10/11/2012 07:53 GMT+7

Phải tịch thu tài sản bất minh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Phát biểu của ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh về việc coi tham nhũng là tội phản quốc, cần phải trừng trị thật nặng cũng là thái độ chung của nhiều đại biểu Quốc hội (QH).

H6DQZpx5.jpgPhóng to 4AyewDoa.jpg

"Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là tình trạng xử lý tham nhũng chưa được nghiêm. Toàn dân chúng ta đang trông đợi phải tiêu diệt tham nhũng chứ không phải phòng chống nữa. Tham nhũng phải bị coi là tội hình sự nặng nhất, đó là tội phản quốc, chống lại nhân dân"

Đại biểu Ngô Văn Minh (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật)

"Nếu không kiểm soát được tài sản, thu nhập thì việc kê khai cũng chỉ là hình thức. Cần xây dựng một số điều luật cụ thể về tài sản, thu nhập của cán bộ có chức, có quyền"

Đại biểu huỳnh nghĩa (Đà Nẵng) - Ảnh: Việt Dũng

Cơ quan đặc biệt, lực lượng tinh nhuệ

Ý kiến “lo ngại sự chồng chéo, tốn kém nếu lập cơ quan chống tham nhũng độc lập thuộc QH” của đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) đã trở thành cá biệt trước đại đa số ý kiến kiến nghị thành lập một cơ quan đặc biệt, độc lập, không thuộc hành pháp để chống tham nhũng.

Theo Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Mã Điền Cư: “Bên cạnh Ban Chỉ đạo trung ương, QH cần thành lập Ủy ban Độc lập chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền điều tra bất cứ vụ việc nào. Người đứng đầu ủy ban này do QH phê chuẩn, ngân sách hoạt động do QH phê duyệt”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cơ quan này phải đặt “dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu. Mô hình cơ quan độc lập đã chứng minh sự thành công ở nhiều nước”.

Các đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Trương Thái Hiền (Kiên Giang), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), trung tướng Trần Văn Độ - chánh án Tòa án quân sự trung ương, cùng nhiều đại biểu khác ủng hộ quan điểm của ông Cư, ông Hùng. Đồng thời, đề nghị QH đặt ra cơ chế đặc biệt để lựa chọn đội ngũ tinh nhuệ cũng như tạo cơ chế để hoạt động của cơ quan này độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. “Tôi đề nghị QH bầu đại biểu Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư - làm chủ tịch Ủy ban Quốc gia về phòng chống tham nhũng. Tổng bí thư vừa đứng đầu cơ quan của Đảng vừa đứng đầu cơ quan của QH về phòng chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền điều tra đặc biệt để chống tham nhũng trong Đảng và trong bộ máy nhà nước” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề xuất.

Sáng kiến khác thuộc về đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình). Ông nói: “Nhiều quốc gia thành lập cơ quan điều tra độc lập thuộc tổng thống điều hành. Nên chăng, VN thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng thuộc Chủ tịch nước”.

GwDzlcR3.jpgPhóng to

"Chống tham nhũng phải phát huy sức mạnh của toàn dân. Do vậy, càng công khai càng tốt, dứt khoát phải công khai tại nơi cư trú"

Đại biểu đỗ mạnh hùng (Thái Nguyên)

Xem tham nhũng như tội phản quốc

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói chúng ta luôn khẳng định tham nhũng thách thức sự lãnh đạo của Đảng, là nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ, làm mất lòng tin của nhân dân, ban hành cả rừng luật để phòng chống nhưng tham nhũng vẫn lộng hành. “Tại sao vậy? Thứ nhất là do pháp luật quy định chưa chặt chẽ, thứ hai là do tổ chức thực hiện không nghiêm” - ông Thuyền hỏi và tự giải đáp. Cả ông Thuyền và ông Ngô Văn Minh đều đề nghị “phải xem tham nhũng là tội phản quốc”.

Ông Thuyền đề nghị quy định vào luật là người có chức có quyền thì phải kê khai tài sản của con cái. “Nhiều cán bộ có con giỏi giang, trưởng thành, nhưng cũng có cán bộ có con cái giàu lên một cách bất thường, còn bản thân cán bộ đó thì kê khai tài sản gần như chẳng có gì. Như anh Dương Trung Quốc từng nói là “thương cán bộ mình quá, nghèo hơn cả tôi một nhà sử học”. Cần tịch thu tài sản nếu không giải trình được nguồn gốc, cái gì không kê khai cũng là tài sản bất hợp pháp, phải tịch thu” - ông Thuyền nói.

Ông Ngô Văn Minh còn đề nghị: “Bổ sung hành vi ra quyết định, ban hành chủ trương chính sách sai vào nhóm hành vi tham nhũng. Con cái cán bộ đi học nước ngoài từ nguồn tiền nào cũng cần được làm rõ. Cán bộ, công chức hằng năm phải báo cáo tài sản tăng thêm, nói rõ nguồn gốc do đâu mà có”. Đại biểu Vũ Xuân Trường đề nghị quy định nghiêm cấm lạm dụng việc xử lý hành chính để bỏ qua xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng. “Không nên quy định phải chứng minh được động cơ vụ lợi thì mới xử tội tham nhũng, bởi trong các trường hợp lạm quyền, đưa hối lộ, cố ý làm trái là vụ lợi rồi” - ông Trường nói.

Tài sản chính đáng sao ngại công khai?

“Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập chính đáng của mình thì không có gì phải ngán ngại” - đại biểu Trần Dương Tuấn

(Bến Tre) bày tỏ. “Không nên công khai bản kê khai tài sản, thu nhập ở nơi cư trú” - thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị. Lý do: nếu công khai nơi cư trú, đối tượng xấu biết được tài sản của cán bộ, công chức thì sẽ không đảm bảo an toàn cho họ. Hơn nữa, người dân nơi cư trú cũng khó biết được tính xác thực của tài sản được công khai. Đây cũng là quan điểm của ban soạn thảo dự án luật khi chỉ quy định công khai bản kê khai tại nơi công tác. Tuy nhiên, ý kiến của ông Nhiên cũng trở thành cá biệt.

“Chống tham nhũng phải phát huy sức mạnh của toàn dân, do vậy càng công khai càng tốt, dứt khoát phải công khai tại nơi cư trú” - đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phân tích. Trong khi Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Trần Văn (Cà Mau) đề xuất mạnh mẽ: “Tôi đề nghị công khai thông tin về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trên trang điện tử của cơ quan phòng chống tham nhũng. Mọi người dân có nhu cầu đều có thể tiếp cận thông tin này”. Ông Mã Điền Cư cho rằng lập luận không công khai tài sản nơi cư trú là ngụy biện cho những yếu kém của các cơ quan chức năng. “Tại sao lâu nay tham nhũng không bị phát hiện tại nơi làm việc mà lại do báo chí là chính?” - ông Cư hỏi.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, lâu nay chỉ kê khai rồi để đó, chưa công khai, chưa kiểm soát tài sản, thu nhập nên việc kê khai mang tính hình thức. “Vấn đề cốt lõi là luật chưa có chế tài đối với trường hợp kê khai thiếu trung thực” - ông Nghĩa nói. Ông đề nghị phải tịch thu tài sản che giấu, không kê khai, tài sản không chứng minh được nguồn gốc hoặc có nguồn gốc bất hợp pháp. “Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được tài sản, thu nhập thì việc kê khai cũng chỉ là hình thức. Cần xây dựng một số điều luật cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là vấn đề cấp bách nhưng chưa thấy dự thảo luật đề cập. Phải quy định những trường hợp giàu lên bất thường, tài sản không giải trình được nguồn gốc là những tài sản bất minh” - ông Nghĩa phân tích.

Về đối tượng kê khai tài sản, nhiều đại biểu QH nói không nên quy định quá rộng đối với tất cả công chức, đảng viên, bởi “chỉ đảng viên có chức, có quyền mới tham nhũng được”.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng tại kỳ họp này chỉ sửa những vấn đề đã rõ, cụ thể, cấp bách, còn những vấn đề khác sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo QH tiếp tục sửa đổi, bổ sung vào thời gian tới. Dự kiến QH sẽ xem xét, thông qua dự luật này vào ngày 23-11.

Đừng để báo chí “nghỉ cho khỏe”

Nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc VN, đặc biệt là vai trò của báo chí trong trận tuyến đấu tranh chống tham nhũng. “Tôi đề nghị quy định rõ loại thông tin, tài liệu mà viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, chánh án TAND cấp tỉnh có quyền yêu cầu báo chí cung cấp. Bởi nếu tài liệu nào cũng phải cung cấp thì khác nào báo chí phải tiết lộ nguồn tin của mình, dẫn đến rủi ro cho người tố cáo” - đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bình luận rằng nếu không quy định rõ vai trò của báo chí, cơ chế bảo vệ nhà báo thì khác nào bảo “báo chí đừng dính vào đấu tranh chống tham nhũng để nghỉ cho khỏe, lại tránh được những cạm bẫy nguy hiểm”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên