16/04/2012 03:11 GMT+7

Lắp đặt dải phân cách để giảm tai nạn?

BÁ SƠN thực hiện
BÁ SƠN thực hiện

TT - TP.HCM vừa duyệt chi hàng chục tỉ đồng để lắp đặt dải phân cách trên nhiều tuyến đường. Nhưng theo phản ảnh của người dân, một số đoạn đường từ khi lắp đặt dải phân cách lại gia tăng tình trạng kẹt xe.

Hoặc có trường hợp xe máy tông vào dải phân cách gây tai nạn.

qCYvu5T1.jpgPhóng to
Sở GTVT TP.HCM đã điều chỉnh biển báo đầu dải phân cách trên đường Võ Văn Kiệt cao hơn để người dân dễ quan sát - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trao đổi về vấn đề này, ông NGÔ HẢI ĐƯỜNG - phó phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP - cho biết:

- Dải phân cách được lắp đặt với mục tiêu giảm tai nạn giao thông gồm ba loại: phân làn ôtô và xe máy (lắp dải phân cách giữa hai làn xe), ngăn người đi bộ sang đường tùy tiện và hạn chế tình trạng đi lấn làn (lắp dải phân cách giữa tim đường). Hiện nay, Sở GTVT TP đang triển khai lắp đặt dải phân cách trên các tuyến đường trọng điểm thường xảy ra tai nạn giao thông với tổng chiều dài gần 40km, kinh phí khoảng 50 tỉ đồng và sẽ làm xong trước ngày 30-4. Trước đó, vào cuối năm 2011, quốc lộ 1 qua địa bàn TP dài khoảng 46km đã được lắp đặt 30km dải phân cách giữa làn ôtô và xe hai bánh.

Việc lắp đặt dải phân cách là hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông. Theo thống kê trong năm 2011, 23 tuyến quốc lộ, liên tỉnh lộ và các tuyến đường trọng điểm của TP.HCM tuy chỉ chiếm 5% tổng chiều dài nhưng lại có tới gần 40% số vụ tai nạn và số người chết trên địa bàn TP. Kể từ khi quốc lộ 1 được lắp dải phân cách, số vụ tai nạn giao thông giảm rõ rệt: trong quý 1-2012 trên quốc lộ 1 qua địa bàn TP chỉ xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông làm 15 người chết, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

* Nhưng các tuyến đường như Võ Văn Kiệt, Xô Viết Nghệ Tĩnh... từ khi lắp dải phân cách lại xảy ra tai nạn và ùn tắc nhiều hơn?

- Từ phản ảnh của người dân, chúng tôi đã đi khảo sát và có điều chỉnh kịp thời. Trên đường Võ Văn Kiệt, dù đã có biển báo tại đầu các dải phân cách nhưng nhiều người đi xe máy không chú ý nên đụng phải dải phân cách. Chúng tôi đã bổ sung một số cọc tiêu cảnh báo trên tuyến đường này. Với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, có thể do chưa quen nên nhiều người lúng túng trong việc điều chỉnh lộ trình của mình, mặt khác nhiều người đi ngược chiều cũng dẫn tới kẹt xe cục bộ trong giờ cao điểm buổi sáng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu mở một số đoạn của dải phân cách để tạo thêm lối rẽ và di dời vạch sơn sang đường cho người đi bộ tới vị trí phù hợp.

* Sở GTVT TP đã lắp đặt dải phân cách giữa làn ôtô và xe máy trên phần lớn chiều dài của quốc lộ 1 qua địa bàn TP, còn đoạn qua huyện Bình Chánh - nơi xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giữa ôtô và xe máy - lại không được lắp đặt?

- Đoạn quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh chỉ dài khoảng 8km nhưng trong quý 1 năm nay đã xảy ra tới bảy vụ tai nạn giao thông làm tám người chết. Tuy nhiên, do bề rộng đoạn đường này rất nhỏ nên không đủ để lắp đặt dải phân cách. Chúng tôi đã kẻ lại bề rộng làn ôtô và tăng bề rộng làn xe hai bánh thêm 0,75m, đồng thời cắm biển báo hạn chế tốc độ tối đa từ 50km/giờ xuống 40km/giờ.

Mặt khác, từ khi thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lưu lượng ôtô qua quốc lộ 1 (địa phận huyện Bình Chánh) tăng gần gấp đôi, đặc biệt là xe tải từ 10 tấn trở lên và xe container 20-40 feet tăng tới 3-5 lần làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Vừa qua, HĐND và UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho phép Sở GTVT TP nghiên cứu đầu tư mở rộng lòng đường, làm vỉa hè đoạn quốc lộ 1 này. Sau khi mở rộng đường mới có điều kiện lắp dải phân cách phân làn giao thông.

Đối với các tuyến đường đủ điều kiện lắp đặt dải phân cách và đã được duyệt kinh phí như đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, Cộng Hòa, quốc lộ 13, 22... Sở GTVT TP sẽ hoàn thành việc lắp đặt dải phân cách trong năm nay. Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát để đề xuất với UBND TP cho phép lắp đặt bổ sung các tuyến đường có đủ điều kiện và hay xảy ra tai nạn giao thông.

Các tuyến đường lắp đặt dải phân cách

Tuyến đường<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Ðịa điểm

Phương án lắp đặt

Võ Văn Kiệt (từ cầu Lò Gốm,Q.6 đến đường hầm sông Sài Gòn, Q.1)

Q.1, Q.5, Q.6

Lắp dải phân cách thép tách riêng dòng xe hai bánh và dòng ôtô (phía bờ sông), dài 8,5km

Nguyễn Tất Thành (từ cầu Khánh Hội đến cầu Tân Thuận)

Q.4

Lắp dải phân cách tim đường, dài 2,4km

Trường Chinh (từ ngã tư Bảy Hiền đến đường Cộng Hòa)

Q.Tân Bình

Lắp dải phân cách thép dài 2,7km

Cộng Hòa (từ đường Hoàng Hoa Thám đến vòng xoay Lăng Cha Cả)

Q.Tân Bình

Lắp dải phân cách dài 1,5km

Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ cầu Thị Nghè tới ngã tư Hàng Xanh)

Q.Bình Thạnh

Lắp dải phân cách bằng thép tại tim đường dài 1,02km

Quốc lộ 13

Q.Thủ Ðức

Lắp dải phân cách ngăn người đi bộ, dài 4,3km

Quốc lộ 22 (đoạn từ Lê Thị Hà đến Dương Công Khi)

H.Hóc Môn

Lắp hàng rào kết cấu thép tại dải phân cách giữa dài 4km

Quốc lộ 22 (đoạn từ Giồng Cát đến đường vào ấp Bến Ðò và đoạn từ đường vào xã Tân Thông Hội đến đường Nguyễn Giao)

H.Củ Chi

Lắp hàng rào kết cấu thép tại dải phân cách giữa dài 5,1km

Lê Thị Riêng

Q.12

Lắp đặt dải phân cách giữa bằng bêtông dài 3,1km

Nguyễn Văn Linh (từ nút giao khu A đến đường Huỳnh Tấn Phát)

Q.7

Lắp dải phân cách ngăn xe hai bánh với ôtô dài 2,2km (cả hai bên)

BÁ SƠN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên