11/05/2012 08:10 GMT+7

Có nhìn thấy nhà báo bị đánh

TruongUy
TruongUy

TT - Chiều 10-5, 16 ngày sau vụ hành hung nhà báo tại khu vực cưỡng chế đất ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), ông Trần Huy Ngạn - giám đốc và ông Bùi Ngọc Phi - phó giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên - đã đến làm việc với lãnh đạo và đại diện Ðảng ủy VOV.

Người trong cuộc lên tiếngVăn Giang: nỗi lo mưu sinh sau thu hồi đấtCưỡng chế thu hồi đất, tạm giữ 20 người

lA7xJXaI.jpgPhóng to
Cảnh nhà báo VOV bị đánh trong vụ cưỡng chế - Ảnh chụp từ video clip

Tại buổi làm việc, ông Ngạn cho biết để thực hiện buổi cưỡng chế, Công an tỉnh huy động tất cả lực lượng công an của các huyện thị, thành phố và xã. Nói với các phóng viên và lãnh đạo VOV, ông Ngạn mong các phóng viên và lãnh đạo đài "hết sức thông cảm".

Về đơn đề nghị do nhà báo Nguyễn Ngọc Năm phản ảnh, ông Ngạn cho biết tối 3-5 ông đã nhận được đơn của ông Năm và ngày 8-5 nhận được công văn của VOV nên đã chỉ đạo phó giám đốc làm rõ.

Quan điểm của ông Ngạn cho rằng dù các chiến sĩ làm nhiệm vụ, kể cả là sĩ quan công an hay lực lượng dân phòng, dân quân, dù có bức xúc, bực tức gì chăng nữa thì những hình ảnh trên video clip cũng là vi phạm pháp luật. Ông đang yêu cầu từng người, từng nhóm tham gia cưỡng chế hôm đó xem kỹ đoạn clip và tường trình sự việc.

Ông Ngạn khẳng định tại trụ sở Công an huyện Văn Giang, ông có nhìn thấy các nhà báo bị đánh sưng mặt khi ông đi chỉ đạo vụ cưỡng chế.

Về phía đại diện VOV, nhà báo Vũ Hải - phó tổng giám đốc - và phó bí thư thường trực đảng ủy Trần Ðăng Khoa khẳng định VOV cử hai nhà báo đến làm việc tại Văn Giang và họ chính là hai người bị hành hung, bắt giữ. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo đài yêu cầu nhà báo Ngọc Năm làm tường trình và lãnh đạo đài đã gửi công văn đến Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin - truyền thông, Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên và UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ.

Một lần nữa, lãnh đạo đài yêu cầu Công an tỉnh Hưng Yên điều tra, xử lý nghiêm khắc người ra lệnh và đánh các nhà báo để công bố trước công luận. Lãnh đạo VOV cũng cho biết đây mới là buổi làm việc bước đầu và việc hành hung hai nhà báo không còn là việc riêng của hai cá nhân nữa, bởi sự việc hết sức nhạy cảm và dư luận trong nước, quốc tế đặc biệt quan tâm. Tại buổi làm việc, nhà báo Ngọc Năm đề nghị giám đốc công an Trần Huy Ngạn xem lại đơn mà ông viết tay ngay trong ngày 24-4 và xem lại quy trình làm việc của cấp dưới với giám đốc.

Quan điểm của hai nhà báo bị hành hung vẫn giữ như đơn đề nghị trước, với tư cách là người bị hại đề nghị công an tỉnh làm thật rõ ai là người ra lệnh, ai đánh phóng viên và kỷ luật thật nghiêm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Trần Huy Ngạn cho biết chưa thể khẳng định thời gian dự kiến có kết quả.

* Ngày 10-5, bà Bùi Thị Keng - vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước - xác nhận thông tin đoàn công tác của vụ vừa có cuộc làm việc tại tỉnh Hưng Yên, nội dung làm việc liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất tại dự án khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang, trong đó có vụ hai nhà báo bị hành hung.

Cũng theo bà Keng, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa qua, đại diện lãnh đạo tỉnh Hưng Yên nói trong vụ việc ở Văn Giang không có chuyện hành hung dân chúng, rồi có video clip giả..., do vậy vụ về làm việc để xác định xem có đúng như báo cáo không, rồi kiểm tra vấn đề liên quan video clip bản gốc, do ai quay, liệu có dàn dựng hay không.

Về kết quả nắm tình hình, bà Keng cho biết dự kiến trong tuần sau hoặc trong thời gian sớm nhất có thể sẽ có cuộc gặp ba bên gồm chính quyền địa phương, công an và nhà báo để xem xét cụ thể, từ đó sẽ trả lời báo chí và báo cáo cấp trên. "Ở đây nếu ai có vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình" - bà Keng nói.

HOÀNG ĐIỆP - VÕ VĂN THÀNH

Phải tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp

Vụ cưỡng chế ở Văn Giang đang thu hút sự quan tâm của công luận. Ðặc biệt, đoạn video clip ghi cảnh hai phóng viên của VOV là trưởng phòng Nguyễn Ngọc Năm và phóng viên Hán Phi Long bị hàng chục người trong lực lượng cưỡng chế bất ngờ xúm vào đánh hội đồng bằng tay chân, dùi cui, gậy gộc... trong khi họ đang tác nghiệp, chẳng có hành vi gì quá khích, thậm chí đã la lên "Chúng tôi là nhà báo, chúng tôi ở Ðài Tiếng nói VN...".

Trả lời Tuổi Trẻ, chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh nói: "Phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng là nhà báo không, có thẻ hành nghề không, hay là khi bị đưa về cơ quan công an mới xưng là nhà báo?... Giữa chuyện nhà báo đang tác nghiệp mà bị đánh và người chống đối bị đánh có tính chất rất khác nhau"(!).

Thưa ông chánh văn phòng, người có lương tri ai cũng tâm niệm câu Kiều thịt da ai cũng là người.Bất ngờ và vô cớ bị đấm đá, vụt dùi cui, thọc gậy, đá song phi thúc mạng sườn... túi bụi, đâu cứ nhà báo mới cảm nhận đớn đau xác thịt, tủi nhục tinh thần?

Ðã đến lúc Nhà nước cần bổ khuyết quy định về cưỡng chế (với chế tài cụ thể), tránh tình trạng lạm dụng trái pháp luật bảng cấm quay phim chụp ảnh, tùy tiện cản trở báo chí tác nghiệp, trong đó đặc biệt là nội dung cơ quan tổ chức cưỡng chế phải tổ chức và tạo điều kiện tối đa để báo chí đưa tin khách quan, trung thực.

VÕ VĂN TẠO

TruongUy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên