31/10/2012 06:49 GMT+7

Chặn đứng lợi ích nhóm

(Q.THANH)
(Q.THANH)

TT - Ngày 30-10, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu những vấn đề bức xúc cần phải giải quyết, đó là nạn tham nhũng, lãng phí, bất thường trong giá xăng dầu, lợi ích nhóm...

ICeY7dIy.jpgPhóng to Nja8ib9s.jpg bILJx5jW.jpg

“Tôi không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này. Vì đây phải là quyết tâm chính trị của cả hệ thống”

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

“Tư tưởng lợi ích nhóm đã để nợ xấu tăng cao”

Ông Chu Sơn Hà (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

“Ngân hàng Nhà nước cần công khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng thương mại. Nếu không, dù công tâm đến đâu người ta cũng nghi ngờ và mất niềm tin”

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM)

Là một trong những đại biểu đăng đàn đầu tiên, ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng) làm nóng nghị trường khi thẳng thắn cho rằng: “Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi. Nếu như tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn, nhưng hầu như chưa có vụ án nào xét xử lãng phí. Một chủ trương đầu tư sai chôn vùi cả trăm triệu đôla, cả ngàn tỉ đồng vào khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến cảng. Không hiệu quả thì chỉ nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm”.

Ông Tiến nhấn mạnh: “Lãng phí xảy ra khắp nơi. Với 2.455 tổ chức được giao đất, có 250.862ha thu hồi đất sản xuất của dân để hoang hóa và dưới dạng dự án “treo” từ nhiều năm nay, hàng trăm ngàn tỉ đồng lẽ ra được sinh sôi từ đất lại bị chôn vùi trong đất. Đó là lãng phí ở dưới đất, chúng ta còn để lãng phí cả trên trời. Ngày 6-5-2012, vệ tinh Vinasat-2 đã được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh với tổng số vốn đầu tư 250 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỉ đồng, trong đó 80% là vốn vay thương mại nước ngoài. Với dung lượng truyền dẫn tương đương 13.000 kênh thoại Internet truyền số liệu khoảng 150 kênh truyền hình từ vệ tinh, đến nay Vinasat-2 chưa lấp đầy 1/4 dung lượng băng tần. Trong khi đó một nghịch lý là nhiều tổng công ty, tập đoàn viễn thông nhà nước đang khẩn thiết đề nghị Chính phủ cho phép đầu tư hạ tầng cáp trên mặt đất” - ông Tiến nói.

Không thể đặt xăng ngang với rượu, golf, casino

Tiếp sau ông Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga duy trì không khí nóng trên nghị trường với bài phát biểu xung quanh vấn đề xăng dầu, đồng thời nhiều lần đưa ra các đề nghị có địa chỉ rõ ràng. Bà Nga cho rằng: “Hiện giá mỗi lít xăng phải gánh nhiều loại thuế và quỹ tổng chiếm trên 30%, có lúc 40% giá. Đây là một gánh nặng lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần chia sẻ với người dân, giảm hoặc bỏ một số khoản thu để giảm giá và nên tăng thu bằng cách nâng cao tỉ lệ tuân thủ, chống thất thu, trốn thuế, chống buôn lậu. Với thuế nhập khẩu: khi giá thế giới tăng, Bộ Tài chính nên giảm thuế để hạ giá thành. Với thuế tiêu thụ đặc biệt: là thuế đánh vào các mặt hàng xa xỉ. Nhà nước không thể đặt xăng - mặt hàng thiết yếu - ngang với rượu, golf, casino... để hạn chế việc sử dụng của dân. Đánh thuế này đối với xăng là chưa hợp lý, không đúng với bản chất và mục đích của sắc thuế này. Đề nghị Quốc hội sớm bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng”.

Thực phẩm độc hại tràn lan: trách nhiệm 3 bộ

Trả lời các đại biểu về tâm trạng bất an với tình trạng thực phẩm độc hại tràn lan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh đây là trách nhiệm phối hợp của ba bộ (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đồng thời cam kết tăng cường giám sát.

Bà Nga cũng đặt vấn đề về quản lý nhà nước, “mặc dù đã đầy đủ lực lượng chuyên trách và lực lượng phối hợp nhưng những vụ rút ruột xăng dầu, bán xăng dỏm, pha tạp chất lớn vừa qua chủ yếu lại do báo chí phát hiện. Chính phủ cần làm rõ sự bất lực của cơ quan chức năng là do năng lực hay do tiêu cực cố tình làm ngơ cho vi phạm?”.

Theo bà Nga, trước các vụ cháy xe liên tiếp, công luận đặt nghi vấn vào xăng pha tạp chất. Nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Khoa học - công nghệ kết luận. Một người làm nghề “chạy xăng” phát biểu trên báo chí: “Ngoài Bắc xe cháy nhiều là do cánh chạy xăng ngoài đó ăn tham, pha quá nhiều methanol vào xăng. Nếu pha vừa phải như bọn này, ăn ít nhưng bền mà không gây hậu quả nặng!”. Hiện nay nước ta có 37 triệu ôtô, xe máy. Nếu xăng dỏm có thể gây cháy mà không được ngăn chặn thì số phương tiện khổng lồ này có thể cháy nổ bất kỳ lúc nào, đe dọa tính mạng, tài sản của hàng triệu dân. “Đề nghị bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ sớm trả lời” - bà Nga nói.

Về quỹ bình ổn giá, bà Nga nói có dấu hiệu của việc thiếu công khai, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu giải trình từ năm 2010 và bộ trưởng Bộ Tài chính đã hứa từ tháng 11-2011. Đề nghị Chính phủ trả lời.

Nếu tăng lương thì giảm đầu tư

Trước những quan ngại của nhiều đại biểu xung quanh vấn đề hàng tồn kho, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết đến đầu tháng 10 chỉ số tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo giảm từ 34,9% xuống còn 20,3%. Tồn kho tương đối cao hiện có than, sắt, thép, một số loại phân bón, và trong chừng mực nào đó là ximăng. Riêng đối với thép, Bộ Công thương đã làm việc với các bên liên quan để điều chỉnh lại mức sản xuất cho phù hợp, cùng với đó là xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu cao hơn...

Giải trình nhiều ý kiến của đại biểu phàn nàn về đầu tư công, trong đó có tình trạng đầu tư dàn trải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định từng bước sẽ ngăn chặn tình trạng này. Về nguồn vốn đầu tư, nhu cầu đầu tư vô cùng to lớn, song đáp ứng rất thấp so với nhu cầu. Ông Vinh cho biết năm 2013 Chính phủ đề xuất 180.000 tỉ đồng, rất thấp so với nhu cầu nhưng đấy là cố gắng của ngân sách nhà nước. Theo ông Vinh, nếu quyết định tăng lương thì con số này còn có thể giảm hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn trong số 180.000 tỉ đồng dự kiến bố trí đầu tư, thì có 39.000 tỉ đồng thu từ đất của các địa phương và số này rất khó khăn do bất động sản gặp khó.

oDyKXkKM.jpgPhóng to
Theo đại biểu Lê Thị Nga, mặc dù có đầy đủ lực lượng chuyên trách nhưng những vụ rút ruột xăng dầu, xăng dỏm pha tạp chất lại do báo chí phát hiện. Trong ảnh: cơ quan chức năng lấy mẫu ở cây xăng Lan Anh (quốc lộ 13, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sáng 27-9-2012 để kiểm tra chất lượng do nơi đây bán xăng gây ra tình trạng xe chết máy hàng loạt - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tư tưởng lợi ích nhóm đã để nợ xấu tăng cao

Đó là nội dung chính trong phần phát biểu của đại biểu Chu Sơn Hà (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội): “Với nội dung “ưu tiên kiềm chế lạm phát”, chúng tôi cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối đã tạo nên độc quyền trong sản xuất và kinh doanh (vàng SJC) dẫn đến giá vàng tăng cao, các loại vàng khác mặc nhiên trở thành nguyên liệu, làm thiệt hại cho người dân có vàng không phải là SJC...

Thời gian qua nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là một số người đứng đầu ngành, lĩnh vực chỉ lo đầu tư suy nghĩ cho việc che chắn khuyết điểm để bản thân được tại vị, dẫn đến không còn thời gian đầu tư suy nghĩ để thực hiện tái cơ cấu và các nhiệm vụ khác. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội không cao, không đồng bộ trong thời gian qua. Nguyên nhân do yếu kém trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan tham mưu, của Chính phủ cùng với sự tồn tại tư tưởng lợi ích nhóm đã để nợ xấu tăng cao, cho vay vốn chôn vào bất động sản.

Cần khắc phục ngay lợi ích nhóm hiện đang tồn tại giữa một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước với một bộ phận cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý nhà nước để việc tái cơ cấu nền kinh tế, tập đoàn và tổng công ty nhà nước được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc có hiệu quả. Tách chức năng quản lý và chức năng sở hữu của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước để không làm méo mó thị trường và phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước với các thành phần kinh tế khác”.

Dẫn chứng về câu chuyện trên nói dưới không nghe, ông Chu Sơn Hà nhấn mạnh: “Cần tăng cường kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý những trường hợp cấp trên nói cấp dưới nghe nhưng không thực hiện. Đơn cử như Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến kiểm tra tiến độ dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, cho ý kiến chỉ đạo nhưng không được thực hiện. Lẽ nào Phó thủ tướng cũng bó tay? Tôi đề nghị cần sớm xây dựng cho được văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ, công chức để không cản đường hay kéo lùi sự phát triển của đất nước”.

Đã xây dựng xong đề án xử lý nợ xấu

Nợ xấu không phải là một con số cố định mà là một con số biến động theo thời gian. Từ tháng 6 trở lại đây, tỉ lệ nợ xấu tốc độ tăng đã chậm hẳn lại. Nợ đọng trong xây dựng cơ bản hiện nay, theo báo cáo ban đầu có khoảng trên 90.000 tỉ đồng, nếu chúng ta xử lý được nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền các cấp thì đã xử lý được một khối lượng nợ xấu rất lớn. Chúng tôi đã xây dựng xong đề án xử lý nợ xấu và đã liên hệ với Văn phòng Trung ương Đảng để Chính phủ báo cáo đề án này với Bộ Chính trị, vì trong đó có rất nhiều những nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, nhưng cũng có những nội dung liên quan đến thẩm quyền của cả Quốc hội và các cơ quan khác.

Đối với việc xử lý của từng ngân hàng thương mại, chúng tôi cũng có ban chỉ đạo đối với ngân hàng thương mại đó có đại diện của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp và Bộ Thông tin - truyền thông. Có thể nói quá trình xử lý các ngân hàng thương mại không phải chỉ riêng ý kiến của Ngân hàng Nhà nước mà rất công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa các bộ, ban ngành.

Các quy định pháp luật hiện nay cũng đầy đủ bộ tiêu chí đánh giá để thế nào là các ngân hàng thương mại thuộc diện phải xử lý. Cho nên chúng tôi bám sát các quy định đó của pháp luật để xử lý. Chúng tôi cũng biết rất rõ rằng quá trình xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém là quá trình hết sức nhạy cảm và có thể gây ra rất nhiều việc tranh chấp. Do vậy, để có thể có đầy đủ cơ sở tiến hành xử lý một ngân hàng thương mại thì chúng tôi tiến hành đồng thời cả hai việc. Một mặt tiến hành thanh tra tại chỗ để có được bức tranh đầy đủ, chi tiết và chính xác về hoạt động của ngân hàng đó. Đồng thời chúng tôi cũng mời kiểm toán độc lập quốc tế vào kiểm toán để có cơ sở chính xác cho việc quyết định. Qua kết quả thanh tra cũng như kiểm toán độc lập vừa qua, chúng ta thấy rằng tất cả các tổ chức tín dụng mà thuộc diện phải xử lý là rất xứng đáng và rất phù hợp với các quy định của pháp luật.

Bởi vì khi các thông tin này đến với quần chúng thì có thể gây ra những hoang mang nếu như chúng ta chưa có các phương án cuối cùng, khi có phương án cuối cùng rồi thì chúng tôi sẵn sàng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm nay cũng là một năm Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra rất lớn trên một diện rất rộng, 26 tổ chức tín dụng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước thanh tra và kết quả về thanh tra này theo đúng quy định của thanh tra chúng tôi sẽ lần lượt công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách công khai, minh bạch.

Lo nhất là nợ xấu bất động sản

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ giải thích trước Quốc hội vì sao vốn huy động đầu vào tăng cao (hơn 12% trong chín tháng) trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng khoảng 3%.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ vì sao ông mạnh dạn tuyên bố trước Quốc hội “với tư cách là thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu”, ông Bình nói nợ xấu đâu phải riêng của ngân hàng. Nợ xấu gồm rất nhiều lĩnh vực trong đó, mọi người phải cùng quyết tâm. Ví dụ xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, có phải của ngân hàng không và ai xử lý cái này? Hay hàng tồn kho cũng vậy, có liên quan đến nhiều ngành...

Trong tất cả các loại nợ xấu, “tôi lo nhất là nợ ở lĩnh vực bất động sản vì tỉ lệ ở lĩnh vực này là cao nhất”.

* Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư phápLê Thị Nga:

Hợp pháp hóa hành vi buôn lậu?

oUUOxuqG.jpgPhóng to
Ảnh: VIỆT DŨNG
Qua nhiều lần tăng giá xăng dầu cho thấy các doanh nghiệp đồng loạt tăng giống nhau cả về thời điểm và mức tăng, có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh... Vấn đề khác, nhiều chuyên gia cho rằng việc Bộ Công thương cho phép tạm nhập tái xuất đối với xăng dầu là vô hình trung hợp pháp hóa hành vi buôn lậu, để doanh nghiệp trốn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu, vi phạm nghiêm trọng khái niệm cơ bản và bản chất của loại hình hàng hóa tạm nhập, tái xuất. Thực tế đã không kiểm soát được đường đi của xăng dầu.

* Bộ trưởng Bộ Công thươngVũ Huy Hoàng:

Có lợi dụng để buôn lậu, trục lợi

UA3ed73P.jpgPhóng to
Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhà nước không hạn chế doanh nghiệp trong nước, nếu đủ điều kiện có thể đăng ký để trở thành doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu. Nhưng đến giờ phút này, ngoài 12 doanh nghiệp hiện có, chưa doanh nghiệp nào khác đăng ký thành lập thêm. Việc Petrolimex chiếm 60% thị phần là do “lịch sử để lại”. Bộ Công thương cũng nhận thức rằng nếu để Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc bộ thì có câu chuyện vừa quản lý vừa xử lý những việc hằng ngày. Vì thế chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thể tới đây tách Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ Công thương và chỉ trực thuộc hội đồng cạnh tranh...

Tạm nhập, tái xuất là một hoạt động thương mại bình thường. Riêng đối với xăng dầu, đây là một nhu cầu cần thiết vì các nước bạn như Lào, Campuchia yêu cầu chúng ta cung cấp xăng dầu cho họ... Tuy nhiên, vừa qua có một số trường hợp lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất để buôn lậu, để trục lợi. Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính đã thống nhất ban hành quy định chỉ cho phép các hoạt động tạm nhập, tái xuất theo yêu cầu đối với hoạt động đối ngoại, đối với tàu thuyền và máy bay của nước ngoài, còn các trường hợp khác thì tạm dừng.

* Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồngLê Như Tiến:

Số nợ của Vinashin tương đương 214.000 phòng học

vXpgm19H.jpgPhóng to
Ảnh: VIỆT DŨNG

Chưa tính đến tập đoàn, tổng công ty khác, chỉ riêng Vinashin đã có khoảng 40.000 tỉ đồng nợ nước ngoài, khoảng 60.000 tỉ đồng nợ trong nước, trong khi suất đầu tư xây dựng một phòng học của chương trình kiên cố hóa trường lớp học khoảng 500 triệu đồng, suất đầu tư xây dựng một nhà văn hóa khoảng 1 tỉ đồng, trạm xá xã khoảng 2 tỉ đồng. Số tiền nợ nêu trên của Vinashin tương đương với việc xây dựng 214.000 phòng học, hoặc 100.000 nhà văn hóa, hoặc 53.000 trạm xá xã.

Trong khi cả nước có khoảng 11.000 xã thì mỗi xã, phường có thêm 20 phòng học hoặc 10 nhà văn hóa, 5 trạm xá và chúng ta không phải băn khoăn, trăn trở buộc phải lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được nguồn.

* Tổng Thanh tra Chính phủHuỳnh Phong Tranh:

Khả năng lỗ hơn 13.000 tỉ đồng

gAMgwty8.jpgPhóng to
Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua thanh tra trong thời gian bốn năm (2006-2009), số liệu đến ngày 31-12-2009 cho thấy số nợ phải trả của Tập đoàn Vinashin thời điểm này là 86.745 tỉ đồng. Về số lỗ của Tập đoàn Vinashin, tổng số lỗ 4.985 tỉ đồng (lũy kế đến cuối năm 2009). Ngoài ra các khoản lỗ tiềm ẩn khác có thể gây lỗ 8.512 tỉ đồng. Như vậy hai khoản này cộng lại, khả năng lỗ có thể lên tới 13.400 tỉ đồng (thực lỗ 4.985 tỉ đồng).

Trong đó chi phí là 2.787 tỉ đồng; chi phí cho sản xuất dở dang, chênh lệch các khoản thu nội bộ không xác định được là 4.688 tỉ đồng và 1.035 tỉ phải phạt trả lãi tiền đặt cọc do các chủ tàu tập đoàn vi phạm hợp đồng. Ngoài ra về bảo toàn vốn, đến 31-12-2009 Tập đoàn Vinashin không bảo toàn được vốn nhà nước, để thâm hụt 5.000 tỉ đồng vốn điều lệ.

Như vậy đến cuối năm 2009, nợ của Tập đoàn Vinashin trên 86.000 tỉ đồng chứ không phải thất thoát. Chúng tôi cũng muốn nói rõ con số này. Riêng lỗ là trên 4.000 tỉ đồng.

(Q.THANH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên