17/12/2012 08:26 GMT+7

Bỏ nghề nuôi tôm bên dòng Thị Vải

HÀ MI
HÀ MI

TT - Hơn bốn năm kể từ khi nổ ra vụ Vedan gây ô nhiễm, sông Thị Vải giờ chủ yếu phục vụ việc vận chuyển hàng hóa và khai thác cát. Ngày càng thưa dần hoạt động nuôi trồng thủy sản vốn nở rộ một thời...

Sông Thị Vải bị ô nhiễm: Vedan góp 90%Cứu sông như thể cứu người 1.530 hộ dân Cần Giờ thiệt hại do ô nhiễm sông Thị Vải

UcmO09jf.jpgPhóng to

Anh La Văn Lớn (phải) là một trong số ít người bám trụ được với nghề nuôi tôm công nghiệp ở vùng đất ô nhiễm do Vedan xả thải - Ảnh: Hà Mi

Bằng mắt thường có thể thấy nước sông Thị Vải đoạn qua các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã không còn màu nâu đậm đáng sợ như trước đây. Nhưng các đùng tôm thì vẫn hoang vắng do người dân bỏ nghề vì đã nỗ lực thả tôm nhưng thất bại.

Còn vài người bám sông

Anh Đoàn Tấn Tài - từng nuôi tôm ở rạch Hàng Hố (ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành) - cho biết: “Tôi thuê lại 1,3ha đùng để nuôi tôm nhưng cứ thả khoảng 20 ngày là tôm chết. Nước rạch không đen như trước đây, được xử lý đàng hoàng nhưng tôm vẫn chết. Chẳng biết có phải giống hay đất trong đùng tôm đã ô nhiễm nặng. Tháng 10 năm nay tôi dẹp luôn”.

Cũng gần khu vực này, anh La Văn Lớn đang làm khoảng 4ha để nuôi tôm công nghiệp. Anh bộc bạch: “Khu vực này các đùng tôm bị ô nhiễm đáy kéo dài, vì vậy thả tôm là chết. Trước dân đầu tư nuôi tôm khoảng 15ha nay chỉ còn khoảng 5ha. Nơi tôi nuôi có nguồn nước tốt hơn để cải tạo đáy nên tạm thời bám trụ được với nghề này”. Anh Lớn cho hay hầu hết người nuôi quảng canh, bán thâm canh nhận tiền bồi thường quay trở lại nuôi giờ cũng đều bỏ nghề vì đất còn ô nhiễm.

Ông Phan Văn Tài - chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp 1A (xã Phước Thái, huyện Long Thành) - sống phía sau Nhà máy Vedan, là người đã nhiều năm gắn bó với nông dân và cũng là người kêu ca chuyện ô nhiễm một thời ở Vedan. Ông kể từ khi lĩnh tiền Vedan xong có người quay trở lại đóng đáy làm đùng, nhưng chỉ vài tháng sau đã bán ghe, bán đáy do lỗ lã rồi lên bờ. Làm không có sản phẩm, bám sông riết mà thiếu cái ăn thì người ta đi làm công nhân cho ổn định hơn.

Ở đây hiện chỉ còn vài người bám sông, một số ít đi đào chem chép, rập cua để sống. Khu đất bạt ngàn sau Nhà máy Vedan từng sôi động với đùng đập giờ đã nhường đất cho một công ty vào san lấp để làm nhà máy sản xuất bêtông. Nói về dòng sông Thị Vải hiện nay, ông Tài nói: “Cứ khoảng một tuần, nửa tháng là nghe dân la làng về chuyện nước sông có đoạn đổi màu. Họ nói nước xả thải nhưng có biết nhà máy nào xả đâu”.

Ở huyện Nhơn Trạch, xã Phước An là nơi một thời nông dân ùn ùn kéo nhau đi nộp đơn đòi Vedan bồi thường. Ông Lê Văn Tâm, ngụ ấp Bà Trường, xã này, cho hay dấu tích ô nhiễm vẫn còn đây đó ở vùng sông Thị Vải. “Có người lĩnh tiền bồi thường ô nhiễm về trả nợ rồi tản đi làm ăn, số đông không còn bám nghề sông nước. Có người về dành dụm đầu tư nuôi tôm, làm ghe đi đánh bắt nhưng đa số đều không thành công nên đã làm nghề khác, hoặc bỏ xứ mà đi” - ông Tâm nói.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An Nguyễn Việt Lâm cho biết: “Sau vụ Vedan, người dân thả tôm nhưng nuôi hoài không được. Một số người lĩnh tiền bồi thường xong thì trả nợ rồi tìm cách đi làm ăn ở nơi khác”.

Trao đổi về những trăn trở của nông dân bị thiệt hại sau khi trở lại với nghề nuôi trồng thủy sản, ông Trần Văn Quang - phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai - nói: “Tôi xuống cơ sở thấy nước sông đã trong hơn. Sông có cá, có cua, có chem chép... Nhưng sự thật là người nuôi tôm lấy nước vào đùng nuôi thì tôm vẫn chết nên tỏ ý nghi ngờ có chất gì đó thải ra sông mà chưa biết được”.

xGINTU7z.jpgPhóng to
Nông dân Nguyễn Lam Sơn, người đầu tiên kiện Vedan, vẫn sống với nghề nuôi tôm tự nhiên - Ảnh: Hà Mi

Nông dân đầu tiên kiện Vedan

Hơn hai năm trước, trong lúc vụ việc Vedan đang nhùng nhằng thì bất ngờ nông dân Nguyễn Lam Sơn (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) vác đơn đi kiện. Anh mang một lý lẽ duy nhất: kiện để mọi người thấy rằng người dân thấp cổ bé họng vẫn khát khao công lý.

Trưa 30-7-2010, thoát khỏi cảnh lấm lem bùn đất, anh Sơn vào Tòa án huyện Long Thành nộp đơn khởi kiện dưới sự trợ giúp pháp lý miễn phí của tiến sĩ luật Nguyễn Vân Nam. Anh trở thành nông dân đầu tiên trong số hàng ngàn nông dân ở ba tỉnh thành (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM) kiện Vedan và lần đầu tiên được tòa thụ lý khi kèm theo các chứng cứ và yêu cầu của mình về mức đòi bồi thường. Hàng ngàn nông dân phấn chấn trước hành động của anh Sơn, UBND tỉnh Đồng Nai cũng ra một văn bản yêu cầu các luật gia, luật sư trợ giúp pháp lý cho hàng ngàn nông dân trong cuộc chiến pháp lý với Vedan.

“Lúc ấy tôi đã thẳng thắn với tòa án không rút đơn và cùng với luật sư Nguyễn Vân Nam đeo đuổi vụ kiện để đấu lý với kẻ mạnh. Nhưng rồi chính quyền và cha tôi đã vận động hãy vì hàng ngàn nông dân của huyện nên tôi rút đơn” - anh Sơn thổ lộ.

Anh Sơn cho biết qua hai lần anh nhận được tiền bồi thường gần 170 triệu đồng cho hơn 10 năm bị thiệt hại vì ô nhiễm. Số tiền này anh trả nợ, sửa được căn nhà nhưng cũng không thấm tháp vào đâu so với thiệt hại mà anh đã đầu tư vào các đùng tôm để rồi trở thành một trong hàng ngàn nạn nhân gánh chịu từ nguồn nước đen ô nhiễm do Vedan thải ra...

Vẫn dáng vẻ cặm cụi ngày nào, anh Sơn với chiếc xe đạp đèo theo các vật dụng hướng về các đùng tôm ở con rạch Ông Trúc, ấp Bà Trường, mà hơn chục năm qua anh bám trụ để nuôi sống cả gia đình. Vừa chạy xe anh vừa chỉ tay vào các đùng tôm trống hoác ven đường: “Có người quay lại nuôi tôm thất bại nên bỏ trống đấy”. Anh Sơn nói sở dĩ anh bám được vùng này vì cái nghề lấy nước tự nhiên, nuôi tôm quảng canh quen rồi nên buông ra chẳng biết sống bằng gì. Đứng trên đùng tôm lấy nước, anh chỉ vào họng cống: “Làm nghề này bấp bênh như chơi vé số. Tôi cứ cầm cự sống qua ngày vậy thôi. Chỉ mong sao nước sông Thị Vải càng trở nên sạch hơn để dân được nhờ...”.

Diễn biến vụ Vedan

● Ngày 13-8-2008, Cục Cảnh sát môi trường và đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường kiểm tra, bắt quả tang Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN (đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đấu nối hệ thống đường ống thoát nước để xả nước thải từ các bồn, bể chứa dịch sau lên men chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.

● Tháng 10-2008, Bộ Tài nguyên - môi trường xử phạt Vedan trên 267 triệu đồng về các nội dung vi phạm bảo vệ môi trường.

● Tháng 11-2009, Vedan bị truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỉ đồng.

● Tháng 7-2010, hàng ngàn nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM quyết tâm kiện Vedan ra tòa khiến các cơ quan trung ương vào cuộc.

● Đầu năm 2011, Vedan chấp nhận bồi thường 100% thiệt hại theo yêu cầu cho người bị thiệt hại ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM với số tiền gần 220 tỉ đồng. Trong đó nông dân Đồng Nai nhận gần 120 tỉ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu nhận hơn 53,6 tỉ đồng, TP.HCM nhận hơn 45,7 tỉ đồng.

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên