29/11/2011 07:43 GMT+7

Mổ xẻ vấn nạn giao thông

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giảm 10% số vụ tai nạn giao thông và số người chết (chỉ tiêu của Quốc hội là 5-10%). Giải pháp là chống tiêu cực trong đăng kiểm, khắc phục “điểm đen” giao thông, tăng xử phạt tài xế và chủ xe vi phạm, đình chỉ cơ sở đào tạo lái xe vi phạm...

98xNZYwi.jpgPhóng to
Giao thông hỗn loạn do xe phải tránh ổ voi (ảnh chụp cuối tháng 10-2011 trên quốc lộ 14 đoạn qua TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - Ảnh: Thái Bá Dũng

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những tồn tại trong công tác trật tự an toàn giao thông còn rất lớn, số người chết còn nhiều. Hơn một tháng nữa hết năm 2011, số người chết chắc sẽ tăng lên. Nguyên nhân của tồn tại là nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về an toàn giao thông còn chưa đúng tầm, chưa đáp ứng được yêu cầu nên biện pháp đưa ra chưa đồng bộ, thường xuyên, liên tục.

Quản lý yếu kém

"Nếu Chính phủ cho phép tịch thu tất cả xe đua, tôi dám chắc Hà Nội sẽ không còn đua xe nữa"

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (giám đốc Công an Hà Nội)

Đánh giá về thực hiện nghị quyết của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ ra những hạn chế cần phải sớm giải quyết như: chưa tiến hành di dời các cơ sở giáo dục, y tế đông người ra khỏi nội thành; xây dựng nhiều nhà cao tầng thay thế nhà thấp tầng ở khu vực có mật độ dân số cao; dự án tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông đô thị chậm tiến độ, gây điểm nghẽn trong giao thông đô thị.

Đó là chưa kể quy hoạch và phát triển giao thông chưa thật sự gắn liền với sự phát triển đô thị; nhiều khu đô thị mới không có hạ tầng dành cho vận tải khách công cộng, thiếu điểm đỗ xe; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn diễn ra thường xuyên. “Điều này thể hiện sự yếu kém của chính quyền đô thị trong quản lý nhà nước” - ông Thăng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, cần siết lại hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ôtô, 80% số vụ tai nạn đường bộ đặc biệt nghiêm trọng vừa qua là do xe khách gây ra. Bộ GTVT cần lập những doanh nghiệp mạnh đảm đương trách nhiệm vận tải hành khách bằng ôtô trên các tuyến đường dài để quản lý chặt chẽ hơn. Ông Quang cũng đề nghị chế tài mạnh chủ xe khi để xảy ra tai nạn.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong 10 tháng đầu năm 2011 toàn quốc xảy ra 11.036 vụ tai nạn, làm chết 9.265 người và bị thương 8.379 người. So với cùng kỳ năm 2010 giảm được 181 vụ (giảm 1,61%), giảm 118 người chết (giảm 1,26%), tăng 214 người bị thương (tăng 2,62%). Tuy nhiên, trong khi tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu giảm thì đường sắt lại tăng cả số vụ, số người chết và bị thương.

Ông Trần Đại Quang còn đề nghị nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ông Quang nói trong thực tế việc can thiệp công tác xử phạt vẫn xảy ra nhiều, có khi xảy ra một vụ việc nhưng có nhiều cuộc điện thoại can thiệp. “Năm 2010-2011, chúng tôi xử 255 cán bộ chiến sĩ có sai phạm. Tháng 9-2011, qua phóng sự về mãi lộ của CSGT trên báo Tuổi Trẻ, chúng tôi cũng công khai xử lý, khởi tố vụ án, bắt một trường hợp và xử lý nhiều trường hợp khác. Vụ việc sẽ được điều tra xử lý tiếp” - ông Quang cho biết thêm.

PqjNommt.jpgPhóng to
Giao thông lộn xộn ở Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân gây ách tắc kéo dài (ảnh chụp lúc 17g ngày 28-11 trên đường Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: N.Khánh

Phạt phải đủ liều

Đề cập đến vấn đề vi phạm giao thông, trung tướng Phạm Quý Ngọ - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng thời gian qua việc xử phạt chưa đủ liều về cả mức độ và tính thường xuyên. Theo ông Ngọ, cần tăng cường xử lý hình sự, tránh thỏa thuận, dàn xếp giữa người vi phạm với nạn nhân để hưởng mức phạt nhẹ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng khó xử lý hình sự các đối tượng đua xe khi quy định chủ yếu là xử lý hành chính. Khác với quan điểm này, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - giám đốc Công an Hà Nội - phân tích cho thấy Hà Nội đã áp dụng tội gây rối trật tự công cộng để xử lý hình sự các đối tượng đua xe. Theo ông Nhanh, việc xử lý đua xe phải làm quyết liệt và Hà Nội giao cho cảnh sát cơ động đảm nhiệm, phối hợp CSGT và cảnh sát hình sự để xử lý triệt để.

Tuy nhiên về quy định tịch thu xe đua, ông Nhanh nói vẫn còn vướng pháp luật. Ông Nhanh cũng không đồng tình với lãnh đạo của hai thành phố Hà Nội và TP.HCM về chuyện lo ngại đụng chạm đến cuộc sống của người nghèo khi xử lý lấn chiếm vỉa hè. Ông Nhanh thẳng thắn: “Nói vỉa hè dành cho người nghèo làm ăn, mưu sinh cũng đúng. Nhưng nếu để tràn hết ra vỉa hè thì không còn lối cho người đi bộ nữa. Người nghèo có nhiều chính sách để hỗ trợ, còn vỉa hè nên trả cho người đi bộ, đảm bảo thông thoáng giao thông”.

Khó giãn dân để giảm ùn tắc

Liên quan đến việc giãn mật độ dân cư nội thành, lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM đều bày tỏ khó khăn trong việc này. Theo ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP.HCM, muốn kéo giãn dân cư phải làm đường vành đai, xây dựng đô thị vệ tinh nhưng thực hiện lại rất khó. Thực tế ở TP.HCM, khi xây được đô thị vệ tinh thì chủ yếu người nhập cư về ở trong đô thị đó. Với mong muốn giảm mật độ dân cư, giao thông trong nội ô, ông Nguyễn Hữu Tín đề nghị Chính phủ hỗ trợ việc di dời các trường đại học, bệnh viện, cảng biển ở TP.HCM.

Còn ông Nguyễn Thế Thảo - chủ tịch UBND TP Hà Nội - tỏ ra nghi ngại về tình trạng di dời trụ sở bộ ngành ra khỏi nội ô sẽ dẫn đến tình trạng khu đất của trụ sở đã di dời lại biến thành nhà cao tầng, căn hộ chung cư, làm tăng thêm mật độ dân cư nội ô. Ông Thảo nêu ra một thực tế là chưa có bộ ngành nào di dời mà nhường đất trụ sở lại cho thành phố phát triển hạ tầng công cộng.

Liên quan đến chất lượng công trình giao thông, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị trong việc để xảy ra hư hỏng trên mặt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Theo ông Thăng, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã kiểm tra làm rõ hư hỏng mặt cầu Thăng Long để xác định nguyên nhân cụ thể sự cố do vật liệu, công nghệ hay thi công.

Mặt khác, sẽ kiểm tra làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm về việc bêtông nhựa phủ mặt cầu Thanh Trì bị lún, lõm; kiểm tra, đánh giá chất lượng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương phải xem việc kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông là trách nhiệm hàng đầu. Cần phải có nhận thức khi có sự cố xảy ra chủ tịch xã phải mất chức, chủ tịch huyện phải cảnh cáo, chủ tịch tỉnh phải khiển trách. Theo Phó thủ tướng, ngoài các biện pháp tổng thể của Chính phủ, các bộ ngành, cần phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phát động tới từng xã phường, đưa văn hóa giao thông vào từng khu dân cư.

Đối với việc thực hiện mục tiêu giảm 5-10% số vụ tai nạn, người chết, bị thương theo nghị quyết của Quốc hội, Phó thủ tướng đề nghị phấn đấu giảm 10%. Theo Phó thủ tướng, một số giải pháp cấp bách cần làm ngay là nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước, chống tiêu cực trong đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; khắc phục nhanh các “điểm đen”; lập lại kỷ cương đường phố; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật...

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng tình với đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm, đình chỉ cơ sở đào tạo lái xe có nhiều tài xế vi phạm, xử lý cả tài xế và chủ xe khi vi phạm... Phó thủ tướng yêu cầu sau hội nghị, các bộ ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch và sớm triển khai thực hiện quyết liệt “Năm an toàn giao thông 2012”. Yêu cầu UBND TP Hà Nội áp dụng biện pháp giãn giờ học, giờ làm từ ngày 1-1-2012, TP.HCM tiếp tục xây dựng phương án trên trình Chính phủ...

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên