Trong quá trình cưỡng chế có xảy ra xô xát, cơ quan công an đã khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ”, tạm giữ 20 người có hành vi chống đối.
Chiều cùng ngày, chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh khẳng định việc thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại xã Xuân Quan đã thành công và an toàn tuyệt đối, không có cán bộ chiến sĩ công an nào cũng như người dân bị thương.
Cuối chiều qua, rất nhiều hộ dân xã Xuân Quan vẫn chưa chịu rời hiện trường vụ cưỡng chế - nơi trước đây vốn là cánh đồng trồng ươm cây cảnh. Theo các hộ dân, có nhiều lý do khiến người dân chưa đồng thuận bàn giao đất, trong đó có lý do giá đất bồi thường cho các hộ dân quá thấp.
“Mức bồi thường ban đầu không phải 48 triệu đồng/sào ruộng như hiện nay, chỉ có 19 triệu đồng/sào, sau đó nâng lên 36 triệu, tức là giá bồi thường cứ nâng từ từ” - một hộ dân bị thu hồi đất nói.
Ngồi thất thần nhìn vườn cây cảnh 2,5 sào ruộng của gia đình vừa bị cưỡng chế, ông Đặng Văn Dư - thôn 1, xã Xuân Quan - nói: “Cả gia đình được giao 2,5 sào đất nông nghiệp. Số diện tích này được dành trồng ươm các loại cây cảnh trị giá khoảng 120-130 triệu đồng, nhưng giờ bị san ủi cả”. “Với mức giá bồi thường 48 triệu đồng/sào, chúng tôi không nhất trí” - ông Dư quả quyết.
Theo ông Bùi Huy Thanh, mức giá bồi thường 48,6 triệu đồng/sào là mức cao nhất được áp dụng trên địa bàn tỉnh tại thời điểm hiện tại.
“Phần bồi thường này phải theo giá quy định, ngoài ra chủ đầu tư cũng bỏ tiền thưởng tiến độ đối với các hộ dân chấp hành với mức 35.000 đồng/m2. Đây là dự án đã được Thủ tướng cho phép thực hiện. Năm 2004 Thủ tướng đã phê duyệt quyết định thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án. Thanh tra Chính phủ cũng đã về làm việc trong ba tháng, tuy nhiên lý do khiến các hộ dân chưa đồng thuận hiện nay không phải là giá bồi thường thấp mà là kiến nghị không thực hiện dự án, kiến nghị này không thể giải quyết được” - ông Thanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận