02/02/2012 07:40 GMT+7

Sáng dễ đi, chiều khó về

Thầy Phạm Văn Hoan (phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội)
Thầy Phạm Văn Hoan (phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội)

TT - Sáng 1-2, nhiều tuyến đường ở Hà Nội có thông thoáng hơn trong ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh. Nhưng vào giờ tan tầm buổi chiều thì hàng loạt tuyến đường lại ùn tắc như những ngày trước đó.

Xáo trộn do tan học lúc trời tối mịtNgày đầu đổi giờ, học sinh Hà Nội lúng túngHà Nội vẫn tắc đường

fQePYJT5.jpgPhóng to

Ùn tắc giao thông tại đường Sơn Tây, Hà Nội (ảnh chụp lúc 18g ngày 1-2) - Ảnh: VIỆT DŨNG

Thư thái vì đường thoáng trong buổi sáng, đến chiều anh Nguyễn Anh Minh phải toát mồ hôi khi chen lấn trên tuyến đường Tôn Đức Thắng - Tây Sơn để đi đón con. Những ngày trước anh phải đón con gái học lớp 2 từ 16g, rồi thảnh thơi đi đón con trai học mẫu giáo lúc 16g30.

Do đổi giờ học nên hôm qua phải đón con trai từ 17g và đón con gái lúc 17g10. “Đường chật, phụ huynh để xe kín đường, học sinh túa ra chen lấn, thằng cu con ngã sóng soài. Do đón con giờ gần nhau nên ai cũng vội thành ra chen lấn, ùn tắc. Dù hai trường cách nhau hơn 200m nhưng tan trường gần như cùng lúc nên càng bức bối trong khi tắc đường” - anh Minh cho biết.

Tắc vẫn hoàn tắc

"Đội ngũ giáo viên Hà Nội cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn từ việc đổi giờ học. Có người thuê xe ôm, có người phải chạy đi đón con học trường mầm non, tiểu học rồi quay lại trường để tiếp tục giờ dạy cuối. Ngày đầu tiên thì tạm thời thu xếp được, nhưng về lâu dài có thể những khó khăn đối với giáo viên và nhà trường mới bộc lộ rõ hơn"

Như thường lệ, từ 16g30 đến 17g nhiều tuyến đường bắt đầu ùn ứ khi mật độ giao thông tăng lên. Đường Thụy Khuê ùn tắc kéo dài từ đầu hồ Tây phía đường Thanh Niên đến điểm giao với đường Văn Cao kéo dài.

Hiệu ứng tắc đường khiến các tuyến đường Thanh Niên, Quán Thánh cũng ùn ứ ở khu vực ngã tư Quán Thánh - Thanh Niên. Tình trạng giao thông đông đúc trên các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn (song song với đường Thụy Khuê) khiến đường Lê Hồng Phong ùn ứ, xe máy tràn lên vỉa hè.

Tình trạng ùn tắc tăng dần theo các làn đường từ trung tâm Tp về phía nam trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn. Tại ngã tư Ô Chợ Dừa, đến 18g hàng đoàn phương tiện từ các hướng vẫn kéo dài và phải chờ 4-5 lần đèn đỏ mới đi qua được.

Tương tự, ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà cũng ùn tắc khi xe cộ từ đường Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc đổ về trong khi ngã tư này đang bị chắn một phần đường để thi công cầu vượt. Đến 18g30, các tuyến đường trở nên thông thoáng hơn khi xe cộ giảm dần.

Lúc 19g, trước cổng Trường THPT Kim Liên đông chật phụ huynh chờ đón con. Nhiều phụ huynh cho biết do đổi giờ học nên không thể yên tâm cho con đi xe đạp. Còn những người bán hàng ngoài cổng trường nói trừ những mùa thi ra, chưa bao giờ cổng trường này nhiều phụ huynh tập trung đến thế.

Ông Nguyễn Thiết Sơn, hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, đích thân ra cổng trường đề nghị phụ huynh mở lối cho học sinh ra về.

Anh Hưng, một cán bộ làm việc trong ngành xây dựng, cho biết: “Tôi tan làm vào 17g và phải chờ hai tiếng để đón con. Bữa ăn gia đình phải lùi đến 20g vì nhà tôi cách trường khoảng chục kilômet”. Theo một nhóm học sinh lớp 10, do tan học muộn nên các em không ăn tối ở nhà mà ăn ngay ngoài cổng trường để đi học thêm.

Một em học lớp 10A8 kể: “Lớp học thêm toán đã lùi từ 18g sang 19g30. Vì thế, em chỉ còn 30 phút để ăn tạm gì đó rồi đi học ngay”.

HorxtyoM.jpgPhóng to
Ùn tắc kéo dài trên phố Tây Sơn, Hà Nội (ảnh chụp lúc 18g ngày 1-2) - Ảnh: QUANG THẾ

Trường học chạy theo đổi giờ

Cấm xe máy đi trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ

Cũng trong sáng 1-2, Hà Nội đã thực hiện việc cấm xe máy, xe thô sơ đi trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo đó, các phương tiện này phải đi theo quốc lộ 1 cũ từ Văn Điển - Thường Tín về phía Phủ Lý (Hà Nam). Tuy nhiên, dù có biển hướng dẫn từ đường Giải Phóng về việc cấm xe nhưng vẫn có nhiều người điều khiển xe máy ra đường Pháp Vân khiến tổ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ở khu vực này liên tục yêu cầu người đi xe máy quay lại đi theo quốc lộ 1 cũ.

Trong ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ học, nhiều trường cho biết số học sinh đi muộn tăng hơn. Thầy Phạm Trung Dũng, hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, nói: “Sáng 1-2, có nhiều học sinh đến muộn hơn bình thường, chủ yếu do chưa quen với giờ học mới. Những em đến muộn đều đi xe đạp”. Còn thầy Phạm Văn Hoan, phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, cho biết số học sinh đi học muộn nhiều hơn bình thường khoảng 20 em.

Tiết học đầu tiên của một số trường phải bắt đầu bài giảng muộn hơn để học sinh ổn định do đi học muộn.

Để thích hợp với việc đổi giờ học nhưng vẫn đảm bảo học sinh chỉ phải học trong một buổi sáng hoặc chiều, Trường THPT Kim Liên phải sắp xếp thời khóa biểu có buổi đến sáu tiết. Tại Trường Lomonoxop, thầy Lê Tiến Dũng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết ngoài việc phải bố trí lại thời khóa biểu, về lâu dài nhà trường phải điều chỉnh cả giờ ăn bán trú, tuyến ôtô đưa đón và như vậy phải điều chỉnh hợp đồng với các đối tác.

Chiều 1-2, Trường Yên Hòa phải cấp tốc mua máy phát điện và lắp đặt hệ thống chiếu sáng khu vực nhà xe. Lâu nay học sinh tan học sớm, nhà xe không cần đến hệ thống chiếu sáng nhưng nay học sinh tan học lúc 19g, không có điện sẽ ảnh hưởng đến việc học sinh lấy xe. Cô Thúy Anh, Trường Yên Hòa, nói máy phát điện không thể cung cấp điện cho các phòng học. Khi tiết học cuối được điều chỉnh quá trễ như hiện nay, nếu mất điện thì đành phải bỏ giờ. Trường đang có phương án dự phòng để học sinh học bù.

Ở Trường THPT Trần Hưng Đạo, theo thầy Đặng Việt Hà - phó hiệu trưởng, trường phải tăng cường lực lượng bảo vệ để giữ an ninh trật tự trước cổng trường. Thực tế cho thấy số phụ huynh đón con bằng ôtô, xe máy có tăng do phụ huynh không yên tâm để con đi học bằng xe đạp vào buổi tối.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, khoảng 510.000 học sinh Hà Nội thuộc 900 trường học phải thực hiện quy định mới về giờ học, chiếm 30% tổng số học sinh toàn thành phố. Có 90.000 học sinh bậc THPT phải học theo giờ mới, 50% trong số này (khoảng 35.000 học sinh) học ca chiều sẽ phải tan học vào 19g.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khó khăn lớn nhất về phía học sinh và các nhà trường là thời gian giữa giờ tan học ca sáng và giờ học tiết đầu tiên ca chiều quá ngắn (khoảng 15-20 phút) nên có thể xảy ra ùn tắc giao thông trước các cổng trường. Giờ nghỉ trưa của giáo viên dạy hai ca bị thu hẹp, ảnh hưởng đến sức khỏe. Học sinh THPT phải tan học quá trễ nên bữa ăn tối của các em sẽ bị muộn.

Ở các trường mầm non, tiểu học, do giờ học của học sinh và giờ làm của bố mẹ lệch nhau nên các trường phải bố trí lực lượng quản lý học sinh, phát sinh kinh phí trả lương làm ngoài giờ cho lực lượng này.

Căngtin trường “cháy” mì tôm

18g chiều qua, học sinh khối 10 Trường THPT Kim Liên được thầy cô giáo cho nghỉ giải lao 15 phút để ăn bữa phụ. Em Hồng, một học sinh, cho biết căngtin của trường phục vụ muộn nhưng “cháy” mì tôm vì quá nhiều bạn có nhu cầu ăn. Nhiều học sinh không kiếm được đồ ăn trong căngtin đã phải ra ngoài cổng trường mua bất cứ thứ gì để chống đói. Tiết học cuối cùng, các lớp học phải bật tất cả bóng đèn để đủ ánh sáng. Nhưng do bị quá tải, nhiều phòng học bị cúp điện liên tục khiến thầy trò gián đoạn giờ học.

Tại Trường THPT Yên Hòa, em Hòa, một học sinh lớp 10, cho biết: “Bữa ăn tối của nhà em giờ chia làm ba ca. 18g30 ông bà nội ăn trước, rồi đến bố mẹ. Em phải ăn sau cùng vì về tới nhà khoảng 19g45”. Bà Tuyết, đại diện phụ huynh lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn, nói: “Trong buổi đầu tiên thực hiện đổi giờ học, nhiều phụ huynh phải chuẩn bị bánh ngọt, sữa cho con mang theo đến trường để ăn bữa đệm khi phải tan học quá trễ”.

Chưa đánh giá hiệu quả

Đánh giá về ngày đầu tiên thực hiện thay đổi giờ làm việc, giờ học, giờ kinh doanh tại Hà Nội, đại tá Nguyễn Duy Ngọc - trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Hà Nội - cho biết ngày 1-2, lượng người tham gia giao thông chưa nhiều nên chưa phản ánh được tình trạng giao thông khi đổi giờ.

Theo ông Ngọc, sinh viên nhiều trường đại học chưa đến trường, số lượng người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa đến Hà Nội. Bên cạnh đó, những ngày đầu xuân, các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố đến Hà Nội công tác chưa nhiều.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết sau khi trực tiếp đi kiểm tra, thị sát tại các điểm “nóng” về số lượng phương tiện tham gia giao thông, hai ngành giao thông và công an đã hội ý nhanh để cập nhật những bất cập phát sinh.

“Hôm nay mới là ngày đầu tiên nên cơ quan chức năng chưa thể đánh giá hiệu quả hay chưa hiệu quả. Vấn đề lưu thông trên đường tốt hơn hay xấu đi thì cứ để người dân đánh giá. Quan điểm của thành phố đã là chủ trương thì rất mong muốn người dân và các đơn vị đồng thuận ủng hộ. Nếu quá trình thực hiện có phát sinh bất cập thì sẽ sửa và điều chỉnh, mục tiêu là giảm số lượng phương tiện nhưng cũng không gây xáo trộn quá cho người dân” - ông Hùng nói.

Thầy Phạm Văn Hoan (phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên