07/04/2013 10:09 GMT+7

VN chặn cúm H7N9 ở các cửa khẩu

NHÓM PV - CTV
NHÓM PV - CTV

TT - Mở cửa lúc 7g sáng 6-4, tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai du khách và cư dân biên giới xếp hàng dài tại lối nhập và xuất cảnh trong khu nhà liên ngành. Các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, kiểm dịch thực vật và kiểm dịch y tế hối hả vào việc.

87fPIvMX.jpgPhóng to
Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai kiểm tra khách Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Ảnh: Hồng Thảo

Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, mỗi ngày có hàng ngàn khách du lịch Trung Quốc và cư dân biên giới sang Hà Khẩu (Trung Quốc) làm ăn, buôn bán nhập cảnh vào nội địa. Điều khác biệt tại lối nhập cảnh là từ mấy ngày qua có thêm hai nhân viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai đặt bàn làm việc. Công tác kiểm tra kiểm soát y tế thực hiện kỹ lưỡng hơn với du khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào, với máy đo thân nhiệt tự động và phòng cách ly tại chỗ để xử lý kịp thời khi phát hiện người có dấu hiệu mang bệnh.

Kiểm tra kỹ du khách đến từ Trung Quốc

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính cho biết virút cúm H7N9 vẫn nhạy cảm với thuốc Tamiflu, tương tự virút cúm H5N1. VN cũng đã có mồi thử để phát hiện kịp thời nếu có bệnh nhân. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư hiện đang có ba bệnh nhân viêm phổi nặng nhưng đều là chủng cúm thông thường, chưa có bệnh nhân nhiễm H7N9.

Bà Bùi Thị Lộc - giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai - cho biết đã tăng cường nhân lực và thiết bị tại năm điểm là cửa khẩu và các lối mở biên giới của tỉnh Lào Cai, nhằm chủ động ngăn ngừa virút cúm H7N9 từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa. Tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành, trung tâm đã lắp đặt một máy phun khử trùng tự động (phun dung dịch hóa chất chloramine B 25%) hoạt động liên tục trong thời gian mở cửa khẩu nhằm sát trùng, khử khuẩn các phương tiện (chủ yếu là ôtô tải) nhập cảnh vào VN. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức phun thuốc diệt khuẩn khu nhà liên ngành và bãi hóa trường tại cửa khẩu bằng xe phun thuốc đặc chủng lưu động hai lần/tuần.

Theo bà Lộc, nguy cơ lây truyền virút cúm H7N9 từ Trung Quốc qua Lào Cai là rất cao vì tỉnh này có hơn 200km đường biên giới, với một cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia và nhiều lối mở trên đất liền và trên sông, suối tại năm huyện, thành phố là: Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai. Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu gà, trứng gà, nội tạng động vật có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn diễn ra phức tạp tại các lối mở dọc hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Lào Cai như Na Mo, Bản Quẩn, Bản Lầu, Quang Kim...

Tại tỉnh Lạng Sơn, ngành y tế cũng đã khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống virút cúm H7N9 xuống trung tâm y tế các huyện, thành phố và các bệnh viện đa khoa khu vực cửa khẩu biên giới, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tại các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), Chi Ma (huyện Lộc Bình) và Tân Thanh (huyện Văn Lãng).

Ông Lâm Văn Thư, phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết hằng ngày tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 2.000 - 2.500 lượt khách xuất nhập cảnh, chủ yếu là khách du lịch và thương gia đến từ Trung Quốc và các nước thứ ba. Đến chiều 6-4, tại Lạng Sơn chưa phát hiện trường hợp nào bị nghi nhiễm virút cúm H7N9.

Quảng Ninh: phối hợp với Trung Quốc ngăn dịch

Chiều 6-4, ông Nguyễn Ngọc Lương, phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế Quảng Ninh tại khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cho biết hoạt động ngăn ngừa virút cúm H7N9 đã được tăng cường. Theo đó, máy đo thân nhiệt được đặt tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái để kiểm tra sức khỏe du khách nước ngoài nhập cảnh vào VN qua cửa khẩu.

Ông Lương cho biết đã liên hệ với phía cửa khẩu Trung Quốc để lên kế hoạch phối hợp chống dịch, nhưng do cơ quan chức năng bên kia đang nghỉ tết thanh minh nên chưa có phương án cụ thể. Dự kiến hôm nay (7-4), Trung tâm Kiểm dịch y tế Quảng Ninh làm việc với Trung tâm kiểm dịch y tế cửa khẩu Trung Quốc để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch từ Trung Quốc lây lan sang VN.

“Sau khi có kế hoạch hợp tác hai bên, khi có người Trung Quốc nhập cảnh vào VN thì họ sẽ thông báo, chuyển hồ sơ sang cho mình tiện theo dõi. Từ hồ sơ này, mình sẽ chuyển thông tin đến cơ sở y tế nơi đến của du khách để theo dõi, trong vòng một tuần không có biểu hiện gì nghi vấn thì sẽ loại ra khỏi đối tượng có thể mang dịch” - ông Lương nói.

Theo ông Lương, sang tuần tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ áp dụng thủ tục tờ khai sức khỏe đối với du khách từ vùng có dịch. Cụ thể, du khách làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu sẽ phải khai báo chi tiết tình trạng sức khỏe để cơ quan chức năng phía VN tiện theo dõi. Các phương tiện từ vùng dịch sang ngoài phun thuốc khử trùng cũng phải làm khai báo. “Hai cơ quan kiểm dịch hai nước phối hợp, từ đó nắm rõ đối tượng đó đi từ vùng nào vào, đi đến đâu và đối tượng đó phải khai báo tờ khai sức khỏe. Căn cứ vào thông tin khai báo, thông tin từ máy đo thân nhiệt, khi phát hiện biểu hiện nghi vấn nhiễm bệnh sẽ tiến hành các biện pháp cách ly, phối hợp với cơ quan kiểm dịch cửa khẩu Trung Quốc đưa du khách trở về, không được nhập cảnh vào VN” - ông Lương khẳng định.

Đo thân nhiệt ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Tại Hà Nội, ngày 6-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tới kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị và ngăn chặn cúm H7N9 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ông Long cho biết Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập năm đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra công tác chống dịch tại các tỉnh, thành phố có biên giới và có cửa khẩu từ ngày 8-4, trong đó gồm Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Điện Biên, Kon Tum, Đà Nẵng... Trong ngày 6-4, hai đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng đã đi Lạng Sơn và Lào Cai để giám sát tình hình nhập cảnh, chống dịch tại biên giới.

Theo ông Long, tại khu kiểm dịch quốc tế sân bay Nội Bài (Hà Nội) hiện có hai máy kiểm tra thân nhiệt từ xa. Từ ngày 4-4, 100% khách nhập cảnh VN đã được kiểm tra thân nhiệt. Ông Long cũng dẫn thông tin mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết đến nay chưa tìm thấy chủng cúm H7N9 trên gia cầm tại VN.

Tại TP.HCM, sáng 6-4, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế, đã dẫn đầu đoàn đến kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm H7N9 trên người tại Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Nguyễn Văn Sáu - giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế - cho biết trung tâm đã đặc biệt lưu ý đến các đoàn khách đến từ Trung Quốc. Theo ông Sáu, hiện mỗi ngày có bốn chuyến bay từ Trung Quốc đến Tân Sơn Nhất với khoảng 400 khách. Ngoài ra còn có khoảng 10 chuyến bay quá cảnh Hong Kong, Đài Loan đến sân bay Tân Sơn Nhất chở khoảng 1.000 hành khách. Do đó trung tâm đã yêu cầu cán bộ kiểm tra lưu ý đến các đoàn khách này. Cho đến nay, cơ quan chức năng chưa ghi nhận trường hợp nào nghi bị nhiễm cúm H7N9.

Thượng Hải phát hiện H7N9 ở gà

Từ ngày 6-4, chính quyền Thượng Hải đã tạm thời đóng cửa các chợ bán gia cầm sống cũng như tạm cấm bán mặt hàng này trên toàn thành phố sau khi phát hiện thêm 10 mẫu gà chứa virút H7N9 tại các chợ nông sản.

Giới chuyên gia y tế Trung Quốc lo ngại virút H7N9 đang lan nhanh về mặt địa lý, bởi trong một tuần những ca nhiễm virút này không chỉ xuất hiện ở Thượng Hải mà đang có dấu hiệu lan rộng ở cả các tỉnh lân cận như Chiết Giang, Giang Tô, An Huy và Hồ Nam. Đến nay số ca nhiễm H7N9 ở Trung Quốc được ghi nhận là 16 ca, trong đó sáu ca đã tử vong.

Từ ngày 6-4 nhân viên hải quan tại cửa khẩu nhập cảnh Hong Kong cũng được lệnh kiểm tra chặt chẽ thân nhiệt khách du lịch và người Hong Kong trở về từ Trung Quốc, sau khi một bé gái 7 tuổi du lịch từ Thượng Hải về và có tiếp xúc với gia cầm có những triệu chứng cúm. Bé gái này đã được cách ly ở Bệnh viện nữ hoàng Elizabeth để điều trị. Song cơ quan y tế Hong Kong cho biết các kết quả xét nghiệm virút H7N9 là âm tính.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 6-4 từ Thượng Hải, ông Chu Vũ Thần, phóng viên thường trú của Tuần Báo Trung Quốc, cho biết hiện nay người dân Thượng Hải nói riêng và toàn Trung Quốc nói chung đều lo lắng về dịch bệnh này. Họ quan ngại liệu có hay không việc chính quyền bưng bít tin tức về dịch bệnh như hồi bùng phát dịch SARS 10 năm về trước. Có thể thấy tâm lý “bất tín nhiệm” đang rất cao trong người dân Trung Quốc. Song, cuộc sống thường nhật ở Thượng Hải thì chưa có ảnh hưởng lớn dù khi ra đường, ở các trạm xe điện ngầm và những nơi công cộng khác đã thấy không ít người Thượng Hải mang khẩu trang phòng chống cúm, dù không phải là thói quen của người dân ở đây.

MỸ LOAN

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Triệu chứng lây nhiễm H7N9? Miễn nhiễm cách nào?H7N9: VN bàn ứng phó, kiểm tra thân nhiệt khách nước ngoàiCa thứ 14 nhiễm virút H7N9 ở Trung Quốc100% khách nhập cảnh được kiểm tra thân nhiệt

NHÓM PV - CTV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên