Vụ Quốc lộ 51 thu phí cao gấp 2 lần trước thời hạn:
Nhiều ưu ái cho nhà đầu tư
TT - Việc Bộ Tài chính đồng ý cho hai trạm thu phí trên quốc lộ 51 tăng giá vé gấp hai lần đối với tất cả loại xe qua lại đã gây băn khoăn cho nhiều doanh nghiệp và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như Tuổi Trẻ đã phản ánh.
![]() |
Trạm thu phí T3 đã thi công xong, chuẩn bị thu phí. Theo phụ lục hợp đồng, trạm này sẽ thu phí mức gấp đôi trạm T1 từ đầu năm 2013- 2017, thay vì hơn 1,5 lần như trong hợp đồng - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Trong hợp đồng BOT và phụ lục hợp đồng giữa Tổng cục Đường bộ VN và Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), giá thu phí trong hợp đồng được chia làm nhiều giai đoạn và tăng dần nhưng phụ lục hợp đồng đã được điều chỉnh tăng đột ngột gấp hai lần.
Thu thêm trước thời hạn
Theo hợp đồng BOT ký ngày 12-11-2009 giữa Tổng cục Đường bộ VN và BVEC, mức thu phí tại trạm T3 (đặt tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được chia làm ba giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn trước năm 2013 giá thu phí bằng mức thu của trạm T1 (Long Thành, Đồng Nai) đang thu hiện nay; giai đoạn từ năm 2013 đến hết 2017 cao gấp 1,5 lần so với hiện nay và từ năm 2018 đến hết hạn BOT mới được nâng lên hai lần.
Thế nhưng trong phụ lục hợp đồng ký ngày 28-5-2012, điều khoản này đã được điều chỉnh cho phép BVEC thu phí “nhảy vọt” lên hai lần ngay từ đầu cho đến ngày hết hạn hợp đồng BOT. Thời gian thu phí kéo dài đến hết ngày 5-3-2034 (đây chỉ là mốc thời gian để tính toán tài chính).
Đối với trạm thu phí T1 (là trạm mà BVEC đã mua lại quyền thu phí của Nhà nước với giá 400 tỉ đồng và bắt đầu thu từ ngày 1-7-2009), trong hợp đồng BOT quy định: từ ngày 1-7-2009 đến hết ngày 10-7-2013 (tức thời gian thu phí để hoàn số tiền 400 tỉ đồng đã trả cho Nhà nước) như giá hiện đang thu; từ sau ngày 10-7-2013 đến hết năm 2017 tăng 1,5 lần; từ năm 2018 đến hết hạn hợp đồng BOT tăng gấp hai lần.
Thế nhưng trong phụ lục hợp đồng đã được điều chỉnh như sau: ngày 1-7-2009 đến hết ngày 1-8-2012 thu phí như hiện nay, từ ngày 2-8-2012 đến hết hạn hợp đồng BOT tăng gấp hai lần.
Điều đáng nói, trong cả hợp đồng và phụ lục hợp đồng đều quy định: trong trường hợp đã hoàn thành việc thu phí hoàn vốn 400 tỉ đồng nhưng chưa hoàn thành công trình BOT thì số tiền thu được kể từ khi hoàn vốn đến ngày hoàn thành công trình là nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án.
Trong phụ lục hợp đồng cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng khoảng 650 tỉ đồng so với hợp đồng. Cụ thể tại hợp đồng, tổng mức đầu tư được xác định hơn 3.300 tỉ đồng, còn trong phụ lục hợp đồng con số này xấp xỉ 4.000 tỉ đồng.
Theo chủ đầu tư, việc tăng tổng mức đầu tư là do các khoản: chi phí lãi vay trong thời gian thi công, chi phí xây dựng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Thêm gánh nặng cho doanh nghiệp
Một cán bộ ngành giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phân tích các cảng, các chủ tàu và các tuyến vận chuyển luôn tận dụng mọi lợi thế để cạnh tranh, nâng cao hiệu quả khai thác.
Trong đó, cạnh tranh về giá (bao gồm các loại phí) là một yếu tố quan trọng, là nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến mức độ khai thác và phát triển cảng biển.
Với mức thu phí tăng hai lần như quốc lộ 51 sẽ áp dụng, chắc chắn tạo ra gánh nặng cho quá trình khai thác cảng biển. Hàng hóa phải cõng thêm một khoản chi nữa sẽ là nguyên nhân kìm hãm quá trình đầu tư và khai thác cảng biển. Sức hấp dẫn đầu tư theo quy hoạch cảng biển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ không còn lợi thế so với các khu vực khác.
Ông Vũ Ngọc Thảo, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề xuất nên xem xét giữ nguyên mức thu phí trên quốc lộ 51 như hiện nay.
Đối với chi phí đầu tư tăng do biến động giá và những hạng mục phát sinh so với hợp đồng BOT đã ký trước đây, kiến nghị trung ương bố trí hoàn vốn cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách Bộ Giao thông vận tải (bởi tuyến quốc lộ 51 thuộc quyền quản lý, đầu tư của Bộ Giao thông vận tải) hoặc xem xét kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư.
ĐÔNG HÀ
Thực hiện theo cam kết với nhà đầu tư Theo ông Nguyễn Ngọc Đông - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, mức thu phí quốc lộ 51 được thực hiện theo phương án tài chính mà Nhà nước đã cam kết với nhà đầu tư về việc hoàn vốn cho nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư đã đề nghị áp dụng mức thu phí gấp hai lần mức thu cơ bản (so với mức thu của trạm thu phí thu nộp ngân sách nhà nước) nên Bộ Tài chính đồng ý theo đúng cam kết giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Mức thu này không trái quy định so với thông tư 90/2004/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chế độ thu, nộp phí sử dụng đường bộ. Theo quy định của thông tư 90, mức thu phí đường bộ đầu tư để kinh doanh (kể cả BOT và các loại hình kinh doanh khác) là giá cước dịch vụ sử dụng đường bộ đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, do Bộ Tài chính (đối với quốc lộ) hoặc HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể (đối với đường địa phương), phù hợp với cấp đường và độ dài đoạn đường thu phí theo dự án đầu tư được duyệt và đề nghị của chủ đầu tư, nhưng tối đa không quá hai lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Về phụ lục hợp đồng điều chỉnh mức thu phí trên quốc lộ 51, Bộ Tài chính cho biết không trực tiếp thỏa thuận với chủ đầu tư nên không nắm được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận