28/01/2013 08:51 GMT+7

Thêm một chút cho các cháu ăn ngon

K.HƯNG - Đ.BÌNH - V.V.THÀNH
K.HƯNG - Đ.BÌNH - V.V.THÀNH

TT - Đó là ý kiến của lãnh đạo những địa phương vùng cao biên giới sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT cùng với các bộ ngành, địa phương kiểm tra việc học sinh tại khu vực này thiếu cơm ăn, sách vở học tập.

Một bức xúc khác là chỗ ở, bởi đã đưa các cháu về trường thì phải có cái nhà nhưng tỉnh lo không xuể.

OkGvw7LY.jpgPhóng to
Bữa cơm trưa chỉ có cơm và canh của em Sùng A Nhà (trái), học lớp 7 Trường THCS Mường Lý, Mường Lát, Thanh Hóa - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Giáo dục - đào tạo chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra việc học sinh vùng cao biên giới thiếu cơm ăn, sách vở học tập.

Trao đổi với Tuổi Trẻ trong cuộc Gặp gỡ đầu tuần, ý kiến của lãnh đạo một số địa phương cũng kiến nghị cần nâng thêm hỗ trợ để đảm bảo bữa ăn cho học sinh vùng cao.

Ông Đàm Văn Bông (chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang): Lo cái nhà cho các cháu ở

"HĐND các địa phương cần tăng cường giám sát và làm tốt hơn ở cả ba khâu. Thứ nhất là khâu công khai chính sách để trên cơ sở đó người dân giám sát. Thứ hai là quá trình giám sát phải tăng tính thiết thực, tính hiệu quả, giảm bớt hình thức. Thứ ba là hậu giám sát, những cơ quan có trách nhiệm phải lắng nghe và nghiêm túc thực hiện kiến nghị giám sát. Nhiều nơi tôi thấy HĐND cũng có giám sát và kiến nghị nhưng chưa được quan tâm xử lý"

Ông Đỗ Mạnh Hùng

Theo quyết định của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường hợp phổ thông dân tộc bán trú, hằng tháng tỉnh đều cấp tiền để các trường chăm lo cho các cháu. Ngoài ra, phụ huynh các cháu cũng góp thêm gạo, ngô, củi. Tất nhiên, nếu nâng được mức tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các cháu lên được thì rất tốt vì sẽ đảm bảo được bữa ăn cho các cháu tốt hơn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi năm tỉnh cũng bố trí thêm 50-70 tỉ đồng để cả các cháu không thuộc diện hưởng chế độ bán trú của Nhà nước cũng được hỗ trợ.

Nhưng chuyện ăn chỉ là một phần, chỗ nghỉ cũng là vấn đề khó khăn đối với tỉnh. Tỉnh mong muốn có sự hỗ trợ để có thể xây dựng được nhiều hơn nhà bán trú cho các cháu, cho thầy cô. Bây giờ đưa các cháu về trường học bán trú cũng phải có cái nhà cho các cháu ở. Cái này là khó khăn của tỉnh nên đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư.

Ông Nguyễn Khắc Chử (chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu): Cải thiện bữa ăn

Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước và một phần hỗ trợ của tỉnh thì bữa ăn của các cháu học sinh bán trú trong tỉnh được đảm bảo. Tuy nhiên, để bữa ăn được cải thiện tốt hơn, tỉnh cũng vận động các cơ quan, đoàn thể để có sự hỗ trợ thêm cho các cháu. Thật ra, gạo cho bữa ăn các cháu không thiếu, chủ yếu là làm sao có thêm kinh phí để cải thiện bữa ăn. Vì thế, nếu Nhà nước hỗ trợ để cải thiện được cho các cháu thì tốt.

Cũng như một số địa phương khác, ngoài việc đảm bảo bữa ăn cho các cháu học sinh, việc xóa bỏ phòng học tạm cũng là vấn đề được tỉnh Lai Châu quan tâm. Hai năm nay tỉnh đã dùng ngân sách để cố gắng xóa bỏ phòng học tạm, xây những phòng học mới với tiêu chí ba cứng: mái cứng, khung cứng, nền cứng. Dù đầu tư vậy nhưng tỉnh cũng đang còn mấy trăm phòng học tạm, một số nơi không phải là phòng tạm mà chỉ là lều, bạt. Thế nên, đấy cũng là cái chúng tôi cần có sự hỗ trợ.

Ông Trịnh Quang Chinh (giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Lào Cai): Vẫn còn nhiều hộ đói ăn

Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2012, Lào Cai vẫn còn trên 40.000 hộ nghèo (tỉ lệ 27,69%). Kết quả rà soát chưa tính đến hộ đói, nhưng theo tổng hợp báo cáo của các huyện vừa thực hiện thì tỉnh vẫn còn trên 3.000 hộ thuộc diện thiếu đói, đứt bữa cần phải cứu trợ.

Việc nghèo đói đối với các tỉnh miền núi khó khăn khu vực Tây Bắc như Lào Cai là không thể tránh khỏi. Chính vì thế Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ học sinh vùng cao. Cùng với những chính sách của trung ương, tỉnh Lào Cai từ rất lâu đã quan tâm nhiều đến công tác hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, khó khăn, thường xuyên đối mặt với thiên tai, thời tiết khắc nghiệt nên việc giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo, hộ đói không phải là việc đơn giản có thể sớm giải quyết hay giải quyết dứt điểm được. Đâu đó vẫn còn những trường hợp học sinh nghèo bụng đói đến trường, hay bị ngất xỉu trên lớp do đói và rét...

Ông Nguyễn Thanh Xuân (phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, Yên Bái): Thủ tục rườm rà, thầy trò thêm khó khăn

Huyện Văn Chấn có gần 13.000 hộ nghèo (chiếm trên 35% số hộ dân toàn huyện) và gần 1.900 hộ (7.418 nhân khẩu) thuộc diện hộ đói. Trong năm 2012, tỉnh Yên Bái đã cấp 95 tấn gạo cứu đói nhưng vẫn không đủ nên huyện phải cấp bổ sung 16 tấn gạo nữa để cứu đói cho người dân.

Từ năm 2011 về trước, trẻ em, học sinh trong huyện còn quá nhiều khó khăn. Dù Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách về việc hỗ trợ học sinh nhưng do chính sách mới, thủ tục quá rườm rà, kinh phí cấp phát chậm nên thầy và trò vùng cao càng thêm khó khăn, đặc biệt là đối với trên 1.700 học sinh phải học bán trú. Từ năm 2012, tình hình đã sáng sủa hơn, toàn bộ học sinh thuộc diện hỗ trợ đã nhận đầy đủ các khoản hỗ trợ đến hết ngày 31-12.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ bữa ăn cho học sinh chỉ chín tháng/năm, mà thực tế học sinh học và ở trường ít nhất mười tháng nên thực tế cũng còn có những khó khăn. Có thể đâu đó trên địa bàn huyện vẫn còn những học sinh bị đói...

Ông Đỗ Mạnh Hùng (phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội): Giảm thủ tục, tăng trách nhiệm

OhP4Bbum.jpgPhóng to
Ảnh: Việt Dũng
Trong những năm qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo được quốc tế công nhận. Để giảm nghèo, về dài hạn phải tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe... Còn trong ngắn hạn cần lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ một cách có hiệu quả nhất. Học sinh nghèo, nhất là học sinh nghèo ở các khu vực đặc biệt khó khăn, chính là nhóm đối tượng ưu tiên. Chính phủ được giao chủ trì các nguồn lực để giảm nghèo thì phải có thiết kế cụ thể, sao cho các chính sách được phân luồng và hướng đến các đối tượng cần thiết theo đúng yêu cầu đa chiều của hệ thống chính sách giảm nghèo.

Với đối tượng học sinh nghèo nói trên, cần được hỗ trợ ở hai khía cạnh chính, trước hết là vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng và thứ hai là học tập. Đúng là nguồn lực của chúng ta chưa phải đã đáp ứng được một cách đầy đủ về giảm nghèo, nhưng đối với những nhu cầu tối thiểu, thiết yếu và cấp bách thì phải làm sao giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm để nguồn lực hỗ trợ được sử dụng một cách có hiệu quả nhất, nhanh nhất.

Cách đây ít lâu tôi có xem truyền hình và thấy cảnh một số em nhỏ học sinh vùng cao tỉnh Sơn La phải bẫy chuột về làm thịt ăn, nấu cơm mà không có nắp đậy... Những hình ảnh đó thật đáng suy nghĩ. Ở đâu cũng có cấp ủy, chính quyền, cũng có ngành giáo dục mà sao nơi này nơi khác những nguồn lực cần thiết vẫn chưa đến được đúng các đối tượng một cách kịp thời và có hiệu quả. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ trong cả công tác giám sát và công tác hoạch định chính sách. Một vấn đề khác là trong khi nguồn lực còn hạn chế thì phải biết phân bổ và sử dụng có hiệu quả hơn.

Sẽ rà soát chính sách giảm nghèo

Theo thông tin từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội, hôm nay (28-1), một hội nghị nhằm rà soát lại các chính sách giảm nghèo, chính sách về việc làm, dạy nghề cho đồng bào dân tộc miền núi sẽ được tổ chức tại Yên Bái với sự tham gia của đại diện nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc. Dự kiến trong hội nghị này, những vấn đề liên quan tới việc đảm bảo bữa ăn, sách vở học tập cho học sinh vùng cao cũng sẽ được đề cập.

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết bộ sẽ tổ chức các hội nghị như vậy tại ba khu vực gồm Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ nhằm ghi nhận ý kiến của các địa phương. Cũng trong quý 1 này, bộ sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về các chính sách giảm nghèo, dạy nghề, đào tạo nghề và sẽ có những kiến nghị sửa đổi một số chính sách cho phù hợp.

K.HƯNG - Đ.BÌNH - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên