10/09/2012 08:05 GMT+7

Xóa dự án "treo", sức sống hồi sinh

K.YÊN
K.YÊN

TT - Đó là điều đang diễn ra ở một số khu dân cư thuộc TP.HCM. Tại những khu vực này, người dân đã có sự “an cư lạc nghiệp”, thoát khỏi những ngày sống trong tâm trạng tạm bợ.

qqEQ0X6e.jpgPhóng to
Bà Lê Thị Hoa (ngụ khu phố 9, P.Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) chăm sóc vườn lan 500m2 của gia đình. Trước đây nhà bà nằm trong khu quy hoạch “treo”, giờ đây quy hoạch được xóa nên gia đình yên tâm đầu tư sản xuất - Ảnh: MINH ĐỨC

Nhìn ngôi nhà tường mới xây theo kiểu biệt thự sân vườn của anh Nguyễn Văn Sơn (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), bà con ai cũng mừng cho gia đình anh. Bên cạnh ngôi nhà mới là chái nhà cũ ọp ẹp, nhỏ xíu. Đó là căn nhà kỷ niệm mà anh không muốn đập bỏ - nơi cả đại gia đình phải sống trong suốt thời gian “án” quy hoạch “treo” lơ lửng.

Yên tâm làm ăn

Ngừng nghiên cứu đầu tư 2 dự án ở quận 7

UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương ngừng nghiên cứu đầu tư dự án khu dân cư - thương mại - trường học - bệnh viện trên khu đất rộng khoảng 15ha tại P.Tân Hưng, Q.7. Cơ quan chức năng xem xét đầu tư xây dựng bệnh viện và các công trình tại khu vực này.

Đây là khu đất được quy hoạch làm dự án cảng sông Ông Lớn, dự án này xóa “treo” năm 2007, nhưng ngay sau đó lại được quy hoạch thành dự án khu dân cư - thương mại - trường học - bệnh viện cho đến nay. Theo UBND Q.7, từ khi UBND TP xóa dự án cảng, khu vực trên chưa có quy hoạch chi tiết 1/2.000.

Ngoài ra, UBND TP còn đồng ý ngưng nghiên cứu đầu tư một dự án khác cũng thuộc Q.7 là khu chung cư - thương mại - trung tâm văn hóa thể dục thể thao - công viên cây xanh thuộc P.Bình Thuận. Sở Quy hoạch - kiến trúc được giao phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư vào dự án này.

Trước đây, toàn bộ khu đất nhà anh nằm trong dự án xây dựng khu dân cư Hiệp Bình Chánh. Do dự án “treo” hoài nên có lúc anh định bỏ sang nơi khác sinh sống. Chị Phạm Thị Thanh, vợ anh Sơn, kể: “Từ lúc TP có thông báo xóa quy hoạch khu này, nhà tôi mới yên tâm làm ăn, xây nhà xây cửa. Hồi còn quy hoạch, khu này nước ngập thường xuyên, nhiều đợt triều cường phải chống xuồng mà đi. Nhà cũ, hư, mục hết nhưng đâu dám sửa”.

Không chỉ bỏ tiền xây nhà mới, anh Sơn còn đầu tư thêm cho vườn mai kiểng. Mấy năm gần đây, anh trúng mùa mai. Những gốc mai kiểng xanh tốt có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng giúp kinh tế gia đình anh khởi sắc hơn.

Tháng 12-2000, Thủ tướng có quyết định thu hồi 203.961m2 đất tại P.Hiệp Bình Chánh giao Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn sử dụng phần lớn diện tích đất thu hồi để xây dựng khu dân cư Hiệp Bình Chánh (khu A). Đến tháng 7-2007, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi khu đất đã giao cho Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn do chủ đầu tư không hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự án không khả thi, không được sự đồng tình của các hộ dân đang sử dụng đất thuộc phạm vi dự án. Sau đó tháng 7-2010, UBND TP.HCM lại tiếp tục có công văn chấp thuận cho Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn được thực hiện dự án trên diện tích hơn 67.200m2 bồi thường xong. Người sử dụng đất trong khu vực ngoài diện tích này được khôi phục đầy đủ các quyền và nghĩa vụ. Quyết định của UBND TP thật sự đã tháo gỡ gánh nặng trên vai của nhiều hộ dân.

Nhìn vườn lan của bà Lê Thị Hoa (khu phố 9, P.Hiệp Bình Chánh) đang rực rỡ khoe sắc, không ai nghĩ rằng trước đó nơi đây là vườn ổi ngập úng, bỏ hoang. Anh Võ Lê Thanh Tuấn, con bà Hoa, cho biết: “Từ khi biết đất nằm trong khu quy hoạch dự án khu dân cư Hiệp Bình Chánh, nhà tôi bỏ hoang vườn ổi luôn. Tới khi nghe xóa dự án, mẹ tôi mới bỏ tiền cải tạo đất, nâng nền, xây dựng hệ thống tưới tiêu và xây trụ trồng lan trên phần diện tích khoảng 2.000m2. Bây giờ lan đã ra hoa, kinh tế gia đình ngày một ổn định”.

Ông Trần Quang Hải, chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết trong suốt thời gian dự án bị “treo”, khu vực này thường xuyên bể bờ bao, triều cường gây ngập úng. Chỉ vì dự án chưa triển khai mà việc đầu tư làm đường, nâng cấp hẻm bị đình trệ. Thậm chí người dân bức xúc quá muốn bỏ tiền ra tự sửa đường, nâng hẻm cũng không dám làm. Chỉ từ sau năm 2010, khi TP xóa dự án “treo” thì tâm trạng thấp thỏm, tạm bợ, không dám phát triển sản xuất mới được xóa theo.

Cuộc sống tốt hơn

Dự án mở rộng cảng Bến Nghé, P.Tân Thuận Đông, Q.7 (được Thủ tướng cho cảng Bến Nghé thuê đất từ năm 2000) cũng được UBND TP quyết định thu hồi vào tháng 4-2011. Nguyên nhân thu hồi là do dự án không có khả năng hoàn vốn, không bảo đảm hiệu quả đầu tư, mục tiêu dự án không còn phù hợp tình hình thực tế...

Ông Đỗ Hữu Lộc, phó chủ tịch UBND P.Tân Thuận Đông, kể: trước khi UBND TP thu hồi dự án cảng Bến Nghé, UBND phường liên tục nhận phản ảnh của bà con về việc đường lầy lội, cứ mưa là ngập và nhiều đơn của người dân xin cứu xét để nâng nền, sửa nhà sắp sập... Người dân phải đi mua từng thùng nước sạch giá cao để sinh hoạt, nhiều nhà câu móc điện từ một đồng hồ, phải trả tiền điện cao và rất dễ xảy ra cháy nổ.

Quang cảnh khu dân cư thuộc khu phố 5, trước cổng B cảng Bến Nghé hiện nay đã thay đổi so với cách đây hai năm. Những căn nhà cấp 4 te tua che bằng đủ thứ bạt, ván ép, tôn cũ được thay bằng tường gạch, mái tôn. Mương thoát nước giữa khu phố được nạo vét, vớt rác. Những con hẻm lầy lội trước kia đã được xây lại bằng ximăng sạch sẽ, khô ráo. Bà Đỗ Thị Tần (ở tổ 67) cho biết từ ngày UBND TP thu hồi dự án, gia đình bà có nước máy vô tận nhà, được gắn đồng hồ điện, nâng nền, sửa mái...

Ông Lộc cho biết tuy dự án đã bị ngưng thực hiện nhưng khu vực chưa có quy hoạch xây dựng 1/2.000. Hai năm nay, người dân chỉ được sửa chữa nhà, nâng nền chống ngập, nâng mái chống dột chứ chưa được cấp giấy phép xây dựng. UBND phường và người dân phải bỏ tiền để làm đường ống nước vô tận khu dân cư vì công ty cấp nước không chịu đầu tư.

Hủy giao đất nhưng vẫn “treo” quy hoạch

Dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc thuộc ba xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh, TP.HCM) được Thủ tướng giao cho Công ty đầu tư Xây dựng Bình Chánh vào năm 1999 với diện tích 340ha. Tính đến năm 2011, dự án đã bốn lần thay đổi chủ đầu tư nhưng chỉ có vài hộ dân được chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường đất. Tháng 1-2011, UBND TP.HCM có quyết định ngưng thực hiện dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc vì chủ đầu tư chậm triển khai.

Ông Thiều Văn Se, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết khi UBND TP ngưng triển khai dự án thì người dân mới được cấp giấy chủ quyền cho nhà đất tạo lập trước năm 1999 (thời điểm công bố quy hoạch), được xây nhà tạm trên đất thổ cư, những nhà xây dựng trước ngày 1-7-2004 (thời điểm Luật xây dựng có hiệu lực) thì được cấp số nhà. Đối với những gia đình đông con, UBND huyện cho phép tách thửa đất nông nghiệp trên 1.000m2, gia đình được chuyển mục đích 300m2 đất nông nghiệp thành thổ cư.

Chính sách là vậy, nhưng thực tế khu vực hơn 340ha thuộc dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc vẫn là diện tích nằm trong quy hoạch và người dân có đất chưa hoàn toàn được “cởi trói”. Ông Nguyễn Văn Hùng (tổ 17, ấp 5, xã Vĩnh Lộc B) có hơn 2ha đất nông nghiệp và căn nhà trệt khoảng 50m2 nằm trong khu vực dự án, nhưng quang cảnh trong vườn và những đám ruộng nhà ông Hùng vẫn không có gì thay đổi: ruộng vẫn bỏ hoang, chuồng bò tạm bợ bằng mấy cây gỗ mục, vườn lơ thơ vài cây ăn trái.

Theo ông Hùng, UBND TP có quyết định ngưng dự án nhưng quyền lợi về đất đai của người dân cũng chưa khác nhiều so trước kia. Khu vực này vẫn là quy hoạch hồ sinh thái, chưa biết khi nào triển khai nên người dân không dám đầu tư thủy lợi để trồng lúa, ông cũng không dám xây lại cái chuồng bò.

Ông Hùng nói: “UBND xã thông báo rồi, bây giờ xây dựng cái gì cũng phải cam kết tháo dỡ không bồi thường khi Nhà nước triển khai dự án. Có xây nhà, làm chuồng bò hay mương thủy lợi thì tui cũng phải khai thác vài năm mới lấy lại vốn. Nếu hôm nay tôi xây nhà, ngày mai Nhà nước thu hồi đất thì tốn tiền lắm”.

K.YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên