13/09/2013 12:36 GMT+7

"Khi đại biểu ứng cử thì hứa, trúng cử thì... trốn"

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Đó là ý kiến của thượng tá Nguyễn Hữu Bằng, đại diện Công an TP.HCM, trong buổi lấy ý kiến các cơ quan chức năng chuẩn bị cho báo cáo tổng kết việc thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Luật tổ chức của Quốc hội vào sáng 13-9.

qjul1f6u.jpgPhóng to
Ông Huỳnh Thành Lập phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Hoàng Điệp
WQJhqLZL.jpgPhóng to
Ông Phạm Hiếu Nghĩa, phó Ban pháp chế HĐND TP.HCM, phát biểu ý kiến tại hội thảo - Ảnh: Hoàng Điệp

Thượng tá Bằng cho rằng hiện nay các đại biểu vắng mặt trong các kỳ họp là rất phổ biến, bởi “trong số các đại biểu Quốc hội, nhiều đại biểu kiêm nhiệm nên có khi đang họp Quốc hội cũng xin nghỉ về địa phương để giải quyết công việc”.

Ông Bằng còn cho rằng không chỉ vắng mặt trong các kỳ họp Quốc hội mà ngay tại địa phương đại biểu ứng cử khi có các cuộc họp, các hội nghị mời đại biểu Quốc hội đến nhưng nhiều người không đến.

“Đấy là điều rất vô lý vì khi ứng cử tại địa phương thì cái gì đại biểu cũng hứa, nhưng sau đó thì trốn không thực hiện trách nhiệm với dân” - ông Bằng bức xúc.

Cần phải có chế tài đối với các cơ quan chức năng không trả lời đơn thư của cử tri

Dẫn chứng chỉ có 58,5% số lượng đơn thư của đại biểu Quốc hội chuyển đến các cơ quan chức năng đề nghị trả lời các khiếu nại của cử tri được phản hồi, ông Nguyễn Hữu Bằng cho rằng tỉ lệ như vậy là quá thấp.

Ông Phạm Hiếu Nghĩa, phó Ban pháp chế HĐND TP.HCM, đề nghị cần phải có quy định chặt chẽ và bắt buộc các cơ quan chức năng phải trả lời đơn thư khiếu nại của cử tri. Bởi khi cử tri tin tưởng vào các đại biểu nhưng hiệu quả giải quyết đơn thư không cao thì đoàn đại biểu Quốc hội rất mất uy tín.

Ông Bằng đề xuất các đại biểu đã nhận đơn thư của cử tri thì cần phải theo dõi, giám sát xem đơn thư đó đã được giải quyết thế nào. Nếu đại biểu không giám sát chặt chẽ để cử tri mất lòng tin thì cần phải có chế tài.

Nói về việc này, ông Huỳnh Thành Lập, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết đơn thư của cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội gửi đến các cơ quan chức năng, nếu vui thì các cơ quan trả lời, buồn thì không trả lời, đây cũng là điều cần phải kiến nghị vì Quốc hội ngày càng được cử tri đặt nhiều niềm tin.

Nên tăng số lượng đại biểu Quốc hội của TP.HCM

Ông Phạm Hiếu Nghĩa cho rằng hiện nay có đến 500 đại biểu Quốc hội và 80 triệu cử tri trong toàn quốc nhưng TP.HCM chỉ có 30 đại biểu trên tổng số 10 triệu cử tri, như vậy tỉ lệ số đại biểu trên tổng số cử tri là rất thấp, đề nghị cần tăng thêm số lượng đại biểu cho đoàn thành phố để phù hợp với số lượng cử tri.

Ông Nghĩa cũng cho rằng hiện nay Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chỉ có 2 đại biểu chuyên trách, còn lại chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm. Với số lượng đơn thư lớn và cử tri kiến nghị nhiều thì các đại biểu không thể nào đọc hết đơn thư của cử tri, bởi vậy cần phải có bộ phận giúp việc để đọc và hỗ trợ các đại biểu. Giải pháp ông Nghĩa đưa ra là tuyển các sinh viên xuất sắc từ các trường đại học trên địa bàn thành phố để hỗ trợ các đại biểu Quốc hội làm việc.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên