Theo đó, cuối tháng 7-2012 sẽ tổ chức thu phí giao thông đối với ôtô đi từ Q.Bình Thạnh qua cầu Bình Triệu 1 hướng về Thủ Đức. Đây là trạm thu phí thứ hai ở khu vực cầu Bình Triệu, trước đó CII đã tổ chức thu phí giao thông ở cầu Bình Triệu 2 cho chiều xe lưu thông từ Thủ Đức hướng vào trung tâm TP.
Theo ông Dương Quang Châu - phó giám đốc đầu tư CII, việc thu phí ở cầu Bình Triệu 1 và 2 được thực hiện theo hợp đồng BOT (đầu tư, xây dựng và chuyển giao) giữa UBND TP và CII. Trong đó, CII đã hoàn vốn 165 tỉ đồng cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (đơn vị đầu tư xây dựng cầu Bình Triệu 2 và một số hạng mục ở dự án cầu đường Bình Triệu 2) và 83,6 tỉ đồng đầu tư nâng cấp cầu Bình Triệu 1 cho xe tải có trọng tải từ 16-32,5 tấn lưu thông. Đồng thời, cầu Bình Triệu 1 được thi công mở rộng thêm một làn ôtô, nâng tổng số lên hai làn ôtô và một làn xe máy lưu thông ở cầu này.
Thời gian hoàn vốn cho dự án này là năm năm ba tháng tính từ năm 2009. Tuy nhiên CII cho biết sẽ điều chỉnh thời gian thu phí vì trước đó TP dự kiến sau khi hoàn thành sửa chữa cầu Bình Triệu 1 vào tháng 9-2010 sẽ cho thu phí ngay, nhưng đến nay đã gần hai năm vẫn chưa tổ chức thu phí ở đây.
Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu 1 đến ngã tư Bình Triệu (giao lộ quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân) có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Do đó, sở chỉ cho phép CII lắp đặt thử nghiệm trạm thu phí ở đây trong một tháng và nếu xảy ra ách tắc giao thông thì yêu cầu tháo bỏ trạm thu phí này.
Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - luật sư Thái Văn Chung cho rằng việc nhà đầu tư đã bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình và sau đó thu phí giao thông để thu hồi vốn là điều bình thường. Thế nhưng, ở công trình cầu Bình Triệu 2 do CII đầu tư chia ra quá nhiều giai đoạn, mà không làm một lần hoàn chỉnh công trình và khi nâng cấp, mở rộng cầu Bình Triệu 1 đã tổ chức thu phí giao thông. Trong khi đó tuyến quốc lộ 13, nút giao thông ngã năm Đài Liệt Sĩ... thường xuyên bị ùn tắc giao thông lại chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng.
Theo luật sư Thái Văn Chung, việc “chặt khúc” dự án cầu đường Bình Triệu 2 để thu phí là điều không hợp lý vì người trả tiền mua phí giao thông vẫn gánh chịu cảnh kẹt xe ở khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Dũng - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải và dịch vụ du lịch Sài Gòn, đơn vị có xe đò ở bến xe đi các tỉnh miền Đông - cho biết sắp tới có thêm trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 thì từ TP.HCM đến trạm Suối Giữa, tỉnh Bình Dương có 24km mà có đến ba trạm thu phí là quá dày đặc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận