11/02/2013 07:30 GMT+7

Xuồng CQ - cái tâm, cái tình với biển đảo, Trường Sa

MY LĂNG - THÂN HOÀNG
MY LĂNG - THÂN HOÀNG

TTXuân - Năm 2012, trên biển Đông có thêm những chiếc xuồng CQ rẽ sóng bảo vệ chủ quyền đất nước. Đại tá Bùi Sĩ Tạo, nguyên trưởng phòng vỏ tàu Viện Kỹ thuật hải quân VN gọi là công trình ra đời từ cái tâm, cái tình với Trường Sa.

81Q7ygYz.jpgPhóng to

Xuồng CQ giữa biển Đông - Ảnh: Minh Đức

2Q8pAbJe.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Thịnh, phó giám đốc văn phòng khu vực miền Nam Tổng công ty Hàng không VN, cùng đồng nghiệp đến tòa soạn Tuổi Trẻ trao số tiền của CB-CNV đóng góp hưởng ứng chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” - Ảnh: Thanh Đạm

Ông Tạo kể cả năm trời nghiên cứu thiết kế, chế tạo xuồng CQ (xuồng Chủ Quyền), chủ nhiệm đề tài không bao giờ ngủ trước 2g đêm. Còn những thành viên trong nhóm thực hiện không có ngày thứ bảy, chủ nhật, làm quên cả đói, miệt mài từ sáng đến 9g tối mới rời đơn vị.

Mệnh lệnh từ tâm

Tên CQ có từ đâu?

Trong buổi báo cáo cuối cùng của nhóm chế tạo xuồng CQ, sau khi phân tích xuồng có rất nhiều nhiệm vụ, nhóm chế tạo xuồng cho rằng phải đặt tên theo nhiệm vụ chính: xuồng “Bảo Vệ Chủ Quyền”.

Tư lệnh hải quân Nguyễn Văn Hiến chốt lại cuối cùng lấy tên là xuồng CQ, viết tắt của chữ “Chủ Quyền”. “Bởi theo tư lệnh, bản thân hai chữ CQ đã mang đầy đủ ý nghĩa bảo vệ chủ quyền rồi, không cần phải thêm hai từ “bảo vệ” nữa” - ông Bùi Sĩ Tạo cho biết.

Đại tá Bùi Sĩ Tạo chia sẻ: “Có lần chúng tôi làm một mạch từ sáng đến khi ngẩng đầu lên giật mình: đã 3g chiều. Tất cả vì cái tâm, cái tình với Trường Sa. Anh em bảo nhau cố gắng để chiến sĩ Trường Sa bớt vất vả. Chúng tôi làm còn vì sĩ diện: chả lẽ mình không đủ sức chế tạo một loại xuồng như thế, phải thuê nước ngoài làm?”.

Đầu năm 2005, buổi giao ban tháng của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã đặt ra vấn đề làm thế nào có một loại xuồng với yêu cầu loại xuồng này phải đảm bảo ba yếu tố: gọn, nhẹ, vận tốc đủ lớn để bảo vệ chủ quyền, hoạt động được trên sóng lớn để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ.

Tư lệnh hải quân đặt vấn đề như thế rồi giao nhiệm vụ cho Viện Kỹ thuật hải quân tính toán thiết kế, còn chịu được cấp sóng nào thì mình phải nghiên cứu”. Đại tá Bùi Sĩ Tạo - khi đó đang là trưởng phòng vỏ tàu Viện Kỹ thuật hải quân - được giao làm “tổng công trình sư” (chủ nhiệm đề tài) cùng một số cán bộ chuyên môn nghiên cứu.

Trước đây, xuồng bằng sắt và nhôm là hai loại xuồng “tiền bối” ở Trường Sa. Nhưng khí hậu Trường Sa rất khắc nghiệt, mưa cũng có muối, sóng gió nhiều mà sắt lại rất dễ han gỉ, nhanh bị phá hủy. Còn nhôm chịu được nước mặn nhưng khi bị lớp đá san hô vốn đầy rẫy xung quanh đảo cứa vào sẽ bị tuột mất lớp nhôm ôxit bên ngoài và cũng dễ bị hư hỏng.

Tư lệnh yêu cầu vật liệu phải cà được trên san hô mà không bị hỏng, chịu được nước mặn. Thế thì chỉ có composite là lựa chọn phù hợp nhất. Giám đốc Nhà máy X46 khi đó là đại tá Bạch Thành Công đã mạnh dạn đầu tư nguồn lực, đưa sáu kỹ sư sang Hà Lan học công nghệ chế tạo thân vỏ xuồng và tàu từ composite.

1SKVEv5P.jpgPhóng to

Những chiếc xuồng CQ nối nhau rẽ sóng trên biển Đông - Ảnh: Phạm Công Thanh

Giản dị một tình yêu Trường Sa

Sự cấp bách từ nhu cầu thực tế ở Trường Sa - nơi hải đảo xa xôi, cách trở - đã vọng về đất liền. Để rồi những trái tim luôn hướng về Trường Sa không thể chờ đợi thêm nữa. Chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” ra đời từ nhiệt huyết của con tim như thế. Sau bốn tháng phát động, chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” của Tuổi Trẻ đã trở thành cái tên quen thuộc, một hành động thiết thực nhất mà mỗi người dân đều có thể chung tay cống hiến cho Trường Sa.

Đã có biết bao câu chuyện cảm động diễn ra âm thầm, lặng lẽ ở phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Biết bao bạn đọc xin được giấu tên khi mang đến tòa soạn số tiền từ ngày công, từ lương hưu với lời giải thích rất bình dị: Đã làm được gì cho Trường Sa đâu… Những con người bình dị ấy là một nhóm bạn trẻ thế hệ 8X, sinh năm 1988, có người đã ra trường, có người vẫn đang theo học liên thông, đã trích một khoản lương hằng tháng để gửi đến Trường Sa.

Họ quên đi hay cố bỏ qua những lo lắng cơm áo gạo tiền rất đời thường, để mong làm một việc có ý nghĩa với tuổi trẻ của mình. Lý do thật nhẹ nhàng và sâu sắc: mỗi người có một cách để thể hiện tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc. Nếu không trực tiếp cầm súng ra Trường Sa, họ cống hiến theo những gì mình có thể. Trước khi rời tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhóm bạn ấy khẳng định: sẽ tiếp tục đóng góp cho Trường Sa.

Những con người bình dị ấy là một vị giáo sư đáng kính của ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Một thầy giáo già tóc bạc trắng, gương mặt phúc hậu và rất giản dị khi nói về mình, về những việc mình làm, dẫu rằng ông đã gửi trọn cả số tiền tích cóp, dành dụm cả đời ủng hộ “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” mà không một chút đắn đo, suy nghĩ. Hơn 100 triệu đồng, đối với một nhà sư phạm là cả một gia tài. Nhưng ông bảo: Chỉ là một việc làm rất nhỏ bé, chỉ có tấm lòng là không thể đong đếm với Trường Sa…

Nói về mình, vị giáo sư khiêm tốn từ chối để lại một cái tên, chỉ cho biết: “Tôi là một học trò của giáo sư Lê Văn Thới. Được biết đến là một học trò của giáo sư Lê Văn Thới là niềm vinh hạnh lớn cho tôi lắm rồi. Thầy tôi là một người yêu nước mẫu mực, đỗ đạt ở đất Pháp vẫn vứt bỏ tất cả để về phụng sự cho Tổ quốc. Thầy đã để lại cho tôi bài học lớn, sâu sắc về lòng yêu nước. Hành động hôm nay của tôi là noi theo gương thầy, cống hiến một chút cho đất nước mà thôi”.

Còn rất nhiều những con người bình dị khác với tấm lòng thuần khiết, trong sáng tuyệt đối dành cho Trường Sa mà những người làm chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” được may mắn chứng kiến. Những câu chuyện cứ nhẹ nhàng, thầm lặng mà xao xuyến, ấm áp và rưng rưng lòng người như thế, như những dòng chảy cứ âm thầm mải miết nhưng tạo nên những con sóng vững chãi, mạnh mẽ xoắn lấy nhau, cứ ngày một dâng cao ngọn, cuồn cuộn và bất tận… hướng về Trường Sa.

Bạn đọc Tuổi Trẻ góp xuồng CQ cho Trường Sa

Phát động từ tháng 9-2012, đến nay bạn đọc đã đóng góp hơn 7,5 tỉ đồng cho chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Báo Tuổi Trẻ đã ký hợp đồng với Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân để đóng hai chiếc xuồng CQ01 đầu tiên. Lễ bàn giao hai chiếc xuồng này dự kiến khoảng tháng 3-2013 tại Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa).

MY LĂNG - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên