04/09/2013 20:53 GMT+7

20% công nhân bỏ ăn ít nhất một bữa/ngày

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động trong khu vực doanh nghiệp, nhà nước cần điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2014 tăng thêm so với năm 2013 từ 400.000-850.000 đồng/tháng.

Mức này mới chỉ đáp ứng khoảng 77% - 84% so với nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động. Còn nếu giãn lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu vào năm 2016 thì mức lương tối thiểu năm 2014 cần phải được tăng thêm so với năm 2013 từ 350.000-750.000 đồng/ tháng, đáp ứng khoảng 75% - 82% so với nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Đó là đề xuất được ông Đặng Quang Hợp, Viện Công nhân - Công đoàn nêu tại Hội thảo “Mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2013” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 4-9.

Về thực trạng đời sống của công nhân trong doanh nghiệp, qua khảo sát hơn 1.000 công nhân ở TP.HCM vừa mới hoàn thành, bác sĩ Bùi Thị Nhung - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng VN) cho biết công nhân chỉ dám tiêu cho việc ăn uống 27% thu nhập, tương ứng khoảng 700.000 đồng/tháng. Có đến 20% công nhân bỏ ăn ít nhất 1 bữa/ngày, trong đó, chủ yếu là bữa sáng.

Dẫn lại nghiên cứu khẩu phần ăn dành cho công nhân mà Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công bố kết quả, bà Nhung cũng nói bữa cơm công nhân kém chất lượng: 12% protein, 16% chất béo còn lại là 72% là các chất bột, đường như gạo, khoai… Một trong những hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người lao động trong doanh nghiệp là 80% tai nạn thường xảy ra trước bữa ăn… do bị đói.

Ông Kiều Hùng, Trưởng ban chính sách Pháp luật Liên đoàn lao động TP Hà Nội, cho biết thu nhập của người lao động ở Hà Nội chỉ đáp ứng 54% - 62% mức số tối thiểu tùy theo vùng. Thu nhập hầu hết được chi cho ăn, mặc, ở, đi lại… và phần lớn họ đều không có tích lũy cho bản thân và gia đình phòng khi ốm đau, thất nghiệp…

Về vấn đề nhà ở, tới 80% công nhân phải thuê nhà trọ, phần lớn đều chật chội và thiếu tiện nghi. Điều đáng nói là chất lượng nhà trọ rất kém, có đến 90% nhà trọ là nhà tạm, trên 95% phòng trọ sử dụng nhà vệ sinh chung, 98% không có bếp nấu, 70% không có ti vi trong phòng và gần như không có một thiết bị nào khác. Điều kiện sống không đảm bảo đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lao động.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên