Đoàn thư ký kỳ họp vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Báo cáo không bám sát thực tế
Nhiều ý kiến của đại biểu băn khoăn về mức độ chính xác của các chỉ tiêu trong báo cáo của Chính phủ vì còn vênh nhau so với báo cáo thẩm tra. Các đại biểu dẫn chứng: Một số chỉ tiêu đạt thấp hơn nhiều so với những năm 2010, 2011 như tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội... nhưng số lao động được tạo việc làm mới, tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ thiếu việc làm ở nông thôn vẫn giảm là không hợp lý. Vấn đề xã hội trong báo cáo còn mờ nhạt. Niềm tin của nhân dân đối với sự phục hồi của nền kinh tế thấp.
Có ý kiến khác cho rằng báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa chính xác về tốc độ tăng trưởng trong khu vực nông, lâm, thủy sản. Bằng chứng là tại trang 24 đánh giá “chỉ đạt 2,24% là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây”, nhưng tại trang 25 lại đánh giá “sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển”.
Hiện nay không có chỉ tiêu nào để giám sát vấn đề nợ công thế nào là an toàn, đại biểu đề nghị cần phải tìm ra chỉ tiêu này. Nhiều ý kiến băn khoăn về con số tỉ lệ nợ xấu trong các báo cáo. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu đã giảm từ 13% cuối năm 2012 xuống còn 6% trong ba tháng đầu năm 2013 nhưng trong thực tế ngân hàng chưa giải quyết được nợ xấu, chỉ là quá trình rà soát, tính toán lại số liệu. Nợ xấu giảm không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh tốt mà do cách xử lý nợ xấu lỏng lẻo, ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp công bố tỉ lệ nợ xấu.
Các đại biểu nhận định: “Báo cáo của Chính phủ quá công thức, lặp đi lặp lại, không có sự cải tiến căn bản, không bám sát đời sống thực tiễn, không phân tích chính xác tình hình nên khó đưa ra các giải pháp. Thông tin do các báo cáo của Chính phủ cung cấp cho đại biểu không sát với tình hình thực tế, số liệu không có tính thuyết phục, đánh giá quá sơ lược, đại biểu khó có thể góp ý cho Chính phủ, nhân dân và công luận khó hình dung hết được khó khăn của nền kinh tế. Nhiều đánh giá của các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao không khớp với đánh giá của báo cáo. Chính phủ cần xem xét cách báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Đề nghị mỗi kỳ báo cáo, Chính phủ nên tập trung phân tích sâu sắc một số nội dung bức xúc nhất đáng quan tâm, không né tránh”.
Quyết đoán hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc
Tình hình an ninh quốc phòng trên biển Đông được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Tình hình biển Đông đang diễn ra rất phức tạp, trong khi đó báo cáo lại chưa thể hiện rõ về vấn đề biển Đông, chưa đánh giá đúng bản chất của công tác đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Đề nghị Chính phủ có báo cáo mới nhất về tình hình biển Đông để đại biểu nắm bắt, báo cáo cử tri.
Có ý kiến đề nghị cần có giải pháp quyết liệt trong vấn đề biển Đông, bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ; chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có thể xem xét thành lập công ty để cùng với ngư dân vươn xa bảo vệ biển, làm chỗ dựa cho ngư dân. Cần mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nền quốc phòng vững mạnh, nhất là công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Có ý kiến đề xuất cần đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có giải pháp quyết đoán hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc, phân biệt hành vi xâm phạm và xâm lược để xử lý phù hợp, đồng thời cần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nắm bắt được quan điểm của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Đại biểu cũng yêu cầu sớm đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án bôxit Tây nguyên. Nghiên cứu thận trọng hơn về các dự án thủy điện ở Đồng Nai để tránh ảnh hưởng đến môi trường.
Theo chương trình kỳ họp, hôm nay (30-5) Quốc hội thảo luận tại hội trường về những nội dung này. Phiên họp sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên VTV và VOV.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn việc quản lý thị trường vàng theo cơ chế mới mà Chính phủ cho là tốt hơn vì dư luận, nhân dân cho rằng đây là cơ chế độc quyền, phải chăng chênh lệch giá vàng trong nước và cao hơn giá thế giới là do cơ chế này. Việc tạm xuất, tái nhập hơn 10 tấn vàng cần làm rõ ai, doanh nghiệp nào được thực hiện. Cử tri nghi ngại rằng chỉ có nhập mà không có xuất. Chênh lệch lợi nhuận từ giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới ai hưởng? Vì sao giá vàng trong nước qua hơn 10 phiên đấu thầu vẫn cao hơn giá thế giới? Cử tri cho rằng không có thị trường vàng mà do Ngân hàng Nhà nước thống lĩnh việc định giá, đấu thầu. Việc duy trì một thương hiệu vàng độc quyền trên thế giới chưa có ngân hàng trung ương nào thực hiện, việc đề ra thương hiệu vàng quốc gia cũng không có văn bản pháp luật nào quy định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận