04/09/2013 16:57 GMT+7

Vệ tinh quan sát Trái đất của Việt Nam đã chụp hơn 9.200 ảnh

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đó là thông tin được ông Bùi Trọng Tuyên - trưởng ban quản lý Dự án vệ tinh nhỏ - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam công bố tại lễ bàn giao hệ thống VNREDSat-1 từ phía đối tác Pháp cho Việt Nam chiều 4-9.

lCutvLak.jpgPhóng to
Lễ ký biên bản tiếp nhận bàn giao hệ thống VNREDSat-1 đưa vào sử dụng giữa đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam - GS Nguyễn Đình Công và đại diện lãnh đạo Công ty Astrium - ngài Jean Dauphin - Ảnh: Việt Dũng

Đã thu nhận được tín hiệu từ vệ tinh VNREDSat-1Việt Nam sẽ giảm mua ảnh vệ tinh của nước ngoàiHoãn phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên của VN

Như vậy, sau ba tháng vận hành thử nghiệm trên quỹ đạo, vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam đã và đang hoạt động rất ổn định, đạt được tất cả các chỉ tiêu kỹ thuật theo thiết kế và hàng ngày đang cung cấp đều đặn hàng trăm bức ảnh về mặt đất.

Từ đây, Việt Nam sẽ làm chủ hoàn toàn việc quản lý, vận hành và khai thác hệ thống vệ tinh viễn thám hoàn chỉnh.

Trong số hơn 9.200 ảnh vệ tinh chụp từ VNREDSat-1 có 909 ảnh chụp Việt Nam. Những bức ảnh chụp đảo sinh Tồn - Quần đảo Trường Sa, ảnh chụp Đảo Trường Sa lớn... đem lại cảm xúc đặc biệt cho những người tham dự buổi lễ bàn giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc Việt Nam làm chủ được hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất VNREDSat-1 không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học - công nghệ mà còn có ý nghĩa về chính trị, an ninh. Bằng cách này, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động về thời gian và vị trí trong việc chụp ảnh các vùng trên Trái đất, không còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài như trước đây.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, với một quốc gia có bờ biển dài trên 3.200km, có các vùng biển và thềm lục địa khoảng 1 triệu km2, với gần 3.000 đảo như Việt Nam, tiềm năng ứng dụng của vệ tinh trong quản lý và quy hoạch lãnh thổ rất lớn. Ảnh viễn thám nói chung và ảnh vệ tinh VNREDSat-1 nói riêng sẽ cung cấp công cụ hữu ích trực quan để góp phần quản lý, khai thác, bảo vệ các vùng nước ven bờ cũng như các khu vực đảo xa.

Để làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ và vận hành hệ thống VNREDSat-1, từ tháng 8-2011 đến tháng 7-2013, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam - Chủ dự án Vệ tinh nhỏ Việt Nam (VNREDSat-1) đã phối hợp Công ty Astrium thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Châu Âu (EADS) tổ chức khóa đào tạo vận hành hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 cho tập thể đội ngũ kỹ sư trẻ của viện.

Nội dung đào tạo bao gồm lý thuyết chung về công nghệ vũ trụ, công nghệ vệ tinh, các trạm mặt đất; lý thuyết chuyên sâu cho một số chủ đề liên quan đến hệ thống vệ tinh quan sát trái đất; thực hành thiết kế một hệ thống vệ tinh quan sát trái đất; đào tạo chuyên sâu cho từng vị trí trong đội (on-the-job training); huấn luyện vận hành hệ thống và phân tích, khắc phục sự cố trên hệ thống thực bàn giao cho Việt Nam.

Khóa đào tạo diễn ra cả ở Pháp và Việt Nam. Thời gian đào tạo ở Pháp từ tháng 8-2011 đến tháng 7-2012 dành cho nhóm vận hành hệ thống; từ tháng 8-2011 đến tháng 12-2012 dành nhóm kỹ sư về vệ tinh. Thời gian đào tạo ở Việt Nam từ khi kết thúc đào tạo ở Pháp đến tháng 7-2013. Số lượng cán bộ được đào tạo là 15 kỹ sư.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên