24/09/2012 08:23 GMT+7

7 trận động đất trong 13 giờ

NHÓM PV ĐÀ NẴNG
NHÓM PV ĐÀ NẴNG

TT - Chuỗi động đất bắt đầu xảy ra từ 22g ngày 22-9 và đạt tới đỉnh điểm lúc 10g57 ngày 23-9 có thể nói đã khiến cuộc sống người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đảo lộn hoàn toàn.

* Giẫm đạp nhau trong hoảng loạn

Người dân cho biết trận động đất xảy ra lúc 10g57 là mạnh nhất mà họ từng chứng kiến.

Chưa tích nước thủy điện Sông Tranh 2Địa phận huyện Trà My động đất 2,7 độ RichterĐộng đất lớn ở Sông Tranh 2

t3R4zbUF.jpgPhóng to
Vì động đất, hội nghị tiếp xúc cử tri của xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My) phải dời từ hội trường ra ngoài sân. Ông Hồ Cao Quý, bí thư đảng ủy xã Trà Đốc, hướng dẫn bà con cách ứng phó với động đất - Ảnh: Bắc Bằng

Trận động đất mạnh lúc 10g57 đã làm hội nghị tiếp xúc cử tri của xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My) đang tổ chức tại phân hiệu trường tiểu học ở thôn 2 rơi vào cảnh hỗn loạn.

Giẫm đạp nhau chạy

Thiết bị quan trắc còn chờ lắp đặt

Chiều 23-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Hải cho biết gói thiết bị quan trắc động đất cuối cùng (trị giá 80.000 USD) của thủy điện Sông Tranh 2 đã được chuyển từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) về Bắc Trà My (Quảng Nam) vào ngày 21-9.

“Hiện thiết bị này đang nằm tại công trình, trong một vài ngày tới chúng tôi sẽ lắp đặt vào thân đập để phục vụ công tác quan trắc động đất. Sau khi thiết bị này được lắp đặt xong thì việc quan trắc bên trong thân đập sẽ được chuyển từ quan trắc thủ công sang quan trắc tự động” - ông Hải xác nhận.

Được biết, toàn bộ gói thầu lắp đặt thiết bị quan trắc của thủy điện Sông Tranh 2 trị giá 389.000 USD (bao gồm 681 thiết bị điện tử) và được đấu thầu quốc tế công khai. Lô hàng này do Công ty Techcom Life Technologies nhập khẩu từ Canada về VN từ tháng 6-2012 nhưng không thông quan được vì nhà nhập khẩu còn nợ thuế.

Cử tri và lãnh đạo địa phương tìm cách thoát ra ngoài. Do chen lấn nên đã xảy ra giẫm đạp nhau khiến một người bị thương ở chân. “Tiếng nổ lớn quá khiến mọi người tháo chạy ra khỏi phòng. Tôi bị ngã, do nhiều người đè lên nên bị sướt cả bàn tay và đầu gối, phải sang nhà y tế thôn băng bó vết thương” - ông Lê Văn Thọ, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Trà Đốc, thất thần kể.

Các trận động đất liên tiếp xảy ra đã gây nứt tường, nền của hầu hết nhà dân và các công trình công cộng. Phòng công vụ trường học tại đây vừa xây dựng xong, chưa đưa vào sử dụng cũng bị nứt nhiều điểm. Do mật độ động đất dày đặc, liên tục xảy ra tiếng nổ và rung chấn đã làm hầu hết người dân ở vùng tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 không dám ở trong nhà, chạy ra các bãi đất trống tụm lại thành từng nhóm để tránh nguy cơ nhà sập đè người.

Ngay sau khi xảy ra dư chấn, lãnh đạo các đơn vị liên quan đã có mặt tại hiện trường hồ chứa và các khu vực bị ảnh hưởng mạnh để kiểm tra nắm bắt tình hình, cấp phát tờ rơi tuyên truyền và trấn an người dân. Ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 - cho hay: “Các trận động đất vừa xảy ra đã được các máy đo của đập Sông Tranh 2 ghi nhận. Qua kiểm tra đập vẫn an toàn và hoạt động bình thường. Ban sẵn sàng phối hợp giúp dân khắc phục thiệt hại, tuyên truyền để trấn an người dân và hướng dẫn cách ứng phó”.

Trưa 23-9, lãnh đạo huyện Bắc Trà My đã có mặt tại xã Trà Đốc, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, để nắm bắt tình hình, động viên trấn an người dân, đồng thời liên lạc bằng điện thoại chỉ đạo lãnh đạo các xã Trà Bui, Trà Tân, Trà Giác khẩn trương đến cơ sở kiểm tra thiệt hại báo cáo về huyện để có hướng xử lý.

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Thanh Tuấn, đánh cá trong lòng hồ Sông Tranh 2, cho biết trước đó khoảng 15g ngày 22-9, ông thấy nước trong hồ đột ngột dâng cao. “Đến tối nước trong lòng hồ dâng lên cao một cách bất thường rồi kéo dài cho đến gần sáng thì phát nổ. Nổ đùng đùng như bom và bắt đầu rung chuyển mọi thứ. Hàng cau nhà tôi cũng rung. Tôi mất phản xạ hoàn toàn khi rung chấn xảy ra”.

Tại xã Trà Giác, gia đình ông Đậu Đình Tuấn sống trong cảnh dở khóc dở cười. Ông đang sửa nhà nhưng trận động đất đã làm một góc nhà hư hỏng, xê dịch về một phía. “Khi nhóm thợ xây đang làm, nhiều tấm ngói bất ngờ rơi xuống nhưng rất may anh em bỏ chạy ra ngoài nên không ai bị thương. Sau trận động đất, anh em thợ xây sợ quá bỏ buổi chiều không dám làm nữa”.

Chiều 23-9, khi chúng tôi đến nhà, ông Tuấn vẫn loay hoay dọn đống ngói vỡ. Ông Tuấn nói giờ nhà xây lỡ dở, còn nhà cũ thì hư hỏng rệu rã không biết sập lúc nào nếu động đất tiếp tục xảy ra. Ngay tại hội trường Ủy ban MTTQ VN huyện Bắc Trà My, hơn 200 cán bộ thôn, xã, giáo viên đang học lớp tập huấn về cách ứng phó với động đất một phen thót tim vì động đất. Khi rung chấn xảy ra, hàng loạt người đổ ra đường, có người chui xuống gầm bàn, người bổ nhào vào góc tường.

4,8 hay 4,1 độ Richter?

Ngay sau trận động đất thứ tư trong ngày, trong đó trận động đất mạnh nhất xảy ra lúc 10g57, trưởng Ban quản lý thủy điện 3 Trần Văn Hải đã liên hệ trực tiếp với PV Tuổi Trẻ để cho biết tình hình. Theo lời ông Hải, báo cáo ban đầu của Viện Vật lý địa cầu cho ông biết động đất mạnh khoảng 4,8 độ Richter. Tuy nhiên, khoảng nửa giờ sau đó, cũng chính ông Hải liên lạc qua điện thoại “đính chính” rằng động đất chỉ mạnh 4,1 độ Richter.

“Vì thông tin ban đầu còn cập rập nên chưa chính xác” - ông Hải phân trần. Khác với những lần động đất trước, ông Hải cho biết Ban quản lý thủy điện 3 đã cùng chính quyền địa phương đi khảo sát thiệt hại của người dân trong vùng để có phương án trợ giúp sau này.

Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My Lê Văn Tuấn quả quyết trận động đất trưa 23-9 là trận động đất mạnh nhất mà ông từng chứng kiến. Cũng như giới truyền thông, ông Tuấn nhận được tin ban đầu là động đất mạnh 4,8 độ Richter nhưng sau đó được đính chính giảm xuống còn 4,1 độ Richter.

“Hàng loạt người dân trong khu vực đều cảm nhận rung chấn dữ dội nhất từ trước đến nay chứ riêng gì tôi. Nhiều căn nhà mới, kiên cố ở thị trấn này bắt đầu nứt. Hầu như không nhà nào là không nứt. Chúng tôi hoài nghi sự thật rằng động đất mạnh bao nhiêu? Nếu quả thật đang tăng dần thì cũng nói trung thực cho người dân biết mà có phương án” - ông Tuấn nói.

Điều đáng nói là ngoài năm huyện lân cận vùng Sông Tranh là Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Phước Sơn thì các huyện ở xa vùng Sông Tranh như Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh và TP Tam Kỳ cũng cảm nhận được rung chấn của trận động đất này.

Chiều 23-9, chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Truyền cho biết cùng ngày UBND tỉnh đã ký hai công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình khẩn cấp về động đất tại Quảng Nam. Tỉnh một lần nữa kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát toàn diện về tình hình động đất hiện nay tại Quảng Nam.

Vì sao rung động mạnh hơn?

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), trận động đất mạnh nhất trong ngày 23-9 ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra hồi 10g57 được xác định có cường độ 4,1 độ Richter. Độ sâu chấn tiêu (tiêu điểm phát sinh chấn động) nằm sâu khoảng 6km. Chấn tâm động đất cách đập thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 7km về phía thượng lưu.

Mặc dù cường độ trận động đất trên gần bằng hai trận động đất có cường độ 4,2 độ Richter xảy ra ngày 3 và 7-9, nhưng do chấn tiêu nông hơn hai trận động đất trước đó nên người dân ở khu vực cảm nhận được sự rung động mạnh hơn. Theo đánh giá của Viện Vật lý địa cầu, trận động đất trên gây nên rung động cấp VI (theo thang MSK-64 gồm 12 cấp) ở khu vực gần thị trấn Bắc Trà My và lân cận. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo đánh giá của đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu và Viện Địa chất sau khi khảo sát thực tế, các trận động đất xảy ra trong thời gian gần đây ở khu vực Bắc Trà My là động đất kích thích liên quan tới việc tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Trong thời gian tới, tại khu vực Bắc Trà My và lân cận, động đất kích thích vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có thể mạnh hơn, nhưng khó có thể vượt quá giá trị động đất cực đại đã đánh giá là 5,5 độ Richter.

T.PHÙNG

NHÓM PV ĐÀ NẴNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên