Phóng to |
Phú Quốc nhìn từ trên cao - Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Chiều 26-9, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phong Quang - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, người được giao làm tổ trưởng tổ công tác - cho biết:
- Phú Quốc được xem là đảo ngọc, một “Singapore của Việt Nam”. Thời gian qua Chính phủ đã có quyết định về quy hoạch tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2030. Cùng với quy hoạch này, Chính phủ cũng ban hành một số chủ trương chính sách nhằm đưa Phú Quốc trở thành khu du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay Phú Quốc vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế do vướng một số điểm cần tập trung dồn sức đầu tư, tạo động lực thúc đẩy bằng các cơ chế chính sách có tính đặc thù. Cho nên lần này Chính phủ quyết định thành lập tổ công tác và giao Ban chỉ đạo Tây Nam bộ làm “chủ xị” nghiên cứu các mô hình phát triển đảo trong và ngoài nước, đề xuất Chính phủ chủ trương, cơ chế về phát triển đảo Phú Quốc.
* Theo ông, vì sao thời gian qua Phú Quốc vẫn chưa phát triển được như mong muốn?
- Dù đã được Chính phủ ban hành nhiều chính sách để phát triển, giao Bộ Kế hoạch - đầu tư làm đầu mối đề xuất các cơ chế thu hút đầu tư nhưng quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc chưa gỡ được. Chẳng hạn như về đất đai vẫn chưa có khung giá đất hợp lý để nhà đầu tư thấy được sự ưu đãi, về huy động vốn đầu tư hạ tầng phải tính toán đa dạng các nguồn vốn, chứ một mình ngân sách bỏ ra không thể làm hạ tầng nổi. Hay như về thể chế, bộ máy cũng vướng, Phú Quốc vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, muốn làm gì phải xin ý kiến cấp tỉnh. Bởi vậy, nhất định phải có cơ chế đặc thù và phải có cơ quan kiểm tra giám sát mới gỡ được các trở ngại nói trên.
* Cần đề xuất tháo gỡ thế nào?
- Chúng tôi xác định ngay trong năm 2012 sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực bức xúc cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển Phú Quốc là: rà soát quy hoạch, cơ sở hạ tầng; cơ chế tài chính, vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ; cuối cùng là rà soát đề xuất về thể chế, mô hình tổ chức, bộ máy của đảo Phú Quốc. Sau khi tham vấn ý kiến nhà đầu tư, các chuyên gia, góp ý của bộ, ngành trung ương và địa phương, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
* Ông có thể nói rõ hơn từng lĩnh vực và thứ tự ưu tiên triển khai?
- Trước hết, trong tháng 10-2012 phải tập trung rà soát các chủ trương đã có nhưng không phù hợp, đang vướng, mạnh dạn đề xuất kiến nghị Chính phủ điều chỉnh hoặc bãi bỏ. Kế đến là tập trung giải quyết lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Hiện ngoại trừ sân bay quốc tế đã được trung ương đầu tư, các trục đường giao thông chính trên đảo còn rất thấp kém, ngay cả đường đấu nối vào sân bay đang rất dở dang, nếu không quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công thì nhiều khả năng tháng 12-2012 sân bay quốc tế Phú Quốc đã làm xong nhưng đường đấu nối vẫn chưa xong. Lĩnh vực thu hút đầu tư cũng phải rà soát lại, phải rút kinh nghiệm việc thu hút đầu tư thời gian qua, tập trung ưu tiên ban hành khung giá đất, cho thuê đất hợp lý để thu hút các nhà đầu tư có tầm cỡ vào Phú Quốc.
* Đó là giai đoạn trước mắt, còn các năm kế tiếp, theo ông, cần phải kiến nghị giải pháp gì để Phú Quốc tăng tốc?
- Để Phú Quốc trở thành hòn đảo du lịch tầm cỡ, sắp tới tôi sẽ đề xuất Bộ Chính trị cần có một nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020. Qua đó khẳng định quyết tâm chính trị, tập trung mọi nguồn lực biến Phú Quốc thành đảo ngọc thật sự.
* Nhiều chuyên gia đề xuất lộ trình hướng đến một Phú Quốc “đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc trung ương” vào năm 2020...
- Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất này, bởi có như vậy Phú Quốc mới hội đủ điều kiện để phát triển nhanh được.
* Còn chuyện cho phép mở casino ở đảo Phú Quốc?
- Theo tôi, hoàn toàn có thể cho phép mở casino ở Phú Quốc, vấn đề là mở ở đâu trên đảo, quy mô thế nào và nhất là kiểm soát casino của chính quyền như thế nào. Sắp tới chúng tôi sẽ khảo sát tham vấn mô hình các nước và đề xuất Chính phủ cụ thể về vấn đề này
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, kể từ ngày 1-12 sẽ chuyển đổi sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) thành cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (gọi tắt là sân bay quốc tế Phú Quốc). Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho hay hiện nay các hạng mục đường băng, sân đỗ đã cơ bản hoàn tất. Nhà ga hành khách và văn phòng điều hành đang trong giai đoạn hoàn thiện, lắp đặt thiết bị. Dự kiến đến ngày 31-10 toàn bộ việc xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc sẽ hoàn tất để tiến hành bay hiệu chỉnh trong tháng 11. Theo ghi nhận, đến ngày 26-9 các tuyến đường giao thông kết nối từ sân bay quốc tế Phú Quốc tới các thị trấn Dương Đông, An Thới và bến tàu cao tốc Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) vẫn còn ngổn ngang. Tuyến đường từ Dương Đông đến Cửa Lấp rồi nối vào sân bay có hai nút thắt quan trọng là cầu Cửa Lấp và đoạn đường từ cầu Cửa Lấp nối vào đường biên phía tây sân bay. Cả hai nút thắt này mới được khởi động trở lại sau một thời gian tạm ngưng thi công. Trong khi đó, tuyến đường trục bắc - nam đoạn từ thị trấn Dương Đông đến sân bay dài xuống An Thới cũng mới giải tỏa, bàn giao mặt bằng được khoảng 85%. Ở những đoạn đã giải tỏa, đơn vị thi công đang san lấp mặt bằng, thi công nền hạ. Theo ông Huỳnh Quang Hưng - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thi công ít nhất từ đây đến ngày khánh thành sân bay nếu không hoàn tất được cả tuyến thì phải hoàn tất một trong hai làn xe trên tuyến Dương Đông - sân bay - An Thới để kịp thời phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, hành khách khi sân bay mới đi vào hoạt động. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận