07/02/2013 12:18 GMT+7

Chắt chiu Tết quê giữa phố

ĐỖ PHI - ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐỖ PHI - ĐOÀN BẢO CHÂU

TTO - Tự làm củ kiệu chua, nấu bánh tét, làm mứt... cho tiết kiệm - đó là cách đón tết của các gia đình lao động tại các xóm nghèo ở TP.HCM.

pHaVNKY6.jpgPhóng to

Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa đang quây quần làm mứt tắc cùng nhau - Ảnh: Bảo Châu

Nằm cách xa thành phố hơn 20 cây số, không khí đón tết tại xóm nhỏ ở ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn cũng đã rộn rịp theo từng vòng xe thương lái đến mua hoa tết. Bà Nguyễn Thị Hòa (trồng hoa tết) cho biết: “Năm nay bông bán được nên nhà ăn tết cũng khỏe hơn, có tiền cho con mua quần áo mới với mấy con cá kiểng về thả bắt muỗi ngoài sân”.

Cả xóm cùng đón tết

Được biết, cứ đến cận tết, cả nhà bà lại tất bật với đủ thứ “nghề” thời vụ: bán bánh tráng, trái cây, hoa chưng tết… Mỗi người một việc, con trai, con gái và hai vợ chồng không lúc nào ngơi tay.

Tuy nhiên, cũng không vì buôn bán mà việc chuẩn bị đón tết bị lơ là. Tranh thủ lúc thương lái chưa tới chở hoa, bà cùng mấy người hàng xóm gọt tắc hái trong vườn để làm mứt tắc. “Còn mứt gừng, mứt cà chua nữa, trong xóm mỗi nhà làm một loại rồi chia nhau ra, rẻ tiền vậy chứ mà ngon lắm!”, bà Hòa vui vẻ cho biết. Ngoài sân, những khay củ cải muối, củ kiệu cũng đã đổi màu theo nắng tháng Chạp, chuẩn bị vào hũ ăn tết.

Vừa sửa soạn lại mấy chậu bông Tết, ông Nguyễn Văn Bình (ngụ tại ấp 4, xã Nhị Bình) vừa chia sẻ: “Tiếng là ở thành phố chứ ở đây ăn Tết còn theo kiểu quê mùa lắm, có gì ăn nấy, sắm sửa đâu bao nhiêu!”

Không chỉ ở ngoại thành mới có tết “xóm”, nhiều người trong khu xóm nghèo của chị Huỳnh Thanh Hồng (31 tuổi, làm tạp vụ) tại phường 7, quận 6 cũng chộn rộn quét mạng nhện, dọn dẹp nhà và nhất là chuẩn bị mua nếp, đậu xanh, thịt mỡ về gói bánh tét.

Mỗi nhà góp một chút, tự gói rồi nấu chung trong một nồi to cùng nhau. “Cả xóm thức đêm ngồi canh bánh với nhau, mấy đứa con nít coi vậy mà mê, cứ hỏi tui chừng nào gói bánh, nấu bánh miết”, chị Hồng cho biết.

Ngoài ra, do kinh tế khó khăn, năm nay nhiều chị em trong xóm quyết định tự làm mứt luôn, tối tối lại í ới gọi nhau hỏi cách làm, bao nhiêu đường, sên mứt bao nhiêu lâu là vừa…Không khí tết trong xóm cũng vì thế mà trở nên háo hức, ấm cúng hơn trong từng bếp lửa nhỏ, từng bức tường sơn mới.

Quà tết cho con

Đó là “ngoài xóm”, “trong nhà” của từng người lao động nghèo cũng đang xoay vần chuẩn bị cho cái Tết sắp đến, đặc biệt là quà tết cho con cái.

Tay vuốt phẳng phiu chiếc áo đầm mới mua cho cô con gái bị bệnh teo thận, bà Trần Thị Ngọc Vân (51 tuổi, ngụ tại P.Cầu Kho, Q.1), làm tạp vụ tại một công ty cho biết: “Gần đến Tết mà bệnh tình của con gái tôi lại bị nặng hơn, gan và lá lách tích nước nhiều quá làm bụng phình to, giờ không mặc được gì. Thương con quá, hai vợ chồng tôi ráng nhín tí tiền mua cho bé cái áo đầm mặc ăn tết cho bằng bạn bằng bè”.

Lương tháng hai vợ chồng gộp lại chỉ khoảng 4 triệu, hơn phân nửa lo chạy thận cho con nên ngày Tết, bà Vân cũng chỉ có đủ tiền để mua thịt và chục trứng về kho một nồi nhỏ xíu cho ba người cùng ăn. “Con gái vui là vợ chồng tui vui rồi, ăn mặc cái gì cũng được!”, bà cho biết thêm.

Cách đó không xa, trong một căn nhà chật chội chưa đầy 10m2 tại phường Cô Giang, Q.1, chị Đặng Thị Út (37 tuổi) vừa xếp lại quần áo vừa vui vẻ cho biết: “Năm nay cả nhà được đón tết trong nhà mới nên mọi người thay phiên nhau dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà cho gọn gàng, ngăn nắp. Tôi sống cùng chồng, hai con và mấy anh chị trong nhà nữa nên phải hết sức tiết kiệm diện tích”.

Gia đình chị Út thuộc dạng lao động khó khăn, chị đi phụ gọt trái cây kiếm được khoảng 600.000 đồng/tháng, còn chồng chạy xe ôm nên thu nhập bấp bênh, bữa nào xào bữa đó. Căn nhà được xây mới lại cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của UBND phường, sau hơn chục năm sống trong cảnh tạm bợ.

Chồng chị cũng góp thêm: “Tết mà, ráng một chút, làm vài món cho con trẻ nó ăn, có không khí năm sau cày tiếp”. Nói xong, anh cùng hai đứa con mang rổ củ kiệu vừa phơi khi sáng ra ngồi cắt với nhau: “Phụ má nó làm, chịu khó tự làm ăn cho rẻ, hũ kiệu này làm khoảng 60.000 đồng, chứ ra chợ giá cao lắm, mua không nổi.”

Trong nhà không có bàn tay người phụ nữ vun vén như vợ chồng chị Út nhưng ông Phạm Văn Lương (47 tuổi, làm thợ sửa xe tại góc đường Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) cũng cố gắng thu xếp Tết cho hai đứa con trai. “Năm nay làm ăn khó khăn, chật vật quá nên không dư giả gì nhiều, chỉ được chút đỉnh tiền mua hai cái áo cho tụi nhỏ là hết sạch. Tui đã quyết định sẽ làm luôn từ giờ tới giao thừa, chỉ nghỉ mùng 1 để chở mấy đứa nhỏ đi một vòng thành phố là vui vẻ rồi!”.

Tuy nhiên, không phải mái ấm nào cũng có sự chuẩn bị tương đối tươm tất đó, nằm trong một con hẻm sâu hun hút ở phường 6 (quận 8), căn nhà nhỏ tuềnh toàng của chị Nguyễn Thị Ba (35 tuổi) vẫn chưa có dấu hiệu gì đón mùa xuân về. Chạy xe ôm, bán tạp hóa, một tay chị phải nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học, con trai lớn lại bị liệt, phải đi học bằng xe lăn. Năm vừa rồi, hai mẹ con bị tai nạn khi chị đưa con đi học, điều trị mỗi tuần hết 250.000 đồng, kinh tế vì thế mà trở nên hết sức túng thiếu, ngay cả ga nấu ăn cũng chỉ có thể mua từng lon 10.000 đồng/ngày. Chính vì thế, tết đến cũng không làm gia cảnh nhà chị vui hơn.

Hỏi đến việc chuẩn bị gì cho tết sắp tới, chị buồn bã nhìn những chai nước tương, bịch đường, bịch kẹo lèo tèo trong cửa hàng tạp hóa tí xíu ở nhà: “Mọi năm còn may cho mỗi đứa một bộ đồ, năm nay túng thiếu quá nên không mua gì hết, mấy đứa nhỏ muốn ăn bánh kẹo thì cứ lấy hàng tui bán mà ăn cho qua ba ngày tết!”.

Tuy nhiên, chỉ tay vào góc nhà, nơi có chiếc xe lăn mới, mắt chị lại sáng lên hạnh phúc: “Nhưng mà trong cái rủi cũng có cái may, có cô bên hội từ thiện biết chuyện, tặng nguyên cái xe lăn mới cho thằng con đi học, coi như cũng có quà tết, nhà cửa vui lên được phần nào!”.

ĐỖ PHI - ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên