Dù đại diện ban quản lý dự án cho biết rất khó xảy ra động đất sập nhà nhưng nỗi lo này vẫn đang khiến nhiều hộ dân mất ăn, mất ngủ.
Ban quản lý dự án mong muốn người dân chia sẻ và hi sinh cho thủy điện. Thế nhưng bạn đọc đặt ra câu hỏi: nếu xảy ra động đất gây sập nhà dân, ảnh hưởng đến tính mạng của dân thì người dân sẽ được sẻ chia ra sao?
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.
120 nhà hư hỏng do động đất ở Sông Tranh 2Toàn cảnh các vụ động đất ở thủy điện Sông Tranh 27 trận động đất trong 13 giờ
Phóng to |
Người dân sửa lại mái nhà bị hư hại sau rung chấn - Ảnh: Tấn Vũ |
Ai đảm bảo sẽ không động đất mạnh hơn?
Thực tế lâu nay người dân đã "hi sinh và chia sẻ" với thủy điện nhiều lắm rồi, nhưng cái người dân cần là sự an toàn, ổn định cho cuộc sống hằng ngày thì lại chưa có. Dân yên tâm sao được khi hằng ngày cứ phải chạy, phải lo vì động đất, nhà thì nứt, hư và cái đập thủy điện lù lù trước mắt? Còn bảo dân cứ yên tâm vì động đất vừa qua chưa vượt quá thiết kế chịu đựng của đập, nằm trong vùng tính toán của các nhà khoa học thì những trận động đất sắp tới sẽ ra sao? Có ai bảo đảm rằng nó sẽ không mạnh hơn dự tính?
Ngay cả hướng đi các cơn bão được dự đoán bởi các nước tiên tiến mà vẫn còn bất ngờ khi dự đoán một đường nó đi một nẻo kia mà. Bảo người dân yên tâm, hi sinh và chia sẻ trong trường hợp này có vô lý quá chăng?
Chia sẻ phải hai phía
Tuy tôi không sống ở khu vực thủy điện, nhưng có lẽ tôi cũng hiểu được phần nào lo lắng của người dân. Không ai có thể an tâm khi trên đầu mình luôn có hàng tỉ mét khối nước sẵn sàng đổ ập xuống nhà mình và cũng không có ai dám sống trong những căn nhà không biết khi nào thì sập. Tại sao chỉ có dân phải có trách nhiệm chia sẻ, hi sinh cho thủy điện mà không thấy chiều ngược lại?
Xem video "13 giờ, 7 trận rung chấn" - Nguồn: Truyền hình Tuổi Trẻ |
Cần nhiều biện pháp cấp bách
Tinh thần và tài sản của người dân đang bị ảnh hưởng bởi động đất. Xin hỏi thủy điện Sông Tranh 2 đã chia sẻ được gì với người dân?
Trước mắt xin yêu cầu các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp cấp bách, thiết thực để giúp người dân yên tâm. Động đất là do thiên nhiên và theo như thống kê sự kiện động đất vừa qua thì có thể sẽ còn tiếp diễn, vậy nên rất cần đảm bảo đập không bị vỡ.
Có hình dung sự nổi loạn của thiên nhiên?
Mấy ngày gần đây đọc các thông tin về động đất lớn có, nhỏ có ở đập thủy điện Sông Tranh 2 mà chúng ta càng lo lắng và buồn thêm cho việc xây đập ở đây. Chúng ta đều biết rằng mỗi khi xây dựng đập đều có thiết kế, khảo sát về nền đất. Tốn biết bao nhiêu tiền của ở đây vậy mà xảy ra như thế này không biết có ai xót không?
Quý vị có hình dung hết sự nổi loạn của thiên nhiên không? Đến lúc đó chỉ tội cho dân sống ở quanh khu vực này.
Đừng để chuyện đáng tiếc xảy ra
Là một người dân sống ở hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2, hằng ngày cảm nhận được mối nguy hiểm rình rập từ các trận động đất, tôi mong rằng các cấp lãnh đạo tuyệt đối không nên cho tích nước trong mùa mưa sắp tới. Vẫn biết rằng thiệt hại về kinh tế là đáng kể nhưng nếu xảy ra sự cố thì thiệt hại còn khủng khiếp hơn.
Sinh mạng cả hàng trăm nghìn người dân đang bị đe dọa từng giờ, từng phút, đừng để chuyện đáng tiếc xảy ra.
Những câu hỏi lớn
Dù động đất chỉ xảy ra trong dự kiến hay không có khả năng có động đất lớn, thì tình trạng như hiện nay cũng đặt người dân phải sống trong tâm lý nơm nớp lo sợ, hoang mang.
Cần trả lời những câu hỏi sau:
1. Có bao nhiêu người dân sống trong phạm vi ảnh hưởng động đất?2. Khi nào hết động đất?3. Cái giá để từng đó người dân sống trong tâm trạng lo âu trong thời gian (câu hỏi 2) là bao nhiêu?4. Nếu có sự cố đáng tiếc về người, ai chịu trách nhiệm?5. Ngược lại, nếu dỡ bỏ thủy điện Sông Tranh 2, thiệt hại về kinh tế là bao nhiêu?
Kinh tế có thể đong đếm được, còn tính mạng dân thì sao?
Không thể chấp nhận!
Trong bài phỏng vấn “Dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện!”, về độ an toàn cho dân thì ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 - nói "không có gì đáng lo ngại". Nhưng đến khi hỏi về việc tích nước ở mức cao hơn lại trả lời: "Tôi không phải là nhà chuyên môn để có thể dự đoán được điều này".
An toàn cho dân là việc cấp bách, lấy cái lợi riêng cho ngành thủy điện để rồi dân gánh chịu những hậu quả khôn lường thì không thể chấp nhận được.
Phải nắm bắt tâm tư của dân
Điều quan trọng lúc này là Ban quản lý thủy điện 3 - chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 - và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc nắm bắt tình hình thiệt hại, tâm tư nguyện vọng của người dân trong vùng bị ảnh hưởng của động đất để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời, thỏa đáng.
Người dân rõ ràng không vui khi Ban quản lý thủy điện 3 cho rằng thiệt hại là chưa đáng kể, trong khi trưởng Ban phòng chống lụt bão huyện Bắc Trà My đưa ra con số thống kê đã có 119 nhà dân bị hư hại do ảnh hưởng của động đất. Rõ ràng 2 cơ quan này chưa có tiếng nói chung về dự báo, đánh giá mức độ thiệt hại của người dân.... nếu chuyện không may xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận