19/05/2012 07:43 GMT+7

Lời kể của người sống sót thảm họa Sêrêpốk

TTXVN
TTXVN

TT - 34 người chết trong vụ tai nạn giao thông xảy ra đêm 17-5 tại Đắk Lắk làm nhiều người bàng hoàng và đau lòng. Thêm một tai nạn giao thông thảm khốc, vấn nạn tai nạn giao thông càng thêm nhức nhối.

Xem những hình ảnh hiện trường vụ tai nạnXem những hình ảnh tang thương tại Bệnh viện Đắk LắkKhẩn cấp điều tra vụ tai nạn thảm khốcRead this on Tuoitrenews.vn

SLzZTvYh.jpgPhóng to

Nỗi đau của người nhà nạn nhân trong buổi lễ cầu siêu tại Bệnh viện đa khoa Đắk Lắk sáng 18-5 - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Hành trình từ huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) đi TP.HCM của xe khách 49 chỗ 47V-2371 thuộc HTX vận tải Quyết Thắng đã phải dừng lại bên cầu Sêrêpốk (còn gọi là cầu 14, giáp ranh giữa Đắk Lắk và Đắk Nông) với kết cục bi thảm: 34 người chết, 24 người bị thương.

Chiếc xe khách xấu số đã tông thẳng vào lan can cầu Sêrêpốk và rơi tự do 20m xuống sát mép sông.

Đêm trắng cứu nạn

Ông Lê Văn Long - người dân ở sát sông Sêrêpốk - cho biết lúc 22g30 ngày 17-5 ông nghe một tiếng động rất lớn phía dưới sông Sêrêpốk. Ngay lập tức hàng chục người dân kéo nhau ra xem và thấy phía dưới lòng sông là một cảnh tượng khủng khiếp: chiếc xe khách nằm bẹp dúm ngay sát mép sông, một hàng rào lan can bằng sắt dài khoảng 20m trên cầu Sêrêpốk bị húc đổ. Những tiếng kêu cứu của các nạn nhân cứ lịm dần. “Chẳng kịp nghĩ gì, mấy anh em chúng tôi vội lao xuống, vừa tới nơi thì thấy ba đứa trẻ ngồi ở mố cầu gần như không nhúc nhích, mặt mũi và thân thể máu me đầm đìa. Một người bế các cháu lên đi cấp cứu, còn tôi và những người còn lại xuống phá cửa cứu người trong xe” - ông Long nói.

Chỉ ít phút sau, khu vực cầu Sêrêpốk chật kín người. Hàng chục cán bộ chiến sĩ cùng nhiều người dân cố phá chiếc xe để cứu người bị nạn. Tiếng người gọi người, tiếng la hét khắp nơi. Chiếc xe nằm ở vực sâu sát bên mép sông và bị biến dạng hoàn toàn nên việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, phải dùng cưa sắt và búa phá xe để lôi các nạn nhân ra bên ngoài. Trên mặt cầu, rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế của hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được huy động để lập điểm cấp cứu tạm thời. Đến 3g sáng 18-5, lực lượng cứu hộ mới cẩu được chiếc xe lên mặt cầu và đưa hết các nạn nhân ra ngoài.

Thủ tướng gửi điện chia buồn

Ngày 18-5, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc xử lý vụ tai nạn tại cầu Sêrêpốk. Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân và gửi lời thăm hỏi đến những người bị nạn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương cấp cứu người bị nạn, thăm hỏi gia đình có người thiệt mạng và tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT khẩn trương điều tra làm rõ vụ tai nạn giao thông trên.

* Hôm qua, Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQ VN đã gửi điện thăm hỏi các gia đình có người bị tai nạn giao thông tại tỉnh Đắk Lắk. Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQ VN và Ban Cứu trợ trung ương gửi tới các gia đình, các nạn nhân 5 triệu đồng/người thiệt mạng và 3 triệu đồng/người bị thương.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk, một khung cảnh tang tóc bao trùm. Các thi thể nạn nhân trong vụ tai nạn được để riêng ở một căn phòng rộng khoảng 35m2. Những người dân đến theo dõi vụ việc không kìm được lòng khi thấy các thi thể bị méo mó, biến dạng hoàn toàn trên nền đất lạnh lẽo. Bên cạnh là sự suy sụp về tinh thần lẫn thể xác của các thân nhân. Cạnh thi thể các nạn nhân, một lư hương lớn được dựng lên để người dân đến thắp nhang, nhiều người đã bỏ tiền quyên góp cho các nạn nhân xấu số. Hàng chục tăng ni phật tử cũng có mặt để tụng kinh cầu nguyện cho các nạn nhân.

Nằm bên thi thể em rể xấu số vừa bị nạn trong đêm 17-5, bà Lê Thị Hương (Krông Pắk, Đắk Lắk) quỳ sụp tụng kinh, được một lúc thì ngất lịm và được người thân đưa ra ngoài chăm sóc. Ông Lê Văn Nội, em trai bà Hương, cho biết do có đám cưới của một người em nên ngày 15-5 em rể của ông là Nguyễn Văn Kỳ - thiếu tá quân đội, hiện đang công tác tại Tiền Giang - bắt xe lên Đắk Lắk ăn cưới. Anh chị em mấy năm mới gặp nhau chưa kịp mừng lại phải chia tay. Đêm 17-5, ông Kỳ, bà Hương và ông Nội cùng bắt xe xuống Tiền Giang chơi nhưng đến phút cuối, trước khi lên xe, chỉ mình ông Kỳ đi, còn ông Hương, ông Nội quyết định nán lại để đi chuyến xe sau, không ngờ đó là lần gặp nhau cuối cùng.

Lời kể của người sống sót

Đến chiều qua, nhiều nạn nhân sống sót trong vụ tai nạn trên cầu Sêrêpốk vẫn đang được tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Từ lúc tai nạn xảy ra, những người sống sót vẫn không tin mình có thể thoát chết. Phần lớn nạn nhân được đưa vào cấp cứu đều bị gãy tay, gãy chân hoặc chấn thương vùng đầu, mặt... Nhiều nạn nhân kể khi đang ngủ trên xe thì bỗng nghe một tiếng ầm và rơi xuống sông, theo bản năng họ chui qua cửa kính bị vỡ để bò ra ngoài.

Thoát chết một cách kỳ diệu, anh Trần Bá Tiến (huyện Sông Hinh, Phú Yên) cho biết: “Tôi đang thiu thiu ngủ chợt cảm thấy xe nghiêng đảo rất mạnh, vừa nhìn ra bên ngoài thì thấy xe rơi. Tôi ngất lịm, chỉ nghe nửa tỉnh nửa mê phía bên tai có người gọi “tát cạn nước nhanh đi”, tiếng búa đập vào xe, tiếng quát nạt rất lớn. Đầu tôi bị bẻ cụp, chân tay và nửa người bị đẩy kẹt vào đá, tôi cố ngoi mặt lên và vài phút sau đó được người ta kéo ra, lúc đó mới biết chắc mình đã sống” - anh Tiến kể lại.

Nạn nhân Phan Thị Thanh Lam (16 tuổi) được sơ cứu do tay phải bị gãy. Lam cho biết mình vừa học xong lớp 11 tại xã Krông Búk (Krông Pắk), xin ba mẹ đến TP.HCM thăm các anh chị. Lúc tai nạn xảy ra, Lam đang ngủ say nên không hề hay biết gì, mãi đến khi chiếc xe rơi xuống mép sông mới bò ra qua cửa kính bị vỡ. Theo lời nạn nhân Nguyễn Mạnh Tuấn (Krông Pắk, sinh viên năm cuối Trường CĐ Kinh tế đối ngoại), do ngồi phía sau nên không biết được rõ lắm về vụ tai nạn, chỉ biết chiếc xe gặp tai nạn khi tránh một chiếc xe khác trên cầu nhưng lạc tay lái và lật nhào xuống sông.

ThnrmQnH.jpgPhóng to
Ba người con của vợ chồng anh Ven Gia Lập và chị Hồ Thị Thủy bị tử nạn trong vụ xe khách rơi khỏi cầu Sêrêpốk - Ảnh: V.Kỳ

Những phận đời vắn số

Sáng 18-5, cả huyện M’Đrắk xôn xao bởi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra đêm 17-5 tại cầu Sêrêpốk. Từ thị trấn M’Đrắk đến các xã bao trùm không khí tang thương bởi tiếng khóc, tiếng cầu kinh và mùi nhang nghi ngút.

Gia đình anh Ven Gia Lập và chị Hồ Thị Thủy ở tít thôn 4, xã E Lai (huyện M’Đrắk). Hai anh chị lấy nhau được hơn 10 năm, sinh được ba cháu, cháu lớn 11 tuổi, cháu nhỏ mới 3 tuổi. Chít hai vòng khăn tang trên đầu, ba anh em Ven Gia Trung, Ven Thị Liên, Ven Thị Ngọc ôm nhau khóc cạnh quan tài bố mẹ. Nhìn ba anh em đứng tựa vào nhau cạnh hai quan tài bố mẹ, ông Ven A Long (cha ruột anh Lập) nói bằng giọng khàn đặc: “Vợ chồng nó làm vài sào rẫy sống hòa thuận đủ nuôi ba đứa con. Chẳng may vợ phát bệnh, đi bệnh viện phát hiện khối u ở gan. Thấy vợ đau quá, nó gom góp vay mượn ít tiền cùng vợ đi TP.HCM chữa bệnh. Ai ngờ cả vợ lẫn chồng đều... Thương vợ chồng nó chưa hết, rồi thương đến ba đứa con chúng nó. Không biết sau này anh em chúng nó phải sống thế nào đây...”.

Ở thôn 1, xã Krông Rin (huyện M’Đrắk) ai cũng thương tiếc cô Trầm Sứ Thanh Trà, sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM mới ra trường. Ông Trầm Văn Hưng, cha ruột của Trà, nghẹn ngào kể: “Nó học mới ra trường, vừa về nhà chơi với bố mẹ được nửa tháng thì đón xe vào lại TP.HCM học thêm chứng chỉ sư phạm. Bạn trai nó là Trần Quốc Hưng, đang học ĐH Dầu khí trong đó, cũng đi cùng chuyến xe. Tội nghiệp hai đứa...”. Ông Nguyễn Kim Tuấn, nhân viên bán vé của bến xe M’Đrắk, cho biết lúc đầu Trà đi xe khác, nhưng sau đó đổi chỗ ngồi cho một hành khách để đi xe Quyết Thắng cùng Hưng. “Đúng là định mệnh” - ông Tuấn trầm ngâm.

Đêm 17-5, bà Mai và chồng là Nguyễn Xiêm đi tới đi lui trong bệnh viện tìm con. Gặp băng ca nào đẩy các nạn nhân vào khoa cấp cứu, ông bà đều chạy đến ghé sát xem có phải con mình không. Rạng sáng 18-5, bà như ngã quỵ khi thấy con gái út ngoan hiền của mình nằm đó cùng với hơn 30 nạn nhân xấu số. Cho đến sáng 18-5, bà Trần Thị Thuận vẫn chưa tin vào cái chết của con trai và con dâu là ông Lê Công Bằng (41 tuổi, phụ xe) và bà Trần Thị Thanh Trúc (40 tuổi). Bà hết xoa nắn cánh tay, vuốt trán con trai, con dâu rồi tự hỏi sao không ai nhúc nhích gì. Ông Trần Văn Đông, anh trai của nạn nhân Bằng, cho biết cách đây không lâu, con gái của hai vợ chồng ông Bằng cũng bị chết vì tai nạn.

Ở khuôn viên khoa chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk), nhiều người liên tục ghé thăm cháu Nguyễn Thị Thủy Tiên (3 tuổi) bị gãy chân trái. Thủy Tiên là con anh Nguyễn Xuân Côi và chị Đinh Thị Thủy. Anh Côi chết tại chỗ, còn Thủy đang trong cơn hôn mê. Chị Đinh Thị Yến - bác ruột của chị Thủy Tiên - cho biết bố mẹ Thủy Tiên mới cưới nhau được ba năm, hiện cả gia đình sống ở huyện Phước Long (Bình Phước). Hai ngày trước, cả gia đình ríu rít bên nhau lên M’Đrắk dự đám cưới người thân, đến tối 17-5 thì bắt xe trở về. “Lúc 21g, tôi nhớ cháu quá nên gọi điện để nói chuyện với Thủy Tiên, thấy bố cháu bảo con gái đang ngủ say trong vòng tay bố, không ngờ chỉ một lúc sau đã xảy ra tai họa” - chị Yến nói.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên