23/03/2012 08:39 GMT+7

Buông lỏng kiểm soát chất tạo nạc

ĐỨC BÌNH thực hiện
ĐỨC BÌNH thực hiện

TT - Chiều 22-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Dương, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, thừa nhận Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm trước việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo.

TT - Chiều 22-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Dương, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, thừa nhận Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm trước việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo.

Liên quan đến việc xử lý diễn biến vụ việc này, ông Dương nói:

0auHopfp.jpgPhóng to
Cán bộ thú y tỉnh Đồng Nai lấy mẫu thịt tại một công ty ở TP Biên Hòa để xét nghiệm chất cấm - Ảnh: Ngô Thiên Phúc
JRnpbYS6.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Xuân Dương - Ảnh: Đức Bình

- Chiều 22-3, theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Y tế và các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT để tập trung bàn về chủ đề quan trọng này.

Dù chưa nhận được báo cáo bằng văn bản chính thức, nhưng ngay tại cuộc họp tôi nhận được thông tin cho biết sau gần một tuần phân tích lượng hàng gần 2,5 tấn chất tăng trưởng do quản lý thị trường Ðồng Nai phát hiện ngày 12-3 tại Công ty TNHH Nhân Lộc (huyện Vĩnh Cửu, Ðồng Nai), Trung tâm Ðo lường chất lượng 3 (Bộ Khoa học - công nghệ) đã có kết quả phân tích định lượng cho thấy số hàng này âm tính với các chất cấm.

Thật ra, kết quả phân tích định lượng mới là cơ sở để kết luận có chất cấm hay không. Còn kết quả lấy mẫu nước tiểu, thịt heo ở một số địa phương như Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ là kết quả phân tích định tính, khác xa với kết quả phân tích định lượng. Việc Chi cục Thú y TP.HCM lấy 11 mẫu nước tiểu, thịt heo phân tích, kết quả 43% mẫu nước tiểu và 26% mẫu thịt heo dương tính với chất cấm cũng chỉ là định tính và mang tính chất nghiên cứu ở phạm vi nhỏ. Vì thế chưa thể kết luận toàn bộ địa phương đó, vùng đó thịt heo có chất cấm.

Tôi cũng xin nhấn mạnh để kết luận thịt heo có chất cấm hay không cần phải phân tích định lượng, và việc phân tích chỉ được thực hiện tại các trung tâm, phòng thí nghiệm chuyên ngành mà Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế cho phép.

* Thưa ông, hiện trên thị trường vẫn dễ dàng phát hiện ngoài bao bì thức ăn chăn nuôi ghi rõ chất tăng trưởng, kích thích bung đùi, nở vai?

- Có quy định nào cấm người ta quảng cáo đâu. Bởi đâu chỉ có chất cấm (thuộc nhóm beta-agonist, như chất salbutamol, chlenbutarol và ractobamine), vẫn có những chất kích thích tăng trưởng hữu cơ được phép sử dụng trong chăn nuôi.

* Nhưng khó có thể nói trên thị trường không có các chất cấm thuộc nhóm beta-agonist?

- Chắc chắn là có nhưng theo tôi không nhiều như mọi người nghĩ là 43% hay 26% mà báo chí đã nêu khiến tâm lý người tiêu dùng lo sợ. Từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã cấm tiệt việc sử dụng các chất này. Tuy nhiên, bên y tế vẫn sử dụng các chất này trong chỉ định điều trị bệnh. Vì thế việc quản lý, kiểm soát các chất này phải nghiêm ngặt, chặt chẽ. Và đó cũng là một trong những nội dung chúng tôi vừa bàn tại cuộc họp chiều nay (22-3) để thống nhất việc phối hợp giám sát chất cấm trong chăn nuôi.

* Theo ông, vai trò, trách nhiệm của Cục Chăn nuôi, của Bộ NN&PTNT như thế nào khi để xảy ra tình trạng thịt heo có chất cấm?

- Ðương nhiên Bộ NN&PTNT có trách nhiệm trong việc này vì quản lý chăn nuôi là Bộ NN&PTNT. Nhưng không riêng Bộ NN&PTNT, theo tôi, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công thương và cả chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc chất cấm trôi nổi trên thị trường rồi len lỏi vào chăn nuôi. Chất cấm vào chăn nuôi không thể bằng con đường chính thức, vì Bộ NN&PTNT đã cấm từ năm 2002.

Qua kiểm tra, giám sát, chúng tôi không phát hiện các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa các chất này vào. Mà các đối tượng chỉ lén lút, buôn bán dạng gói nhỏ lẻ để người chăn nuôi pha trực tiếp vào thức ăn cho heo. Vậy tại sao lại có chất này trên thị trường? Nếu nhập chính ngạch thì ngành y tế quản lý. Nếu chất cấm được đưa vào bằng đường tiểu ngạch thì ngành nông nghiệp cũng không thể kiểm soát hết được, mà phải có sự tham gia của công an, hải quan, quản lý thị trường.

* Hướng xử lý sắp tới của Bộ NN&PTNT trong việc quản lý những chất cấm, gây hại cho sức khỏe, thưa ông?

- Không chỉ khi có vụ việc chúng tôi mới yêu cầu các địa phương chỉ đạo những đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát. Tôi cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi cũng như người kinh doanh biết được tác hại của các chất cấm. Ðồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu phân tích ngay tại các trang trại, tại các máng ăn của heo chứ không chỉ kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Theo tôi, các địa phương nên hướng dẫn người chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ cần phải có cam kết không sử dụng chất cấm. Chúng tôi cũng thay đổi phương thức giám sát khi tới tận trang trại, lấy mẫu ngay tại máng ăn, máng uống của gia súc để phân tích.

* Vậy khi nào Bộ NN&PTNT sẽ kiểm tra, giám sát xong để có kết quả công bố cho toàn dân?

- Chính phủ yêu cầu trong tháng 3 Bộ NN&PTNT phải kiểm tra, lấy mẫu phân tích để có kết quả công bố. Hiện các đoàn công tác của bộ cũng như các địa phương đang khẩn trương kiểm tra, lấy mẫu nên chắc phải tuần đầu tháng 4 chúng tôi mới tổng hợp kết quả, công bố. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là công bố rõ nơi nào có, nơi nào không có chất cấm để người dân yên tâm.

ĐỨC BÌNH thực hiện

Sẽ sớm công bố trước nhân dân

Sáng qua 22-3, tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có gần hai giờ liên tục đối thoại trực tuyến với người dân cả nước. Hơn 30 câu hỏi trong số rất nhiều thắc mắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của người dân về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được người đứng đầu ngành nông nghiệp cùng các cộng sự giải đáp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời một số câu hỏi về chất tạo nạc cho heo, một loại chất độc hại, bị cấm trong chăn nuôi. Trong đó bộ trưởng khẳng định bộ này đang cùng với địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trên phạm vi toàn quốc. “Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt với các địa phương, làm rõ tình hình, công bố để nhân dân biết rõ việc vi phạm này xảy ra ở khu vực nào, tại trại chăn nuôi nào để nhân dân biết và tránh” - ông Phát nhấn mạnh.

Cảnh giác với chất tạo nạc

Theo các nhà khoa học, chất tạo nạc thường là hoocmôn kích thích tăng trưởng họ beta-agonist (salbutamol, chlebutarol), phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chất này đã bị Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới cấm sử dụng, ngay cả VN đã cấm sử dụng trong chăn nuôi 10 năm nay. Các loại chất tạo nạc này tồn dư trong thịt heo sẽ chuyển sang cơ thể người sử dụng và ảnh hưởng nhiều cơ quan khác nhau như gan, não... Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ.

Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết không nên chọn thịt quá nhiều nạc, màu quá đỏ vì rất dễ là thịt heo có chứa chất tạo nạc. Hơn nữa, người tiêu dùng không nên có quan niệm thịt nhiều nạc, thịt đỏ tươi mới là thịt ngon, cũng như gà da thật vàng, trứng có lòng đỏ tươi là tốt. Bởi chính những tâm lý này nên một số người chăn nuôi hay thương lái mới tìm cách trộn các chất tạo màu vào thức ăn. Ngay cả với những chất màu được phép sử dụng thì giá trị dinh dưỡng của quả trứng, con gà màu đẹp hơn cũng không cao hơn, chỉ có giá cao hơn vì phải tốn tiền mua thêm chất tạo màu.

__________

Phát hiện 7 mẫu heo dương tính với chất cấm

Ngày 22-3, Chi cục Thú y TP.HCM đã thông báo cho tỉnh Tiền Giang biết có bảy mẫu xét nghiệm dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta-agonist. Các mẫu (nước tiểu của heo) này được lấy ngẫu nhiên trên một số lô heo sống từ Tiền Giang vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ thời gian gần đây.

tburPPut.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Văn Don (phải, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) khẳng định không sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi - Ảnh: Thành Bắc

Ngay trong ngày 22-3, Công an Tiền Giang, Thanh tra Sở NN&PTNT và Chi cục Thú y đã đến các trại chăn nuôi có heo dương tính với chất cấm và các trại chăn nuôi khác lấy mẫu xét nghiệm.

Trong bảy mẫu dương tính với chất cấm, tại huyện Chợ Gạo có bốn cơ sở chăn nuôi bị phát hiện. Trong đó hộ của ông Nguyễn Thế Tài ở xã Tân Thuận Bình có hai lô dính chất cấm. Ngoài ra còn ba hộ gồm ông Hồ Thanh Hiền ở xã An Thạnh Thủy, ông Ngô Văn Kiệt ở xã Long Bình Điền và ông Nguyễn Văn Don ở xã Xuân Đông. Huyện Gò Công Đông có một hộ là Nguyễn Văn Giàu ở xã Kiểng Phước. Huyện Tân Phước có một hộ là ông Trần Huỳnh Trang ở xã Thạnh Mỹ. Các hộ này thường xuyên nuôi từ vài chục đến vài trăm con heo.

Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện cơ sở chăn nuôi của ông Hồ Thanh Hiền cho biết đã mua thức ăn của Trung Quốc về tự trộn với thức ăn trong nước cho heo ăn. Qua kiểm tra, ngành thú y đánh giá có khả năng cơ sở này trộn chất cấm vào thức ăn cho heo ăn nhằm tăng trọng và nở vai để bán được giá cao. Còn ông Nguyễn Thế Tài cho biết có người tên Nghĩa ở xã Tân Lý Tây (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đến tiếp thị tự trộn thức ăn rồi giao tận nơi cho ông. Thức ăn này không có nhãn hiệu.

Ông Ngô Văn Kiệt khai báo với cơ quan chức năng ông sử dụng thức ăn hiệu Master và trộn với men kích thích tạo nạc. Men này mua ở đại lý thức ăn chăn nuôi Q tại thị trấn Chợ Gạo. Còn ông Nguyễn Văn Don khẳng định chỉ sử dụng thức ăn Master chứ không trộn chất tạo nạc. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy 3/3 mẫu heo của ông nhiễm chất cấm.

Trao đổi với phóng viên, một số hộ chăn nuôi trong số này cho rằng họ không biết chất trộn cho heo ăn là chất cấm nên mới mua về sử dụng.

THÀNH BẮC

Bộ này cấm, bộ kia cho

Tại cuộc họp giữa các sở ngành tỉnh Đồng Nai sáng 22-3, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết trong quý 1-2012, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 51 mẫu dương tính (20 lô heo) trên 113 mẫu (bằng phương pháp định tính Elisa) của đợt kiểm tra tồn dư chất cấm trong nước tiểu heo có nguồn gốc từ Đồng Nai.

Nhiều ý kiến cho rằng một trong những lý do khiến chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn lưu hành trên thị trường là sự không thống nhất giữa hai bộ. Cụ thể, chất mà Bộ NN&PTNT cấm thì Bộ Y tế lại cho phép để chữa bệnh cho người khiến công tác quản lý hiện nay gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ông Huỳnh Cao Hải, phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, đề nghị: “Việc quản lý lưu hành chất cấm trong chăn nuôi cần phải có sự đồng thuận, quy định chung của hai bộ NN&PTNT và Y tế, vì nhiều người lợi dụng sự cho phép lưu hành của Bộ Y tế lại đưa vào chăn nuôi để kiếm lợi nhuận”.

Trung tá Phan Trọng Lộc, phó trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đồng Nai, cho hay hiện một số chất cấm trong ngành thú y lại không thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu trữ nên rất khó có thể xử lý hình sự.

ĐỨC BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên