Phóng to |
Bé Nguyễn Thái Bình ở phố Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông, Hà Nội) ngồi trong thau nhựa “đi” loanh quanh trong xóm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Theo thống kê của Công ty Thoát nước Hà Nội vào sáng 18-8, trên địa bàn thành phố xuất hiện hàng loạt điểm úng ngập gồm: ngã tư Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy, đường Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Phan Văn Trường, Nguyễn Đức Cảnh, Trương Định, Giải Phóng, Thái Hà, Thái Thịnh, Ngọc Khánh, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân... với độ ngập sâu từ 0,15-0,3m.
Dọc đường Phạm Hùng, tình trạng tắc nghẽn kéo dài từ trưa đến tối vì một số đoạn ngập nặng, xe máy chịu chết, ôtô cũng không dám lội qua. Ngập nặng nhất là con đường giao ngay bên cao ốc Keangnam. Theo một số người dân, mực nước lúc cao nhất từ 50-60cm.
Phóng to |
Tại ngõ Trạm Điện - Ba La (Hà Đông), người dân sử dụng bồn tắm để đưa người từ nhà ra ngõ với giá 5.000-10.000 đồng - Ảnh: NG.KHÁNH |
Chung cư thành đảo
Đường biến thành sông giữa Hà Nội là khung cảnh “kỳ thú” đối với hai chị em Khánh Linh, Khánh Minh (tầng 20 tòa nhà Keangnam). Khánh Linh cho biết: “Đáng ra sáng nay cháu phải đi học nhưng ôtô của bố cháu chết máy giữa đường nên cháu được nghỉ”. Chỉ xuống dòng nước, cô chị Khánh Linh ví von: “Nước bùn giống hệt lần trước cháu đi tắm biển Đồ Sơn”.
Chị Kim Anh, cũng là một cư dân ở Keangnam, nói: “Tưởng rằng tòa nhà hiện đại thì không phải chịu cảnh ngập lụt. Thế mà cứ hễ mưa là đường ngập. Lần này là nặng nhất. Cây đổ, nước dâng, sóng vỗ vào như sóng biển. Bà con ở đây giờ sống như trên đảo, ngập tứ phía, chẳng đi đâu được cả, ôtô, xe máy đều chết máy. Thật không thể hiểu nổi!”.
Nhiều xe tải nhỏ chỉ đi khoảng 50m đã chết máy phải gọi người đến đẩy. Xe máy cố tìm chỗ ít ngập để đi cũng bị sóng do ôtô đi qua xô ngã dúi dụi. Sợ tình trạng xe máy tránh ngập leo lên vỉa hè, ban quản lý tòa nhà Keangnam đã sớm cho bảo vệ túc trực, giăng dây để ngăn chặn. Những người đi xe máy muốn qua đoạn ngập chỉ có cách lao ra giữa dòng nước và không mấy chiếc xe thoát khỏi cảnh chết máy. Cũng chỉ chờ có thế, hàng loạt điểm sửa xe tự phát mọc lên như nấm. Thay bugi mất ít nhất 50.000 đồng/chiếc, đó là chưa kể các kiểu kiểm tra, sửa chữa khác. Thiệt hại nhẹ nhất của một lần xe chết máy cũng 100.000 đồng.
Phóng to |
Bà Nguyễn Thị An, trú tại số nhà 46 ngõ 9 phố Lê Trọng Tấn, bơm nước và tát nước chống ngập cho ngôi nhà của mình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Phóng to |
Tuyến đường cạnh khu cao ốc Keangnam (Q.Cầu Giấy) bị ngập nặng - Ảnh: Lâm Hoài |
Bồn tắm, thau nhựa xuống đường
9g sáng, hàng chục điểm ngay khu vực trung tâm quận Hà Đông bị ngập tới 70-80cm. Tại chợ Văn La, phường Văn Phú, các sạp hàng đã phải nghỉ bán. Những mặt hàng còn bày bán được tại chợ chủ yếu là rau quả, thịt heo, gà vịt, nhưng để bán được thì chủ các sạp hàng phải kê sạp cao tới 50cm để tránh bị ngập nước.
Ngay tại phố Quang Trung, một trong những tuyến phố trung tâm của quận Hà Đông, cũng có tới hàng chục điểm ngõ bị ngập úng. Nhiều hộ gia đình bị nước dâng tràn cả vào nhà. Tại ngõ Trạm Điện - Ba La, mực nước ngập ở thời điểm 11g trưa 18-8 vẫn còn sâu tới 70-80cm. Gần như các phương tiện như xe máy đều không thể qua lại tuyến ngõ này. Còn người dân từ đầu ngõ tới cuối ngõ muốn ra khỏi nhà phải chịu cảnh lội nước bì bõm.
Bà Nguyễn Thị An, số 46 ngõ 9 phố Lê Trọng Tấn, than vãn: “Dù đã chặn cửa nhưng nước vẫn tràn vào nhiều quá, dùng máy bơm hút nước không xuể nên phải dùng cả chậu tát hỗ trợ để đưa nước ra ngoài”. Không chỉ riêng gia đình bà An, nhiều hộ gia đình sống trong ngõ Trạm Điện - Ba La phải dùng bao cát chặn cửa để ngăn nước tràn vào nhà. Thậm chí nhiều hộ sử dụng cùng lúc cả phương tiện máy bơm và xô chậu để tát nước từ trong nhà ra.
Đã xuất hiện ngay “dịch vụ” dùng bồn tắm nhựa, thau nhựa đưa người từ trong ngõ ra, rồi đưa người từ ngoài ngõ vào. Mỗi chuyến như thế những người lội nước đẩy bồn tắm thu giá 5.000-10.000 đồng.
Tại quận Thanh Xuân, nhiều dãy nhà trọ ở khu vực Vũ Trọng Phụng, Triều Khúc, Nhân Chính bị ngập sâu trong nước. Tại quận Cầu Giấy, đến chiều 18-8, các tuyến đường gần tòa cao ốc Keangnam như Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, khu vực Nam Trung Yên nước vẫn ngập sâu khiến các phương tiện lưu thông rất vất vả, nhiều xe đi qua điểm này bị chết máy. Thậm chí nhiều người còn mang lưới ra giăng để bắt cá.
Anh Cao Mạnh Tuấn (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết từ khi mưa đến tận chiều 18-8, nhà vẫn ngập sâu trong nước: “Cả buổi sáng đánh vật với việc tát nước, lau nhà mà vẫn còn nguyên hầm nước. Ba cái xe máy ngập sâu trong nước đều phải dắt đi thay dầu, rửa chế, thay lọc khí”.
10.000-15.000 đồng/mớ rau muống Ngày 18-8, rau xanh ở các chợ Hà Nội từ ngoại thành đến nội thành đều tăng giá. Tại các chợ trung tâm như Nghĩa Tân, Ngọc Hà... rau muống dao động 10.000-15.000 đồng/mớ. Rau ngót, rau cải 6.000 đồng/mớ... Tại các chợ đầu mối, giá rau cũng chỉ bằng 1/4-1/5 so với các chợ khu vực trung tâm. Bà Nguyễn Thị Tí - một tiểu thương ở chợ rau đầu mối Hà Đông, nơi cung cấp lượng rau lớn cho các chợ ở trung tâm như quận Thanh Xuân, Đống Đa... - cho biết giá tăng đến 30-50% tùy loại. Giá tăng mạnh nhất, gấp đôi so với ngày thường là các loại rau thơm như hành lá lên đến 20.000 đồng/kg, 1.000 đồng/mớ rau húng quế chỉ hơn chục ngọn. Rau muống, cải tăng 2.000 đồng lên 3.000 đồng/mớ. Mỗi ký khoai tây tăng thêm 4.000 đồng, từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng... Rau tăng giá vì lượng cung tại vùng rau giảm mạnh so với ngày thường do mưa không hái được. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng sợ rau đắt lên trong mấy ngày tới nên đã mua tích trữ, bà Tí nói. Đến chiều cùng ngày, mưa đã ngớt nhưng lượng rau bán rất thưa thớt và giá vẫn cao. Bà Phạm Thị Hạnh, một tiểu thương bán rau ở chợ Thanh Xuân Bắc, cho biết giá rau sẽ đắt thêm cả tuần nữa. Vì mưa gây úng ngập, rau thường bị dập nát và chết.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận