên huyện miền núi A Lưới
Tại cuộc họp bàn biện pháp phòng chống bão số 8 của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế trưa 18-9, ông Ngô Văn Tuân, giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết mưa lớn ở thượng nguồn khiến tuyến đường quốc lộ 49A nối TP Huế đi huyện miền núi A Lưới đã bị sạt lở nhiều điểm nghiêm trọng gây tắc đường.
Phóng to |
Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đang lắp rọ đá chắn sóng biển ở xóm Gành, xã Hải Dương - Ảnh: Hồ Việt |
Cụ thể, từ 1-3g sáng 18-9, sạt lở ta luy dương tại km67+700 và km75+150 (thuộc địa phận xã Hưng Nguyên, A Lưới) với khối lượng cả ngàn m3 đất đá làm tuyến đường duy nhất nối từ TP Huế lên huyện A Lưới bị ách tắc trong nhiều giờ liền. Ngành giao thông đã huy động lực lượng ứng cứu, khẩn trương điều máy móc đến hiện trường xử lý, tuy nhiên đến 11g cùng ngày vẫn chưa thể thông tuyến.
Ông Dương Văn Tâm, phó hạt trưởng phụ trách Hạt quản lý đường bộ Hồng Vân (A Lưới) cho biết, mưa lớn đã làm tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hồng Thủy và Hồng Vân có sạt lở một số điểm, tuy nhiên lực lượng tại chỗ đã kịp thời xử lý, giao thông vẫn đảm bảo. Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các xã A Roằng, A Tép cũng bị sạt lở nhiều điểm.
Ông Lê Trường Lưu, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã lên kế hoạch sơ tán 2.884 hộ dân với 11.561 nhân khẩu từ vùng sạt lở, vùng ven biển đến nơi an toàn.
Phóng to |
Cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) giúp dân di chuyển tàu thuyền vào bờ tránh bão - Ảnh: Hồ Việt |
Quảng Trị: lốc xoáy làm 29 nhà tốc mái
Rạng sáng 18-9, một trận lốc xoáy đã quét qua địa phận thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) làm 18 ngôi nhà tốc mái.
Phóng to |
Đoạn bờ tường bao bên ngoài thành cổ Quảng Trị bị sập sau trận mưa sáng 18-9 - Ảnh: Quốc Nam |
Ngoài ra, tại thôn Phú Tài, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong vào sáng cùng ngày cũng xuất hiện một cơn lốc làm 11 nhà dân bị tốc mái. Ngay trong buổi sáng, các hộ dân này cùng nhân dân địa phương đã tổ chức khắc phục hậu quả của cơn lốc để chuẩn bị ứng phó với mưa lũ.
Cũng trong ngày 18-9, nhiều nơi tại Quảng Trị đã có mưa rất to. Lượng mưa đo được tại các trạm Thạch Hãn, sông Hiếu, Mỹ Chánh đạt từ 130-250 mm. Mưa to cũng làm ngập nặng một số tuyến đường ở TP Đông Hà khiến việc đi lại rất khó khăn. Tại thành cổ Quảng Trị, sau đợt mưa lớn sáng cùng ngày, một dãy tường bao quanh bờ thành khoảng gần 30 mét đã bị sập.
Ông Lê Đa Sơn, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Trị cho biết trong chiều và tối nay, do ảnh hưởng của bão số 8, nhiều nơi ở Quảng Trị vẫn sẽ tiếp tục duy trì lượng mưa lớn. Dự báo đến sáng sớm 19-9 mực nước trên các sông Hiếu, Thạch Hãn, Bến Hải sẽ đạt mức báo động.
Kon Tum: di dời khẩn cấp 11 hộ dân ở lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh
Ngày 18-9, ông Nguyễn Hữu Hải - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum - chỉ đạo huyện Kon Plông phải kiên quyết, kịp thời di dời các hộ dân đang trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh đến nơi an toàn.
Phóng to |
Đập Ya Ve, huyện Sa Thầy bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Trần Thảo Nhi |
Hiện tại còn 11 hộ dân khu vực tái định cư thủy điện Đăk Đrinh ở thôn Xô Luông, xã Đăk Nên (huyện Kon Plông) tự ý về lại đất rẫy cũ nằm trong phạm vi thuộc vùng ngập hồ thủy điện Đăk Đrinh ở nên rất nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, hơn 40 hộ dân khác cũng không chịu về nơi ở mới mà ở tại nơi quy hoạch làm rẫy sản xuất mới của người dân.
Tại khu tái định cư thủy điện Đăk Đrinh, hai con đường tránh lũ cho dân hiện cũng không lưu thông được. Đường vẫn đang thi công dù trước đó tỉnh Kon Tum liên tục nhắc nhở, chủ đầu tư cũng hứa sẽ đảm bảo lưu thông thông suốt trong mùa mưa bão.
Tháng 7-2013, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương đã cảnh báo dù thủy điện có tích nước hay không, khi lũ về nước cũng sẽ nhấn chìm tất cả vùng ngập, tỉnh Kon Tum đã huy động mọi lực lượng để di dời khẩn cấp xong 217 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu về khu tái định cư mới.
Hiện tại thôn Măng Rí, xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông) nước lũ đã cuốn trôi một cây cầu tạm, làm sạt lở mố cầu treo. Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh chủ đầu tư công trình Thủy điện Thượng Kon Tum đã huy động lực lượng, phương tiện ra khắc phục hậu quả, đến chiều nay đã gia cố xong sạt lở ở cầu treo, riêng cầu tạm phải cấm người đi lại.
Tại huyện Kon Rẫy, bão số 8 đã gây nhiều thiệt hại cho hạ tầng huyện, tỉnh lộ 677, kênh thủy lợi bị hư hại, sạt lở nhiều; trường mần non ở làng Kon Nhênh xã Đắk Ruồng bị sập mái. Huyện Đăk Tô phải di dời khẩn cấp 15 hộ dân ở xã Đăk Rơ Nga lên vùng cao tránh bão; đập Ya Ve ở xã Sa Bình huyện Sa Thầy bị xói lở…
Tỉnh Kon Tum đã thành lập 3 đoàn công tác đặc biệt để kiểm tra tất cả các công trình trọng điểm trong tỉnh và phối hợp với các địa phương có biện pháp xử lý ngay nếu có sự cố xảy ra.
Quảng Nam: dân bất chấp nguy hiểm ra dòng nước xiết vớt củi
Chiều 18-9, tại những khu vực thấp trũng, tâm lũ của tỉnh Quảng Nam như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình… bà con đã chủ động dùng bao tải cát để chèn mái nhà, hàng trăm nông dân ở các địa bàn vật vã trong nước, mưa để gặt lúa vụ hè thu tránh bão.
Anh Hoàng Đình Tiền (50 tuổi, thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) cho biết gia đình anh đã mua gần 20 bao tải đựng cát để chằng mái nhà do mấy năm trước chủ quan để mái tôn bị gió bão cuốn mất. Gia đình anh Lê Văn Lạt (51 tuổi, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) cũng đã vận chuyển lúa lên cao từ sớm vì sợ tối lũ về trở tay không kịp.
Đến chiều nay, nhiều tuyến đường ở thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên), TP Tam Kỳ, thị trấn Vĩnh Điện… đã chìm trong biển nước, xe cộ qua lại đều bị chết máy. Hiện mực nước các con sông Vu Gia, Thu Bồn đang dâng rất nhanh. Tại nhánh sông Vu Gia (huyện Đại Lộc), nhiều người dân bất chấp nguy hiểm lao ra giữa dòng nước chảy xiết để vớt củi.
Tại huyện miền núi Nam Trà My mưa lớn, liên tục từ chiều ngày 17-9 nên nước sông Trường dâng cao, nhiều địa bàn bị chia cắt. Ngầm sông Trường trên tuyến đường độc đạo từ huyện Bắc Trà My đi Nam Trà My nước đã tràn nên các phương tiện và người qua lại rất nguy hiểm. Trong khi đó, hàng chục người dân khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 và sông Trường cũng dùng ghe nan, thuyền nhỏ bơi đi đánh bắt cá, vớt củi…
Chiều cùng ngày, Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương dừng tổ chức vui Trung thu, đồng thời cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học đến hết ngày 19-9. Tại Âu thuyền Cù Lao Chàm (Hội An) đã có 215 phương tiện tàu thuyền của người dân vào neo đậu an toàn, trong đó có 5 phương tiện của ngư dân Quảng Ngãi.
Phóng to |
Các nhân viên cây xăng dầu tại xã Bình Trung, huyện Thăng Bình đang dùng bao cát để chằng mái tôn - Ảnh: Lê Trung |
Phóng to |
Người dân lao mình ra dòng nước chảy xiết tại sông Vu Gia (huyện Đại Lộc) để vớt củi - Ảnh: Lê Trung |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận