09/01/2012 08:13 GMT+7

Nỗi lo an toàn bữa ăn

Ông Nguyễn Công Khẩn (cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm)
Ông Nguyễn Công Khẩn (cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm)

TT - “Tết này nếu có hỏi tôi là có yên tâm về chất lượng thực phẩm, tôi khẳng định là yên tâm hơn, nhưng thú thật là chưa yên tâm hẳn”. Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Công Khẩn cho biết như vậy. Ông Khẩn nói:

xivLofWN.jpgPhóng to
Ảnh: L.A.

"Trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến thịt thương phẩm, rau thương phẩm, nhưng giờ thì phải quan tâm đến cả giống, phân bón, quy trình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến"

- Năm nay, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm được tổ chức sớm vào dịp tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Ông Nguyễn Công Khẩn nói tiếp:

- Hiện mười đoàn thanh tra liên ngành đang đi 21 địa phương trọng điểm về vấn đề vệ sinh thực phẩm. Nhưng quan trọng nhất là đã có rất nhiều cơ quan, ban ngành vào cuộc, nhất là vai trò của cơ quan công an. Còn vai trò của chúng tôi, hầu hết các vụ việc phát hiện được tại Hà Nội, TP.HCM... vừa qua đều bắt nguồn từ cảnh báo của ngành y tế. Tết này như vậy.

Còn về lâu dài chúng tôi đã xây dựng và trình Chính phủ đề án cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ. Chính phủ cũng đã ký ban hành chiến lược quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm đến năm 2020 do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng bản thảo.

* Cuối năm 2011, TP.HCM bắt nhiều xe thịt heo bẩn, tồn dư hóa chất tăng trưởng. Hà Nội phát hiện kho hàng đông lạnh chứa thực phẩm hết hạn khiến người dân rất lo...

- Theo tôi, nhiều vụ được phát hiện nghĩa là cơ quan chức năng đã vào cuộc, công khai vi phạm, nhất là những vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực thực phẩm như giả mạo về chất lượng, phù phép hàng quá hạn thành hàng mới về... Tất nhiên, tôi cũng công nhận trong kinh doanh thực phẩm, nhiều vấn đề còn tồn tại về chất lượng, vệ sinh thực phẩm.

* Luật an toàn thực phẩm có hiệu lực từ tháng 7-2011 nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn. Ba bộ được giao quản lý bữa ăn người dân là Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương chưa phối hợp được. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc kiểm soát chất lượng thực phẩm?

- Tôi cho rằng từ khi có luật, sự tham gia của các ngành được phân công tích cực hơn. Ví dụ như vụ giả mạo thịt bò Kobe vừa rồi, cơ quan thú y vào cuộc rất nhanh. Riêng về dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện luật thì mọi việc đã hoàn tất, đang chờ Chính phủ phê duyệt.

* Theo quy trình mới, vi phạm nghiêm trọng liên quan đến thực phẩm phải công khai ngay. Nhưng thực tế công khai cho người dân biết về bữa ăn của họ còn rất gian nan, vi phạm bị giấu giếm. Ông có nhận thấy điều này?

- Công khai vi phạm so với trước đã khá hơn, nhưng công khai rộng rãi vi phạm thì còn khó khăn ở nhiều địa phương, quả thật còn tâm lý xuê xoa, bao che. Ngay cả ở các đơn vị chuyên môn cũng còn tâm lý ngại công khai vi phạm. Từ năm 2012 này, những vi phạm nghiêm trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ công khai ngay, không chờ đến khi họ không khắc phục sai phạm mới công khai như trước. Sau này sẽ có quy định rõ, ví dụ đăng báo về vi phạm của cơ sở thì đăng mấy lần, chứ không chỉ đăng tải trên website của cục.

* 3/4 vi phạm về vệ sinh thực phẩm ở quận huyện, xã phường chỉ được xử lý bằng nhắc nhở, người vi phạm “nhờn”. Nhưng ngay ở Cục An toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan đầu mối an toàn thực phẩm vẫn còn những giấy phép cấp dễ dãi, chẳng hạn như có loại nước khoáng được ghi trên nhãn là uống tăng trí nhớ... Ông giải thích ra sao về vấn đề này?

- Tôi không cầm trong tay thống kê vi phạm quảng cáo thực phẩm, nhưng khẳng định là số lượng quyết định xử phạt vi phạm về vệ sinh, an toàn, quảng cáo thực phẩm được ký hằng ngày. Các vi phạm này cũng được cập nhật thường xuyên để công bố trên website của cục. Quy chế hiện nay là nhà sản xuất công bố tiêu chuẩn sản phẩm, cơ quan chức trách hậu kiểm chất lượng. Tuy nhiên, không có nước nào kiểm tra được hết tất cả sản phẩm ra thị trường, chỉ có kiểm tra thông qua hệ thống quản lý chất lượng.

* Ông có cho là tết này người dân có thể yên tâm về an toàn thực phẩm?

- Chỉ có thể yên tâm tuyệt đối khi từng gia đình, từng cộng đồng đều có thói quen ăn uống vệ sinh, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

* Tết mà chưa yên tâm hẳn với thực phẩm, theo ông, nên chú ý vào loại mặt hàng nào?

- Gia cầm và thịt, chú ý mua hàng ở cơ sở có nguồn gốc xuất xứ, có uy tín. Tiếp theo là rượu, bánh kẹo, phụ gia... thì chú ý xem nhãn mác, tránh mua hàng giả, hàng nhái, rượu pha cồn công nghiệp uống vào nguy hại đến tính mạng. Gia vị vừa rồi đã thu giữ 10 tấn ớt bột có nhiễm chất nhuộm màu độc hại Rhodamin B, cơ sở sản xuất sẽ bị buộc tiêu hủy hàng hóa, riêng chi phí chôn lấp toàn bộ số ớt độc hại cũng mất khoảng 800 triệu đồng. Phạt thật nặng như vậy thì mới mong họ sợ, làm ăn thật thà hơn.

Hàng hết “đát” vẫn được tiêu thụ

ZpHCZHVD.jpgPhóng to
Cá ba sa được ướp hóa chất bảo quản tại một cơ sở ở chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THANH

Ngày 29-12-2011, đội quản lý thị trường (QLTT) số 7 cùng với Công an Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện trong kho của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bách Hợp (Long Biên, Hà Nội) một khối lượng lớn thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Cơ quan chức năng cũng đã thu được ba chiếc máy dùng để cắt thịt, xúc xích, đóng bao và gần 30.000 bao bì hàng hóa các loại.

Nếu không bị phát hiện kịp thời, số hàng hóa (gồm hơn 4.000 thùng bánh kẹo, hoa quả sấy khô, hơn 4 tấn thịt, phômai, 600 túi cá, xúc xích) không còn sử dụng an toàn có thể được “biến hóa” thành thực phẩm mới tinh nhờ công nghệ xóa “đát”, được bán ra thị trường.

Trước đó, đội QLTT số 11 đã phát hiện một container chứa đến 20,8 tấn chân, đuôi, nội tạng bò đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi, chuẩn bị đưa đến các quán ăn của Hà Nội để tiêu thụ.

Thống kê của Chi cục QLTT Hà Nội cho thấy 53 cuộc kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm trong tháng 12-2011 đã phát hiện đủ loại vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm từ rượu giả, kém chất lượng đến thịt heo không nguồn gốc, gà chưa qua kiểm dịch, nội tạng động vật, nầm lợn, tràng lợn hôi thối, bốc mùi đang trên hành trình “làm sạch hóa”, biến thành “thực phẩm tươi” đưa đến chợ và len vào bữa ăn gia đình.

Ông Nguyễn Công Khẩn cho biết rất khó phân biệt thịt bẩn với thịt sạch bằng mắt thường, mà chỉ có thể kiểm soát thông qua nguồn gốc và vệ sinh ở khâu giết mổ. Tuy nhiên ngay tại Hà Nội, đến giữa năm 2011 mới có trên 3% thịt tiêu thụ hằng ngày được cung cấp từ các lò mổ công nghiệp, đảm bảo vệ sinh.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các đợt kiểm tra gần đây cũng cho thấy 80-100% mẫu ớt không có nhãn mác đều có chứa chất nhuộm màu độc hại Rhodamin B. Các mẫu ớt có tem nhãn, tỉ lệ nhiễm Rhodamin B có thấp hơn nhưng vẫn phát hiện mẫu có Rhodamin B.

Ông Nguyễn Công Khẩn (cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên