* Ngân hàng Nhà nước nhận trách nhiệm về lạm phát
Tại buổi giao lưu của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có hơn 300 câu hỏi gửi tới. Sự quan tâm của người dân tập trung vào đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, chống ùn tắc giao thông, chất lượng công trình và cả vấn đề Bộ trưởng Thăng đi đôn đốc thay thứ trưởng, hành động quyết liệt có sợ mất chức không...
Phóng to |
Đã tính toán kỹ đề án thu phí
* Tại sao lại thu phí lưu thông theo cách cào bằng đầu xe mà không căn cứ vào lưu thông thực tế? Có phải do năng lực tổ chức yếu kém, điều kiện kỹ thuật không kiểm soát được thu phí hay do thói quen chủ quan duy ý chí, đơn giản hóa trước những vấn đề nhạy cảm của xã hội?
- Chúng tôi có những tính toán kỹ về đề án này và không có cào bằng. Tính toán trên cơ sở thực tiễn tình hình GTVT nước ta hiện nay cũng như tình hình thu nhập của các tầng lớp người dân, nhu cầu đi lại và kinh nghiệm các nước trên thế giới... Với xe máy, chúng tôi phân mức phí lưu hành thành hai loại. Xe dưới 175 phân khối dùng cho người đi lại, làm ăn bình thường thì mức thu 500.000 đồng/năm. Chia ra mỗi tháng chưa đến 50.000 đồng. Chúng tôi nghĩ mức này phù hợp cho những người sử dụng xe máy. Xe trên 175 phân khối chúng tôi thu 1 triệu đồng/năm cũng là phù hợp. Với ôtô phân theo các mức phân khối khác nhau, dưới 2.000 phân khối thu 20 triệu đồng thì một tháng chưa đến 2 triệu đồng cũng là phù hợp với người sử dụng phương tiện hằng ngày, mức trên 2.000 và 3.000 phân khối thu cao hơn.
* Trong cuộc chiến chống ùn tắc giao thông, Bộ GTVT có công cụ nào khi thẩm quyền quyết định giờ làm, phân luồng phân làn thuộc về chính quyền các TP lớn, thẩm quyền xử phạt thuộc về Bộ Công an?
- Chúng ta phải xác định việc chống ùn tắc giao thông tại TP là trách nhiệm của UBND các TP, Bộ GTVT chỉ phối hợp. Nghị quyết 01 triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2012, Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ ngành khác thực hiện mục tiêu giảm thiểu, kiềm chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên với chức năng quản lý nhà nước, chúng tôi không phải trực tiếp đi phạt, đi thu tiền thì mới thực hiện được nhiệm vụ quản lý. Ngành GTVT quản lý về thể chế, chính sách, pháp luật về GTVT, quản lý bằng công cụ kiểm tra, giám sát. Tôi nói thế không phải là “đá bóng”. Ngành GTVT xác định quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thì phải có trách nhiệm.
* Tình trạng tắc đường ở hai TP lớn Hà Nội và TP.HCM dường như khó khắc phục và chắc chắn không ít đô thị khác cũng đang đứng trước nguy cơ. Lường trước điều đó, bộ trưởng sẽ chỉ đạo gì với các đô thị khác?
- Về ùn tắc giao thông, từ năm 2002 Chính phủ đã có nghị quyết về các giải pháp cấp bách để thực hiện giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Năm 2003, Ban Bí thư có chỉ thị cũng để giải quyết vấn đề này. Từ đó đến nay, liên tục có các giải pháp, nghị quyết của Chính phủ để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta nói, bàn nhiều quá mà thực hiện chưa nhiều. Bây giờ toàn dân phải hành động, ngành giao thông phải hành động. Hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo, trong Luật giao thông đường bộ đã có quy định cụ thể. Bộ GTVT đang cùng các bộ ngành khác thực hiện những giải pháp đó.
* Có ý kiến cho rằng khi trực tiếp “trảm tướng” ở một số dự án, bộ trưởng bất đắc dĩ phải đi đôn đốc, làm thay việc của thứ trưởng, thậm chí cục trưởng. Phải chăng công tác điều hành quản lý dự án ở Bộ GTVT đang có vấn đề?
- Đây là câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ đã là người đứng đầu một ngành, không chỉ ngành giao thông, khi đi kiểm tra công việc cụ thể phải có các ý kiến chỉ đạo, giúp đỡ, thậm chí có biện pháp xử lý tình thế để công việc tốt hơn, chứ không phải chỉ khi có vấn đề thì bộ trưởng mới trực tiếp “ra tay” hay làm đốc công. Có người nói việc của bộ trưởng là chính khách, phải làm chính trị, phải làm việc lớn chứ sao lại làm thay việc đó? Tôi cho rằng bộ trưởng phải làm cả việc lớn, cả việc nhỏ. Ví dụ, tôi đến nhà anh chơi, thấy anh đang quét nhà, không lẽ tôi bảo vợ ông này hỏng, bắt chồng làm việc đó vì chẳng nhẽ anh không thể giúp vợ rửa bát hay quét nhà. Cho nên bộ trưởng phải làm được cả việc lớn, cả việc nhỏ, miễn là việc đó có lợi cho tập thể, cho đơn vị, cho đất nước.
* Ông nghĩ sao về chuyện sân bay Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng đã dột? Một mình bộ trưởng không thể đi hết các công trình từ nhỏ đến lớn để đốc thúc, kiểm tra. Bộ trưởng có kế hoạch thế nào đối với những công trình nhỏ và vừa nhưng chậm tiến độ?
- Nhà ga hàng không Đà Nẵng đã chậm tiến độ hai năm, nên không thể nói là kịp tiến độ mà chất lượng kém. Báo chí phản ánh công trình dột sau khi khánh thành, chúng tôi đã kiểm tra và thấy công trình sử dụng thiết kế của nước ngoài, sảnh đón khách đến hơi hẹp, không phù hợp với tâm lý, tình cảm của người VN là thường đi đón rất đông. Sau khi phát hiện điều này, chủ đầu tư đã điều chỉnh theo hướng cải tạo một sảnh trước kia vốn để dùng đặt chậu hoa, không có mái thành nơi đón khách. Một là do thời gian gấp, hai nữa là phải ghép phần mái mới với phần mái cũ nên có hiện tượng dột. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục và theo báo cáo của chủ đầu tư, tới ngày 15-1 sẽ hoàn thành.
Hiện nay, tiến độ các công trình GTVT đúng là vấn đề nhức nhối. Để khắc phục, chúng tôi phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, quản lý về tiến độ, chất lượng, tăng cường vai trò kiểm tra giám sát, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho chủ đầu tư. Nếu công trình kém, tiến độ chậm thì chủ đầu tư, các chủ thể tham gia như ban quản lý, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm... Với những giải pháp như vậy, các vấn đề tồn tại sẽ dần được xử lý. Một mình tôi không thể đi hết được, trong khi những vấn đề thì quá nhiều và quá rộng. Hơn nữa, mỗi quyết định của người đứng đầu đều có hiệu ứng lan tỏa, quyết chỗ này thì chỗ khác cũng phải lo, “quyết một chỗ nhưng rung toàn bộ”.
Không ngại mất chức
* Bộ trưởng có sợ mất chức không khi đưa ra những giải pháp quyết liệt như vậy?
- Sau năm tháng làm bộ trưởng, tôi rất mừng là các giải pháp đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, của xã hội và đặc biệt là sự quyết liệt, đoàn kết nhất trí của cán bộ, công nhân viên chức ngành GTVT. Tôi cũng xin nói lại là các giải pháp này đã được đặt ra từ 10 năm nay nhưng không ai làm và tôi chưa có sáng kiến gì cả.
Về việc sợ có mất chức không, tôi xin kể câu chuyện vừa rồi chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường có chuyển cho tôi bức thư ngỏ của một nông dân gửi bộ trưởng Bộ GTVT viết: “Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi ủng hộ các biện pháp quyết liệt vừa rồi của ông, mong ông tiếp tục duy trì. Nếu vì lý do gì đó Quốc hội có phế truất, không cho ông làm bộ trưởng nữa thì ông hãy về với chúng tôi, chúng tôi sẽ bầu ông làm trưởng thôn. Hằng ngày, chúng tôi sẽ mời ông các món ăn dân dã nhưng rất ngon như tôm, cua, cá, ốc, ếch, chiều chiều chúng tôi sẽ mời ông đi thả diều, cũng vui lắm, không nhất thiết phải làm việc nọ hay việc kia”.
Tôi hết sức thanh thản.
* Nhưng có lẽ bộ trưởng cũng không muốn về quê khi còn quá trẻ như vậy? (người dẫn chương trình)
- Vấn đề ở chỗ không phải là muốn hay không muốn mà mình làm ở vị trí nào cũng phải là quyết liệt, làm hết mình để đóng góp cho cái chung, cho tập thể.
TUẤN PHÙNG lược ghi
Phóng to |
Thống đốc Nguyễn Văn Bình - Ảnh: Lê Thanh |
Ngân hàng Nhà nước nhận trách nhiệm về lạm phát
* Có thông tin các NH vay vốn trên thị trường liên NH rất khó khăn? - Đây là thông tin không chính xác, chỉ là tin đồn. Hiện tới 90% NH trong hệ thống cho vay bình thường, chỉ khoảng 10% các tổ chức tín dụng đang có những khó khăn về tài chính, khó vay trên thị trường liên NH. Tình hình này đòi hỏi NH Nhà nước phải xử lý các tổ chức không lành mạnh đó để trả lại sự lành mạnh cho thị trường. |
* Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2012, Thủ tướng có nhấn mạnh trong điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều điều đáng rút kinh nghiệm. Có những khó khăn do chính chúng ta gây ra. Vậy những khó khăn do chúng ta gây ra là gì?
- Trước hết, phải thấy rằng khi ban hành chính sách gì phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, để giải quyết các vấn đề cụ thể trước mắt hoặc dài hạn. Muốn vậy NH Nhà nước phải có các công cụ, biện pháp thích hợp mà chúng tôi thường sử dụng là điều tiết lượng tiền trong lưu thông. Nếu cung tiền ít thì thiếu thanh khoản, nếu nhiều thì dẫn tới lạm phát.
Thời gian qua, đôi khi chúng tôi chưa làm tốt công tác đó. Cho nên chúng ta thấy có một số bất ổn về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát. Dù lạm phát do nhiều nguyên nhân nhưng phải nói rằng có nguyên nhân do chính sách tiền tệ. Đó là những yếu kém mà chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện để làm sao nâng cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ, không những theo thông lệ quốc tế mà còn thể hiện trình độ hay là nghệ thuật, phù hợp với nền kinh tế VN.
* Đến khi nào giảm được lãi suất cho vay?
- Việc giảm lãi suất là nhu cầu thiết thực, chính đáng đối với người sản xuất. Nhưng có giảm được lãi suất hay không còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện. Thứ nhất, từ tháng 8 trở lại đây chỉ số giá tiêu dùng của tháng sau có xu hướng giảm so với tháng trước nhưng vẫn tăng, ít nhất 0,3%. Song đây mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống NH đang là vấn đề hết sức quan trọng và nhức nhối. Trong bối cảnh đó, chưa có điều kiện giảm ngay lãi suất trong giai đoạn hiện nay. Việc thắt chặt tín dụng cũng khiến doanh nghiệp tiếp cận khó khăn với nguồn vốn NH. Đó là chia sẻ của các doanh nghiệp với đất nước trong lúc kinh tế khó khăn này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhìn lại mỗi khi thiếu tiền lại kêu NH. Theo đánh giá của chúng tôi và thực tiễn, nếu có tình hình tài chính lành mạnh thì lãi suất lên đến 25%/năm doanh nghiệp cũng không gặp vấn đề gì. Thử làm một phép tính, doanh nghiệp có 2/3 vốn, còn 1/3 vay lại từ NH. Với lãi suất 25%/năm, một năm doanh nghiệp bình thường cũng quay vòng được vốn 3-4 lần. Với lợi nhuận của mỗi vòng quay nhân với 3-4 lần, doanh nghiệp thừa sức trả được lãi suất NH, không những duy trì mà còn phát triển được sản xuất.
Trên thế giới, để tiến hành sản xuất, ít nhất ông chủ phải có 1 trên 3 đồng vốn. Đồng vốn thứ 2 có thể kêu gọi bạn bè, còn 1 đồng đi vay vốn NH. Tuy nhiên, ở VN có tới 90% vốn của doanh nghiệp từ NH. Đó là điều không lành mạnh. Trong khi đó, nguồn vốn NH chỉ là vốn lưu động. Nói cách khác, NH chỉ cho vay vốn lưu động, còn vốn đầu tư phải là vốn tự có hoặc huy động trên thị trường vốn.
* Tới đây, NH Nhà nước có biện pháp nào ngăn cuộc đua lãi suất trong hệ thống NH?
- Sau ngày 7-9-2011, NH Nhà nước đã xử lý quyết liệt hơn với nhiều giải pháp khác nhau, cũng đã xử lý được một số trường hợp. Đến nay, chúng tôi nhận thấy và theo nhiều thông tin phản ánh, việc vi phạm trần lãi suất lại bắt đầu rộ lên. Do vậy đòi hỏi công tác thanh tra giám sát, xử lý của NH Nhà nước trong năm 2012 quyết liệt hơn nữa. Chúng tôi đã xây dựng chương trình thanh tra của NH Nhà nước, trong đó có nội dung rất quan trọng là chống cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống NH, đặc biệt cạnh tranh bằng lãi suất.
* Cơ chế quản lý buông lỏng, lập NH quá nhiều, cho vay bất động sản không kiểm soát. Xin hỏi thống đốc có phải có nhóm lợi ích chi phối hoạt động?
- Có lợi ích nhóm trong hệ thống NH hay không, nếu trên góc độ vĩ mô toàn hệ thống, tôi xin nói là không, còn dưới góc độ một vài NH thì có. Lợi ích nhóm ở đây là lợi ích của các cổ đông lớn của NH đó mà đúng ra NH phải phục vụ lợi ích đại chúng.
Trên góc độ vĩ mô toàn bộ hệ thống NH, không có chuyện vì lợi ích nhóm nào đó mà phải cho vay bất động sản... Đối với một nền kinh tế của một nước đang phát triển như VN, thị trường bất động sản luôn đóng vai trò rất quan trọng. Nếu thị trường này được quản lý hợp lý sẽ là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng ngược lại, nếu thiếu kiểm soát, để thị trường phát triển bất hợp lý, nó sẽ gây ra bất ổn cho nền kinh tế...Trong năm qua, chúng ta có một số biện pháp hạn chế nhất định để “giảm nhiệt” sự tăng trưởng nóng, hay giá quá cao của thị trường bất động sản để đưa nó về mức độ hợp lý. Trước ý kiến cho rằng làm như vậy có nguy cơ khiến thị trường sụp đổ, tôi khẳng định rằng không thể làm nó sụp đổ được. Chúng ta chỉ đưa thị trường về mức độ phát triển hợp lý hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận