Góp ý cụ thể vào điều 26 liên quan đến một số quyền cơ bản của công dân, ông Nguyễn Khánh đề nghị bỏ cụm từ “theo quy định pháp luật” trong quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”, đồng thời đề nghị viết lại như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Luật quy định cụ thể việc thực hiện các quyền ấy”. Ông Nguyễn Khánh nói: “Viết như vậy để định rõ các quyền công dân viết trong điều 26 này là hiến định chứ không phải do các luật quyết định. Luật chỉ quy định cụ thể các quyền hiến định ấy”.
Sẽ không còn pháp lệnh?
Theo ông Nguyễn Khánh, một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là nội dung “kiểm soát quyền lực”. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nêu: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khánh cho rằng như vậy chưa thật sự rõ ràng, nên viết lại: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có sự phối hợp và kiểm soát lẫn nhau”. Theo ông Khánh, viết như vậy để thấy rõ cơ cấu quyền lực Nhà nước thống nhất và tính độc lập tương đối của các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong quyền lực Nhà nước thống nhất.
Ông Nguyễn Khánh cũng cho rằng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên bỏ nhiệm vụ và quyền hạn ra pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cần thống nhất việc thông qua luật và các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị như luật vào Quốc hội. Trong điều kiện hiện nay, Quốc hội có đủ khả năng xây dựng và thông qua các luật cần thiết theo yêu cầu của nhân dân và Nhà nước.
Ông Phạm Xuân Hằng (nguyên phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN) cho rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp có quy định về hội đồng hiến pháp. Đây là thiết chế mới, lần đầu tiên xuất hiện trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp với ý nghĩa là cơ quan kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước, bảo đảm sự đúng đắn và thượng tôn Hiến pháp. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định hội đồng hiến pháp chỉ có thẩm quyền kiểm tra và kiến nghị các vấn đề có liên quan, nếu dừng ở “kiến nghị” mà không có thẩm quyền “phán quyết” thì đây chỉ là cơ quan mang tính chất tư vấn mà không có khả năng bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp.
Cần quy định rõ về giám sát và phản biện
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần quy định rõ vai trò giám sát và phản biện của MTTQ. Theo ông Hằng, từ phương diện tư tưởng và lý luận về hệ thống chính trị đều cho thấy MTTQ VN được xác định có vị trí rất quan trọng là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, như vậy việc đưa phạm trù giám sát và phản biện xã hội vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp là đúng và cần thiết. Tuy vậy, trình bày như trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa thể hiện được ý nghĩa quan trọng của hoạt động này.
Đề cập chương về bảo vệ Tổ quốc trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nguyên phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng các quy định cơ bản giống như Hiến pháp 1992, nhấn mạnh đến lực lượng vũ trang bao gồm quân đội và công an. “Việc nhấn mạnh như vậy là đúng nhưng còn thiếu ngoại giao. Biển Đông là vấn đề thời sự, nhưng phải dùng ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền chứ không phải đưa quân đội ra” - ông Nguyễn Mạnh Cầm nói.
Ông Lê Truyền (nguyên phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN) cho rằng thời gian lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong ba tháng là ít, hơn nữa còn có một tháng trùng vào dịp tết cổ truyền, do vậy nên xem xét kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân hơn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận