04/03/2013 08:20 GMT+7

Nới tuổi hưu không phải để giữ ghế

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - TS NGUYỄN HỮU DŨNG - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội - bình luận như vậy về việc chuẩn bị hướng dẫn thực hiện kéo dài tuổi nghỉ hưu với một số đối tượng theo quy định của Bộ luật lao động.

jvs8MQva.jpgPhóng to
TS Nguyễn Hữu Dũng

Xung quanh quy định nâng tuổi nghỉ hưu: tránh đặc quyền đặc lợiAi được kéo dài tuổi nghỉ hưu?

TS Nguyễn Hữu Dũng nói: Cần phải có tiêu chí để giữ lại những con người thật sự tài năng, kinh nghiệm, tâm huyết, còn nếu cứ giữ lại đại trà sẽ tạo sức ì cho bộ máy, tạo rào cản con đường thăng tiến của lớp trẻ năng động.

"Tôi đề nghị quy định rõ rằng đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật lao động thì không làm công tác quản lý nữa, mà được giữ lại làm công tác chuyên môn. Người có chuyên môn, trình độ thì cần được giữ lại như một chuyên gia, chứ không phải là cái cớ để anh tham quyền cố vị, ở lại hưởng bổng lộc với cái chức vụ ấy "

TS NGUYỄN HỮU DŨNG

* Thưa ông, câu chuyện tuổi hưu đã được thảo luận ở VN như thế nào?

- Vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được nghiên cứu, bàn luận từ rất nhiều năm nay, đã được cả Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tổng liên đoàn Lao động VN thực hiện nhiều nghiên cứu, điều tra xã hội học. Trong lần sửa Bộ luật lao động năm 2006 đã đặt ra vấn đề này, đến khi làm Luật bình đẳng giới, rồi Luật cán bộ công chức cũng đưa ra bàn, nhưng cuối cùng đến thời điểm Quốc hội thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi) năm 2012 cũng chưa đủ căn cứ thực hiện tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau.

Hiện nay, Bộ luật lao động đang đưa ra phương án trung hòa, trong đó quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu ở tuổi 55; lao động trong một số khu vực độc hại được nghỉ hưu sớm, theo danh mục do Chính phủ quy định (nội dung này ít tranh cãi); người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm năm. Tôi nghĩ rằng quy định như vậy là giải pháp trung hòa, giải quyết được tình hình thực tế hiện nay.

Chúng ta đang có khoảng 80% người lao động có quan hệ lao động ở trong khối sản xuất kinh doanh thì rất khó có khả năng nâng tuổi nghỉ hưu nữ bằng nam. Đây là khẳng định đã được chứng minh bằng các điều tra của Tổng liên đoàn Lao động VN. Ở nhiều ngành, nữ không thể làm việc đến năm 60 tuổi được, ví dụ phụ nữ làm việc trong ngành dệt may, hầm mỏ, thủy sản, giáo viên...

* Ông bình luận gì về quy định kéo dài tuổi hưu cho một số đối tượng?

- Khoản 3 điều 187 Bộ luật lao động quy định có thể kéo dài tuổi hưu là kéo dài “không quá năm năm” cho cả nam và nữ chứ không phải cho riêng nam hoặc cho riêng nữ. Tôi thấy có ý kiến đề nghị chỉ kéo dài cho nữ thôi là sai với quy định của Bộ luật lao động. Vấn đề được đặt ra là những đối tượng nào được kéo dài tuổi nghỉ hưu, có kéo dài đủ năm năm hay không, lộ trình như thế nào là thẩm quyền của Chính phủ và đang gây tranh cãi.

Câu chuyện đang được chú ý nhất là đối với cán bộ quản lý thì kéo dài cho ai và kéo dài bao nhiêu? Trong công tác quản lý có hai loại: thứ nhất là cán bộ chuyên môn, thứ hai là lãnh đạo. Với cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý thì kéo dài tuổi hưu cho những người có chuyên môn, trình độ cao (lâu nay chúng ta đã thực hiện chính sách này, như quy định GS thì được làm việc thêm năm năm, PGS thêm ba năm). Với những người thuộc diện lãnh đạo, hiện Chính phủ có hướng dẫn với lãnh đạo nữ cấp thứ trưởng và tương đương được kéo dài đến 60 tuổi. Bây giờ, nếu tiếp tục hạ thấp chức danh lãnh đạo (xuống cấp vụ phó, vụ trưởng) thì tôi cho rằng cần phải tính toán. Trước hết là tùy thuộc vào nhu cầu, quy hoạch công tác cán bộ của Nhà nước.

* Tức là ông ủng hộ người giữ chức vụ trưởng, vụ phó được kéo dài tuổi hưu?

- Tôi không ủng hộ quy định cứ vụ trưởng, người có học hàm, học vị thì cứ nghiễm nhiên ở lại đến 60 và 65 tuổi. Cần phải căn cứ vào nhu cầu cán bộ, sức khỏe của từng trường hợp, chất lượng hiệu quả công việc. Như vậy cần một bộ công cụ với những tiêu chí cụ thể để đánh giá từng trường hợp một cách khách quan. Bằng cấp, học hàm, học vị chỉ là tiêu chí để đánh giá ban đầu.

Cần lưu ý rằng trong kinh tế thị trường, không phải người giỏi nào cũng muốn kéo dài tuổi hưu, mà những người giỏi thật sự thường có xu hướng nghỉ hưu đúng tuổi, sau đó ra khu vực tư nhân làm thêm với thu nhập cao hơn khu vực nhà nước. Như vậy, không khéo thì chúng ta chỉ giữ lại những người tuy có học hàm, học vị, có chức vụ đấy nhưng trình độ chỉ xoàng, không giữ được những người tài năng thật sự. Cũng cần chú ý đến một số đối tượng có chuyên môn đặc biệt, lĩnh vực đặc biệt mà để đào tạo được một người phải tốn kém rất nhiều thời gian và lựa chọn kỹ càng, hoặc những nghệ nhân (theo danh mục được Chính phủ quy định).

tLCGz4qM.jpgPhóng to
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong một buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: T.T.D.

Bác sĩ NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ):

Không nên có tuổi nghỉ hưu cho người làm khoa học

Tôi từng có cơ hội tiếp xúc với giới trí thức nhiều nước trên thế giới. Ở Pháp, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ ngang nhau là 65 tuổi. Còn ở Mỹ, với giới trí thức và các nhà khoa học thì không có tuổi nghỉ hưu, khi nào còn sức làm việc thì cứ làm. Nhiều người đến 70-80 tuổi vẫn làm công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học, chỉ không giữ những chức vụ như giám đốc, hiệu trưởng, trưởng khoa...

Với các nhà quản lý về chính trị, xã hội, tôi cho rằng nên giữ nguyên mức tuổi nghỉ hưu như hiện nay là hợp lý. Với đội ngũ lao động chân tay nặng nhọc, thậm chí có thể cho họ nghỉ sớm hơn theo nguyện vọng nếu như tình trạng sức khỏe không tốt. Riêng với người làm khoa học thì không nên có tuổi nghỉ hưu.

Ở nước ta, người làm khoa học còn ít, nữ làm khoa học càng ít hơn. Với nữ, thông thường họ đã mất trung bình khoảng năm năm để sinh con và nuôi con. Họ còn mất thêm nhiều thời gian để học tập, phấn đấu làm việc. Khi bước vào độ tuổi 50 trở lên, khi con cái đã lớn, phụ nữ mới có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho công việc, ngoài ra còn có thời gian cho nghiên cứu khoa học. Nếu nghỉ hưu ở tuổi 55 thì quá sớm.

Bản thân tôi, khi nghỉ hưu là đã 62 tuổi. Từ lúc nghỉ hưu đến giờ đã hơn bảy năm. Từ đó đến nay tôi đã tham gia nhiều công việc bên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Nội tiết sinh sản vô sinh TP.HCM... Ngoài ra, tôi vẫn đi khám bệnh, đi mổ cho hầu hết các bệnh viện có khoa sản trong TP. Hằng ngày, tôi ra khỏi nhà lúc 6g sáng để bắt đầu công việc. Mỗi ngày, trung bình tôi mổ 4-5 ca, vừa mổ lấy thai vừa mổ phụ khoa. Phần nhiều đó là những ca rất khó từ các tỉnh chuyển lên TP. Tới thời điểm này, theo nhận xét của các đồng nghiệp, khi mổ tay tôi vẫn không bị run, mắt vẫn còn nhìn rõ và tự tay tôi vẫn khâu vết mổ cho bệnh nhân. Những ngày cuối tuần, tôi đi khám bệnh từ thiện cho người nghèo ở các tỉnh. Mỗi lần khám từ thiện, từ sáng tới chiều khám được 500-1.000 ca.

Sau khi nghỉ hưu, thời gian tôi dành để đọc sách, nghiên cứu nhiều hơn, bài đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành còn nhiều hơn khi chưa về hưu. Với tôi, được làm việc là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Tôi biết được rất nhiều bác sĩ, nữ hộ sinh khi đến tuổi về hưu vẫn còn sức khỏe và đầy nhiệt huyết muốn làm việc, cống hiến. Và tôi đã giới thiệu nhiều chị em ra làm việc ở các bệnh viện tư.

Nói như vậy để thấy rằng lực lượng lao động có trí thức, có tay nghề vẫn có thể cống hiến rất nhiều sau khi về hưu. Do đó, tôi nghĩ rằng không chỉ ngành y mà nhiều ngành khác cũng rất cần người có kinh nghiệm, tay nghề. Nhà nước nên xem xét kéo dài tuổi nghỉ hưu với những ngành nghề đặc thù để tạo điều kiện cho người làm khoa học, giới trí thức được cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

MAI HƯƠNG ghi

Một số nước tăng tuổi hưu

* Trung Quốc tăng tuổi hưu lên 5 năm

Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc (China.org.cn) dẫn lời quan chức Bộ Nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc Hà Bình cho biết bộ này đề xuất chính phủ đến năm 2045 sẽ tăng tuổi hưu lên năm năm cho toàn bộ lao động nước này. Song quá trình này sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm 2016 và sau đó là từng năm một.

Chính sách tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc được thực thi từ những năm 1970 và không đổi đến nay. Theo đó, quy định tuổi hưu của viên chức nhà nước là 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với cán bộ nữ và 50 tuổi đối với lao động nữ trong các ngành nghề khác. “Đứng trước thực trạng tuổi thọ bình quân đang tăng và chính sách kế hoạch hóa gia đình đã làm lượng người đóng quỹ hưu trí giảm thì tăng tuổi hưu ở Trung Quốc lên năm năm là xu thế tất yếu” - Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc dẫn lời ông Hà nói.

* Nga nâng tuổi nghỉ hưu của quan chức

Tháng 10-2012, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu của các lãnh đạo cấp liên bang từ 65 lên 70 tuổi và chuyển dự luật này lên Tổng thống Vladimir Putin xem xét.

Ông Garry Minkh, đại diện toàn quyền tổng thống Nga ở hạ viện, cho rằng Nga tăng tuổi hưu nhằm giữ chân đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, vốn là nhu cầu bức thiết ở Nga. Tháng 9-2012, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi đã được đưa ra đối với giới thẩm phán tòa án, cán bộ công tố, nhân viên Ủy ban Điều tra Nga.

* Malaysia tăng tuổi hưu để đối phó lạm phát

Từ ngày 1-7-2013, Malaysia sẽ nâng tuổi nghỉ hưu trong lĩnh vực tư nhân từ 55 lên 60 tuổi. Đề xuất tăng tuổi hưu được đưa ra từ tháng 4-2011, sau khi tham vấn các cơ quan liên quan và lấy ý kiến người dân, Hạ viện và Thượng viện Malaysia thông qua vào ngày 27-6-2012 và 17-7-2012.

Ngay từ khi được đưa ra, dự luật tăng tuổi hưu của Malaysia gặp nhiều ý kiến tranh cãi trái ngược nhau. Lý do chính phủ nước này đề xuất tăng tuổi hưu lên năm năm để giúp người dân đối phó tốt hơn trước tình trạng lạm phát, chi phí cuộc sống đắt đỏ và bảo toàn quỹ tiết kiệm hưu trí.

MỸ LOAN (Theo The Star, China.org.cn, RIA Novosti)

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên