29/10/2012 22:41 GMT+7

Lý giải cơn bão bất thường Sơn Tinh

T.PHÙNG
T.PHÙNG

TTO - Bão Sơn Tinh (số 8) được dự báo vùng tâm bão đổ bộ vào giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình hoặc Nghệ An, sau đó được dự báo vào bắc Thanh Hóa nhưng bất ngờ bão chuyển hướng quét qua Nam Định, Thái Bình. Vì sao?

Nam Định tan hoang sau bãoBão Sơn Tinh: ít nhất 3 người chếtBão quật đổ tháp truyền hình cao nhất miền Bắc

mHQFFBmi.jpgPhóng to
Tối 28-10, tháp truyền hình cao 180m của tỉnh Nam Định bị gió bão giật đổ sập ra đường. Đây là tháp truyền hình cao và hiện đại nhất miền Bắc, hoàn thành năm 2011, mới được đưa vào sử dụng - Ảnh: Việt Dũng

Ông Bùi Văn Đức - tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, và ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF) - đã lý giải những vấn đề trong việc dự báo cơn bão này.

Ông Bùi Văn Đức cho rằng bão số 8 là cơn bão thuộc diện hiếm có, bởi mùa này bão thường đổ bộ vào miền Trung và Nam Trung bộ. Nhưng bão Sơn Tinh xuất phát từ vĩ độ tương đương miền Trung song lại đi ra phía Bắc và vào tới bờ rồi lại quay ra và tan trên biển. Hàng chục năm mới xuất hiện một cơn bão tràn vào khu vực miền Bắc vào thời điểm cuối tháng 10.

“Cả mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn trong nước đều tham gia việc dự báo cơn bão số 8, chúng tôi cũng đã chủ động phát tin sớm và đã cố gắng hết sức mình. Một số địa phương ven biển có thiệt hại lớn là rất đáng tiếc. Khi đã có những thiệt hại lớn về người và của thì không ai dám nói là mình đã hoàn thành tốt, chỉ có thể nói là chúng tôi đã cố gắng hết sức mình trong công tác dự báo cơn bão này để làm công tác “đầu vào” cho cả hệ thống chỉ đạo công tác phòng tránh thiên tai” - ông Đức nói.

Còn ông Bùi Minh Tăng cho rằng bão đi vào miền Bắc thời điểm này là khá bất thường, bão không chỉ lướt dọc bờ biển từ hướng Nam lên Bắc mà cường độ bão cũng rất phức tạp. Lúc xuất hiện bão chỉ mạnh cấp 8. Trong quá trình mạnh lên, theo mô hình dự báo của NCHMF cũng như nước ngoài, khi vào biển Đông bão số 8 đạt cực đại ở cấp 12. Tuy nhiên, khi vào đến nam vịnh Bắc bộ, ngang tỉnh Quảng Trị thì chỉ trong vòng 4-5 giờ chiều 27-10, bão đã tăng vọt từ cấp 12 lên cấp 14.

“Trong vòng có 4-5 tiếng thì việc nhảy cấp này không có mô hình đài nào có thể dự báo trước được, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Không ai tính toán được là vào tới đó mà bão còn mạnh lên” - ông Tăng nói.

Lý giải vào chiều tối 26-10, dự báo vẫn nghiêng về phương án bão số 8 giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình nhưng sau đó bão tiến dần ra phía Bắc, ông Tăng cho biết bão mạnh lên vì có một rãnh gió tây nam rất mạnh trên độ cao 5.000m xuất hiện ngày 26-10 và di chuyển từ phía Nam lên. Lúc đó, bão tiến vào gần rãnh gió tây và bị thổi ngược lên phía Bắc.

“Mặc dù đã phát hiện rãnh gió tây nam trên cao nhưng nó còn phát triển và thay đổi chứ không phải như đoàn tàu đi theo một đường cố định. Có lúc rãnh gió có thể mạnh lên, lúc lại yếu đi. Người làm công tác dự báo không thể dám chắc gió tây xuất hiện thì cơn bão sẽ đi thế này thế kia. Chúng tôi cũng đã tham khảo tất cả các mô hình dự báo khác. Trong bản tin phát đi, phải cân nhắc rất kỹ vì nói cho người dân thì chỉ được chọn một cái, không thể đưa ra nhiều tình huống. Dự báo chỉ là dự báo thôi” - ông Đức lý giải.

T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên