24/11/2012 07:32 GMT+7

Chưa chỉ ra nhóm lợi ích, cử tri chưa hài lòng

QUỐC THANH thực hiện
QUỐC THANH thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu VÕ THỊ DUNG - phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, người đã bật khóc ở nghị trường khi nói về đời sống của nhóm dân cư yếu thế - chia sẻ:

fjn4T2OQ.jpgPhóng to

Đại biểu Võ Thị Dung - Ảnh: V.Dũng

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu VÕ THỊ DUNG - phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, người đã bật khóc ở nghị trường khi nói về đời sống của nhóm dân cư yếu thế - chia sẻ:

- Nhiều cử tri đã chia sẻ với tôi, họ đang trông chờ ở Thủ tướng và Chính phủ có những hành động “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”... để sớm mang lại sự thay đổi căn bản về những yếu kém, khuyết điểm.

Cũng chính sự trông đợi này, tôi thấy trách nhiệm của mình trong vai trò đại biểu càng nặng nề hơn để có thể góp phần cùng Quốc hội giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ trước cử tri.

* Thưa bà, vì sao bà cho rằng trách nhiệm của đại biểu sẽ nặng nề hơn sau lời nhận trách nhiệm và nhận lỗi của Thủ tướng - người đứng đầu Chính phủ?

- Vì tôi hiểu trong lòng mỗi cử tri đang rất trông đợi rồi đây những lỗi lầm, những yếu kém, khuyết điểm có được khắc phục và sớm có kết quả chuyển biến tích cực hay không. Điều đó cũng chính là lợi ích mang lại cho đất nước, cho nhân dân. Còn nếu diễn biến ngược lại, khó tránh khỏi sự phiền lòng của cử tri cho rằng hứa suông và vai trò giám sát của đại biểu cũng không tròn.

Tôi hiểu có những khó khăn, hạn chế hay những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm... không dễ dàng khắc phục trong ngày một ngày hai. Nhưng tâm trạng của tôi thấy rằng với các bộ, ngành, không chỉ chồng chéo chức trách nhiệm vụ, mà còn chưa thể hiện rõ quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao của “tư lệnh ngành”.

Chỉ riêng việc quản lý kinh doanh vàng, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đã gây ra bao nhiêu tâm trạng, xáo động... trong đời sống người dân. Những điều như vậy làm chúng tôi thấy rất áy náy trước cử tri.

Một vấn đề lớn của nền kinh tế đất nước hiện nay là nợ xấu và hàng tồn kho, mặc dù đã chất vấn và mổ xẻ nhiều như thế, nhưng cũng chưa thấy lối ra cụ thể, chưa thấy những giải pháp sáng sủa lắm. Nếu điều này kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của đất nước và đời sống người dân sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, ngoài tham nhũng thì lãng phí cũng rất nhức nhối chưa được ngăn chặn, giải pháp khắc phục cũng chưa rõ.

Cũng chính vì những điều đó, tôi thấy cần nhiều hơn nữa sự quyết liệt của Quốc hội trong giám sát và thúc đẩy trách nhiệm của Chính phủ, của các ngành. Trong kỳ họp này, tôi thấy rất tiếc là phần chất vấn Thủ tướng ngắn quá, không đủ thời gian để đại biểu đặt ra những vấn đề cử tri rất quan tâm, bức xúc và rất muốn nghe người đứng đầu Chính phủ đưa ra những giải pháp nhằm đem lại niềm tin để người dân tiếp tục vượt qua khó khăn.

* Ngoài việc nhận trách nhiệm, nhận lỗi, bà còn mong muốn người đứng đầu Chính phủ đưa ra những thông điệp, những cam kết gì trong lúc này?

- Cần nhìn nhận Chính phủ điều hành có nhiều mặt tiến bộ, phát triển như trong lĩnh vực đối ngoại, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giữ ổn định chính trị. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn và cử tri trông đợi là Chính phủ phải minh bạch, hết lòng vì dân. Những thông điệp đó đã có lời hứa nhưng quyết tâm, hành động thì chưa thấy rõ, chưa mạnh mẽ.

Nhiều khẳng định, nhận định, kể cả trong Đảng, cho thấy trong điều hành kinh tế đất nước có vấn đề “nhóm lợi ích”, nhưng tới giờ này có chỉ ra được nhóm lợi ích đấy nằm ở đâu không. Tôi mong đợi Chính phủ hứa khắc phục những khuyết điểm trong điều hành, trong việc để xảy ra những vụ việc tiêu cực, thất thoát...

Tôi, cử tri trông đợi ở chỗ ngoài việc Chính phủ hứa chung thì ít ra cũng phải chỉ ra cho được trong bộ máy nhà nước đã có khâu nào có “nhóm lợi ích” mà tới đây sẽ quyết liệt, làm minh bạch, làm chuyển biến rõ rệt với những thời điểm cụ thể. Chính phủ là người điều hành trực tiếp sẽ thấy được, nói được những khiếm khuyết nội tại của mình.

Nếu có điều kiện hỏi Thủ tướng, tôi sẽ hỏi rằng hiện nay Đảng nhận định “có nhóm lợi ích”, vậy theo Thủ tướng nhóm lợi ích đó đang ở chỗ nào, khâu nào? Có hay không ở ba lĩnh vực hiện nay đang tái cơ cấu (tài chính - ngân hàng; doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đầu tư công)? Có ngăn chặn được hay không? Đến khi nào thì ngăn chặn hoàn toàn nhóm lợi ích?

* Điều gì bà đã đeo đuổi lâu nay và sẽ tiếp tục trong thời gian tới?

- Đó là làm sao phát huy được quyền làm chủ của người dân và giám sát được hoạt động của bộ máy chính quyền. Có lần cử tri hỏi tôi liệu có chống được tham nhũng không? Tôi trả lời là chống được với điều kiện nhân dân vào cuộc.

Ủy ban MTTQ TP đề nghị Thành ủy TP có chủ trương để hệ thống MTTQ TP đẩy mạnh hoạt động giám sát cán bộ, công chức ở khu dân cư. Tôi hiểu rằng cơ chế giám sát này không dễ “bắt tận tay, day tận mặt” được đâu, nhưng nhìn vào sinh hoạt, lối sống của cán bộ, công chức ở khu dân cư sẽ nói lên được điều gì đó.

Những trường hợp bất bình thường được phản ảnh thì phải xem xét đến nơi đến chốn chứ không được bỏ qua. Bây giờ, muốn làm bất cứ điều gì và thật sự mong có kết quả, điều quan trọng là phải dựa vào dân để làm.

Tiếp xúc cử tri ngay trong ngày bế mạc kỳ họp

Tối qua (23-11), đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã bắt đầu bằng buổi tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú của đại biểu Huỳnh Thành Lập - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - với cử tri phường 3, quận Phú Nhuận. Ông Lập đã báo cáo và giải thích các nội dung chính của kỳ họp: các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, các dự án luật, nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm... vừa được thông qua, đồng thời ghi nhận các kiến nghị của cử tri để báo cáo với Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên