23/02/2013 07:00 GMT+7

Hiến pháp phải là bản khế ước xã hội

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 22-2, đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và báo giới đã tham dự hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” (sau đây gọi là dự thảo - PV).

Hội thảo do tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp (Văn phòng Quốc hội) và tạp chí Pháp Luật Và Phát Triển (Hội Luật gia VN) tổ chức.

9YFaqWbO.jpgPhóng to

Nguyên phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu ủng hộ quan điểm duy trì quy định về Đảng lãnh đạo trong hiến pháp nhưng cần được bổ sung cho rõ hơn - Ảnh: Việt Dũng

Hội thảo đạt được sự đồng thuận cao với quan điểm dự thảo cần được chỉnh sửa, hoàn thiện hơn nữa để khẳng định chủ quyền của nhân dân đối với hiến pháp, để hiến pháp thật sự là bản khế ước xã hội.

Quốc hội có phải là cơ quan quyền lực tối cao?

So sánh với quy định của hiến pháp hiện hành, GS Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp của Quốc hội - cho rằng dự thảo lần này đã có bước tiến mới trong việc khẳng định chủ quyền nhân dân trong hiến pháp. “Theo dự thảo, Quốc hội không phải là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, mà nhân dân chỉ trao cho Quốc hội một số quyền như đưa ra sáng kiến, thành lập ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp...” - ông Đường nói.

Theo TS Vũ Đức Khiển - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quy định trong dự thảo đang có những mâu thuẫn. “Điều 2 dự thảo khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhưng đến điều 74, 75 thì lại nói Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội có quyền quyết định mọi vấn đề của đất nước, Quốc hội giám sát tối cao, rồi quyền phúc quyết của nhân dân cũng do Quốc hội quyết định... Như vậy quyền lực vẫn tập trung vào Quốc hội. Dự thảo chưa thể hiện được quan điểm của Đảng là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, và quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau” - TS Khiển phân tích.

Đồng tình với ý kiến này, GS Nguyễn Đăng Dung - chuyên gia nghiên cứu về hiến pháp, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng: “Nhận thức về Quốc hội trong dự thảo so với trước đây không có gì khác nhau”. Vì vậy, khái niệm Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao có gì đó mâu thuẫn với nguyên tắc hiến pháp là tối cao. Quốc hội vừa tối cao mà hiến pháp cũng vừa tối cao thì “anh” nào cao hơn “anh” nào? Sở dĩ, vì nguyên tắc hiến pháp tối cao nên mới có Quốc hội lập hiến, Quốc hội lập hiến phải khác với Quốc hội lập pháp. Theo tinh thần của Hiến pháp 1946 thì Quốc hội lập hiến xong thì giải tán, nhường chỗ cho nghị viện lập pháp. “Tôi cho rằng quy định Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất thì sẽ hợp lý hơn quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao. Cần phân biệt rất rõ Quốc hội lập hiến khác với Quốc hội lập pháp, bởi quyền lập hiến thuộc về nhân dân” - GS Dung đề nghị.

Quy định cụ thể về “Đảng lãnh đạo”

Nguyên đại biểu Quốc hội - GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị “cần quy định rất rõ phương thức lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng; cần quy định cụ thể để đảm bảo “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”, “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Nêu quan điểm cần duy trì quy định về Đảng lãnh đạo trong hiến pháp, TS Nguyễn Văn Yểu - nguyên phó chủ tịch Quốc hội - khẳng định: Lịch sử cách mạng nước ta gắn liền với sự ra đời của Đảng Cộng sản VN do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Đảng và Mặt trận có trước chính quyền. Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cách mạng, trong các cuộc kháng chiến... và đã được nhân dân thừa nhận. “Tuy nhiên, tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn nữa quyền lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội” - ông Yểu nói.

Bầu trực tiếp Chủ tịch nước

Đó là kiến nghị của PGS Nguyễn Thị Hồi, Trường đại học Luật Hà Nội. “Tôi ủng hộ quan điểm tăng quyền lực cho Chủ tịch nước, có thể gần tới mức quyền lực của Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 1946, tức là người có quyền lực hành pháp, nhất là trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ” - bà Hồi nói. Do đó, bà kiến nghị bổ sung vào dự thảo quy định: “Chủ tịch nước do cử tri cả nước bầu ra thông qua tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là năm năm. Không ai được bầu giữ chức Chủ tịch nước quá hai nhiệm kỳ”.

Bà Hồi phân tích: “Ở phần lớn các quốc gia đương đại, bộ máy nhà nước thường có một nhân vật trung tâm của quyền lực nhà nước, có ảnh hưởng tới nhà nước lớn đến mức hễ nói đến nhà nước đó là người ta nhắc ngay đến nhân vật này. Chẳng hạn, nói đến nước Mỹ, nước Pháp, nước Nga... thì người ta nhắc ngay đến tổng thống của họ, nói đến nước Anh, nước Nhật, nước Đức... thì người ta nhắc ngay đến thủ tướng. Như vậy, nhân vật trung tâm của bộ máy nhà nước, trung tâm của quyền lực nhà nước ở phần lớn các quốc gia đương đại có thể là nguyên thủ quốc gia hoặc thủ tướng chính phủ. Người này là linh hồn, trung tâm quyết sách của chính phủ, có quyền lựa chọn nhân sự và phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của chính phủ. Tôi cho rằng theo tập tục và truyền thống phương Đông thì ở nước ta hiện nay, người này nên là Chủ tịch nước. Thực tế đã chứng minh nếu nguyên thủ quốc gia là một người tài đức và có thực quyền trong lĩnh vực hành pháp thì có thể dẫn dắt quốc gia vững bước trên con đường phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình”.

Cần xem lại quy định: UBND là cấp chính quyền địa phương

Ngày 22-2, Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân TP.HCM về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh TP.HCM về tình hình triển khai kế hoạch thực hiện lấy ý kiến sửa đổi hiến pháp.

Qua tổ chức định hướng lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp, đa số cán bộ chiến sĩ đều cho rằng dự thảo hiến pháp lần này đã có nhiều điểm được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn, đặc biệt là đã bổ sung điều 4, khẳng định Đảng Cộng sản VN không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là tiên phong của nhân dân và toàn thể dân tộc.

* Cùng ngày, tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM, các đại biểu góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đề nghị cần xem lại quy định “UBND là cấp chính quyền địa phương”. Lý do là việc quy định này sẽ ảnh hưởng đến mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM đang hướng tới, đồng thời sẽ khó khăn trong việc thiết lập cơ chế thị trưởng, quận trưởng, xã trưởng... trong mô hình chính quyền đô thị.

VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Chính sách phải “gần mặt đất”Quyền công dân phải do hiến địnhThúc đẩy mô hình chính quyền đô thịVì một bản Hiến pháp của nhân dân

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên