28/06/2013 17:54 GMT+7

Việt Nam nhất quán và đóng góp trách nhiệm vì cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh

CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG
CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG

TTO - Đến thăm trụ sở Ban thư ký ASEAN tại Jakarta (Indonesia) ngày 28-6, trước đông đảo đại diện các nước thành viên ASEAN, các nước đối tác và khách mời, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu, khẳng định chính sách nhất quán và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vì cộng đồng ASEAN đoàn kết vững mạnh.

Chủ tịch nước cho rằng các thành viên ASEAN cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng cộng đồng vào năm 2015 và tiếp tục có tiếng nói chung về các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh chung của khu vực nhằm phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

sWBrnuc5.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại trụ sở Ban thư ký ASEAN ở Jakarta - Ảnh: V.V.T.

Chủ tịch nước phát biểu:

1. Đến trụ sở ASEAN hôm nay, tôi có cảm giác thật ấm áp và gần gũi. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước chân vào tòa nhà là hình ảnh bó lúa vàng 10 nhánh rực rỡ, biểu trưng của ASEAN, cùng với quốc kỳ của các nước ASEAN, bao quanh bởi quốc kỳ của các đối tác, như một biểu hiện sinh động cho một cộng đồng ASEAN đoàn kết, mang bản sắc đặc trưng và một tầm nhìn rộng mở. Phòng truyền thống của Ban thư ký hiện lưu giữ nhiều hình ảnh và tư liệu quan trọng về chặng đường hơn bốn thập kỷ rưỡi phát triển, với những kết quả thật sự đáng tự hào của ASEAN hôm nay.

Với tình cảm đó, tôi xin chào mừng và cảm ơn ngài tổng thư ký, các vị lãnh đạo, nhân viên Ban thư ký ASEAN, cùng các vị đại sứ, đại diện của các nước ASEAN và các đối tác có mặt tại đây hôm nay.

2. Ngày nay, nói đến khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương, mọi người chắc chắn sẽ đề cập đến một ASEAN đang hướng mạnh tới cộng đồng vào năm 2015 và vai trò không thể thiếu của ASEAN, với tư cách là một hạt nhân của các tiến trình hợp tác và đóng góp xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác chung. Chính vì vậy, thông điệp mà tôi muốn chia sẻ ngày hôm nay, chính là Việt Nam nhất quán và đóng góp trách nhiệm cùng các nước thành viên để xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng của khu vực.

3. Lịch sử 46 năm của ASEAN cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm qúy báu, trong đó đáng chú ý là tư duy và cách tiếp cận về hợp tác bình đẳng, cùng có lợi thay cho đối đầu; đoàn kết, đồng thuận, thay cho chia rẽ, áp đặt, để từ đó ASEAN từng bước vượt qua các rào cản, khó khăn, mở rộng và gắn kết toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á dưới một mái nhà chung, trên tinh thần một cộng đồng đùm bọc và chia sẻ.

Có thể thấy việc hiện thực hóa ASEAN-10 đã tạo tiền đề cơ bản để khẳng định vị thế của một ASEAN mới, một tổ chức mang tầm đại diện cho cả khu vực Đông Nam Á, xóa bỏ những rào cản trong quá khứ để tạo dựng môi trường hữu nghị và hợp tác ở khu vực, đẩy mạnh liên kết nội khối và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài.

Quyết định thông qua hiến chương (2008) và lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN (2009) là quyết sách và bước đi chiến lược giúp nâng cao hơn nữa tầm hợp tác và liên kết khu vực, đáp ứng các yêu cầu phát triển của ASEAN trong thế kỷ mới.

4. Thành công mà ASEAN đạt được, theo tôi, được quyết định trước hết bởi cách tiếp cận và tư duy đặc thù của ASEAN, hay hiểu theo nghĩa rộng hơn, chính là “bản sắc ASEAN”. Điều này được thể hiện qua phương thức hoạt động mang tên “Phương cách ASEAN” dựa trên sự đoàn kết, đồng thuận, tham vấn, tiệm tiến, tôn trọng và gắn kết được lợi ích của khu vực và từng quốc gia thành viên, trong mục tiêu chung vì hòa bình và phát triển thịnh vượng, phù hợp với một khu vực đa dạng các yếu tố về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, hệ thống chính trị, trình độ phát triển kinh tế...

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích của mỗi quốc gia với lợi ích chung của cả khu vực như một nét đặc trưng cho sự thành công và phát triển của ASEAN. Điều này không hề đơn giản. Đã có những lúc các nước ASEAN dường như đã buộc phải lựa chọn bên này hay bên kia, nhất là trong quan hệ hợp tác với các nước lớn, vì lợi ích của riêng mình. Điều này không có lợi cho bất kỳ ai.

Do vậy, chúng ta luôn cần vun đắp cho một ASEAN đoàn kết, đồng thuận, dựa trên mẫu số chung hài hòa với lợi ích của các nước thành viên, cùng phấn đấu vì hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.

5. Bối cảnh quốc tế và khu vực đang biến động không ngừng, với những cơ hội và thách thức đan xen. Hơn bao giờ hết, ASEAN càng phải giữ vững bản sắc truyền thống, phát huy bản lĩnh vững vàng, linh hoạt trong ứng phó với các vấn đề nảy sinh. Nhân đây, chúng tôi muốn chia sẻ đậm nét về một số định hướng quan trọng sắp tới của ASEAN như sau:

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu của hiệp hội lúc này là dành quyết tâm chính trị cao nhất và nguồn lực cần thiết để xây dựng thành công cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và tiếp tục phát triển trong các thập kỷ tiếp theo. Chúng ta cần đảm bảo thực hiện đúng lộ trình và các tiêu chí đã đặt ra từ nay đến năm 2015, đưa ASEAN thật sự trở thành một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ các trách nhiệm xã hội”.

ASEAN cần có tầm nhìn rộng mở hơn để tính đến các bước phát triển lâu dài của mình khi cộng đồng ASEAN đã thành hình sau ngày 31-12-2015. Bởi lẽ, là một tiến trình mở, cộng đồng ASEAN đến 2015 mới chỉ là dấu mốc và điểm khởi đầu.

Thứ hai, ASEAN cần tiếp tục giữ vững đà phát triển năng động và phát huy được thế mạnh của một cộng đồng kinh tế của 600 triệu dân, với tổng thu nhập quốc nội 2.100 tỉ USD. Chúng tôi hoan nghênh việc ASEAN mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư…, cũng như việc gắn kết các hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với các nước và việc xây dựng một FTA của toàn khu vực Đông Á.

Chúng tôi ủng hộ mục tiêu của Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo dựng một không gian kinh tế mở ở Đông Á - một thị trường bao gồm gần nửa dân số thế giới và chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu. Bên cạnh đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò trong các khuôn khổ hợp tác liên kết khu vực khác như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hợp tác Á - Âu (ASEM)...

Thứ ba, ASEAN cần chủ động và phát huy hơn nữa vai trò tích cực của mình nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực. Theo đó, ASEAN cần phát huy giá trị và hiệu quả của các diễn đàn, các công cụ đảm bảo hòa bình, an ninh ở khu vực như Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC)… An ninh, an toàn và tự do hàng hải tại biển Đông là vấn đề quan trọng và quan tâm chung của khu vực và các nước.

ASEAN cần chủ động đóng góp xây dựng và phát huy các nguyên tắc chung như đã được thể hiện trong Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982; tiếp tục đẩy mạnh việc sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

6. Với việc hiện thực hóa ASEAN-10, chiếc áo dài Việt Nam giờ đây đã song hành cùng chiếc áo batik truyền thống của các quốc gia ven bờ eo biển Malacca để làm giàu thêm ngôi làng văn hóa ASEAN. Đồng hành cùng ASEAN suốt 18 năm qua, Việt Nam luôn xác định là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, nỗ lực hết mình đóng góp cho sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của ASEAN.

ASEAN đã và tiếp tục là một trong các trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Một ASEAN ngày càng phát triển vững mạnh, đoàn kết, có nhiều sáng kiến thiết thực luôn là ưu tiên và lợi ích cao mà chúng tôi muốn chia sẻ với các thành viên khác trong hiệp hội.

Một lần nữa, chúng tôi muốn khẳng định Việt Nam nhất quán và tiếp tục chung tay đóng góp một cách trách nhiệm để cùng các nước bạn bè trong ASEAN gìn giữ và phát huy các nền tảng giá trị truyền thống, đề cao bản sắc ASEAN và thực hiện thành công mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015, vì hòa bình và thịnh vượng chung và một tương lai tươi sáng cho người dân trong khu vực.

7. Nhân dịp này, tôi đánh giá cao và chia sẻ các nỗ lực của ngài tổng thư ký và các cán bộ, nhân viên Ban thư ký ASEAN tại Jakarta đã tích cực đóng góp cho việc vận hành nhịp nhàng, hiệu quả của cả bộ máy ASEAN. Trên bước đường phát triển mới của ASEAN hướng tới cộng đồng, khi các hoạt động hợp tác và liên kết ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vai trò của Ban thư ký ASEAN là rất quan trọng.

Vì lẽ đó, chúng tôi ủng hộ việc tăng cường hơn nữa vai trò và năng lực của Ban thư ký, theo đúng tinh thần của Hiến chương ASEAN. Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên quan tâm và dành hỗ trợ thích hợp để Ban thư ký có thể đảm nhiệm tốt các yêu cầu và nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao trong giai đoạn sắp tới.

CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên