29/10/2012 10:11 GMT+7

Bão Sơn Tinh: ít nhất 3 người chết

Tin, bài: MINH QUANG - XUÂN LONG - TUẤN PHÙNG - Ảnh: VIỆT DŨNG
Tin, bài: MINH QUANG - XUÂN LONG - TUẤN PHÙNG - Ảnh: VIỆT DŨNG

TTO - Theo thông tin chưa đầy đủ từ các tỉnh thành sáng 29-10, tính đến 10g sáng nay 29-10, thống kê sơ bộ cho thấy ít nhất đã có 3 người chết, 7 người mất tích và 5 người bị thương do bão Sơn Tinh (bão số 8).

* 7 người mất tích* Giàn khoan dầu khí trôi dạt: đã đưa máy bay chở 39 người về Hải Phòng

Hàng loạt ngôi nhà đã bị tốc mái, nhiều tàu thuyền đã bị chìm.

Bão quật đổ tháp truyền hình cao nhất miền Bắc Bão số 8 suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới

Nam Định thiệt hại gần 900 tỉ, 2 người chết, 1 người mất tích

17g ngày 28-10, bão Sơn Tinh đi sát bờ biển, ảnh hưởng đến Nam Định. Tính thời điểm gió mạnh ảnh hưởng đến Nam Định kéo dài tới 9g đồng hồ (từ 17g ngày 28-10 đến 2g ngày 29-10, lượng mưa bình quân toàn tỉnh 180mm.

Theo giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định, đây là cơn bão mạnh hơn nhiều so với bão số 5 năm 2007, có thể so sánh với cơn bão số 3 năm 1962. Trước khi bão ảnh hưởng, toàn tỉnh Nam Định đã sơ tán, di dời 13.000 người dân tại khu vực bãi bồi, ngoài đê nhằm đảm bảo tránh thiệt hại khi bão đổ bộ.

Bão Sơn Tinh đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương trên địa bàn tỉnh Nam Định. Cụ thể, bà Cao Thị Khiết (62 tuổi, trú tại Quất Lâm, Giao Thủy) chết do sập nhà; ông Nguyễn Văn Toán (xã Hải Đường, Hải Hậu) bị đắm tầu tại khu vực Cồn Nhất, Giao Thủy và tử vong tại trạm y tế xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Trường hợp mất tích, theo báo cáo của Bộ đội biên phòng tỉnh, là anh Trần Văn Trường (xã Giao Hải, Giao Thủy), trốn ra trông coi vùng nuôi trồng thủy sản của mình và mất liên lạc. Cơ quan biên phòng cũng ghi nhận 2 trường hợp đắm tàu và đang tiến hành ứng cứu.

Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT Nam Định, ước tính thiệt hại ban đầu của toàn tỉnh khoảng 872 tỉ đồng. Cụ thể, về đê điều có 3 vị trí đê kè bị sụt lún diện tích khoảng 200m2 đều ở huyện Hải Hậu, thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng. Hơn 5.800 ha lúa mùa và hơn 12.800 ha cây vụ đông bị đổ, ngập úng gây thiệt hại hơn 250 tỉ đồng. Tại các vùng bờ bãi hư hại 600 chòi canh, khoảng 700ha diện tích nuôi ngao vạng và thủy sản mặn, lợ bị thiệt hại, ước tính khoảng 50 tỉ đồng.

Về hệ thống điện, khoảng 500 cột điện cao thế, 5.000 cột ha thế bị đổ, nghiêng, nhiều tuyến đường dây hư hỏng thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng. Đối với hệ thống thông tin liên lạc, 31 cột thu phá sóng bị đổ, 19 tuyến cáp quang bị đứt, hàng ngàn cột treo cáp bị đổ gẫy, thiệt hại 300 tỉ đồng.

Đáng chú ý nhất là việc đổ cột tháp truyền hình cao 180m. Theo ông Trần Anh Tú, giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Nam Định (NTV) cho biết vào 20g45 ngày 28-10, gió giật mạnh khiến cột tháp Đài PTTH tỉnh Nam Định đổ xuống. Tuy nhiên rất may hướng đổ ra ngoài nên không đổ vào nhà dân và nhà của lực lượng công an bảo vệ nên không có thiệt hại nhân mạng.

Theo ông Trần Anh Tú, giám đốc Đài phát thanh truyền hình tỉnh Nam Định, cột tháp truyền hình này có giá trị hơn 50 tỉ đồng, được hoàn thiện và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2010. Công trình này nằm trong dự án xây dựng trung tâm phát thanh, truyền hình cấp vùng tại TP Nam Định theo quyết định 109 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng TP Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Tháp truyền hình được xây dựng trong 7 tháng bằng hệ thống khung thép do Malaysia sản xuất, Công ty TNHH một thành viên công trình Viettel thi công.

Bước đầu đã xác định 4/5 độ dài của cột hư hỏng hoàn toàn; nhà đặt máy phát sóng bị một thanh giằng xuyên xuống hỏng nặng. Các thiết bị của Đài Truyền hình Việt Nam và Nam Định hư hỏng, còn 8 thiết bị khác thuộc các đài truyền hình khác vẫn sử dụng được. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 50 tỉ đồng.

Để đảm bảo việc phát sóng không bị gián đoạn, Đài PTTH Nam Định đã đề nghị viễn thông Nam Định kéo cáp quang cho hệ thống truyền hình cáp, phấn đấu đến tối 29-10 phát được. NTV cũng đề nghị VTV cho mượn thiết bị để phát sóng, đề nghị VTV và AVG góp vốn để xây dựng lại.

Ông Tú cũng cho biết tại Đài PTTH Giao Thủy, cột phát sóng của đài này cũng bị đổ gẫy tương tự.

Ngay sau khi nghe báo cáo, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các đơn vị bằng mọi giá phải khắc phục, muộn nhất đến tối 29-10 phải phát được sóng phát thanh truyền hình để thông tin đến người dân. Ngoài ra, ngành điện lực phát nhanh chóng cấp lại điện để đời sống của người dân trở lại bình thường.

pk0DEWDH.jpgPhóng to
Hiện trường Tháp truyền hình Nam Định gãy đổ sáng 29-10 - Ảnh: Việt Dũng
ELb25E3f.jpgPhóng to
Cận cảnh Tháp truyền hình Nam Định gãy đổ sáng 29-10 - Ảnh: Việt Dũng

Cho đến sáng 29-10, tại nhiều huyện của tỉnh Nam Định vẫn còn tình trạng mất điện trên diện rộng. Đặc biệt là tại các huyện ven biển như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, tình trạng mất điện và mất thông tin liên lạc vẫn chưa được khắc phục.

Ngay từ tờ mờ sáng 29-10, người dân và lực lượng thuộc các cơ quan chức năng đã tiến hành dọn dẹp đường phố TP Nam Định sau bão số 8.

eMV44jUV.jpgPhóng to
Cây cối bật gốc sau cơn bão ở Nam Định - Ảnh: Việt Dũng

Một số hình ảnh Nam Định sau bão:

vcKStkEH.jpgPhóng to
vf2ahKNT.jpgPhóng to
iCSA91ZU.jpgPhóng to

* Thái Bình: cầu Diêm Điền bị sập do tàu đâm

Sáng 29-10, bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho Tuổi Trẻ biết cầu Diêm Điền tại huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) đã bị đổ sập do một con tàu trọng tải lớn đâm vào. Thông tin ban đầu cho biết trong tối 28-10, do mưa gió to nên một tàu 5.000 tấn mất phương hướng đã đâm vào cầu Diêm Điền. Hậu quả làm tắc nghẽn giao thông từ trung tâm tỉnh về huyện Thái Thụy, nhất là sau khi cơn bão đi qua, việc khắc phục hậu quả của bão đang rất khẩn trương.

Bà Hải cũng cho biết tính đến 10g sáng 29-10, toàn tỉnh có 3 trường hợp tử vong do bão số 8 gây ra, trong đó có một trường hợp là người Nam Định. Trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn mất điện lưới quốc gia, ngay trung tâm tỉnh cũng chưa có điện. Tỉnh Thái Bình vẫn đang thống kê số lượng cột điện, cây cối bị đổ và nhà cửa bị tốc mái; đồng thời thực hiện khẩn trương các biện pháp khắc phục hậu quả của bão, sớm ổn định đời sống người dân.

Cát Hải: 1 người chết, 5 người mất tích

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) cho biết đến 10g30 sáng nay, bão số 8 đã làm 1 người chết và 3 người mất tích tại khu vực Cát Bà.

Theo ông Nghĩa, đến sáng 29-10 toàn huyện xảy ra 11 người bị trôi giạt, mất liên lạc. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn cùng tàu cứu hộ của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạ Hàng hải Việt Nam đã cứu được 7 người và vớt được 1 thi thể phụ nữ. Hiện vẫn còn 3 người chưa tìm thấy.

Ông Nghĩa cho biết, số người bị nạn là ở trên các thuyền, lồng bè bị trôi dạt. Trong đó có một người đang mất tích thuộc thuyền viên tàu chở 20 ngàn tấn quặng (4 người khác trên tàu được cứu sống). Tàu này bị sóng đánh chìm khi đang neo đậu tại vịnh Cát .

Ngoài ra tại huyện Cát Hải có 1 tàu du lịch, 2 tàu đánh cá, 1 tàu dịch vụ, 15 thuyền nan bị đắm, 26 lồng bè nuôi hải sản bị hư hỏng. Tại khu vực đảo Cát Hải, sóng lớn làm sạt 3km đê biển, nhiều điểm kè chắn sóng bị hư hại.

Về nhà dân có 100 nhà bị tốc mái, 2 trường học và 30 kho muối của dân bị hư hại. “Chúng tôi chưa tính toán cụ thể được nhưng định lượng là thiết hại khoảng 30-50 tỷ đồng. Hiện công tác cứu hộ, tìm kiếm người mất tích và khắc phục thiệt hại do bão vẫn đang được nỗ lực triển khai ở mức cao nhất”- ông Nghĩa cho biết.

* Tại Hà Tĩnh, trong ngày 28-10 tại xã Xuân Yên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), anh Trịnh Trọng Lịch (sinh năm 1970) đã bị thương trong khi chằng chống nhà cửa. Ngoài ra, tại âu cảng Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), tàu QN7118 bị sóng đánh chìm khi neo đậu làm một người bị thương.

Riêng địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mưa bão làm tốc mái 3 ngôi nhà, 8 phòng học, 2 trạm y tế, 12 cột thông tin và cột điện.

* Quảng Ninh, thông tin sơ bộ từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết do ảnh hưởng bão số 8, tại huyện Vân Đồn đã có 2 người mất tích; 2 tàu du lịch tại Cái Dăm (Bãi Cháy, Hạ Long) bị cuốn trôi; 1 cột thu phát sóng của đài Truyền thanh truyền hình thị xã Quảng Yên bị gãy…

* Về tàu thuyền, chìm 6 phương tiện (Thanh Hóa có 1 tàu do va đập với tàu khác tại bến, Hải Phòng có 5 tàu do sóng đánh); hỏng, đứt neo trôi dạt 2 phương tiện tại Thanh Hóa và Nam Định, hư hỏng 10 bè nuôi cá tại Hải Phòng, 1 giàn khoan dầu tại Hải Phòng.

Về trường hợp 6 bè nuôi trồng thủy sản tại khu vực đảo Cát Bà bị đứt dây neo trôi dạt ra cửa vịnh lúc 19g ngày 28-10, Biên phòng Hải Phòng đã cử 9 cán bộ chiến sĩ và 1 tàu của đồn biên phòng Cát Bà, Ban chỉ huy quân sự huyện cử 20 cán bộ chiến sĩ ra cứu nạn. Đến 4g ngày 29-10 lực lượng cứu nạn đã cứu được 6 bè và 16 người trên bè an toàn.

Vào lúc 21g ngày 28-10 tại cửa Trà Lý (Thái Bình), tàu vận tải NĐ2546 chở than neo ở cửa sông bị đứt neo, mất liên lạc, trên tàu lúc này có 10 người. Lúc 21g15 ngày 28-10 tại vịnh Cát Bà có 1 tàu với 5 người chở quặng neo tại vịnh bị sóng đánh chìm.

Lúc 19g30 ngày 28-10 tại vùng biển cách nam Hòn Dáu (Hải Phòng) 5,3 hải lý, tàu Vsico Pioneer có 6 container bị rơi xuống biển.

Lúc 20g45 ngày 28-10 tại vị trí cách nam Hòn Dáu 5 hải lý, tàu Sinar Bintan có 10 container bị rơi xuống biển. Cảng vụ Hải Phòng đã hướng dẫn tàu này đi tránh bão.

Lúc 21g30 ngày 28-10, tại cửa vịnh Cát Bà có 2 người trên 1 thuyền gỗ gắn máy bị hỏng máy trôi dạt. Đồn biên phòng Cát Bà cử lực lượng và phương tiện cứu 2 người và kéo phương tiện vào bờ an toàn.

Lúc 0g10 ngày 29-10 tại khu vực cảng Peter Đình Vũ, có 2 tàu (HP 0067 và QN 2552, mỗi tàu đều có 2 người) bị sóng đánh chìm, 4 người này đã lên bờ an toàn.

Về vụ giàn khoan GSF KEY HAWAII có 35 người (21 người Việt Nam và 14 người nước ngoài) bị đứt dây kéo với tàu lai, đến 4g30 sáng nay giàn khoan đang trôi cách đảo Hạ Mai 4 hải lý. Do sóng to, tàu lai không thể tiếp cận được với giàn khoan (hiện tại có 3 tàu lai vẫn đang theo sát giàn khoan).

Lúc 5g50 Tổng công ty Bay Việt Nam đã điều động 2 máy bay trực thăng bay đến Hải Phòng trinh sát khí tượng và sẵn sàng cứu hộ - cứu nạn khi thời tiết cho phép.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho biết, Bộ Quốc phòng đã điều trực thăng của Bộ quốc phòng cùng với trực thăng của Công ty dịch vụ bay miền Bắc đưa 39 người trên giàn khoan GSF KEY HAWAI bị trôi dạt về đến Hải Phòng vào trưa nay (29-10).

Trước đó, lúc 17g35 ngày 28-10, tại vị trí cách Bắc đảo Bạch Long Vĩ 14 hải lý, giàn khoan GSF KEY HAWAI có 35 người (21 người Việt Nam và 14 người nước ngoài) bị đứt dây kéo với tàu lai. Do sóng to, tàu lai không thể tiếp cận được với giàn khoan nên đại diện giàn khoan đề nghị sử dụng trực thăng cứu nạn

Trong đêm 28 -10 có 3 tàu lai áp sát bảo vệ giàn khoan. Đến 4g30 ngày 29-10 giàn khoan trôi nổi cách đảo Hạ Mai 4 hải lý.

Đến 5g30 ngày 29-10 Bộ Quốc phòng đã điều trực thăng của Công ty dịch vụ bay miền Bắc cất cánh từ Gia Lâm xuống Hải Phòng cứu người ở giàn khoan. Trực thăng thứ 2 cất cánh từ Gia Lâm lúc 6g30, chở 4 chuyên gia của từ Singapore (sang Việt Nam đêm 28-10) xuống sân bay Cát Bi (Hải Phòng) để ra giàn khoan hỗ trợ khắc phục tình trạng khẩn cấp của giàn khoan.

Theo kế hoạch, sẽ có 9 người ở lại giàn khoan (có 4 chuyên gia đến từ Singapore) để kiểm tra đánh giá, xử lý kỹ thuật, chuẩn bị kế hoạch kết nối tàu kéo với giàn khoan

Hiện tại, giàn có hiện tượng mắc cạn, gần như dừng trôi dạt và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị Uỷ ban Quốc gia TKCN bố trí máy bay sơ tán cho 9 người còn lại trên giàn khoan.

Đến trưa 29-10, trực thăng đã đưa toàn bộ số người trên giàn khoan về sân bay Cát Bi, việc sơ tán người trên gian khoan đã hoàn tất.

Tin, bài: MINH QUANG - XUÂN LONG - TUẤN PHÙNG - Ảnh: VIỆT DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên